Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 17/04/2008 00:16 (GMT+7)

Giáo sư Hoàng Minh Giám - Nhà trí thức yêu nước tiêu biểu có học vấn uyên bác

Trong lời chia buồn khi Giáo sư mất, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đánh giá cao công lao của Giáo sư: “Một nhà giáo yêu nước đã tham gia phong trào từ những ngày đầu cách mạng. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Cụ đã có nhiều đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực: văn hoá, giáo dục, nội vụ, ngoại giao. Cụ là một đại biểu xuất sắc góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tăng cường tình hữu nghị với nhân dân thế giới” (1).

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4 - 11 - 1904, tại làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thân sinh của Giáo sư là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một trong những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, hoạt động tích cực chống chủ nghĩa thực dân, nên đã bị nhà cầm quyền Pháp kết án tù biệt xứ, sau đó, đưa về Huế quản thúc. Giáo sư là cháu ngoại của cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư dưới triều Thành Thái.Giáo sư đã học ở trường Tiểu học Đông Ba (1913 - 1917), Trường Quốc học Huế (1917 - 1921), Trường Bưởi (1921 - 1923) và Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội (1923 - 1926). Khi còn là sinh viên Trường Cao Đăng Sư phạm Hà Nội, Giáo sư đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của học sinh, sinh viên, biểu tình bãi khoá, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1926, Giáo sư dạy học tại Trường Sisovath ở Phnôm Pênh. Do bài viết cho một tờ báo tiến bộ, Giáo sư bị cách chức, phải về Sài Gòn dạy ở một trường tư thục. Tại đây, Giáo sư là cộng tác viên đắc lực của báo La Cloche Félée (tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh và báo L’Annam (Nước Nam ) của Phan Văn Trường xuất bản bằng tiếng Pháp. Những bài viết của Giáo sư đã phản ánh hiện thực xã hội, lên án chế độ cai trị đương thời. Nhà cầm quyền Pháp buộc Giáo sư phải rời Sài Gòn. Năm 1932, Giáo sư trở về Hà Nội dạy tại trường Gia Long (1932 - 1933).

Năm 1934, Giáo sư đã cùng với Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Bá Húc, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện... thành lập trường Thăng Long do chính Giáo sư Hoàng Minh Giám là hiệu trưởng. Trường Thăng Long đã tập hợp được nhiều thầy giáolà những trí thức yêu nước như cụ Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Đình Hoè, Phan Anh, Nguyễn Lân, Phạm Huy Thông, Lê Thị Xuyến...

Vào thời kỳ Mặt trận bình dân thắng lợi, Giáo sư đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp ở miền Bắc Đông Dương.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Giáo sư giữ chức Đồng lý Văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời của nước ta (8 - 1945 đến 2 - 1946). Trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6 - 1 - 1946, Giáo sư được bầu làm Uỷ viên Ban Thường trục Quốc hội khoá I và liên tục được bầu vào Quốc hội cho đến khoá VII (1987).

Tháng 2 - 1946, Giáo sư là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng thời trợ lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giao thiệp với đại diện Pháp, góp phần đáng kể để đi đến Hiệp định sơ bộ 6 - 3 - 1946. Giáo sư là thành viên phái đoàn Chính phủ ta dự Hội nghị Fontainebleau , Pháp (6 - 7 đến 14 - 9 - 1946). Sau đó, Giáo sư được cử làm trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ ta tại Pháp. Giáo sư là người trực tiếp giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết Tạm ước Việt - Pháp ngày 14 - 9 - 1946.

Tháng 11 - 1946, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư trở về nước và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (Bộ trưởng là Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tháng 3 - 1947, Giáo sư đảm đương trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1954.

Năm 1946, Giáo sư là một trong những người sáng lập Đảng Xã hội Việt Nam . Tháng 7 - 1947, Giáo sư được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam và được cử làm Phó Tổng thư ký Trung ương Đảng này từ năm 1956.

Ngày 8 - 6 - 1950, Giáo sư được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam(tức Đảng Cộng sản Việt Nam ).

Tháng 8 - 1954, Giáo sư được cử làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền.

Tháng 9 - 1955, Bộ Tuyên truyền đổi thành Bộ Văn hoá, Giáo sư trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hoá cho đến tháng 6 - 1976. Giáo sư còn là Hiệu trưởng Trường Đại học Nhân dân khoá I.

Trong gần 22 năm làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá (8 - 1954 đến 6 - 1976), Giáo sư Hoàng Minh Giám đã cùng các Thứ trưởng có tài năng như Tố Hữu, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Lê Liêm, Nguyễn Đức Quỳ... xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc.

Nhạc sĩ Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá sau này, đã viết về Bộ trưởng Bộ Văn hoá đầu tiên của nước ta: “Anh là người đặt nền cho hoạt động ngành văn hoá - thông tin sau này dưới ánh sáng của Đảng. Giới văn hoá cả nước thường gọi là người “Anh cả” nhân hậu, giàu tình thương, uyên thâm trong xử thế và tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết toàn ngành ... Xin nguyện học tập theo gương Anh, sống - chiến đấu - làm việc - xử thế với tinh thần người cộng sản, mà lợi ích duy nhất là vì nhân dân, vì đất nước” (2).

Tháng 6 - 1976, Giáo sư Hoàng Minh Giám được Quốc hội khoá VI cử làm Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

Từ Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Namlần thứ I (1955), Giáo sư liên tục được cử là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến năm 1976.

Tháng 1 - 1977, tại Đại hội thống nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Giáo sư được cử vào Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và liên tục giữ cương vị này cho đến đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 4, Giáo sư được cử làm Uỷ viên danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Minh Giám còn là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước của Việt Nam ...

Ghi nhận những công lao to lớn của Giáo sư đối với nhân dân và đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Giáo sư: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Giáo sư Hoàng Minh Giám mất ngày 12 - 11 - 1995, tại Hà Nội thọ 91 tuổi.

Chú thích

(1) (2) Hoàng Minh Giám - con người và lịch sử - Nxb Lao Động Hà Nội - 1995.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.