Đông Du những ngày trên đất Nhật
Giai đoạn khó khăn
Thời gian Phan Bội Châu và nhóm chín học sinh Việt Nam đầu tiên đến sống tại Nhật Bản được coi là giai đoạn rất khó khăn. Năm đầu tiên họ đã phải trải qua một mùa đông đói rét và cực kỳ khó khăn tại Yokohama .
Trong hồi ký của ông, Phan Bội Châu đã kể lại thời gian này như sau: “ Chúng tôi phải chạy vạy để sống, Chúng tôi chỉ có hai bữa ăn một ngày - cơm một chút muối và vài ly nước trà. Chúng tôi sống cực khổ trong một khoảng nhỏ nơi trọ. Mùa đông đến, tuyết rơi từng mảng lớn và gió lạnh thổi rét thấu tới tận xương tủy. Khi rời khỏi nước, không có ai trong chúng tôi mang theo quần áo lạnh cả. Thiếu ăn, thiếu mặc, chúng tôi chỉ còn cách ngồi run rẩy”.
Theo ông Đỗ Thông Minh từ Tokyo , ngày 2/5/1908, anh Trần Đông Phong, một thanh niên Đông Du con nhà giàu, người từng giúp nhiều tiền bạc cho cụ Phan đã tự sát. Anh mong tin nhà gởi tiền mãi không được, vừa vì trách nhiệm nặng nề vừa hổ thẹn với anh em... nên khi mọi người đi học, ở nhà một mình anh đã tự sát mà đâu biết rằng thư từ bị Pháp tịch thu và nhiều người bị bắt vì những lá thư đó.
Việc tổ chức sao cho nhóm học sinh Việt Nam này học bên Nhật cũng là một vấn đề khó khăn. Các trường Nhật không dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, nhưng nói chung cụ Phan Bội Châu có vẻ đã tổ chức cho những học sinh này học tiếng Nhật bên ngoài khá nhanh chóng và sau đó ông đã gởi được bốn học sinh vào học tại Chấn Vũ học hiệu(Shimbu Gakko) - một trường Đại học quân sự của Nhật với chương trình 5 năm huấn luyện sỹ quan.
Nhưng sau đó tướng Fukushima Yasumata, Hiệu trưởng trường này không chịu nhận thêm học sinh Việt Nam nữa vì e ngại phản ứng của Pháp trước việc Nhật nhận học sinh Việt Nam vào học tại trường sỹ quan chính thức của Nhật. Thành ra số còn lại phải đi học trường Đồng Văn thư viện(Dobun Shoin) một trường học được thành lập chính để huấn luyện du học sinh Trung Quốc và những học sinh Đông Á khác do Kashiwara Buntaro, một nhà cách mạng Nhật chủ trương liên Á thành lập.
Chương trình của Đồng Văn thư viện phần chính là văn hóa, nhưng có những lớp huấn luyện quân sự được tổ chức vào buổi chiều. Những học sinh đến sau phần lớn là học tại trường Đồng Văn này, tuy rằng có một số nhỏ đi học ở những trường khác tại Nhật.
Một trong những họat động cho thấy quan điểm dân chủ của Phan Bội Châu là việc ông tổ chức Việt Nam Công Hiến hội vào tháng 10/1907 để tập cho các học sinh Việt Nam tại Nhật cách sinh hoạt dân chủ và để xóa bỏ những phân biệt địa phương.
Tất cả những học sinh Việt Nam tại Nhật đều là hội viên. Hoàng thân Cường Để được cử làm Chủ tịch, Phan Bội Châu làm tổng thư ký. Hội có bốn “bộ”: Kinh tế, Kỷ luật, Ngoại vụ và Ban Bí thư, mỗi bộ được đặt dưới sự kiểm soát của một ban gồm ba đại biểu do các học sinh bầu lên.
Đoàn kết vì tổ chức
Ngoài mục tiêu cụ thể, nhằm huấn luyện cho học sinh tinh thần độc lập và trách nhiệm cũng như để bảo đảm cho việc phân chia ngân quỹ tài trợ được đồng đều, Công Hiến hội còn có một tầm quan trọng lớn trong việc cung cấp một diễn đàn trong đó những thành niên Việt Nam bị tác động bởi tuyên truyền của thực dân Pháp để phân biệt địa phương như là Nam, Trung, Bắc kỳ có dịp vượt qua những kỳ thị địa phương và tìm lại một tình cảm thống nhất.
Theo hồi ký của một người thời đó: “ Mỗi chủ nhật lại có một phiên họp toàn thể tại trường. Sau phần diễn văn của các ông Chủ tịch và Tổng thư ký, mọi người đều có quyền tham gia vào cuộc tranh luận và đưa ra ý kiến của mình”.
Những phiên họp này đã góp phần tạo ra tinh thần đoàn kết và tạo ra một bầu không khí đồng chí. Tuy rằng, Việt Nam Công Hiến hội chưa phải là “một hình thức chính phủ lâm thời lưu vong của Việt Nam” như Phan Bội Châu viết trong hồi ký của ông, nhưng Công Hiến hội đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc phát triển hình thức tổ chức dân chủ trong chính trị Việt Nam cũng như đặt những viên đá đầu tiên cho nền móng của một tinh thần quốc gia Việt Nam hiện đại. Đúng vào lúc phong trào Đông Du đang tiến hành tốt đẹp thì Nhật trở mặt.
Sau khi ký thỏa hiệp thương mại Nhật - Pháp ngày 10/6/1907, năm 1908 Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất tất cả các học sinh Việt Nam và đến tháng 3/1909, chính Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật. Với sự giúp đỡ của Nhật, mật thám Pháp cũng biết được tên tuổi của hầu hết các du học sinh. Điều này đã giúp cho chính quyền thuộc địa Pháp làm áp lực với gia đình của các du học sinh này và buộc hầu hết họ phải trở về Việt Nam .
Phong trào Đông Du đến đó là kết thúc. Nhưng không phải tất cả những du học sinh này đều lựa chọn trở về. Một số đã được gia đình khuyến khích ở lại và một số đã quyết định ở lại sống cuộc sống lưu vong, bất chấp sự từ bỏ của gia đình. Cuộc đời của những người này, kể lại trong hồi ký của cụ Phan Bội Châu đến nay vẫn còn làm người đọc cảm động.
Nguồn: Văn Hiến Việt Nam, số tháng 8/2005