Đôi lời về nhà nghiên cứu Từ Chi
Xưa tôi hay mời giáo sư Từ Chi dạy cho sinh viên Khoa Sử ĐHTH Hà Nội. Tôi với ông hay đi điền dã, nhưng đều là nhân học và hay trò chuyện học thuật với nhau. Ông là người đi nhiều, đọc rộng, có quan cảm điền dã minh mẫn, thích nắm bắt cái cụ thể song đồng thời lại có những nhận xét sắc sảo, có sức khái quát hoá cao sâu… Nay hàng tháng, hàng năm tôi vẫn đi điền dã khảo cổ học, folklore học, còn cụ Từ mấy năm nay ở nhà chữa bệnh, đọc sách, viết lách đôi chút… Mỗi khi đi điền dã về, tôi thường đến chơi thăm Viện Đông Nam Á, ngồi hầu chuyện cụ Từ, GSTS Phạm Đức Dương, bao giờ cũng có ít nhiều vị học giả trẻ. Tôi hay nói chuyện lan man, trên trời dưới biển, những phát hiện lý thú nho nhỏ của mình, thỉnh thoảng lại xin ý kiến cụ. Cụ vẫn ham nghe, ham hỏi, và khi trả lời tôi, bao giờ cũng dè dặt, thận trọng, khiêm cung, song cũng có lúc khá là khẳng định, đặc biệt không bao giờ nói xấu ai khi người ấy vắng mặt. Khen nhiều, chê ít, mà cũng không hẳn là chê, ông cụ chỉ nêu những ý kiến mình nhận định khác vị học giả này, ông GS nọ… Tôi tuổi dương nam, mệnh “Sơn đầu hoả” thích lập loè nơi sườn núi thấp, ông cụ tuổi âm nam, mệnh “Hải trung kim”, thích dìm cái quý chìm dưới biển sâu, ai biết thì biết, ai không hay biết thì tuỳ! Ông cụ gần như suốt đời là nhân viên, tổ viên, thư ký, biên tập viên… gần về hưu (mười năm nay rồi) mới được phong chức danh khoa học Phó giáo sư.
Danh bất xứng kỳ tài, kỳ đức, lương bổng bất xứng công việc làm, thế mà ông cụ vẫn vui lòng chịu đựng, đáng mặt người đảng viên cộng sản chân chính, được anh em, bè bạn, người ít tuổi hơn, lớp trẻ… nể vì, kính phục.
Đi làm chuyên gia ở Ghinée từ cuối thập kỷ 50, về già đi Paris ở cuối thập kỷ 80, quần áo sang không thiếu và không phải không biết ăn diện, nhưng bạn bè xin, ông cụ cho, tặng cả, ăn mặc lúc nào cũng có vẻ lôi thôi. Thiệt vì bạn cả tinh thần và vật chất khá nhiều, nhưng gần như chẳng bao giờ kêu ca, ngược lại ông cụ cũng được bạn bè, lớp trẻ giúp đỡ khá nhiều.
Dòng họ Nguyễn Đức vốn gốc họ Trần. Khi tôi biết, hỏi ông, ông bảo: Nghe ông chú ruột Nguyễn Đổng Chi nói vậy, ông muốn biết rõ thì đến hỏi các em tôi, các ông Huệ Chi, Du Chi ấy… Có một bút hiệu ông hay dùng là Trần Từ, có thể là do ý thức “trở về nguồn cội”.
Ông xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước. Ông nội là cụ Nguyễn Hiệt Chi, tức Đầu xứ Thuận, từng có chân sáng lập Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bác Hồ có dạy ở trường này một thời gian); ông chú là cụ Nguyễn Hàng Chi, người cầm đầu phong trào Duy Tân và chống thuế quan ở Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt và xử tử.
Thân phụ ông là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (noi dõi Kinh Dinh Vương), đã từng làm công cán ở Kontum, ở quần đảo Hoàng Sa, làm thứ trưởng Bộ Y tế thành viên chính phủ Cụ Hồ hồi đầu kháng chiến 9 năm. Chú ruột ông là GS Nguyễn Đổng Chi (noi dõi Phù Đổng Thiên Vương), một nhà văn hoá học tài danh.
Thế còn cái tên Từ Chi, nó có ý nghĩa gì? Hỏi ông, ông chỉ cười; tôi hỏi các em ông (Huệ Chi, noi dõi Nguyễn Huệ; Du Chi, noi dõi Nguyễn Du) thì họ bảo: Tên anh Từ Chi là có ý nghĩa noi dõi thiền sư Từ Đạo Hạnh!.
Hậu thân của Từ Đạo Hạnh, theo huyền tích của GS Từ sẽ là ai đây? Có thể là một học trò nào đó của ông chăng? Ông có hiểu biết về đạo Phật và thường hay đàm đạo về Phật học, chùa Phật với anh bạn trẻ hơn 13 tuổi, PGS Trần Lâm Biền. Nhưng ông học trường dòng (Providence) ở Huế - đồng môn, đồng canh tuế, đồng châu quận nữa với các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc. Ông gia nhập Đảng Cộng sản rất sớm khi là cậu tú tài xung phong Nam tiến (1946 – 1947). Song khi trò chuyện với ông, tôi vẫn có cảm giác là ông khâm phục Jésus Christ và chịu ảnh hưởng một phần giáo lý Thiên chúa.
Thân mẫu của ông thuộc hoàng phái Nguyễn. Sau giải phóng (1975), ông hay vào Huế. Tìm hiểu mỹ thuật Huế - Nguyễn, ông vẫn cho rằng nghệ thuật Nguyễn đẹp trong dáng vẻ tàn phai của nó. Ông có nhiều bạn bè, học trò ở Huế và dù sinh sống ở Hà Nội đã hơn bốn chục năm, khi về già ông cụ Từ thường nói một giọng đặc Huế. Ông có một phát kiến đặc sắc về quan hệ nguồn cội và sự giống nhau cả về tên gọi và kết cấu giữa món ăn Mường và món ăn Huế, và giải thích điều đó rất tài tình…
Theo tôi, ông là chuyên gia lớn nhất nước ta hiện nay về nguồn nghiên cứu Mường. Ông được người Mường kết nghĩa anh em. Ông cũng có ý thức - đầu thập kỷ 60 ông đã nói điều này với tôi - từ việc nghiên cứu Mường “trở về” soi sáng việc nghiên cứu Việt. Ông đã đi riêng/chung với tôi ở các xã giáp ranh Mường Việt, Hương Sơn (Đục Khê, Yến Vĩ…) rồi ở quanh vùng Hà Nội và Đông Nam Đoài Bắc (Ngọc Hà, Cổ Loa, Bằng Liệt – Thanh Liệt, Tiên Du, Phật tích, Mê Linh, Lâm Thao…) để cuối cùng cho ra mắt bạn đọc trong ngoài nước cuốn sách “để đời” Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền thống. Ở trung du Bắc Bộ, thì ông cặp bồ với PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng, ở Kontum – Gialai ông lại cặp bồ với PTS Ngô Văn Doanh, ở châu thổ Bắc Bộ thì đã có Bùi Xuân Đính “hộ tống” và “tiếp nối” ông…
Ông chỉ có một người bạn đời, duyên kết từ châu Phi xa xôi, nhưng bạn làm việc, đặc biệt bạn trẻ hơn ông thì ông “có” rất nhiều: họ hầu ông, giúp việc ông, học ông rồi… sẽ “tiếp nối” ông…
Bởi tư duy tự nhận - vừa khiêm tốn vừa có chút cố tình - rằng ông chỉ “biết chút ít” về Mường, thật ra lĩnh vực tìm hiểu và nghiên cứu tộc người của ông đã không ngừng mở rộng, từ Việt đến Thái, Xing Mul… Tây Bắc, Ba Na, Jarai.. Tây Nguyên, từ làng quê đến đô thị (Phố Hiến, Huế…), từ các “trũng” châu thổ và việc trồng trọt đến các lĩnh vực siêu nhiên tâm linh “cõi sống” và “cõi chết”. Việc phát hiện “vũ trụ luận 3 tầng 4 thế giới” của ông ở tộc Mường liên hệ với biểu tượng vũ trụ Đông Sơn qu trống đồng Ngọc Lũ là những thành tựu khoa học “độc sáng”.
Kỳ vọng nghiên cứu của ông còn rất nhiều, nhưng rồi… “lực bất tòng tâm”. May thay, ông cũng đã kịp “gợi ý” về một số đường hướng “tiếp cận” nhân văn học khác cho những nhà nghiên cứu trẻ tuổi hơn, trong đó có kẻ ngu hèn này…
Nhân dịp ông vừa vượt qua tuổi cổ lai hy, tôi chân thành kính chúc ông sức khoẻ và mong ông vẫn còn đóng góp vào nền Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - Quốc tế!
Nguồn: Xưa và Nay, số 81, tháng 11 – 2000