“Friedrich Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp” - Một cuốn sách gây ấn tượng mạnh
Nhà kinh tế học Đinh Tuấn Minh - người hiệu đính và giới thiệu tác phẩm bản tiếng Việt – đã có những gợi ý và khích lệ độc giả Việt Nam nên mạnh dạn đọc cuốn sách này. Ông viết: “ Chính sách dứt khoát cải cách và mở cửa nhưng từ từ lựa theo sự tiến triển của các thiết chế văn hóa – xã hội của Trung Quốc chẳng khác gì hơn là nội dung của một trong những triết lý quan trọng nhất của F.A. Hayek về giải pháp giúp con người duy trì được sự phát triển của xã hội tự do trong trật tự tự phát...”.
Liên hệ với công cuộc đổi mới của nước ta, Đinh Tuấn Minh viết: “ Triết lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay, nếu xét kỹ về nội hàm của nó thì chúng ta dễ dàng phát hiện ra rằng triết lý này gần gũi với triết lý “Chủ nghĩa tự do” (Libertarianism) và thuyết “Cộng đồng hợp tác” (Communitarianism) mà H.A. Hayek mong muốn các xã hội hướng tới hơn bất kỳ triết thuyết xã hội nào” ...“Chẳng phải phương thức phát triển xã hội lựa theo sự tiến hóa của các thiết chế văn hóa – xã hội nội tại; chẳng phải ước muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sự đa dạng của các cộng đồng xã hội trên thế giới là những nội dung chủ đạo của định hướng phát triển chung của Việt Nam hiện nay đó sao?”.
Ngoài lời giới thiệu và ghi chú, cuốn sách gồm ngót 700 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, chia làm 6 phần, 41 chương do Dịch giả trẻ Lê Anh Hùng thực hiện, tuy chứa đựng một số nội dung khá trừu tượng liên quan đến tư tưởng độc đáo, uyên thâm của F. A. Hayek, nhưng tác giả Alan Ebenstein viết rất khéo giúp cho hầu hết mọi độc giả đều có thể nắm bắt được.
Tiên đề cốt lõi trong triết thuyết của F.A. Hayek mang nội dung thực tiễn, đó là: Tri thức của nhân loại rất đa dạng và phức tạp được phân chia cho tất cả mọi người trong xã hội. Những tri thức đa dạng và rời rạc ấy không thể hội tụ vào một trí tuệ trong xã hội hiện đại, dù là một “siêu nhân” hay một nhóm người tinh hoa nhất. Do vậy, thật là phản khoa học và phản tiến bộ nếu muốn xây dựng một xã hội dựa trên niềm tin cho rằng sự chi phối của chính phủ đối với toàn bộ quyết định về quản lý kinh tế và kinh doanh (tức nền kinh tế chỉ huy tập trung) có thể hiệu quả hơn so với trật tự kinh tế phi tập trungđược xác lập thông qua giá cả, lao động, tư hữu, lợi nhuận, hợp đồng và khả năng trao đổi hàng hóa, dịch vụ - tất cả những thứ được xây dựng, điều chỉnh và khai thác từ nền kinh tế thị trường. Một xã hội theo cơ chế thị trường được định nghĩa là nó cho phép tất cả những người trưởng thành và có trách nhiệm được làm những việc mà họ mong muốn miễn là không gây tổn hại đến người khác. Theo F.A. Hayek, trong một trật tự tự phát(Spontaneous order), các cá nhân có thể trao đổi và tác động qua lại một cách tự do. Quá trình ra quyết định của cá nhân không chịu sự chi phối, sự “bao cấp về tư tưởng” của bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Do vậy, pháp trị tất yếu phải thay thế nhân trị”.
Trong cuốn “Luật, Luật pháp và Tự do”, F. A. Hayek viết: “ Sự phụ thuộc lẫn nhau của hết thảy mọi người trên thế giới - điều mà mỗi chúng ta giờ đây đều nói tới, đang có xu thế đưa toàn thể nhân loại vào một thế giới đại đồng, đó là, và chỉ có thể là, kết quả của trật tự thị trường”.
Dù tán thành hay không tán thành một phần hay toàn bộ các luận thuyết của nhà Triết học, Kinh tế - Chính trị học F.A Hayek, thiết nghĩ chúng ta, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lý luận, rất nên chú ý nghiên cứu, trao đổi về các quan điểm có tính phản biện hết sức mạnh mẽ và sắc sảo của ông, nhằm góp phần làm sáng tỏ các triết lý trong đường lối đổi mới của Việt Nam hiện nay.