Giải thưởng Đào Tấn: Tôn vinh những người hoạt động văn hoá dân tộc
- Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc ở nhiều nước trên thế giới, xin GS cho biết việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc ở Việt Nam có gì khác so với các nước?
GS Trần Văn Khê:Tôi đi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới nhưng sống và làm việc chủ yếu ở Pháp. Ở Pháp, nhà nước luôn bỏ tiền tài trợ hàng năm để những môn nghệ thuật dân tộc, hoạt động văn hoá dân tộc có kinh phí triển khai. Còn ở Việt Nam , việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc không chỉ chờ nhà nước mà có nhiều cá nhân tham gia. Họ tự mày mò để chế tác nhạc cụ dân tộc hay nghiên cứu về văn hoá dân tộc. Đó là điều hết sức quý báu mà chúng ta phải ghi nhận và tôn vinh. Đó chính là lý do để giải thưởng Đào Tấn ra đời. Giá trị vật chất mỗi giải thưởng có thể không lớn, chỉ mang tính tượng trưng nhưng giá trị tinh thần thì lại rất lớn, động viên những người đang làm việc âm thầm bền bỉ tự tin với con đường đã chọn.
- Là thành viên và cũng là ban giám khảo của nhiều giải thưởng quốc tế, hẳn ông có rất nhiều kinh nghiệm để bình xét giải thưởng Đào Tấn?
Chính âm nhạc dân tộc Việt Nam đã đưa đến cho tôi giải thưởng quốc tế như Koizumi Fomio (Nhật) năm 1995; giải thưởng Hàn lâm viện đĩa hát nhăm 1969 tại Đức và 1970 tại Pháp. Theo tôi biết, hầu hết các giải thưởng quốc tế chủ yếu mang tính tượng trưng. Nhưng điều đáng nói là giải thưởng sẽ mở ra một bước ngoặt mới cho hoạt động nghệ thuật của người được trao giải. Sau mấy chục năm ở nước ngoài, giờ tôi rất mong muốn được mang những kinh nghiệm, tài lực đã tích luỹ góp phần vào uy tín của giải thưởng Đào Tấn.
- Cơ cấu giải thưởng Đào Tấn như thế nào, thưa giáo sư?
Giải thưởng Đào Tấn sẽ được trao cho những đối tượng không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, quốc tịch…Nếu là người Việt Nam, nếu có những đóng góp xuất sắc cho việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc đều có thể được đề cử và xét trao giải. Cơ cấu giải thưởng gồm có 5 giải với 2 giải dành cho diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn, 2 giải dành cho nhà nghiên cứu, nhà quản lý, và 1 giải dành cho người đóng góp tiền của vào việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc. Hoạt động này sẽ được tổ chức 2 năm một lần với chủ trương tạo dựng một giải thưởng uy tín về lĩnh vực hoạt động văn hoá dân tộc thật uy tín.
- Dư luận cho rằng nhiều giải thưởng bây giờ mang tính chất cảm tính, “chia phần” cho những người thân quen, mang tính phong trào. Làm thế nào để giải thưởng Đào Tấn tránh được điều đó và trở thành một giải thưởng uy tín?
Không thể có sự “cảm tính”, “chia phần” ở giải thưởng Đào Tấn. Bởi giá trị vật chất của giải thưởng - tức là cái “phần” ấy, chỉ mang tính chất tượng trưng. Điều căn bản của giải thưởng là sự công nhận công lao và tôn vinh những người có đóng góp tốt cho văn hoá dân tộc. Đã ghi nhận, đã tôn vinh thì phải xứng đáng - Những người trong hội đồng xét giải thưởng đều là những người đáng tin cậy, có hiểu biết rộng rãi về văn hoá dân tộc và có uy tín về sự công tâm. Hội đồng bình xét vừa qua đã họp và đề cử rất nghiêm túc, đã tranh luận thậm chí là cãi vã để quyết định ứng cử ai và loại bỏ ai. Những người được đề cử đều phải có thành tích và hồ sơ rõ ràng, Hội đồng bình xét sẽ căn cứ vào đó mà làm việc. Chính sự chặt chẽ, công minh của giải thưởng sẽ tạo nên uy tín của giải thưởng sau này.
Xin cám ơn giáo sư
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 86 (1804), ngày 28/10/2005, trang 12