Gặp "người dơi" Việt Nam
Gần 10 năm nghiên cứu về loài thú này, vừa gặp tôi vị thạc sĩ về dơi đã bênh chúng ngay: “Này đừng hiểu lầm, dơi không khiếm thị, không phải là gặm nhấm và chúng hoàn toàn không gây ảnh hưởng xấu đến con người”.
Vượt vũ môn
Gọi điện năm lần bảy lượt đến phòng Thống đều không được, đơn giản vì…máy hỏng. Tôi quyết định đến thẳng gặp anh, mặc dù biết trước là chuyên gia về dơi này thường xuyên đi thực địa khắp nơi, hết vườn quốc gia Ba Vì (Hà Tây), lại đến vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn), Bến En (Thanh Hoá), thậm chí là cả rừng ngập mặn Tây Nam Bộ hay đảo Phú Quốc…Rất may, mở cửa chính là “người Dơi”, vóc nhỏ nhắn, da đen sạm nhưng rắn rỏi - kết quả của những tháng ngày lăn lộn khắp các vùng đồi núi.
Vũ Đình Thống sinh năm 1975, quê gốc ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), tốt nghiệp khoa Sinh của ĐH Sư phạm - nơi mà lý ra anh phải trở thành một thầy giáo dạy sinh. Con đường đến với loài dơi hết sức tình cờ: Trong học kỳ II của năm thứ I, thầy hướng dẫn của Thống là TS. Trần Hồng Việt, định hướng: “Trong hầu hết lớp thú hiện nay ở VN đều đã có chuyên gia nghiên cứu sâu rồi, chỉ còn 2 bộ bỏ ngỏ chưa có ai làm đó là bộ ăn sâu bọ và bộ dơi”.
Tìm hiểu thêm, Thống biết rằng bộ ăn sâu bọ chỉ có một số loài, còn bộ dơi thì vô cùng phong phú, vậy là chọn dơi. Năm 1998, Thống bắt đầu về công tác tại VST&TNSV, cũng chưa hứng thú lắm với dơi, cái loài vóc dáng xấu xí, trên phim ảnh thì toàn mang tiếng ác.
Lần thực địa đầu tiên của Thống là ở vườn quốc gia Bến En (Thanh Hoá) cùng với đồng nghiệp là Phạm Đức Tiến, 2 chú cháu dùng một cái bẫy do Canađa hỗ trợ và tóm được kha khá dơi, qua đó thu được một số kết quả nhỏ - điều này đã thực sự bắt đầu kích thích chàng trai 23 tuổi.
Cuối năm 2000, thông qua người thầy, cố giáo sư Cao Văn Sung, Thống biết đến một cuộc thi về bảo tồn của Anh do 3 tổ chức: B.P; Fauna and Flora International và Bird Life International tổ chức hàng năm trên toàn thế giới (Từ năm 1990).
Điều đáng nói là Thống biết thông tin này muộn: “Đi thực địa cả tháng trời về, tôi mới biết chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn gửi hồ sơ dự thi”. Thế là lao vào làm bất kể ngày đêm, hồ sơ Thống gửi đi là bộ cuối cùng ban giám khảo nhận được trong tổng số 300 bộ hồ sơ khắp thế giới.
Hồi hộp đợi tin, một thời gian sau tin vui bay về, hồ sơ của Thống lọt vào Top 20, giờ thì lại cộng thêm cả lo lắng, thêm vài ngày nữa thì “cá chép vượt vũ môn”, đề tài “Nghiên cứu hiện trạng dơi ở vườn quốc gia Bạch Mã, Việt Nam” của Thống đoạt giải nhất với mức thưởng 4.000 bảng Anh.
Sau này khi sang Luân Đôn nhận giải thưởng và học thêm, Thống mới biết mình hết sức may mắn, vì đây là một giải thưởng cao quý mà thường chỉ có các nhà khoa học (có thể là người các nước) nhưng được đào tạo bài bản ngay tại Anh mới nhận được. Bộ hồ sơ của Thống được ban giám khảo đánh giá cao vì tính hiện thực của nó.
Dơi ngựa - nguy cơ tuyệt chủng
Càng nghiên cứu Thống càng thấy đam mê với loài dơi. Chàng trai nhỏ bé lại đặt chân đến khắp nơi trong mọi miền Tổ quốc: rừng nguyên sinh Tả Trạch (Huế); vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên Cần Giờ, Ngọc Linh; vườn quốc gia Phú Quốc, Côn Đảo; khu vực Dinh Quán (Đồng Nai) và khu vực chùa Tuyền Lâm (Đà Lạt)…
Lại thức thâu đêm suốt sáng với các loại bẫy mờ và bẫy Thụ Cầm. Dần dà, Thống có thể biết rõ đặc trưng của từng loài: tai dài hay nhọn, lông màu vàng nâu, nâu sẫm hay đen; chiều dài cẳng tay, đầu, thân, sải cánh là bao nhiêu…
Kết quả đến nay rất khả quan: Số lượng các loài dơi được phát hiện đã tăng gấp đôi so với thời điểm thống kê năm 1994. Cụ thể có tới 107 loài, 31 giống, 7 họ và 2 phân bộ và danh sách này vẫn còn dài thêm, trong đó có những loài chưa từng có ở khu vực Đông Nam Á như Phoniscus Jagori.
Nhưng một loài dơi được Vũ Đình Thống đặc biệt chú ý đó là loài Dơi Ngựa. Anh nói vanh vách: “Đây là loài dơi to nhất thế giới có thể đạt tới trọng lượng 1,5kg và sải cánh dài 2m. Tuy kích thước rất lớn nhưng thức ăn chính của chúng lại là hoa quả. Tuổi thọ của chúng ít nhất trên 10 năm. Chúng có thể bay đi cách nơi cư ngụ từ 6-8km và bay cao trên 30m. Khi bay qua biển, chúng có thể bay giữa 2 làn sóng để tránh gió. Trong những ngày nắng nóng chúng tự quạt mát bằng đôi cánh hoặc tự liếm phần ngực và cánh”.
Thực ra dơi Ngựa chia thành: dơi Ngựa lớn, dơi Ngựa nhỏ và dơi Ngựa Thái Lan. Loài dơi nổi tiếng ở chùa Dơi (Sóc Trăng) và chùa Cũ Lịch Hội Thượng (huyện Long Phú, Sóc Trăng) chính là dơi Ngựa Thái Lan, theo Thống loài này từng xuất hiện cả ở vườn quốc gia Bạch Mã nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất ở tỉnh Sóc Trăng với số lượng không nhiều khoảng 3000 cá thể.
Về chuyện dơi ở chùa ngày càng mất đi, Thống bảo: “Cả nước biết chuyện săn bắt dơi bán cho nhà hàng đặc sản ở khu vực này vậy mà vẫn không ngăn chặn nổi. Năm 2004 tôi vào thử một nhà hàng khảo sát, thì giá 1 con dơi bé là 150.000 đồng; đến năm 2005 quay lại thì giá đã vọt lên thành 250.000 đồng/con, bảo sao người ta không đổ xô đi bắt chúng”.
Dơi ngựa ở Sóc Trăng. |
Nghiệp… dơi
Năm 2005 vừa qua quả thực là một năm bận rộn của “người dơi”, anh mang loài dơi Việt Nam bay lượn khắp các nơi trên thế giới. Hết hội nghị toàn cầu về Sinh học bảo tồn tại ĐH Brasilia, Brasil; Hội nghị về Thú học ở Hokkaiđô (Nhật Bản) lại đến Hội nghị về Hệ thống sinh vật học tổ chức tại Luân Đôn (Anh) và thủ phủ xứ Wales-Cadiff; Ngoài ra Thống còn học thêm gần 3 tháng tại hạt Kent, cách Luân Đôn nửa giờ tàu hoả; Các nước trong khu vực như Lào, Malaysia… thì đi liên tục.
Dơi cáo. |
Hiện nay ở Việt Nam không có nhiều người nghiên cứu về dơi, ngoài VST&TNSV thì ĐH Khoa học Tự nhiên hay những cơ quan khác đều không có người chuyên sâu. “Đây thực sự là một thiệt thòi của chúng ta” - Thống nói - “Ngay từ năm 1997, tức là khi tôi còn là sinh viên, chính giáo sư Paul J.J Bates đã sang Việt Nam tìm cách gây dựng một đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu về dơi, tuy nhiên không thể tìm được người tâm huyết với nghề nên sau đó ông chuyển qua Myanma và kết quả là họ đào tạo được 14 người".
"Tôi đã xin thêm được chỉ tiêu cho 2 học viên học cao học, đã tìm được một người, còn một người nữa cần phải tìm được ngay để trong tháng 3 này cùng sang miền Nam Thái Lan tập huấn, tôi thực sự hy vọng họ có thể chung con đường dài với tôi, trở thành những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về dơi, và nếu có thể cố gắng đứng đầu khu vực về lĩnh vực này- vì Việt Nam có nhiều thuận lợi về môi trường sinh sống của dơi”, Thống cho biết.
Chia tay tôi, Thông cười: “Có lẽ tôi sẽ mất cả đời để nghiên cứu về loài dơi, phong phú lắm anh ạ. Chỉ riêng mớ tài liệu tôi mang qua Anh sau chưa đầy chục năm tìm tòi, giáo sư Paul J.J Bates đã bảo phải mất 20 năm mới nghiên cứu hết, chưa kể là mình còn bổ sung từ nay về sau”.
Nguồn: vnn.vn