Đừng để mầm sáng tạo bị cớm nắng
Trong danh sách sách 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2007vừa được công bố như thường lệ vào mỗi dịp 26/3, có hai đại diện sáng tạo trẻ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Đó là Phạm Minh Tuấn(sinh năm 1982) làm việc tại phòng vi sinh vật học phân tử - Viện Công nghệ sinh học và Giang Thiên Phú(sinh năm 1989) là học viên của Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế APTECH.
Đây chỉ là 2 trong số những đại diện của thế hệ 8x, 9x vẫn đang chập chững trước ngưỡng cửa khoa học kỹ thuật và hăng say bước vào con đường đưa sản phẩm sáng tạo của mình vào thực tế. Nhưng sau các giải thưởng, cuộc thi hoặc những chương trình phần nhiều mang tính hình thức, sáng tạo của họ bị bỏ quên và niềm say mê đứng trước nguy cơ mai một.
Khi còn học lớp 11, Nguyễn Phú Sơn(quê Phú Thọ) và Phạm Bảo Trung(quê Hải Phòng) đều có những sáng kiến được đánh giá xuất sắc về khả năng ứng dụng. Chiếc gậy dẫn đường cho người già và người khuyết tật của Phú Sơn, chiếc máy nuôi gà của Bảo Trung đều đoạt cúp vàng tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ tại Tokyo (Nhật) vào cuối năm 2004. Gần 4 năm trôi qua, sản phẩm sáng tạo của họ - nay đã là sinh viên - đã trở thành những kỷ niệm thuở học trò. Sản phẩm vẫn hữu dụng, nhưng chỉ dùng ở quy mô nhỏ, không được sản xuất hàng loạt. "Mầm sáng tạo" nơi các bạn trẻ này không tiếp tục được đơm hoa kết trái khi khoa học kỹ thuật không phải là con đường để các bạn trẻ này gắn bó lâu dài, để có thể tạo nên những sản phẩm lớn hơn.
Môi trường sáng tạo và hỗ trợ cho những sản phẩm khoa học kỹ thuật ứng dụng ra đời với Phú Sơn hay Bảo Trung đã thiếu hụt, với Thiên Phú còn bị bó hẹp hơn. Nhiều người lớn luôn nhìn những gì các em làm là trò trẻ con; còn trong môi trường xã hội, quá thiếu vắng những phong trào khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo có đường hướng rõ ràng để khuyến khích học trò thi đua, học hỏi.
Giang Thiên Phú từng bộc bạch, khó khăn lớn nhất với mình chưa phải là những phương tiện kỹ thuật để chế tạo sản phẩm mà lại là sự “cấm đoán nghiệt ngã” của bố. “Bố cứ thấy em làm gì là đánh, làm xong sản phẩm gì là đập”. Có những lần bố bắt Phú phải đốt chính những sản phẩm mới do Phú làm ra, Phú đau lòng lắm, và quyết tâm không từ bỏ những ý tưởng của mình.
Trong hoàn cảnh khó khăn ở quê, phải gom góp từng chút tiền nhỏ có được (trong đó một phần là tiền nhuận bút kiếm được từ các báo) để mua dụng cụ chế tạo, nhưng Phú không nản. Sự say mê tìm tòi, sáng chế giúp em vượt qua nhiều cản ngại mà với nhiều người khác, có thể họ đã chán nản, bỏ cuộc. Và đến nay Phú đã vào đại học, nhưng người viết bài này vẫn băn khoăn tự hỏi: trong một môi trường có quá ít những thành tự khoa học - công nghệ và những phát minh, sáng chế dù lớn hay nhỏ luôn ở mức "èo uột" như hiện nay ở nước ta thì những "mầm sáng tạo" như Phú có nguy cơ đứt đường, đứt đoạn? Ai "nâng cấp" cho sáng tạo trẻ?
Liên tiếp những sản phẩm tiện dụng được cải biến để làm kẹp tuốt cà phê, thước đo từ cần ăngten, ống vun gốc tiêu của Hồng Quan được chính bạn trẻ này sử dụng ngay cho công việc của mình, và dần dần ý tưởng sáng tạo của Hồng Quan đã lên tới con số hàng trăm. Nhưng ai thẩm định và tiếp tục "nâng cấp" những mảnh ghép ý tưởng và sản phẩm ấy? Còn nhớ, khi hai chàng trai Phú Sơn và Bảo Trung đã kể ở trên đoạt giải tại cuộc thi trong khuôn khổ triển lãm sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên quốc tế do Quỹ Sáng chế Nhật Bản tổ chức, có 5/11 sản phẩm của Việt Nam đều đạt giải nhất. Với kết quả đó, Việt Nam là nước có nhiều giải nhất nhất trong tổng số 39 quốc gia tham dự. Sản phẩm đạt giải nhất - "Bể bơi dành cho thiếu niên, nhi đồng ở cùng sông nước" là của em Võ Thị Như Ngà, học sinh lớp 8 trường THCS Thống Nhất, thị xã Tân An, tỉnh Long An - chỉ được làm từ số tiền 300.000 đồng. Hay bộ phần mềm học tập của em Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (khi đó học lớp 7) cũng là "tự lực mà nên". Những điều đó để thấy có thực sự là sức sáng tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ của giới trẻ Việt Nam là yếu kém? Hay vấn đề là chuyện cần làm gì để những "nhà sáng chế trẻ" có thể đi tiếp, tiếp tục công hiến và có cơ hội cho ra đời những sáng tạo đột phá của tương lai? Đâu mới là việc đáng lo âu khi mỗi sáng kiến luôn là "của hiếm" ở bất cứ nơi nào... Nghiên cứu - ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa những sáng kiến mới thành công cụ tiện ích cho cuộc sống từ lâu vẫn bị "mang tiếng" là "vùng trũng" đối với giới học sinh - sinh viên nói riêng và ngành khoa học ứng dụng Việt Nam nói chung (người Việt vốn giỏi văn chương, thi phú, ứng đối hơn là logic, thuật toán, khoa học chính xác). Để thay đổi điều này cần đến sự vun trồng từ gốc, chứ không phải để lãng phí "tài nguyên" hoặc để mầm cây èo uột rồi "cớm nắng", thui chột như lâu nay. Nguồn: Vietnamnet, 3/2008 |