Giai thoại và sự kiện lịch sử
Điều đó đã làm cho tập truyền đáng tin hơn và khi đọc nó, người đọc không cần phải kiểm chứng sự đúng đắn để tự hỏi điều đó có thật hay không. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến hai giai thoại đã được lưu truyền theo kiểu như thế, sự việc được kể là dưới thời nhà Nguyễn, đồng thời xem xét thử mức độ chính xác của nó đến đâu.
Câu chuyện thứ nhất là giai thoại lịch sử liên quan đến câu ca dao:
“ Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”
Về ý nghĩa của câu ca dao này, có người đã dựa vào một giai thoại để giải thích rằng nó liên quan với câu chuyện bi thương của một người phụ nữ tài sắc tên là Răm. Đó là vào năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang cả vợ con cùng đoàn tuỳ tùng của mình chạy ra Côn Sơn (Côn Đảo). Tại đây, ông đã lập nên ba làng là An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để chống lại Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gởi con cả là Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng. Nguyễn Ánh chẳng những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận nghi bà thông đồng với Tây Sơn nên định giết bà, nhưng nhờ quân sĩ can xin nên Nguyễn Ánh nhốt bà vào một hang đá trên đảo; về sau ngọn núi tại đây được gọi là núi Bà. Ít lâu sau, Nguyễn Ánh rời Côn Sơn, bấy giờ có một hoàng tử tên là Cải, còn có tên là Hoàng tử Hội An, con của bà Răm mới 4 tuổi đòi mẹ đi theo cùng. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, được dân làng mang chôn cất tử tế. Bà Phi Yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về chung sống với dân làng. Một lần, sau khi bị kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng…
Theo tác giả Đinh Văn Hạnh trong một bài viết trên báo Xưa và Naythì: “Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ và 18 hoàng tử, nhưng không thấy ai có tên là Răm hay Cải (Hội An) cả. Hơn nữa Nguyễn Ánh sinh năm 1762, năm 1775 theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Nam trước sự truy đuổi của quân Trịnh, lúc ấy Nguyễn Ánh mới chỉ là cậu bé 13 tuổi. Không có tài liệu nào nói Nguyễn Anh đem theo một bà vợ nào trong khi chạy trốn cả. Trong thời gian bôn tẩu, Nguyễn Ánh chưa ban tên thuỵ cho một ai, vì thế không thể có chuyện ông đã ban tên thuỵ là Phi Yến cho bà Răm được. Nhưng điều quan trọng hơn là tác giả Đinh Văn Hạnh đã chứng minh rằng Nguyễn Ánh chưa bao giờ đặt chân đến Côn Đảo, mặc dù sự kiện Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo đã được các nhà viết sử nhà Nguyễn chép lại nhưng lại ghi thêm là “chỉ nghe chép lại”.
Nghi ngờ về sự kiện lịch sử này ghi trongĐại Nam thực lụctừ những năm 40 của thế kỷ trước đã được tạp chí Tri Tânđặt ra tranh luận và giải quyết (số 67 – 7 October 1942)… Họ đã đưa ra được những chứng cứ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không liên quan gì đến Nguyễn Ánh cả. Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tâncũng chỉ là người đi sau. Sự nhầm lẫn của các sứ giả triều đình Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d’Annam, 1582 – 1820(Paris, Plon, 1919), rằng đảo Côn Lôn vốn chỉ được “nghe kể chép lại” trong Đại Nam thực lụcchính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên- Phú Quốc chứ không phải đảo Côn Lôn – Côn Đảo mà mọi người đã biết – đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự. Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không thể đủ sức chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà chưa một lần đến Côn Đảo…”.
“… Cũng cần nói thêm, nếu người dân Côn Đảo quý trọng bà Phi yến, căm ghét Nguyễn Ánh thì tại sao lại phải đặt tên ngọn núi cao nhất cho tên ông (là núi Chúa, đồng thời lại có cả núi Bà?...)”.
(Trích “Miếu Bà thờ ai?” Đinh Văn Hạnh, tạp chí Xưa và Nay,số 296, tr 26).
Như thế đã rõ, Nguyễn Ánh không có ai là vợ tên Răm, cũng không có con tên Cải, quan trọng nhất là ông ta chưa từng đặt chân đến Côn Đảo nên giai thoại lịch sử ở trên chắc chắn là một sự kiện không có thật.
Câu chuyện thứ hai là chuyện sứ đoàn của nhà Nguyễn sang Pháp năm 1863 do Đại học sĩ Phan Thanh Giản cầm đầu, lúc đó vì nước ta chưa có quốc kỳ mà chỉ có hoàng kỳ của hoàng gia, vì thế sứ đoàn Phan Thanh Giản phải lấy một cái khăn gói quả để làm lá cờ. Câu chuyện này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân thuật lại trong cuốn Chuyện cũ cố đô(mà ông ghi nguồn từ Việt Nam sử lược), sau đó tác giả viết lại trong cuốn: “ Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưaT6” (2003), tạp chí Kiến thức ngày naysố 448 (2003). Nội dung câu chuyện là:
“… Vào trung tuần tháng 8 – 1863, tàu đưa sứ đoàn sắp vào kênh Suez, viên Tây Aubaret đến trao đổi với sứ đoàn: Theo tập quán quốc tế, khi tàu của một sứ thần ngoại quốc đến một hải cảng nào thì ở đó phải bắn đến 19 phát súng lệnh để chào mừng và tàu của sứ thần phải thượng quốc kỳ của mình lên để đáp lễ. Vậy xin cụ cho thượng quốc kỳ Đại Nam lên vì tàu sắp vào kênh Suez.
Cho đến năm 1863, nước Đại Nam chưa có quốc kỳ. Lá cờ đuôi nheo thêu rồng là kỳ hiệu của nhà vua, sứ đoàn không được phép dùng. Cụ Phan mới họp sứ đoàn để bàn. Nhưng các cụ Thám hoa, Tiến sĩ nổi tiếng mưu lược thế mà chẳng có một ai nghĩ được một mưu chước gì để cấp tốc chế ra một lá cờ cho sứ đoàn. Thật nan giải. Bất ngờ một người theo hầu cụ Phan là Lương Doãn lên tiếng:
- Bẩm các cụ, nước ta không có quốc kỳ, mà việc này thì lại quá cấp bách. Con thấy chiếc khăn gói của cụ Chánh bằng lụa Kiều cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi rất đẹp. Con đề nghị các cụ tạm dùng cái khăn gói làm cờ, sau này về nước tâu lên Hoàng đế ngự tường!
Sáng kiến của Lương Doãn hay quá, các cụ chấp thuận ngay. Lá cờ khăn gói màu đỏ nhanh chóng được treo lên cột cờ tàu Europeen. Không ngờ chỉ một lát sau, Aubaret lại đến báo:
Lá cờ đỏ của sứ đoàn không dùng được vì nó giống với lá cờ của nước Ai Cập màu đỏ (ở giữa có chữ thập và ngôi sao trắng), sợ nước Ai Cập hiểu lầm.
Các cụ lại họp bàn. Sau một hồi trao đổi, để phân biệt với cờ nước Ai Cập, các cụ quyết định thêu lên lá cờ đỏ 4 chữ “Đại Nam khâm sứ” màu vàng. Các tay thợ thêu có mặt trong đoàn khẩn trương thực hiện quyết định của các cụ. Khi tàu Europeen vào kênh Suez, nghe 19 phát súng lớn nổ chào mừng, lá “quốc kỳ” màu đỏ thêu 4 chữ Đại Nam Khâm sứ được kéo lên hạ xuống nhiều lần để đáp lễ. Rất tuyệt.
Nhưng lá “quốc kỳ” ấy không giống ai nên sau khi sứ đoàn về, vua Tự Đức giải tán sứ đoàn, lá “quốc kỳ” khăn gói chỉ còn lưu lại trong nhật ký của sứ đoàn Phan Thanh Giản; KTNN số 448, tr 23).
![]() |
Trước hết phải nói ngay rằng, trong Việt Nam sử lượccủa Trần Trọng Kim không có một hàng nào đề cập đến chuyện trên cả! Vì “ câu chuyện chỉ được lưu lại trong nhật ký của sứ đoàn”, vậy ta thử mở nhật ký của đoàn để xem thử có hay không?
Tạp chí Những người bạn của cố đô Huếđã ghi chép về chuyến hải trình đó như sau:
“Sau gần hai tháng hải hành, ngày 17 – 8 – 1863 thuyền chở sứ đoàn vào cảng Suez. Cảng này thuộc nước Ai Cập, phía đông nam là châu Á. Phía tây bắc là Địa Trung Hải, cảng rộng độ 10 hải lý. Ngày 18 – 8 – 1863 chiếc tàu nhỏ của lãnh sự Suez đưa cho phó đại sứ Alexandre, ông Aloinghi đến sát tàu, họ mời đoàn xuống để lên đất liền. Vị chỉ huy ra lệnh cho quân đội dàn trên sàn tàu và hô 5 lần “ Hoàng đế vạn tuế”. Trên cột cờ chính, treo cờ của phái đoàn. Khi đến bờ, ông Lý A Nhi báo cho đoàn biết là hành trình của đoàn đều đã được báo trước cho các thành phố đoàn đi qua, từ Suez đến châu Âu. Họ chào mừng bằng những phát đại bác, và quy ước là đoàn sẽ đáp trả bằng cách kéo cờ của phái đoàn. Trong “Nhật ký đi Tây” ghi rõ: “Chúng tôi trả lời cho ông ấy là lá quốc kỳ” (Theo BAVH 1919, sđd tr 35). Sau khi xem xét, ông Lý A Nhi tỏ ý lo ngại vì lá cờ nước Đại Nam nhìn xa có thể nhầm lẫn với lá cờ của Ai Cập, vì thế Lý A Nhi đã đề nghị nêu ghi thêm chữ. Sau khi hội ý, đoàn cho thêu thêm trên cờ 4 chữ “Đại Nam Khâm sứ” ở cả hai mặt của lá cờ. Phía trước tàu treo cờ Ai Cập.
Đoàn đến bến đò, Thống đốc thành phố đứng đợi ở khách sạn. Ông báo cho đoàn biết, cuộc tiếp đón có chào bằng đại bác; nhưng do giờ đã quá muộn, nên xin khất lại ngày mai. Sáng hôm sau, đoàn lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình. Chính quyền địa phương đã bắn 19 phát đại bác để chào đưa tiễn đoàn lên đường đến Cairo, kinh đô của Ai Cập. Ngày 20 – 8 – 1863, đoàn được Hoàng đế Ai Cập tiếp kiến tại cung điện Arelolexide. Sau đó, đoàn đi tham quan cung điện trên bờ sông Nin…”.
Trên đây là nội dung được ghi lại trong tạp chí BAVH – 1919 có tựa là “ L’Ambassade de Phan Thanh Gian”, bài này chép từ “ Như Tây sứ trình nhật ký” (bản chép tay); còn dưới đây là tường thuật trong cuốn Tây hành nhật kýcủa cụ Phạm Phú Thứ:
“ Ngày mồng 5… lãnh sự ở Xu ết là Ết – vi – gia là Phó lãnh sự đi thuyền lửa nhỏ đế mời chúng tôi lên bộ. Các quan viên trên thuyền cho binh lính đứng sắp hàng ở chân cột buồm to hô lớn lời chúc 5 lần. Ở cột buồm giữa cửa thuyền, treo cờ Khâm sứ (đầu tiên, lúc sắp sửa đến cửa này, Lý A Nhi nói từ thành này đến phương Tây, nghe sứ bộ đi ngang qua, người ta đều bắn đại bác để chào đón, nên cần có lá cờ của sứ bộ để gặp dịp đó thì treo lên; chúng tôi nói chỉ hiện đem theo lá của nước ta. Lý A Nhi lấy xem rồi bảo các cờ hiệu quả nước Y - điệp (tức cờ Thổ Nhĩ Kỳ - vì Ai Cập bấy giờ là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ - TTT) cũng muộn màu này, sợ không phân biệt được, nên yêu cầu thêm chữ nước ta vào; sau khi bàn bạc, chúng tôi lấy lụa đỏ cắt làm 4 chữ “Đại Nam Khâm sứ” đính ở hai mặt cờ. Đầu thuyền, treo cờ hiệu của nước Y - điệp …) (sđd, tr 90).
Ngày 27 (9 – 9 – 1863), sứ đoàn đến vùng biển thuộc Pháp và tiến vào vịnh Toulon. Cờ của phái đoàn kéo lên ở giữa, phía sau lái là cờ của Pháp, phía trước là cờ tín hiệu (một lá cờ đỏ vuông và một hình tam giác đỏ, viền trắng). Sau đó thuyền tiến vào vịnh, thả neo. Trên bờ, một loạt 17 phát đại bác bắn lên (ở Pháp, theo luật bắn 21 phát vào ngày lễ lớn, 17 hoặc 19 là lễ thường). Trong cảng, lúc đó có khoảng 30 hay 40 tàu chiến. Chiều hôm đó, cựu giám đốc Hà Bá Lý (tức trung tá Aubaret) đến gặp đoàn trên tàu và nói rằng ông được cử làm đại diện để chào mừng đoàn đã đến, và báo tin, ngày mai sẽ có cuộc thăm viếng của tân quan, vị hải quan trấn thủ. Đồng thời, ông đã mời phái đoàn ở lại một ngày ở Toulon trước khi đến Marseille. Ông cũng nói thêm đây là lời mời của hoàng đế nước Pháp. Ông cũng thông báo, hiện hoàng đế Pháp đang ở cảng Ba Liệt (Biarritz), sẽ trở về độ hai mươi ngày nữa.
Đến ngày 11 – 9 – 1863, đoàn đến cảng Marseille, tại đây, ông Hà Bá Lý, cùng với viên tướng chỉ huy quân đội thành phố; viên lãnh sự tất cả đều mặc lễ phục thay mặt chính quyền đến chào đón đoàn. Trên bến cảng, nhạc cử, 17 phát đại bác lại bắn vang rền. Trên đoạn đường dài hơn hải 1 lý, từ bến cảng đến dinh thự, các bảo vệ và quân lính đứng dọc hai bên đường… Nhạc hoà tấu suốt đường đi.
Hai ngày sau, đoàn đi Paris. Tại kinh đô, chính quyền đã chuẩn bị sẵn ngựa xe và cử một viên chức võ với 100 lính bộ binh, cùng một đội quân nhạc chờ sẵn. Viên quan bộ Lễ (tức Bộ Ngoại giao) của Pháp chuyên về việc đón tiếp tên là Bà – rê (có lẽ là Feuillet de Conches, bấy giờ là Khâm sai của vua Pháp – TTT), cùng với viên cựu soái Gia Định là Phôna và nhiều viên chức cao cấp khác đến đón chào đoàn sứ. Thay mặt đoàn, Phan Thanh Giản trình quốc thư.
Ngày mồng 18 – 9 – 1863, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp là Drouyn de Lhuys tiếp đoàn và cho biết rằng, vua Pháp hiện đang đi xem xét các điạ phương, nên sứ đoàn chưa thể yết kiến ngay được, vì thế nhà vua uỷ quyền cho ông để bàn bạc các việc công. Ba ngày sau, ông đến thăm phái bộ để đáp lễ, đồng thời mời sứ bộ đi thăm thắng cảnh và các cơ sở kỹ nghệ ở kinh thành. Bắt đầu là vườn Bách thảo, điện Versailles, rừng Boulogne, rừng Vinennes, tham quan nhà máy sản xuất gaz; xưởng làm thảm Gobelins…
Đến ngày 5 – 11 – 1863, vua Napoleon III trở về và tiếp đoàn. Trong “Nhật ký đi Tây” đã chép như sau:
“ Đến giờ Mùi, quan tham tri bộ Lễ của họ là Bà Rê và Thị lang Mô ri mặc triều phục đưa bốn cỗ xe công của Quốc trưởng và bốn tên kỵ binh theo hầu sứ quán để kính đón Quốc thư và đồng thời mời sứ bộ tới tiếp kiến…
Phạm Phú Thứ bưng Quốc thư đi trước một tý, Phan Thanh Giản và những người khác tiếp theo, quan đại thần Bộ Lễ của họ ra đón và dẫn đến tầng trên qua 3 lớp cửa. Từ tầng dưới đến chỗ này, hai bên lính đứng nghiêm túc, trong đó có hơn 100 người mang giáp sắt, gọi là tân binh của Quốc trưởng họ.
![]() |
Đến chỗ tiếp kiến, ở gian giữa, Quốc trưởng, Quốc phi và người con trai đứng trên ba bậc đệm tròn, đặt dựa vào tường (…). Quốc trưởng đứng bên phải, đầu trần, tay trái cầm mũ, Quốc phi chắp tay đứng bên trái, cách chừng hai thước, bên phải Quốc trưởng dưới mộ bậc, người con trai đứng, cũng đầu trần (…).
Bên phải Quốc trưởng là các đại thần của họ, bên trái là vợ các vị đại thần, mỗi bên vài chục người đứng chờ.
Chúng tôi lần lượt tiến về chỗ dứng của Quốc trưởng, Phan Thanh Giản và tôi, cùng Nguỵ Khắc Đản xá ba xá. (khi chúng tôi xá, Quốc trưởng và Quốc phi đều cúi đầu đáp lễ). Phan Thanh Giản đọc diễn từ. Xong trân trọng nhận Quốc thư đệ trình Quốc trưởng, tôi (Phạm Phú Thứ) trở lại đứng trong hàng.
Quốc trưởng nước họ bước xuống một bậc, nhận Quốc thư rồi trở về chỗ đứng cũ, đưa cho Đô – anh - đê - luỹ; viên này cung kính bưng lấy. Quốc trưởng bèn quay về phái chúng tôi đọc lời đáp từ Hà Bá Lý đứng bên trái thông dịch.
(Nhật ký đi Tây, sđd, từ tr 240 – 250).
Trong tất cả các bộ sử về lịch sử của nhà Nguyễn do Quốc Sử Quán biên soạn cũng như của người Pháp viết, và nhất là trong tập Nhật ký đi Tâykhông hề thấy tài liệu nào ghi chép có câu chuyện về lá cờ như NĐX đã thuật ở trên. Vậy thì không hiểu câu chuyện trên có xuất xứ từ đâu và do ai “sáng tác”?
Bàn về sự sai lạc của giai thoại, trong tập Phương pháp sử,LM Nguyễn Phương đã viết như sau:
“ Tập truyền thường sai lạc bằng những cách sau đây:
Hoặc vì phóng đại tô điểm một nhân vật cho thành một người siêu phàm, hay là vẽ vời một sự việc cho có màu sắc huyền bí;
Hoặc là vì tập trung những nét thâu thập được ở nhiều người để dồn vào trên một người, hay là ở nhiều chuyện để đúc lại thành một chuyện;
Hoặc là vì lẫn lộn, đem những nét của đời sống người này ghép vào đời sống của người khác, hay là những chi tiết của chuyện này đặt vào nội dung chuyện khác;
Hoặc là vì trước không có mà sau thêm vào, như khi đã cho một người là anh hùng thì bất cứ gì cũng nghĩ rằng vị anh hùng đó có thể làm được tất cả;
Hoặc là vì giải thích cho có lý, như khi cắt nghĩa tên của chính vị anh hùng hay là các địa danh khó hiểu…” (Phương pháp sử, sđd, tr 137).
Đó là những lý do giải thích vì sao phần lớn nội dung của các giai đoạn đều trở nên sai lạc. Trong giảng dạy lịch sử, chúng ta thường dùng giai thoại để minh họa cho sự kiện lịch sử thêm sinh động. Nhưng cần thận trọng khi sử dụng và truyền bá các giai thoại này, vì dù sao đó cũng chỉ là những huyền thoại, được sáng tác theo trí tưởng tượng dân gian.
Tài liệu tham khảo
- Những người bạn của cố đô Huế 1919; T6. NXB Thuận Hoá, 1998.
- Nhật ký đi Tây, Phạm Phú Thứ, Nxb Đà Nẵng, 1999.
- Tạp chí Kiến thức ngày naysố 448, 2003.
- Phương pháp sử, Nguyễn Phương Nxb Sao Mai, 1974