Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/02/2011 18:49 (GMT+7)

Gặp ông 'vi tính thật là đơn giản'

Những năm cuối thập niên 1990, vi tính vẫn là một thứ gì đó ghê gớm khi được nhắc tới trong xã hội, vì những rào cản về tài chính và đặc biệt là kiến thức tin học của số đông. Ngoài học sinh, sinh viên theo học ngành CNTT hoặc thiểu số có điều kiện thường xuyên tiếp cận với máy vi tính và tin học, đa số cảm thấy cỗ máy này không dành cho mình. Thái độ đó, trong nhiều trường hợp đã tạo thành sự mặc cảm, khiến nhiều người rụt rè hơn trong việc tiếp cận công cụ lao động của thế kỷ 21.

Chính trong thời điểm đó, trên giá của nhiều cửa hàng sách xuất hiện 2 tập Vi tính thật là đơn giản , giới thiệu những bước "cầm tay, chỉ việc", giúp người dùng làm quen với máy tính dù trình độ học vấn ở mức nào. Các chuyên mục trong sách chia hết sức rõ ràng gồm từng bước làm quen với hệ thống máy tính, hệ điều hành, tiếp cận các phần mềm cơ bản như Word, Excell, MS Paint... thậm chí, các mẹo vặt giúp người đọc có thể nghịch ngợm với máy tính. Đơn giản như việc, làm thế nào để hiện ảnh của mình trên màn hình cũng khiến cỗ máy này trở nên gần gũi hơn.

Từng bước khám phá thế giới mới lạ của công nghệ, qua các trang sách, độc giả và người dùng máy tính cảm thấy máy tính trở nên thân thiện hơn, thu được kiến thức kha khá, đủ để tự tin ngồi làm việc với cỗ máy mà trước đấy, họ vẫn cho rằng nó thật cao siêu. Đã có lúc, Vi tính thật là đơn giản xuất hiện trên các hàng sách ở dạng photocopy, dù rằng, cuốn sách bị in lậu khá nhiều.

Ngày nay, ngành công nghệ thông tin cũng có những bước phát triển vượt bậc. Đây là thời điểm để nhìn lại công sức của những người có công phổ cập tin học ở Việt Nam cách đây một thập kỷ. Một trong số đó là ông Dương Mạnh Hùng, tác giả bộ sách Vi tính thật là đơn giản .

Học lịch sử, viết sách tin học

Đất Việt đã gặp gỡ ông Hùng tại Trường Cao đẳng Nội vụ, nơi ông công tác trong hơn 30 năm qua. cuộc trò chuyện bắt đầu với những thông tin khá bất ngờ. Dù là tác giả của tập sách viết về tin học (sau này Vinh tính thật là đơn giản có 8 tập), nhưng ông Hùng chưa hề được đào tạo về tin học một ngày. “Tôi chưa đi học tin học bao giờ cả. Tất cả kiến thức có được chỉ là từ việc mò mẫm, đúc rút kinh nghiệm trên thực tế thôi. Chứ tôi là dân học ngành lịch sử”, ông Hùng  chia sẻ.

Ông Hùng bắt đầu làm quen với máy tính từ tháng cuối năm 1997. Điều này bắt đầu từ một tình huống xảy ra tại nơi công tác. Hồi đó, là hiệu phó của trường, có lần ông Hùng xuống phòng văn thư mượn máy tính để gõ văn bản nhưng cô văn thư nhất quyết không cho mượn, bởi đặc quyền này chỉ dành cho… hiệu trưởng.  Tức mình, ông mua một bộ máy tính 386, chạy Windown 3.11.

Vào thời gian này máy tính còn là một vật dụng rất xa xỉ với nhiều viên chức nhà nước và mang lại khá nhiều phen hốt hoảng với những người mới làm quen. Kinh nghiệm chưa có nên mỗi lần gặp trục trặc ông lại gọi thợ đến sửa. Mỗi lần sửa mất cả 100.000 đồng. Xót tiền, ông Hùng chịu khó đứng sau quan sát thợ sửa máy, chăm chú lấy bút sổ ghi lại từng thao tác để học “lỏm” cách xử trí với máy tính.


Sau nhiều lần gặp “tai nạn” như vậy, ông Hùng từng bước làm chủ chiếc máy tính. Từ cơ sở đó, ông đã dành nguyên năm 1998 để biên tập 290 mẹo vặt về máy tính dưới dạng hỏi đáp, photo và bán thử ra ngoài cho học viên các lớp tại chức. Không ngờ tài liệu bán hết veo! 

Từ 290 mẹo, ông mở rộng ra đến 600 mẹo vặt và đặt tên cho tập bản thảo là Vi tính thật là đơn giản . Nhà xuất bản Khoa học - Kỹ thuật đã đồng ý xuất bản cuốn sách này. Việc xuất bản thành công ngoài mong đợi, sách bán rất chạy, thậm chí không đủ cung ứng cho nhu cầu độc giả và bị… in lậu tràn làn lan. 

Từ đó, phổ cập tin học tới số đông bình dân trở thành “nghiệp” của ông. Các cuốn Vi tính thật là đơn giản từ tập 2 đến tập 8, hai cuốn Vi tính thật là lắm chuyện và một cuốn Đồ họa photoshop lần lượt ra đời từ quá trình tự mày mò, học hỏi của ông.

Ông rất tâm đặc với hai cái “tít” Vi tính thật là đơn giản . Theo ông, cái “tít” đầu tiên là để cho độc giả thấy: tin học là bộ môn rất dễ tiếp cận chứ không hề xa vời.

"Học trò" 75 tuổi mang máy tính từ Nghệ An lên Hà Nội học tin học

Ông Hùng quan niệm người dùng máy tính trong xã hội được phân bổ theo hình kim tự tháp, nửa trên (thiểu sổ) là những người có chuyên môn về tin học, còn nửa dưới (đa số) là những đối tượng bình dân. Với phương châm “vi tính thật là đơn giản”, ông chọn nửa dưới của kim tự tháp đó để làm đối tượng viết sách.

Ngoài giờ hành chính, ông Hùng làm thêm dịch vụ sửa chữa máy tính và tư vấn miễn phí cho khách hàng qua điện thoại và email. Chính những hoạt động thực tế này đã tích lũy cho ông một khối lượng kiến thức lớn hơn bất kỳ một trường lớp nào mang lại.

“Tôi phải phải cám ơn khách hàng vì thành công tôi có được là do khách hàng mang lại qua vô vàn những thắc mắc, những trục trặc nảy sinh trong quá trình sử dụng máy tính”, ông Hùng chia sẻ. 

Trong sự nghiệp phổ biến tin học của mình, có nhiều kỷ niệm khiến ông Hùng nhớ mãi.

Không chỉ in sách, ông Hùng còn xuất bản đĩa CD phổ cập tin học.

Đó là chuyện một bác sĩ 75 tuổi sống ở sát biên giới Việt - Lào đã bê hẳn máy tính đến nhà nhờ ông dạy học máy tính haychuyện những chiếc đĩa CD phổ biến kiến thức tin học ông Hùng gửi ra Trường Sa phải 2 tháng mới đến nơi, cả người gửi lẫn người nhận đều vui mừng khôn xiết…

Đam mê nghiên cứu máy tính, không ít lần ông Hùng quên ăn. Thậm chí có lần đi làm về ông ngồi vào máy tính liền một mạch đến 2h hôm sau, không hề nhớ đến bữa ăn tối của mình. Đếntrường, bỗng nhiên cảm thấy… đói, ông mới ngớ người ra là chưa ăn gì từ trưa hôm trước.

Ngày nay, máy tính đã trở nên phổ biến đối với người Việt Nam . Ngành công nghệ thông tin cũng có những bước phát triển vượt bậc. Thừa nhận rằng mình không thể “ôm” hết được tất cả các mặt liên quanđến máy tính, ông Hùng đã chú trọng phát triển nhiều ứng dụng hữu ích cho công việc cũng như đời sống và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
 
Có thể kể ra một số ứng dụng mà ông Hùng rất tâm đắc như: chương trình trích xuất bảng điểm bằng Excel; chương trình quản lý cán bộ, Đảng viên; bộ đề thi trắc nghiệm áp dụng cho nhà trường… Những ứngdụng này đã giúp ích rất nhiều cho việc quản lý nhà trường và nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị khác.

Sau một quá trình cống hiến cho việc phổ cập tin học ở Việt Nam , ông Dương Mạnh Hùng rút ra kết luận: “Muốn giỏi tin học thì yêu cầu thứ nhất là phải đam mê. Yêu cầu thứ hai là… không sợ xấu hổ.Phải hỏi hết tất cả những người có thể hỏi, kể cả nhân viên dưới quyền, học sinh. Có thế mới cóp nhặt được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích...”.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.