Đồng chí Hà Huy Tập và các tác phẩm lý luận tiêu biểu
Từ năm 1925, đồng chí Hà Huy Tập đã tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt (thành lập ngày 14-7-1925 ở thành phố Vinh - nghệ An, sau đổi thành Hưng Nam , Việt Nam Cách mạng Đảng - gọi tắt là Tân Việt). Đồng chí đã có nhiều hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển mạng lưới tổ chức của Tân Việt (sau trở thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 12-1928, sau vụ án đường Bácbiê (Sài Gòn), nhiều đồng chí trong tổ chức Tân Việt bị bắt, đồng chí Hà Huy Tập bị lộ. Được sự đồng ý của tổ chức, Hà Huy Tập cùng Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ, Nguyễn Khoa Kiên sang Quảng Châu (Trung Quốc), rồi đến Thượng Hải, Hồng Kông, tìm bắt liên lạc được với các đồng chí trong Tổng bộ Thanh niên. Tháng 5-1929, thông qua Tổng bộ Thanh niên, đồng chí Hà Huy Tập được Lãnh sự quán Liên Xô ở Thượng Hải giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông.
Trong thời gian học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Phương Đông (từ 1929 đến 1932), cũng như thời gian về Trung Quốc sau đó, đồng chí Hà Huy Tập đã viết nhiều bài giới thiệu về hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, đăng trên Cahiers du bolchévisme(Tập san Bônsêvích- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Đặc biệt trong các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, đồng chí Hà Huy Tập thường có các bài tổng kết công tác Đảng, nêu ra những vấn đề đã làm được và những điểm còn tồn tại trong Đảng. Ví dụ các bài: “Cách mạng Đông Dương” (đăng trên Cahiers du Bolchévisme,số 1, tháng 7-1932); bài: “Công tác của Đảng Cộng sản Đông Dương” (đăng trên Cahiers du Bolchévisme,ngày 1-11-1932); bài: “Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” (đăng trên Cahiers du Bolchévisme,ngày 1-3-1933); các bài này đều ký bút danh Hồng Thế Công.
Tháng 4-1932, sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường Đại học Phương Đông, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hà Huy Tập lên đường trở về nước, nhưng đã không thực hiện được, vì vừa mới tới Pháp, đồng chí đã bị bắt và bị trục xuất khỏi đất Pháp, sang Bỉ rồi trở lại Liên Xô.
Quyết tâm trở về nước hoạt động, đầu năm 1934, Hà Huy Tập bí mật về Quảng Châu, bắt liên lạc được với Lê Hồng Phong và một số đồng chí đảng viên khác. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản các đồng chí đã thành lập Ban chỉ huy ở ngoài, gồm Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy ở ngoài là chắp mối liên lạc với các tổ chức Đảng trong nước, khôi phục phong trào cách mạng đã bị tổn thất nghiêm trọng sau các cuộc khủng bố ác liệt của kẻ thù.
Để đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, Ban chỉ huy ở ngoài ra Tạp chí Bônsêvích,do đồng chí Hà Huy Tập phụ trách. Cùng với việc tuyên truyền tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tạp chí Bônsêvíchcó nhiều bài phân tích về những nguyên nhân thất bại của phong trào cách mạng, chỉ ra kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh, vận động quần chúng.
Cùng với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Ban chỉ huy ở ngoài, nhiều cán bộ được tăng cường về hoạt động trong nước, phong trào cách mạng được khôi phục và phát triển nhanh chóng trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó, Đảng ta quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất.
Tháng 3-1935, dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được tiến hành ở Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã ra một số quyết nghị quan trọng và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội không có ý bầu Ban chỉ huy ở ngoài. Tuy nhiên, do đồng chí Lê Hồng Phong vắng mặt, nên thực chất trọng trách lãnh đạo cao nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ này đều do đồng chí Hà Huy Tập đảm nhiệm. Sau Đại hội 1, Tạp chí Bônsêvíchtrở thành cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng biên tập. Tạp chí Bônsêvíchtrở thành một tài liệu tuyên truyền quan trọng đối với phong trào cách mạng trong nước, là tài liệu học tập không thể thiếu của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù đế quốc.
Tháng 7-1936, tại Thượng Hải, đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2. Hội nghị tập trung quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và đưa ra thảo luận về “Chiến sách mới” của Đảng. Sau Hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được cử về nước và giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Hồng Phong.
Trong thời gian này, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về tổ chức và lực lượng, trên phạm vi toàn quốc. Chủ trương mới của Đảng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập: thành lập Mặt trận nhân dân phản đế,thay đổi hình thức đấu tranh kết hợp công khai và bán công khai, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào mặt trận chống phát xít... đã tạo ra một cục diện mới cho cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Hà Huy Tập vừa là một Tổng Bí thư kiên trung, tài năng, vừa là nhà lý luận sắc sảo của Đảng ta. Các bài viết, tác phẩm của Tổng Bí thư Hà Huy Tập có số lượng lớn, viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, với nhiều bút danh: Hồng Thế Công, Thanh Hương, H.Q.V., Hồng Qui Vít, Châu Dân, “Một nhóm độc giả báo La tutteởSài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định”... và một số bút danh khác còn đang được thẩm định .Qua nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi được biết, với bút danh Hồng Thế Công, đồng chí Hà Huy Tập ra đăng 3 bài trên Cahiers du Bolchévisme,hiện đã sưu tập được 2 bài, còn thiếu một bài có nhan đề: “Cách mạng Đông Dương”. Các bài viết của Hà Huy Tập đăng trên Tạp chí Bônsêvích(do đồng chí phụ trách) có bút danh Hồng Thế Công cũng tương đối nhiều, nhưng hầu hết đã bị thất lạc.
Về các bài được đăng trên các báo, đến nay đã sưu tầm được một số bài, chắc chắn còn thiếu nhiều, ngay cả một số tờ báo của Đảng thời kỳ này cũng chưa được sưu tầm đầy đủ. Trong đó có tờ báo do Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập như tờ Le Peuplexuất bản 21 số, hiện mới tìm được 2 số. Đến nay, mới sưu tầm được 21 bài viết và tác phẩm được khẳng định là của Tổng Bí thư Hà Huy Tập:
- Tiểu sử tự thuật
- Lịch sử của Tân Việt Cách mệnh Đảng
- Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương
- Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia
- Gửi Ban biên tập Tạp chí Bônsêvích
- Những cải cách đế quốc chủ nghĩa
- Tư liệu bổ sung về nguồn gốc các tổ chức cộng sảnở Đông Dương
- Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương
- Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp
- Thử bàn về Lịch sử phong trào cộng sảnở Đông Dương
- Trước lúc Đại hội Đảng phải nghiên cứu Bản chương trình hành động của Đảng một cách như thế nào
- Thư ngỏ gửi nhóm La Lutte
- Trotsky và phản cách mạng
- Chúng ta hãy nói lên sự thật
- Vì sao cần ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp
- Chung quanh sự phân biệt của nhóm La Lutte hay là mặt nạ đồ đệ của Trốtky
- Sự thật về việc chia rẽ trong nội bộ nhóm La Lutte
- Ủng hộ Mặt trận nhân dân Đông Dương
- Sự thật về vụ ánở Moscou
- Ai chia rẽ nhóm La Lutte
- Thư gửi các đồng chí Ban chấp ủy Quốc tế Cộng sản.
Ngoài ra còn có một số bài viết và văn kiện có cơ sở để cho rằng tác giả là đồng chí Hà Huy Tập. Những bài này thường ghi bút danh “Ban Chấp hành Trung ương”; được ra đời trong khoảng từ tháng 7-1936 đến tháng 10-1936, đó là khoảng thời gian Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa được tổ chức lại. Do đó, mặc dầu các văn kiện đều ký là “Ban Chấp hành Trungương”, nhưng thực chất là của Tổng Bí thư Hà Huy Tập soạn thảo. Từ sau tháng 10-1936 đến tháng 3-1937, tuy Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được tái lập, nhưng chỉ có ít người, lại hoạt động phân tán, nên các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương vẫn do Tổng Bí thư Hà Huy Tập xây dựng và hoàn thành, những chủ trương lớn thường được Ban Chấp hành bàn bạc, trao đổi, quyết định rồi Tổng Bí thư căn cứ vào đó mà phân tích, trình bày, lý giải.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 9-1937, đã có Ban Thường vụ Trung ương, nhưng điều kiện làm việc vẫn chưa mấy được cải thiện. Do đó, các văn kiện, nghị quyết của Hội nghị Trung ương, các Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, sau khi được trao đổi thống nhất về nội dung trong Ban Chấp hành, Tổng Bí thư Hà Huy Tập có nhiệm vụ hoàn chỉnh và công bố dưới danh nghĩa Ban Chấp hành Trung ương.
Các tác phẩm, bài viết của đồng chí Hà Huy Tập tuy cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng đến nay, khi đọc những văn kiện này vẫn thấy rạo rực không khí cách mạng, toát lên tinh thần đấu tranh cương quyết, mạnh mẽ, tầm hiểu biết rộng lớn trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị...; nhưng trên hết là ý thức trách nhiệm cao của một lãnh tụ Đảng đầy bản lĩnh.
Công trình “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” viết năm 1933, bút danh Hồng Thế Công, bằng tiếng Pháp, thể hiện trình độ uyên bác về kiến thức và phương pháp nghiên cứu lịch sử của tác giả. Cuốn sách đã làm nổi bật những sự kiện mang tính chọn lọc, điển hình, các cuộc đấu tranh oanh liệt của quần chúng công nhân, nông dân ở các địa phương trong cả nước. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, tác giả đã phân tích một cách sâu sắc tinh thần đấu tranh cách mạng và vai trò tiên phong của các đảng viên cộng sản; uy tín và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ngày càng cao, ngày càng được nhân dân tin cậy. Trên cơ sở đó, tác giả dự báo ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc đang đến gần. Đồng thời, từ những thất bại, hy sinh và thắng lợi của phong trào cách mạng, tác giả rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo, về xây dựng Đảng, phương pháp đấu tranh và sự chuẩn bị cần thiết cho những bước đi tiếp theo đạt được kết quả to lớn hơn.
Trong nhiều văn kiện khác do Tổng Bí thư soạn thảo (báo cáo, nghị quyết, thư gửi...), người đọc thấy lối hành văn chính luận chặt chẽ, logíc biện chứng, thể hiện tư duy lý luận sắc sảo khi phân tích, lý giải những vấn đề lịch sử, chính trị. Mặt khác, qua các bài viết, tác phẩm, cũng thể hiện rõ quan điểm cách mạng triệt để, tính đảng, tính giai cấp và lập trường cách mạng kiên quyết của Tổng Bí thư Hà Huy Tập - thông qua việc lên án, vạch mặt bọn Trốtkít - những phần tử cơ hội giả danh cách mạng.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến những hạn chế mang tính lịch sử thể hiện trong một số bài viết, tác phẩm của Hà Huy Tập. Những hạn chế đó phản ánh sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng hữu khuynh trong Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam.
Đã hơn hai phần ba thế kỷ qua đi, kể từ khi người cộng sản kiên trung - Tổng Bí thư Hà Huy Tập hy sinh trước mũi súng quân thù, tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của một lãnh tụ Đảng thuộc thế hệ đầu tiên, chúng ta càng khâm phục tinh thần yêu nước nồng nàn, chí khí kiên cường bất khuất và tài năng của một lãnh tụ cách mạng.
Các tác phẩm, văn kiện mà Tổng Bí thư Hà Huy Tập để lại vừa mang dấu ấn của một lãnh tụ hết lòng vì dân tộc, vì đất nước, đồng thời phản ánh những vấn đề lý luận về đường lối, chính sách của Đảng trong quá trình phát triển ở một thời kỳ lịch sử, đó là những bài học kinh nghiệm quý báu. Với nhiều ý nghĩa, các tác phẩm của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một di sản văn hóa của Đảng, của dân tộc ta, chẳng những góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử lúc bấy giờ, mà còn là nguồn tư liệu vô cùng quý báu phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau.