Đối đãi thế nào cho phải với trí thức cao cấp ? Nên nhìn và nghĩ một cách thiết thực
* Có phải giáo sư nào cũng đang chịu đựng mức sống thấp?
- Cho phép tôi nghi ngờ sự đánh giá này. Theo với thời gian và chịu tác động của một quy luật phản khoa học, hiện nay nước ta đang có hai loại GS:
|
- Hàng ngàn người được giao công tác quản lý (trường đại học, viện nghiên cứu, cục, vụ, tổng cục, bộ, ban...). Hình như cứ làm lãnh đạo thì đương nhiên được "lột xác, đổi đời". Có lẽ không phải tất cả, nhưng chắc chắn rất đông các GS thuộc bộ phận này đang sống rất ổn định, nhà cửa, xe cộ xênh xang, đàng hoàng (muốn mấy phòng làm việc cũng có!).
- Số vất vả, bo bíu - số này đông hơn - chủ yếu thuộc bộ phận những người đang lao động trực tiếp trên bục giảng, trong phòng thí nghiệm - những người "phải giảng dạy trên 1 triệu SV/năm, bồi dưỡng 44.842 giảng viên mới để họ lên lớp, đào tạo 22.211 thạc sĩ và 15.846 tiến sĩ" như GS Đỗ Trần Cát đã cho biết (Thanh Niên ngày 19.7.2005). Bàn việc cải thiện chế độ đãi ngộ, nên tập trung vào số "cổ cày, vai bừa" này.
* Có phải chỉ có các GS đang lúng túng về kinh tế?
- Bàn việc đối đãi với các GS, theo tôi không nên quên một thực tế: mức sống chung của những người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước quản lý còn thấp hoặc rất thấp. Ta nghĩ thế nào về mức lương cũng như phụ cấp trực đêm, phẫu thuật còn rất khiêm tốn của hàng vạn bác sĩ? Lương của các sĩ quan chuyên nghiệp ở hải đảo, biên giới vùng cao liệu đã tạm đủ để họ giúp vợ nuôi con? Chúng ta đã chứng kiến trên màn ảnh nhỏ bữa cơm đạm bạc giữa ca 3 của công nhân mỏ Quảng Ninh, đã nghe tiếng than thở trên báo về cảnh 5 lớp cấp tiểu học ở vùng sâu Bình Phước chen chúc học trong 2 gian lán dột nát, về hơn 20 giáo viên cả nam lẫn nữ của một trường miền núi Quảng Nam ăn, ở, làm việc trong một căn phòng ngăn đôi rất tượng trưng như trên sân khấu chèo, mỗi người không gian sinh tồn chưa được 1,5m2. (Thanh Niên ngày 20.11.2004).
Nói riêng trong ngành giáo dục, ta nghĩ gì về sinh hoạt phí - chứ không gọi là lương - hằng tháng của non 1 triệu giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở?
Trong tình hình chung có cải thiện ít nhiều nhưng chưa khả quan như thế, liệu việc đề nghị trả lương cho GS "5 - 10 triệu đồng/tháng" và "phải tiêu chuẩn hóa điều kiện làm việc của GS: có phòng làm việc được trang bị máy tính, điện thoại, kết nối Internet" như GS Nguyễn Văn Đạo đề nghị có quá lãng mạn? Không thể đãi ngộ cào bằng, bình quân chủ nghĩa, nhưng cũng không thể có sự phân biệt, cách biệt đến mức phi thực tế được.
Ngân sách giáo dục, nghiên cứu khoa học cần, rất cần được tăng không ngừng. Nhưng tăng đến mức nào, cũng cần nhìn vào tình hình tương quan thu - chi hằng năm của Nhà nước. Nước ta còn nghèo, năm nào cũng bội chi. Nhìn vào con số vay nợ thế giới ngày càng dài, càng lớn, chúng ta rất dễ bị chóng mặt và thương cho con cháu sau này oằn lưng trả nợ. Trong hoàn cảnh như thế, liệu có thực tế không khi đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt, quá đặc biệt cho trí thức cao cấp?
Tất nhiên có thể xót xa khi nghĩ đến tình hình lãng phí và tham nhũng ngày càng trầm trọng ở nhiều ngành, nhiều vùng, nhiều cấp. Quả là, nếu giảm được 50% tình hình tiêu cực thì không chỉ vài ngàn, mà cả triệu người lao động sẽ được nhờ nhiều lắm. Nhưng đó lại là chuyện khác, không thể bàn ở đây.
Đâu là giải pháp khả thi?
|
Để thiết thực tăng thu nhập cho những người thực sự (xin được nhấn mạnh từ này) lao động bằng chất xám cao cấp, nên chăng chú ý tăng mấy khoản sau đây: Tăng mức chi cho các nhà khoa học trong các đề tài nghiên cứu, tăng thù lao dạy chuyên đề cao học, tăng tiền thanh toán cho việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, cũng như cho việc phản biện độc lập (kín), phản biện chính thức (công khai) các luận án.
Đã nhiều năm rồi, đến nay vẫn tồn tại các mức chi lạc hậu. Mức được phép chi cho mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu một đề tài nào đó chỉ là 120.000 đồng/tháng và chủ nhiệm đề tài được gấp đôi. Nghĩa là chưa bằng nửa tiền thù lao một buổi nói chuyện ở CLB!
Phải là cán bộ khoa học có uy tín mới được Bộ Giáo dục tin cậy phản biện độc lập luận án tiến sĩ. Yêu cầu đó với người phản biện khá nghiêm ngặt nhưng cần thiết, đúng đắn: Nhận xét kỹ, khách quan, đúng hạn, bí mật. Thế nhưng, tối thiểu sau 1 tuần "đánh vật" với 200 trang in đẫm mồ hôi và đầy trách nhiệm của nghiên cứu sinh, người phản biện được thù lao 500.000đ. Nghĩa là chưa bằng nhuận bút nửa trang báo của một số tờ báo!
Có thể kể nhiều chuyện "cười ra nước mắt" tương tự. Chẳng hạn thù lao cho việc hướng dẫn luận án thạc sĩ sau 2 năm là 1,8 triệu đồng; hướng dẫn thành công 1 nghiên cứu sinh 6 năm (nếu thuận buồm xuôi gió không phải kéo dài) là 5,4 triệu đồng... Người có ở trong cuộc mới thấy, việc hướng dẫn này thật "trần ai cơ cực", nếu định làm với tất cả lương tâm trách nhiệm.
Những việc kể trên đều là nguồn thu chân chính, đích đáng, có thể cải thiện đáng kể đời sống đội ngũ cán bộ khoa học. Vì vậy, nó xứng đáng được tăng gấp đôi hoặc hơn nữa. Đối với những nhà khoa học có sáng kiến, phát minh xuất sắc nên có sự tưởng thưởng đặc biệt về mặt vật chất. Chẳng ai có quyền thắc mắc cả.
Có một phương diện khác ít ai đề cập: Hãy tạo điều kiện để đội ngũ GS mở rộng kiến văn, nhận thức. Nhiều người thạo tin khẳng định: Nhiều quan chức trong 1 nhiệm kỳ xuất ngoại ít nhất 4, 5 lần. Thậm chí có người đi "cấp tập" 2, 3 chuyến trong 1 năm. Có thật thế không? Kiểm tra lại chắc không khó. Bao giờ nhỉ, các GS được đối xử công bằng trong việc đi tu nghiệp, tham quan, trao đổi khoa học? Với họ, chắc chắn đấy không phải là những chuyến du ngoạn, mà những ngày thực bổ ích, nâng cao trình độ ngoại ngữ, vùi đầu trong thư viện, có mặt trong các buổi hội thảo và gặp gỡ các GS đầu ngành nước sở tại.
Có lẽ những giải pháp nêu trên ít nhiều có tính thiết thực, khả thi chăng? Còn yêu cầu cao xa tốt đẹp như cuộc hội thảo do Hội đồng Chức danh GS nhà nước vừa đưa ra, thì hãy đợi thêm 1 thập kỷ nữa chăng? Hay hơn nữa?
Nguồn: thanhnien.com.vn 21/7/2005