Giả thuyết "Vũ trụ tồn tại theo chu kỳ tuần hoàn"
Một số cơ sở lý luận khái quát nhất làm chỗ dựa chính để bàn:
1- Trong vũ trụ, mọi vật đều biến đổi và chuyển động không ngừng, kể cả chính bản thân cái “Vũ trụ” - đó là một “Đại định luật”. Vậy trước cái trạng thái vũ trụ, mà ở đó đã phát sinh vụ nổ Big bang như các nhà khoa học đã miêu tả, ắt hẳn Vũ trụ phải ở một trạng thái khác nào đó chuyển đến mà chúng ta chưa biết, chứ khó có thể chỉ “là một khối vật chất trong một thể tích vô cùng nhỏ gần như một điểm “ (điểm kỳ dị), tự dưng sinh ra từ chân không , rồi nổ tung để tạo ra toàn bộ Vũ trụ như ngày nay! Chúng ta không thoả mãn lắm với cách thừa nhận có vẻ siêu hình như thế. Vấn đề là phải tìm hiểu xem, trước trạng thái ấy Vũ trụ là như thế nào? (Đương nhiên không nên so sánh quá trực tiếp thô thiển lời giải của các bài toán lý thuyết với thực tiễn, vì rằng: đường và điểm trong hình học là không có bề dầy và thể tích, còn trong vũ trụ với kích thước dài đo bằng nhiều năm ánh sáng, thì có thể cả cái thái dương hệ của chúng ta cũng có thể quy về là một “điểm” không có thể tích! )
2- Trong vũ trụ, mọi vật hầu như đều biến đổi tuần hoàn, theo một dạng chu kỳ nào đó (đó là cái lý để mọi vật tồn tại, để “bảo tồn vật chất” - Đại định luật thứ hai ): giọt nước ngoài biển bốc hơi thành mây, đi chu du khắp nơi rồi mưa xuống thành nước để rồi lại trở về với biển; trái đất, mặt trăng, dù đi đâu, rồi vẫn tuần hoàn bốn mùa xoay quanh mặt trời; con người, bất kể theo đạo giáo gì, rồi cũng phải tuân theo luật “luân hồi”: sinh, lão, bệnh, tử : Từ đất sinh ra, lớn lên, dù thành nhân tài, hoặc một kẻ tầm thường, cuối cùng rồi vẫn phải về với đất. Vậy hà cớ gì, Vũ trụ là cái “vũ trụ” nhất, lại có hành vi độc đáo, dị biệt: chỉ sau một lần sinh ra (từ một điểm tích) bởi một vụ nổ Big bang, rồi nở to ra và tồn tại như thế mãi mãi ? Chắc chắn phải có điều gì chưa ổn trong những kết quả nghiên cứu đã biết!
3- Nhiều lý thuyết do các học giả bậc thầy và những kết quả do các nhà thiên văn quan sát được chứng tỏ hiểu biết của con người còn rất nhiều chỗ chưa thật “ăn khớp” với thực tế, chưa “hiểu thấu” Vũ trụ. Ví dụ, Einstein đã thêm vào, rồi lại bỏ đi “hằng số vũ trụ” trong phương trình nguyên thuỷ của Thuyết tương đối tổng quát vĩ đại của mình, nhưng sau này người ta đã xác định rằng : hằng số đó chính là một “hàm số”, nghĩa là “cái hằng số “ đó nó phải diễn tả được thêm những sự thay đổi nào đó của vũ trụ (dưới đây chúng ta sẽ thấy, nó cần đáp ứng được yêu cầu thay đổi chiều của chuyển động “co vào và dãn ra“ của vũ trụ);
4- Xét cho cùng, từ các nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về vũ trụ đã được công bố cho đến gần đây (2005-2006), ta cần phải thừa nhận rằng, trong vũ trụ có rất nhiều loại vật chất và lực mà ta chưa biết hết bản chất của chúng, (các nhà khoa học còn đang tích cực “săn lùng” ), trong đó chắc chắn có một loại lực nào đó lớn hơn lực “vạn vật hấp dẫn” của Newton rất nhiều, đại loại như lực hút “gluon” của các hạt “hadron” (những hạt dường như đang choán khắp cả không gian vũ trụ) có một đặc điểm mà ta cần phải “khai thác”: “khoảng cách của chúng càng xa, thì lực hút gluon càng lớn. . “.; một dấu hiệu cụ thể nữa mà tôi dựa vào để phán đoán là ngay từ những năm 1920 của thế kỷ trước, nhà toán học và khí tượng học Nga A. Friedmann đã tìm thấy hai nghiệm của phương trình trường hấp dẫn của Einstein (đưa ra từ năm 1916), nhưng rồi hình như mọi người cũng không tận dụng nhiều đến kết quả này. V.v...
Từ những cơ sở lý luận trên, tôi đi đến những kết luận như sau:
1-Trong “trời đất” chỉ có một Vũ trụ của chúng ta (tương ứng với việc mới chỉ phát hiện được một Big Bang gần đây nhất). Vũ trụ này đã tuần tự trải qua vô số những Big bang, ta có thể coi mỗi Big bang là một điểm bắt đầu của một chu kỳ tồn tại mới của Vũ trụ: sinh ra và phát triển, dãn ra và co lại;
Sau mỗi Big bang, với lực đẩy cự kỳ lớn của vụ nổ (đương nhiên là đánh bạt lực hấp dẫn và các loại lực hút khác), vật chất đã “bung ra”, dần dần choán chỗ khắp “không gian” và từng bước sau hơn một chục tỷ năm đã hình thành cấu trúc, bộ mặt của Vũ trụ như ngày nay. Chừng nào lực đẩy do vụ nổ đó chưa yếu đến mức bị những lực hút trở lại trong vũ trụ làm “cân bằng” thì sự dãn nở của Vũ trụ chưa dừng lại.
2-Trong giai đoạn “dãn ra” này các thành tố của Vũ trụ chuyển động với gia tốc âm. Và đây chính là giai đoạn “dãn ra” hiện nay của Vũ trụ mà các nhà thiên văn đã quan sát được qua đánh giá sự dịch chuyển các vạch quang phổ về phía tần số hồng ngoại phát ra từ các vì sao.
3- Qua một số số liệu kết quả nghiên cứu và quan sát thiên văn nhiều năm gần đây, có thể thấy một số dấu hiệu, tuy ít ỏi, rằng chu kỳ này của vũ trụ có thể đã “sắp” đến điểm dừng (nếu từ vụ nổ Big bang đến nay khoảng 14 tỷ năm, thì khái niệm “sắp” ở đây có thể cũng phải rất nhiều triệu năm, hoặc hàng tỷ năm ? ! ). Sau thời điểm “dừng” dãn nở (tác động của lực đẩy đã hết) là đến giai đoạn mà lực hút phát huy tác dụng, nghĩa là vũ trụ bắt đầu giai đoạn “co lại”. Nửa chu kỳ thứ hai này có gia tốc dương, và chắc chắn cũng kéo dài một thời gian không chênh lệch nhiều lắm so với nửa chu kỳ đầu (tức là ít nhất cũng trên 14 tỷ năm). Điểm hội tụ, co cụm lại của toàn bộ các thành tố của Vũ trụ chính là giao điểm của các đại tổng hợp lực vũ trụ (lấy tổng hợp lực từ các tổng hợp lực thành phần thiên hà, các chùm sao và các hệ tinh tú). Chúng ta sẽ thấy một quá trình trên chục tỷ năm các thành tố của vũ trụ làm một hành trình ngược lại, trái chiều với hành trình của nửa chu kỳ đầu : “co cụm” trở lại với tốc độ ngày càng lớn, ngược chiều với “kịch bản” lúc “bung ra” và cuối cùng chúng lao vào nhau với những gia tốc cực kỳ vĩ đại, tạo những va đập cực kỳ lớn, tại một điểm “trung tâm” hay “rốn” nào đó của Vũ trụ (chắc không thể trùng với điểm có vụ nổ Big Bang lần trước). Nói ngắn gon: Nếu trước vụ nổ Big bang, trong vũ trụ đã diễn ra một quá trình như thế nào để hình thành được trạng thái, mà sau đó “bùng phát” một vụ nổ kinh khủng (Big bang), như các nhà koa học đã miêu tả, thì ở nửa chu kỳ “gia tốc dương” này quá trình đó lại được lặp lại. Lưu ý: Cũng như thể tích (điểm) và khối lượng (vô cùng bé) là được hiểu với kích cỡ vũ trụ, mọi Big Bang cần được chúng ta coi là “ một quá trình liên tục của sự va đập, dồn nén và nổ”, chừng nào toàn bộ vật chất vũ trụ chưa được “ép lại” đủ mức để được coi là “một điểm kỳ dị”, đủ mức “kích nổ Big Bang” tương ứng với các lời giải lý thuyết.
4- Có thể tưởng tượng ra rằng, sự va đập kinh khủng khi các thiên hà, các sao và hành tinh lao vào nhau đã hình thành một trạng thái vật chất mà các nhà khoa học đã tạo lặp lại được tại vụ nổ “Tiểu Big bang” trong máy RHIC ở Brookhaven: Một khối vật chất dạng nước không nhớt cực kỳ khổng lồ, nóng hàng tỷ độ. Chính vì vậy mà phần vật chất tỷ trọng nhỏ sẽ dễ dàng “nổi” ra phía ngoài, các phần vật chất có tỷ trọng lớn hơn sẽ dễ dàng “chìm” xuống dưới (hay chìm vào bên trong), và dưới cùng, trong cùng, với những áp lực siêu, siêu lớn, nhiệt độ siêu, siêu cao là chỗ tập kết của phần vật chất có tỷ trọng lớn nhất. Và đây chính là nguyên nhân gây áp lực và nhiệt độ cực kỳ lớn dẫn đến kích hoạt chuỗi những vụ nổ vĩ đại. Bằng cách đó, bằng một vụ nổ Big bang mới, Vũ trụ sẽ lại “bung ra” để bắt đầu một “chu kỳ“ tiếp theo, một vòng tuần hoàn mới diễn ra trong vòng hàng hai , ba chục tỷ năm, Đó chính là trạng thái vũ trụ và quá trình quá độ diễn ra trước mỗi vụ nổ Big bang mà chúng ta đặt ra câu hỏi ở dầu bài. Đến đây cho phép tôi đặt tên cho giả thuyết này là : “Thuyết Vũ trụ tồn tại theo chu kỳ tuần hoàn”
5- Có thể về tâm tư, khi nghe trình bầy giả thuyết này, chả mấy người thích thú cho lắm (vì ngay sinh thời Einstein cũng đã không muốn Vũ trụ “nở ra” mãi để rồi “biến mất” (nên đã nẩy sinh ý tưởng thêm hằng số vũ trụ) ), vì nếu như vậy là biết bao nhiêu nền văn minh trong trời đất (ít nhất là nên văn minh Trái đất) đương nhiên sẽ tiêu tan, biến mất sau mỗi chu kỳ hoạt động của vũ trụ. Và những loài ngườimới lại ky cóp bắt đầu một hành trình từ con số không trong vài chục tỷ năm tiếp theo. Song đã là quy luật của thiên nhiên, thì ai mà chống lại được ? Thực tế phũ phàng chứng tỏ rằng chúng ta đã từng rất thương xót, nuối tiếc, khi không giữ lại được cuộc sống của các thiên tài của loài người. Vả lại, nếu so với mỗi đời người kéo dai khoảng 100 – 150 năm, mỗi xã hội loài người kéo dài vài chục triệu năm, thì Vũ trụ sẽ được coi như chẳng có gì thay đổi để mà cảm thấy phải lo sợ hoặc nuối tiếc (Vài lời “tán” thêm: Hơn thế, vì rằng biết trước thảm hoạ mang tính định mệnh, thì có thể mục tiêu phải “Thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt và bài toán tồn tại được sau mỗi vụ nổ Big Bang” lại là một thử thách tài năng của những thế giới loài người văn minh đã, đang và sẽ xuất hiện trong Vũ trụ của chúng ta thì sao? Và có thể vì vậy mà loài người sẽ dứt khoát vứt bỏ mọi thù hằn dân tộc, mọi mâu thuẫn tôn giáo, toàn bộ những mục tiêu đớn hèn, lặt vặt để tập trung tiềm lực và trí tuệ vào một Dự án siêu vĩ đại xuyên nhiều thế kỷ với cái tên “Vượt qua định mệnh của Vũ trụ?”. Nhưng nghĩ theo một logic khác: không phải ngẫu nhiên mà “trời đất “ lại áp đặt cái luật “sinh, lão, bệnh, tử” cho cả Vũ trụ, bởi vì, vũ trụ cũng cần phải “tẩy trần”, để những loài người, tuy ngày càng văn minh về KH&CN, nhưng già cỗi và có thể còn hư hỏng về văn hoá đạo đức, mù quáng tàn phá, huỷ diệt môi trường, thì, do không thể “cải lương” và tái sinh được, “Ông trời” đành phải xoá sạch đi, bắt làm lại từ đầu, từ “tinh không trắng trong”coi đó là một giải pháp “tối ưu” ! )
Với bài trình bầy quá vắn tắt trên đây, mà bản thân sự việc còn biết bao vấn đề chưa rõ, vẫn bỏ ngỏ, còn “lơ mơ” hơn ngàn lần “xẩm sờ voi”, đương nhiên rất khó làm độc giả vừa lòng. Biết làm thế nào được, vì khó có thể có một kết quả khả dĩ chỉ trong một lần trình bầy sơ bộ. (Trộm nghĩ, thậm chí đến Einstein siêu nhân cũng còn mất mấy chục năm cuối đời cho cái “Thuyết trường tổng quát” không thành công, và đến hiện nay vẫn còn treo đó), vậy nên, nếu cái “Thuyết Vũ trụ tồn tại theo chu kỳ tuần hoàn” nói trên do kẻ sĩ này mạo muội đề xướng có chứa điều gì phi lý, âu cũng là một dịp để cho các nhà khoa học cùng đàm tiếu lúc nhàn rỗi.
Nhưng cũng nên nhắc lại rằng, trong lịch sử loài người đã từng có rất nhiều giả thuyết lúc đầu người ta không chứng minh được, phải hàng thế kỷ sau, khi điều kiện cho phép, chân lý lúc đầu bị coi là “không tưởng” đó mới được thừa nhận.