Đôi điều cảm nhận về “Minh triết Hồ Chí Minh”
Với công trình “Minh triết Việt Nam ”, giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã có một cách tiếp cận rất mới. Tất nhiên cách tiếp cận mới này không đối lập với cách tiếp cận trước mà vẫn tiếp thu, có chọn lọc và phát triển các kết quả đã vận dụng có lợi vào việc nghiên cứu.
Với tư cách là một người đi sâu nghiên cứu folklore, lại có vốn Hán học vững vàng kết hợp với vốn Tây học sâu sắc, vốn cũng là một thầy giáo văn học có uy tín và có nhiều tác phẩm văn học đã xuất bản được đánh giá cao, giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã tìm đường đã tìm đường đến với Bác Hồ theo con đường khác, để tiếp cận vấn đề ở lĩnh vực folklore, theo giác độ triết học. Để cuối cùng đi tới khẳng định học thuyết đạo đức Hồ Chí Minh được tác giả đặt tên là “ Minh triết Hồ Chí Minh” với tư cách là một hệ tư tưởng có cơ sở trên cả hai bình diện lý thuyết và thực hành.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã lần lượt đi sâu các nguồn ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách và đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung chủ yếu vào truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức Nho giáo, và một số các khuynh hướng tư tưởng khác với mục tiêu tìm ra cái nền, trên đó sẽ dựng lên lâu đài tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó đi tới một nhận định xác đáng là để trở thành con người có đạo đức, để có thể phát huy lý thuyết đạo đức với những người đồng thời và những người mai sau. Hồ Chí Minh đã không xuất phát từ cái không mà luôn luôn bám chắc vào các điều kiện của dân tộc, của đất nước và thế giới với ý thức không ngừng cải biến nâng cao cho hợp với hoàn cảnh của thời đại, cho hợp với chủ quan của mình. Trên cơ sở các nguồn ảnh hưởng đó, tác giả đi vào nội dung chính của công trình, phần tâm đắc và tâm huyết cũng là phần sở trường của ông – là bàn về Hồ Chí Minh và tâm thức folklore Việt Nam . Ở phần này, tác giả đã có một số khám phá sâu sắc và lý thú về các đặc điểm của tâm thức folklore Việt Nam, như có khả năng bộc lộ, tiếp thu cái thiện, cái mỹ, có những ước muốn nhân đạo trong lĩnh vực đạo đức, có sự ngự trị của bản chất vĩnh hằng và vĩ đại của con người, có khả năng hoà nhập ngay vào cái mới khi được định hướng theo chiều tiến bộ. Để rồi đi tới khẳng định rằng Hồ Chí Minh nhờ có sẵn cái tâm thức folklore của nhân dân Việt Nam, nên đã đưa ra được những phương hướng thích hợp, những phương hướng rất chủ quan mà cũng rất khách quan, rất nguyên tắc mà cũng rất linh hoạt, thể hiện cụ thể trong “ Minh triết Hồ Chí Minh” – còn có chủ trương “góp phần vào đạo đức Việt Nam” – là từ sự phân tích bản chất và ảnh hưởng của tâm thức folklore trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, đi vào tìm hiểu cụ thể nội dung “ Minh triết Hồ Chí Minh” nghĩa là tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một học thuyết. Tác giả lần lượt đề cập tới các nguồn ảnh hưởng như triết lý sống dân tộc, lương tri thời đại, kể cả phương pháp xử lý của Hồ Chí Minh đối với đạo đức cổ truyền hay với các học thuyết được du nhập… trên cơ sở đó tìm đến nguyên lý của học thuyết. Lần lượt các nguyên lý nhận thức về dân tộc (nguyên lý dân tộc độc lập, nguyên lý dân chủ), nguyên lý nhân đạo, nguyên lý thực hành đạo đức đã được nêu lên có sự giới thiệu cụ thể và sinh động.
Cuối cùng, từ “ Minh triết Hồ Chí Minh” đã khẳng định, tác giả đi vào các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đúng với yêu cầu tư tưởng và luân lý học (morale). Nhìn lại, với trên 200 trang, nội dung công trình như vậy thật phong phú, bố cục các chương mục cũng thật chặt chẽ. “ Minh triết Hồ Chí Minh– góp phần vào đạo đức học Việt Nam là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đang được đẩy mạnh hiện nay trong nước và cả ở một số nước trên thế giới. Tất nhiên chúng ta rất đồng ý với tác giả công trình là “đã đến lúc cần khẳng định học thuyết Hồ Chí Minh, không phải để so sánh với các nhà tư tưởng xưa nay, mà để thấy Việt Nam đã có thêm phần đóng góp vào lâu dài chung của nhân loại” đối với lịch sử tư tưởng thế giới. Cũng qua công trình nghiên cứu này, bạn đọc Việt Nam và nước ngoài sẽ hiểu rõ và đúng hơn mọi mặt tình cảm, tư tưởng và hành động trong sự phát triển toàn diện mang tính nhân đạo và cách mạng toàn diện của đạo đức Hồ Chí Minh. Đó không riêng là mong muốn và tin tưởng của tác giả Vũ Ngọc Khánh và còn cả người viết mấy dòng cảm nhận trên đây trước khi ra mắt bạn đọc.
* “Minh triết Hồ Chí Minh” Nxb Văn hoá - Thông tin