Giáo sư Ngô Gia Hy: Nặng nợ vì một cõi nhân sinh
Mỗi công trình một tấm lòng
Làng Tam Sơn (Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề dệt lụa và cũng là một làng khoa bảng, nơi ấy cậu bé Ngô Gia Hy ra đời. Mẹ mất sớm vì một khối u.
Cha là cụ Ngô Gia Lễ, vị quan bất đắc chí, giản dị, thương dân, sống rất mực thước, luôn mong con mình theo nghề y để cứu người... Vậy là cậu bé Ngô Gia Hy băn khoăn, ray rứt suốt cuộc đời về nỗi đau trong bệnh tật của con người.
Nhìn lại bề dày thời gian làm việc, với 20 đề tài và 140 công trình nghiên cứu khoa học, mới thấy ông cùng nhiều cộng sự trẻ đã lao động miệt mài liên tục năm này sang năm khác- cả trong những năm tháng thiếu thốn, khó khăn nhất- như thế nào: từ phẫu thuật bảo tồn lao thận (1961), nghiên cứu bướu ác bọng đái tại miền Nam VN (1962), đến đưa ra các phương pháp cầm máu trong cắt bỏ bướu lành tiền liệt tuyến (1969); từ phẫu thuật tạo hình bọng đái (1958-1962), phẫu thuật tạo hình niệu sinh dục (1966)... đến những biến chứng niệu trong ung thư cổ tử cung, tai biến đường tiểu trong phẫu thuật và thủ thuật sản phụ khoa (1962-1971), những can thiệp khẩn cấp vào hệ sinh dục trên người nhiều tuổi (1990)...
Bệnh hiếm muộn và vô sinh nam cũng được ông nghiên cứu từ năm 1965...
Từ tháng 3-1988 giáo sư được giao chỉ đạo chuyên môn trong êkip mổ tách đôi Việt - Đức. Một êkip được huy động đến 70 bác sĩ (BS) và các nhà chuyên môn giỏi từ nhiều đơn vị y tế khác nhau.
Sau ca mổ, BS Trần Đông A phát biểu: “Tập thể mổ đã tiên đoán đúng cấu trúc sinh học của Việt - Đức tới 90%, 10% ngoài tiên đoán, đó là sự xuất hiện một tĩnh mạch trên đường tách đôi và nó đã được xử lý nhanh đúng theo chỉ thị tại chỗ của GS Ngô Gia Hy...” .
Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn dành phần lớn thời gian để sâu sát, thúc đẩy học trò mình nắm bắt những thành tựu trên thế giới, ứng dụng những kỹ thuật cao trong điều trị, như nội soi điều trị các loại bướu tiền liệt tuyến, tán và lấy sỏi niệu quản qua da, tạo hình bọng đái bằng ruột non...
Là người thầy, ông không chỉ mong bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, mà còn phải tiếp nối giữ mãi cái tinh khiết của màu áo trắng. Giáo sư là người rất kiên trì nói về y đức, viết về y đức và đòi hỏi thầy thuốc phải có y đức.
Ông bảo rằng y học có khả năng xây dựng thiên đàng vì có thể chữa hết bệnh, cứu sống người, mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình.
Nhưng y học cũng có khả năng tạo ra... địa ngục.Vì nếu không cẩn thận, thầy thuốc có thể làm người bệnh chết oan, mổ xẻ có thể để lại di chứng hoặc khiến bệnh nhân phải mang tật suốt đời. Và ông rất buồn khi chứng kiến đạo đức nghề y ngày càng sa sút.
Ông nói: “Trước mắt thầy thuốc hiện nay có tới 2-3 loại bệnh nhân khác nhau: người giàu, người nghèo, vô gia cư, tất nhiên họ được đối xử khác nhau. Có bác sĩ cứ lo chăm chút phòng mạch tư, kéo bệnh nhân từ BV về phòng mạch tư, bệnh nhân chưa mổ đã phong bì, mổ xong lại tiếp tục phong bì, suy bì tranh nhau từng ca mổ, chao đảo bởi công ty dược... Cái trí bâng khuâng, cái tâm xao động thì làm sao giữ được y đức?”.
Giữa năm 2003, giá thuốc tăng đột biến, ông lại gọi tôi đến và phân tích cho thấy rằng giá thuốc tăng là tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực và do sự khuynh đảo của các công ty độc quyền. Rồi ông đề nghị hãy mổ xẻ và cắt bỏ tận gốc cái ung nhọt ấy đi.
Bức xúc vì quĩ bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư đến hơn 2.000 tỉ đồng, ông nói: “Trong dịp tết cách đây khoảng chục năm, cụ Đỗ Mười, BS Dương Quang Trung... có ghé nhà, tôi có trình bày về BHYT ở một số nước. Đáng lý chúng ta phải cử người đi nghiên cứu rồi đề xuất phù hợp với tình trạng kinh tế, xã hội của đất nước, cốt để khi người ta đóng BHYT thì có quyền đi khám bất cứ nơi nào trên cả nước, ở y tế công hay tư cũng được và phải được điều trị tốt. BHYT phải là đòn bẩy để đảm bảo y đức, bênh vực quyền lợi cả bệnh nhân và thầy thuốc; còn BHYT mình làm sai rồi”.
Chắt chiu từng đốm lửa...
Tháng 10-2003, khi đề án tăng học phí chỉ mới là dự thảo thì hàng loạt trường đại học ngoài công lập đã vội vã đẩy học phí lên đến mức chóng mặt. Ông lại bức xúc: “Vì sự nghiệp giáo dục hay kinh doanh lấy lời? Đừng biến giáo dục thành nhà buôn. Thầy buồn quá! Biết bao nhân lực và cả nhân tài đã bị mất”.
Đầu năm học 2003-2004, tôi có dịp dự buổi giáo sư đứng lớp với trên 30 tân sinh viên. Bài giảng đầu tiên của giáo sư là “Nhân cách trong đào tạo, phương pháp học và nghiên cứu khoa học tại đại học”. Ông yêu cầu mỗi bạn trẻ tự nghiệm lại xem trong 12 năm qua mình có từng quay cóp hay không! “Quay cóp hiện đã trở thành quốc nạn rồi”. Ra về, ông bước không vững xuống từng bậc thang... Tuổi 90, ông vẫn lặng lẽ chắt chiu từng đốm lửa trong mỗi tâm hồn.
Trong các thế hệ học trò của ông, có nhiều người đã là phó giáo sư, tiến sĩ... giữ trọng trách ở các BV, lớn. Tôi hiểu vì sao ông tận tụy chắt chiu từng đốm lửa trong tâm hồn ấy để cùng tiếp nối cái nghiệp cứu người.
Tại phòng làm việc của ông đầy ắp sách trong và ngoài nước, từ y học, khoa học, văn học, xã hội, lịch sử VN và các nước... Từ năm 1960, ông đã bắt đầu sưu tập tem. Hàng ngàn con tem được xếp và đóng thành tập theo từng chuyên đề: thuyền buồm, hoa, hoa lan, kỳ quan, di sản thế giới, những nhân vật văn học, hội họa...
Ông đi tìm nguồn gốc của y đức qua các lời thề và di huấn ở các nước trên thế giới và tại VN từ xa xưa cho đến ngày nay để hệ thống hóa lại bổn phận của người thầy thuốc.
Ông bảo rằng y đức không thể cứ nói suông nữa, mà đã đến lúc phải ban hành nghĩa vụ luật. Dự thảo nghĩa vụ luật đã được ông soạn thảo và chỉnh sửa nhiều lần, rồi tự đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng, trong đó có bác sĩ là đại biểu Quốc hội - từng là học trò của ông. Nhưng không ai trả lời.
Ông còn rất nhiều hoài bão mà đến cuối đời vẫn chưa thực hiện được. Ngẫm lại câu thơ của ông “Tát sao khô bể nạn trầm luân”, mới thấy cõi nhân sinh với ông sao mà nặng nợ!
Tôi có cái thất bại này: hồi mới vào nghề có đứa cháu, con của người bạn, chơi sao đó mà bị gãy mất ngón tay, đưa vào cho tôi mổ. Lẽ ra tôi phải gắn cho nó liền lại thì tôi lại không làm thế mà vứt nó đi, nên đứa cháu thành bị cụt mất nửa đốt tay. Giờ thỉnh thoảng vẫn gặp nó đấy, nó hay đến nhà chơi, nó cười mà mình cứ nghĩ: “Sao không giữ lại mà bỏ đi?”. Giờ không làm sao được. Lần khác tôi mổ cho một bà bị bệnh gì đó nay không nhớ nữa mà bỏ quên miếng gạc trong bụng. Hôm sau nhớ ra phải làm lại, may mà không việc gì. Những chuyện đó khiến tôi suy nghĩ: “Đâu thể thế, phải học thêm, học thêm nữa mới được”. Tôi là học trò của GS Tôn Thất Tùng. Ngay từ sinh viên năm 1 tôi được ông dạy môn giải phẫu học. Ông truyền dạy chúng tôi tính cẩn thận, nhất là săn sóc bệnh nhân. Ông bảo còn trẻ thì cần luôn nghĩ hướng để vươn tới. Sau này, tôi cũng hay nói với học trò của mình cần có nhiều tham vọng, không tham vọng thì không thể thành công được. Bằng lòng với số phận của mình thì xem như hết, không thể thành công, không làm được sự nghiệp gì lớn”. |
Nguồn: ykhoanet.com