Giải pháp bảo tồn - phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc các di tích văn hóa thời kỳ Lý - Trần ở Phú Thọ
Trong tiến trình lịch sử đất nước, nhà Lý và nhà Trần đã để lại một dấu ấn hết sức đậm nét trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, một diện mạo về tinh thần, vật chất, một lối sống dân gian, phong tục tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng, đạo đức, nhân cách văn hóa và nghệ thuật. Cả hai loại văn hóa vật thể và phi vật thể đã kết tinh một bản sắc của dân tộc ta trong suốt quá trình dài của lịch sử dựng nước và giữ nước. Di tích văn hóa nghệ thuật Lý - Trần còn lại trên vùng Đất Tổ hầu hết là các di tích chùa, tháp, đình, đền... Nghiên cứu về di tích văn hóa nghệ thuật thời Lý - Trần nói chung đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như các ấn phẩm sách, báo, tạp chí về đề tài này đã xuất bản. Nghiên cứu về di tích văn hóa nghệ thuật thời kỳ Lý - Trần trên vùng Đất Tổ hiện nay chưa có công trình nghiên cứu, ấn phẩm xuất bản nào. Do vậy, việc nghiên cứu về các di tích văn hóa thời Lý - Trần trên vùng Đất Tổ đang là đề tài mới mẻ và hấp dẫn, nhiều vấn đề được đặt ra cấp thiết trước yêu cầu bảo vệ vốn di sản văn hóa dân tộc nói chung và vùng Đất Tổ nói riêng. Đề tài do Hội Sử học Phú Thọ chủ trì thực hiện trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2010.
Mục tiêu của đề tài là hệ thống hóa các di sản, xác định, đánh giá giá trị nghệ thuật kiến trúc các di tích văn hóa Lý - Trần ở địa bàn Phú Thọ; nhằm làm rõ hơn vị trí của Phú Thọ trong giai đoạn phát triển của văn hóa Lý - Trần, góp thêm tư liệu và cơ sở cho việc biên soạn lịch sử, địa chí Phú Thọ, tăng cường nội dung trưng bày của bảo tàng tỉnh. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc của các di sản văn hóa Lý - Trần và giới thiệu được các di sản tiêu biểu phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Từ tháng 07 năm 2009, bằng các phương pháp điều tra, khảo sát, phương pháp khai thác, sưu tầm tư liệu, hệ thống hóa các tư liệu, đề tài đã tiến hành điều tra, khai thác, sưu tầm các tư liệu lịch sử, các ảnh tư liệu về các di tích văn hóa nghệ thuật kiến trúc thời đại Lý - Trần ở Phú Thọ tại các cơ quan địa phương và trung ương (thư viện tỉnh, bảo tàng tỉnh, viện văn hóa thông tin, viện khảo cổ học...). Đồng thời, đã tiến hành nghiên cứu đào thám tại một số địa bàn trong tỉnh, là những di tích mang dấu ấn nghệ thuật thời Lý - Trần khá rõ nét nhằm làm sáng tỏ về niên đại và giá trị nghệ thuật của các di tích, từ đó đưa ra những đánh giá và đề xuất công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của từng di tích.
![]() |
Qua nghiên cứu, điều tra và hệ thống hóa các nguồn tư liệu cho thấy: kiến trúc nghệ thuật thời Lý - Trần phát triển mạnh và đa dạng với các loại hình như cung điện, lầu gác, chùa, tháp, văn miếu, cung quán; phong phú về chất liệu và trang trí. Về mặt vị trí, chùa thời Lý cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo đã có mặt ở mọi nơi, mọi địa hình của đất nước (như sườn núi cao, đỉnh núi, ven sông, ven biển, đồng bằng, miền núi); sang đến thời Trần thì chùa lại tập trung ở những nơi có địa thế bằng phẳng. Về vật liệu kiến trúc gồm có nền móng và khung nhà được phối hợp bằng rất nhiều loại vật liệu khác nhau (gỗ, đá, chất nung, vôi vữa...); trong các di tích chùa tháp thời Lý, các vết tích còn lại chủ yếu là các mảng nền móng và các phần vật liệu đổ nát (vật liệu gỗ đã bị thiêu hủy hoàn toàn; còn lại chủ yếu là đá và đất nung); sang đến thời Trần, vật liệu đá và đất nung vẫn được sử dụng phổ biến, đá được sử dụng để bó kè các nền móng, dùng làm lan can thành bậc, chân tảng. Về mặt bằng kiến trúc: các di tích thời Lý có kiến trúc hình tứ giác như ở chùa Sùng Thiện Diên Linh, có kiến trúc hình bát giác như kho chứa kinh, có kiến trúc hình lục giác và kiến trúc mặt bằng hình vuông gồm ba bậc; thời Trần kiến trúc trung tâm của chùa là tòa thượng điện có kết cấu gần hình vuông.
Tuy nhiên, ở trên đất Phú Thọ hiện nay, các di tích kiến trúc thời Lý - Trần còn lại rất ít, chủ yếu là chùa và tháp, cùng với các hiện vật đi kèm là bia đá, bệ đá, gạch, ngói... Trong quá trình thực hiện, đề tài đã đi vào nghiên cứu và giới thiệu một số di tích kiến trúc thời Lý - Trần tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như sau:
Bệ đá Hoa Sen chùa Xuân Lũng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao): chùa tọa trên một quả đồi cao, tổng thể mặt bằng gồm có gác chuông - đường gạch lớn - sân - nhà bia nhỏ hai bên sân - tòa Bái đường - tòa Thiên Hương - tòa Thượng Điện. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong chùa hiện nay còn bảo lưu được hơn 30 pho tượng gỗ và tượng đất, đáng chú ý nhất là Bệ đá Hoa Sen với niên hiệu Xương Phù thập niên (1386) - một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét của phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần. Đây là một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật hiếm hoi còn sót lại của thời Trần - một di vật đặc sắc hết sức quý giá trong việc nghiên cứu về mỹ thuật thời Lý - Trần.
Quả chuông Thông Thánh quán ở phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì): là quả chuông quý của thời Trần, được đúc vào năm 1321 và Chiêu vương Trần Nhật Duật chính là người đứng ra tổ chức đúc quả chuông này. Trên chuông khắc bài minh, đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học và hiện bài minh của chuông đang được lưu trữ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Chùa Bồng Lai (xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ): được xây dựng vào thời nhà Lý theo truyền thuyết trên một quả đồi cao có thể nhìn bao quát bốn phía. Hiện nay, ngoài bia ký, kiến trúc và các đồ thờ, trong chùa còn lưu giữ được một bệ đất nung mang giá trị nghệ thuật rất cao - đây là chiếc bệ đất nung còn lại duy nhất trên đất Phú Thọ mang đậm nét giá trị nghệ thuật Phật giáo. Ngoài ra, chùa Bồng Lai còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như tấm bia đá niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), bia Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), bia Gia Long thứ 8 (1819), bia Thiệu Trị thứ 3 (1848) và những tảng đá kê chân cột trạm hình hoa sen... Chùa Bồng Lai là một di tích có giá trị nghệ thuật nhiều mặt, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của một thời đại Phật giáo phát triển huy hoàng trên đất nước ta.
Di tích kiến trúc Phật giáo Núi Ông (huyện Hạ Hòa): là một quần thể kiến trúc với những gì phát hiện ra và xuất lộ trên mặt đất, có thể khẳng định đây là một khu di tích kiến trúc Phật giáo độc đáo và tiêu biểu cho văn hóa thời Lý - Trần cách đây hàng ngàn năm. Di tích chùa tháp thời Lý - Trần phát hiện ở nhiều nơi nhưng trên đỉnh Núi Ông tại Hạ Hòa nơi cách Thăng Long trên 100 km lại ở độ cao 300 m là một hiện tượng độc đáo cần được nghiên cứu.
Đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa): được xây dựng vào tháng 07 năm 1806 dưới triều vua Gia Long, đền có kiến trúc rất quy mô nhưng do thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá nên đền đã bị phá hủy. Trước sự ngưỡng mộ của chính quyền và toàn thể nhân dân địa phương, ngôi đền đã được xây dựng lại trên nền đất cũ. Đây là ngôi đền có ý nghĩa hết sức lớn lao, gắn với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật thế kỷ 13 và 14, gắn với sự phát triển của đạo Phật trong xã hội thời Trần đầy vẻ vang và oanh liệt.
Chùa Phúc Thánh (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông): trong chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như tượng Đức Ông, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Thổ Địa, tượng thánh Mẫu là Lê Thị Xuân Lan... và một số di vật bằng đá có niên đại thời Lý mang giá trị nghệ thuật điêu khắc cao là tấm bia đá niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171), đá kê chân cột, bát hương đá. Những di vật này là những bản trạm khắc hiếm hoi còn lại đến nay, nó mang đậm dấu ấn nghệ thuật trạm khắc đá thời Lý thể hiện quan niệm về tín ngưỡng, ước vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Khu di tích chùa Hưng Giác (huyện Thanh Ba): chùa được xây dựng thời Tiền Lê gồm tiền đường và hậu cung. Căn cứ vào kích thước, số lượng đá kê chân cột và dấu vết nền móng còn lại có thể khẳng định đây là một ngôi chùa cổ trước kia có quy mô kiến trúc khá lớn và có niên đại sớm. Những dấu vết điêu khắc trên đá kê chân cột được trang trí hoa văn hình cánh sen - là kiểu trang trí kiến trúc kích thước lớn thời Lý - Trần.
Di tích chùa Hữu Đô (xã Hữu Đô, huyện Đoan Hùng): chùa có kết cấu kiến trúc hình chữ đinh gồm 3 gian 2 trái. Hiện chùa còn lưu giữ một số di vật quý như bệ đá tam thế, tượng Phật, tượng đầu rồng đang ngậm ngọc... và một số di vật chất liệu đất nung.
Thực tế cho thấy, các di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lý - Trần ở Phú Thọ đến nay hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn, không có di tích nào còn nguyên vẹn. Các công trình kiến trúc hiện nay là của các đời sau xây dựng dựa trên mặt bằng và địa thế của các di tích thời Lý - Trần; dấu ấn nghệ thuật thời Lý - Trần được nhìn nhận thông qua các di vật như hệ thống tảng đá kê chân cột ở chùa Phúc Thánh, bệ đá hoa sen ở chùa Xuân Lũng, bệ đất nung chùa Bồng Lai... - là những di vật đặc sắc, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần. Di tích thời Lý - Trần và những gì còn sót lại đã xác nhận Phú Thọ là một trong những trung tâm văn hóa của người Việt cổ, nó đánh dấu bước đi huy hoàng của mỹ thuật thuộc giai đoạn đầu của thời tự chủ và cũng góp phần khẳng định về sự phát triển đa dạng của các loại hình thuộc các thời kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, những di tích này còn hiếm và ngày bị mai một, đòi hòi phải quan tâm nhiều hơn nữa để những di sản này thành mạch nối của quá khứ qua hiện tại tới tương lai và góp phần khẳng định về bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, đề tài đã đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy các di tích nghệ thuật kiến trúc thời Lý - Trần trên Đất Tổ như sau:
Về công tác nghiên cứu: cần mở rộng sự nghiên cứu tiếp tục về các di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lý - Trần ở Phú Thọ trên cả hai hướng là tìm kiếm phát hiện thêm các di tích mới, đồng thời tổ chức nghiên cứu sâu hơn nữa các di tích cũ để bổ sung dày hơn nữa những chứng cứ khoa học làm sáng tỏ vai trò của Phú Thọ trong thời kỳ xây dựng nền phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc, xứng đáng là vùng Đất Tổ của dân tộc.
Về công tác bảo tồn và phát huy tác dụng: cần khoanh vùng bảo vệ tại chỗ, đồng thời cần làm tiếp và làm sớm việc xếp hạng di tích. Bảo tồn và phát huy tác dụng cùng với phổ cập tới cộng đồng. Nghiên cứu thiết lập tuyến lữ hành du lịch di sản văn hóa thời Lý - Trần ở Phú Thọ.
Việc phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của các di tích thời Lý - Trần ở Phú Thọ cần được sự quan tâm của các ngành, các cấp và của chính người dân. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị của nền văn hóa cổ truyền, của những công trình kiến trúc cổ là điều cần thiết để tinh thần trân trọng, gìn giữ những vốn văn hóa mà cha ông đã tạo dựng và để lại cho chúng ta ngày nay trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân.
Việc nghiên cứu thực hiện đề tài mang ý nghĩa khoa học và xã hội quan trọng. Đây là lần đầu tiên có sự sưu tầm, thống kê, phân loại và tập hợp một bộ hồ sơ gồm tư liệu viết, tư liệu hình ảnh, bản đồ, bản vẽ đầy đủ nhất và có hệ thống nhất về các di tích và di vật thể thuộc nghệ thuật kiến trúc thời Lý - Trần ở Phú Thọ. Đề tài có tính hiệu quả xã hội thiết thực cho việc cung cấp những thông tin khoa học để nghiên cứu, biên soạn lịch sử Phú Thọ và lịch sử nước nhà. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đồng bào và nhân dân trong tỉnh cũng như trong cả nước tìm hiểu về các giai đoạn lịch sử trên vùng Đất Tổ Phú Thọ.