Đời sống xã hội, văn hóa ở kinh đô Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII
Năm 1595, ngay sau khi trở về Thăng Long, vua Lê đã cho hội các cống sĩ ở bên bờ sông Nhị tổ chức thi Đình, lấy đỗ Tiến sĩ xuất thân và Đồng tiến sĩ xuất thân. Sang thế kỷ XVII, thi cử ngày càng được chỉnh đốn quy củ.
Chính quyền trung ương trong thời này về hình thức vừa có Trình đình vừa có phủ Chúa, nhưng thực chất quyền hành tập trung về phủ Chúa. Kiến trúc cung đình ở Thăng Long lúc này tồn tại cả Cung vua lẫn Phủ Chúa. Phủ Chúa là nơi giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong nước, triều đình vua Lê chỉ có danh mà không có thực. Các chúa Trịnh ngày càng lấn át, ức chế vua Lê. Đứng đầu phủ Chúa cũng là đứng đầu chính quyền trung ương có chức Tham tụng và Bồi tụng, do Trịnh Tùng đặt ra từ năm 1600. Nhiệm vụ của chức Tham tụng, Bồi tụng là trực tiếp giúp Chúa bàn định mọi việc quốc chính ở vương phủ.
Phủ Chúa Trịnh lúc đầu, có nhiều khả năng ở vào quãng phía nam hồ Hoàn Kiếm ngày nay, tức là ở giữa 2 hồ Tả Vọng và Hữu Vọng lúc đó. Có thể ở quãng giữa phố Tràng Thi, cạnh Nhà Thờ lớn bây giờ. Nhưng về sau, chúa Trịnh đã cho xây dựng tiếp thêm nhiều cung điện lớn, bao gồm tới 52 toà, phát triển dần dang phía Đông và Đông Nam, cho tới tận sát bờ sông Hồng. Cùng với các cung điện, là các ao cảnh, nguyệt đài, thuỷ tạ, chuồng voi, chuồng ngựa, kỳ đài, bãi hội quân và duyệt quân (Diễn vũ trường).
Đời sống xã hội, văn hoá của cư dân Thăng Long chịu nhiều tác động bởi bối cảnh chính trị lúc bấy giờ. Từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, dòng người đổ về Thăng Long ngày càng đông. Kinh đô đã thu hút nhiều thợ thủ công và thương nhân từ các trấn lân cận tới. Bia đình Hoa Lộc, phổ Hàng Đào ghi lại việc xây dựng ngôi đình do 4 họ ở làng Đan Loan (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) lên Kinh đô lập nghiệp, làm nghề nhuộm và buôn bán. Một bia khác cũng ở đình này ghi sách những vị đỗ đạt tiêu biểu trong thôn, trong đó có Bùi Thế Vinh đỗ Tiến sĩ năm 1580, Vũ Thạnh đỗ Thám hoa năm 1685… Đình Hải Tượng tại ngõ Hải Tượng (ngõ Thợ Giầy) thờ tổ sư nghề thuộc da và đóng giầy của các làng Chắm tức Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (thuộc tỉnh Hưng Yên). Đình Xuân Phiến ở phố Hàng Quạt thờ tổ sư nghề làm quạt của dân làng Đào Xá Huệ (thuộc tỉnh Hải Hưng cũ). Đình Tú đình Thị hay đình Chợ Thêu ở ngõ Tạm Thương, của dân Quất Động (thuộc tỉnh Hà Tây). Đình Thợ Tiện ở phố Hàng Hành thờ tổ sư nghề tiện của dân làng Nhị Khê (thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) (1). Nội dung những tấm bia này là minh chứng sinh động cho sức hút mạnh mẽ của đất Kinh thành đối với các trấn trong nước.
Sản xuất phát triển, hàng hoá phong phú dẫn đến sự phát triển của trao đổi hàng hoá, thể hiện trong việc mở rộng mạng lưới chợ - phố - bến sông. Việc buôn bán trên sông Hồng trở nên nhộn nhịp. Giáo sĩ Marini từng ở Kinh thành Thăng Long khoảng đầu thế kỷ XVII, đã viết: “Sông bọc lấy thành thị (Thăng Long), trong một khuỷu rộng, nên việc buôn bán được dễ dàng, thuyền bè luôn luôn đi lại trên sông: sông còn chia ra nhiều ngành, nhiều sông đào, rất có ích cho việc chuyên chở các hàng hoá và làm cho việc buôn bán giữa các tỉnh ngoài với kinh thành được thuận tiện” (2).
Sông Tô Lịch lúc ấy cũng là nơi thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngay trên sông Tô, đổ ra sông Hồng trở nên rất sầm uất, nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc đều tập trung ở đây. Hồ Tây khi ấy vừa thông với sông Hồng vừa thông với sông Tô, nên những phường ở trên bờ hồ như phường Nhật Chiêu, phường Tây Hồ đều thuyền bè tấp nập.
Sự buôn bán ở Thăng Long càng thịnh vượng, thì dân số càng tăng, phố phường đông đúc. Từ đầu thế kỷ XVII, ở kinh thành Thăng Long bắt đầu có người phương Tây tới buôn bán: đông nhất là người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Anh, rồi dần dần người Tây Ban Nha, người Pháp. Các nhà buôn Trung Quốc, Nhật Bản cùng có nhiều người buôn bán lớn ở Thăng Long. Sự xuất hiện và tồn tại trong vài chục năm, các thương điếm của công ty Đông Ấn Hà Lan (1645 – 1699), Công ty Đông Ấn Anh (1683 – 1967) ở Thăng Long (địa điểm cửa hàng ở phía bờ sông Hồng, gần cầu Long Biên ngày nay) như một đại lý thu mua nguyên liệu và hàng hoá, đã đóng vai trò kích thích, thúc đẩy các luồng hàng hoá từ các địa phương thuộc Tứ trấn (Kinh Bắc – Sơn Tây - Hải Dương – Sơn Nam) chuyển về kinh thành. Vai trò của thương nhân và thợ thủ công được đề cao. Trong cuốn: “ Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài”, dựa trên lời thuật lại của Daniel Tavernier trong dịp đến Kẻ Chợ với tư cách là sĩ quan phụ trách kế toán, hành chính trên tàu buôn của Công ty Đông Ấn của Hà Lan (VOC), trong khoảng thời gian 1639 – 1645 đã mô tả “Nghi lễ khi vua xứ Đàng Ngoài lên ngôi”, trong đó đáng chú ý là: trong thành phần dân chúng vào chầu chúc mừng vua thì có “hai đại biểu, một là đại biểu cho thương nhân, một là đại biểu cho thợ thủ công, đọc lời chúc tụng vua, nội dung là những trưởng giả và dân chúng thành Kẻ Chợ công nhận vua là vị chúa tể chính thức, và họ có thể xin hết đời trung thành với đức vua” (3).
Thăng Long là trung tâm buôn bán của các tuyến đường dài trong nước và quốc tế: Thăng Long - Thượng Du và Thăng Long – Thanh, Nghệ; Thăng Long – Vân Nam (thuyền đi đến Mạn Hảo), Trung Quốc, Thăng Long - Phố Hiến, từ đó các tầu thuyền ngoại quốc có thể nhổ neo đi Quảng Châu, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây (4).
Sự phát triển của kinh tế hàng hoá, chủ yếu là ở các trấn xung quanh Thăng Long, một mặt đã đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của nhân dân Thăng Long, mặt khác tạo tiền đề kinh tế để duy trì và thúc đẩy sự phồn vinh của Thăng Long trong quá trình phát triển ở các thế kỷ sau.
Dưới thời Lê Trung Hưng, môn phái Trúc Lâm được phục hưng ở kinh thành Thăng Long và ở cả Đàng Ngoài. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, một số khá đông các tăng từ Trung Hoa đã đến Đại Việt để hành đạo. Lúc này, sau gần một thế kỷ rưỡi loạn lạc, con người bắt đầu quay trở về với đạo Phật. Tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật xoa dịu những mất mát chiến tranh. Các chúa Trịnh không phải là những người học Phật uyên thâm và có ý chí tu học như các vua thời Trần, nhưng đã hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Nhiều thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam đến trụ trì và hoằng pháp tại Thăng Long, và vì thế, nhiều ngôi chùa nổi tiếng được trùng tu hoặc dựng lên ở đây. Thiền sư Chuyết Chuyết, người Trung Quốc đến kinh thành Thăng Long năm 1633. Ông và đệ tử ở lại chùa trên núi Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp.
![]() |
Phủ chúa Trịnh thế kỷ XVII, cùng nguồn tài liệu của S. Baron. |
Đạo giáo cũng được phát triển ở Thăng Long và được vua chúa tôn trọng. Bên cạnh những tôn giáo có từ trước, tại kinh thành Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI trở đi đã xuất hiện thêm một tôn giáo nữa, Kitô giáo, do các giáo sĩ phương Tây truyền vào. Năm 1627, Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes tới Thăng Long được yết kiến Trịnh Tráng và tặng cho chúa Trịnh một cái đồng hồ quả lắc có bánh xe, một hộp phấn thấm mực, và một quyển sách toán pháp mạ vàng in gáy bằng chữ Nho. Trong 3 năm, Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes cùng với cha Máckê đã làm lễ rửa tội cho 6.700 người. Sau đó, chúa Trịnh còn cho phép các giáo sĩ phương Tây được xây dựng nhà ở và nhà thờ tại kinh thành Thăng Long. Riêng trong thế kỷ XVII, đã có tới 3 nhà thờ đạo Kitô. Và từ thế kỷ XVII trở đi, số giáo sĩ, số tín đồ Kitô đã càng ngày càng đông, ở kinh thành Thăng Long cũng như các lộ, các trấn.
Những ngày tết, ngày hội ở Thăng Long tổ chức tại phủ của các nhà quyền quý rất tưng bừnG, long trọng. Tết Trung thu tổ chức trong phủ chúa Trịnh ở Thăng Long được mô tả như sau: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự giá ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng đá làm núi. Chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình có thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn. Trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn áo như đàn bà, bầy hàng ở rìa đường bán những hàng tạp hoá cùng các đồ hoa quả chả rượu, thứ gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chọi với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài. Nửa đêm chúa ngự kiệu đến ao xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vi vút và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, ca hát, tiếng vang lanh lảnh khiến người tưởng như lên cung Quảng Hàn (cung trăng) mà nghe khúc hát Quân Triều (khúc hát trên trời). Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về” (5).
Cách chải tóc và ăn mặc của người Thăng Long trong những năm 1639 – 1645 được mô tả như sau: “Dân thường thì tết tóc lại, búi tóc lên thành một búi to ở trên đỉnh đầu, còn những người quý phái, những quan toà và binh lính lại quấn những bím tóc tết đó ở quanh cổ cho chúng khỏi đập vào mặt… Trang phục của họ trang trọng và đơn giản. Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống như áo dài của Nhật Bản, đàn ông, đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Cái áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân mình bằng một cái thắt lưng lụa hay có đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp. Binh lính thì áo dài đến đầu gối và quần thì chỉ đến ngang bắp chân. Họ không đi bít tất và cũng chẳng có giày” (6).
J.B. Tavernierr viết về hôn nhân trong Tập du kýnhư sau: “Khi đi lấy chồng có thể may hai, ba áo dài đẹp, sắm một chuỗi hạt san hô hay hổ phách vàng và nhiều hạt cài vào tóc. Họ để những hạt đó phủ xuống lưng, càng dài bao nhiêu thì họ cho là càng đẹp bấy nhiêu. Chẳng có đám cưới nào lại không ăn uống đến ba ngày, nhiều khi ăn uống đến 9 ngày. Từ sau ngày cưới chồng gọi vợ là em, vợ gọi chồng là anh…” (7).
Văn hoá ẩm thực của người Thăng Long thế kỷ này khá là phong phú và đặc sắc. Các du khách phương Tây đến đây đều khen món ăn của Kinh kỳ là ngon, hấp dẫn. Ở đây không chỉ nổi tiếng với các món ăn đặc sản và các loại quà bánh như: thịt bò tái Cầu Dền, ốc Hồ Tây, cá rô đầm Sét, các loại bún (bún thang, bún ốc, bún chả), bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng được nhiều người ưa thích mà còn cả những món ăn dân dã như cá gỏi, thịt chó, châu chấu cũng rất ngon. Rượu thì nổi tiếng là rượu Mơ (rượu Hoàng Mơ, cờ Mộ Trạch). Rượu Mơ đã từng đi vào những câu ca dao từ thuở nào:
Em là con gái kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành…
Uống trà, không chỉ là thú vui mà còn là phương tiện trong giao tiếp. Uống trà đã từng có lịch sử lâu đời. Thời Trần, trong Hoàng thành Thăng Long có điện Hô Trà, tức là trước khi ra khỏi thành quan quân thường dừng lại ở đó để uống trà. Uống trà đã trở thành thói quen của người dân Thăng Long trong nhiều thế kỷ.
Người dân Thăng Long rất thích ăn trầu. Đàn ông, đàn bà đều ăn trầu. Các nhà quyền quý thường thể hiện sự sang trọng khi kén chọn bộ đồ trầu, gồm cơi trầu sơn then thếp vàng hoặc khảm xà cừ, một ống vôi bằng bạc chạm, một ống nhổ cốt trầu bằng đồng thau.
Nghệ thuật ca nhạc vũ, tuồng, chèo rất phổ biến trong thời kỳ này và triều đình Lê - Trịnh ở Thăng Long cũng rất chú ý. Theo ghi chép của D. Tavernier thì chèo, tuồng là môn nghệ thuật được nhân dân thích nhất. Chèo, tuồng thường diễn ra vào ban đêm, những vở nào diễn ngày đầu có trăng là những vở hay nhất. Chèo, tuồng diễn từ chập tối đến lúc mặt trời mọc. Samuel Baron đã ghi lại sự phát triển của những nghệ thuật ấy ở Thăng Long vào năm 1683 trong cuốn Description du Rovaume du Tonquin(Mô tả xứ Đông Kinh). Ông còn nhờ một người Việt Namđương thời vẽ lại những cảnh nhảy múa của người Việt Nam bấy giờ. Samuel Baron còn ghi lại những trò chơi như đánh cầu, chọi gà, thi bơi thuyền, v.v… cũng rất thịnh hành ở thế kỷ XVII (8).
_______________
1. Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 18 – 19.
2. Dẫn theo Trần Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 72.
3. Jean Baptiste Tavernier: Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2005, tr. 83. (Năm 1648 Daniel Tavernier qua đời, người anh trai của Daniel là Jean Baptiste Tavernier, một thương nhân lữ hành đã từng đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Á, nhưng chưa một lần đến Đại Việt đã tập hợp các bản nháp, tranh ảnh bản đồ của em mình viết về xứ Đàng Ngoài rồi san nhuận, chỉnh lý, bổ sung, gộp lại với các du ký khác của mình thành cuốn: “Sưu tập nhiều du ký và chuyên khảo kỳ thú và hấp dẫn của J.B. Tavernier, hiệp sĩ Nam tước Aubonne”, xuất bản ở Paris năm 1681. Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam , nguyên bản tập du ký đã được đăng trong Revue Indochinoise (tạp chí Đông Dương) năm 1908 – 1909.
4. Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVI – XVII – XVIII, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993, tr. 14 – 15.
5. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án: Tang thương ngẫu lục. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 27.
6. Jean Baptiste Tavernier: Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nxb, Thế Giới, Hà Nội, 2005, tr. 48.
7. Jean Baptiste Tavernier: Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nxb, Thế Giới, Hà Nội, 2005, tr. 51.
8. Theo Trần Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 78.