Độc lập cho Tổ quốc là mục đích cao nhất
Sách do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành, tập hợp 61 bài viết của nhiều tác giả quốc tế và Việt Nam , cung cấp những tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Có thể thấy trong tập sách này sự góp mặt của các tác giả thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc và Việt Nam .
Ngay ở bài đầu tiên, cũng là tên tập sách, là bài viết của nhà báo Stanley Karnow đăng trên tạp chí Time. Stanleylà cây bút đã từng đoạt giải Pulitzer và là một chuyên gia về Việt Nam, nổi tiếng với cuốn sách "Việt Nam : A history". Phải nói thêm, Time là một tạp chí uy tín của Mỹ, phát hành toàn thế giới, đã nhiều lần đưa hình ảnh chân dung Hồ Chí Minh và các sự kiện về Việt Nam lên trang nhất. Time đã bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như chính khách, khoa học, văn nghệ sĩ… có ảnh hưởng lớn nhất đến hành tinh của chúng ta trong thế kỷ XX.
Tác giả Stanley viết: "Một thân hình gầy yếu với chòm râu nhỏ trong bộ đại cán cũ kỹ, và đôi dép cao su đã sờn, Hồ Chí Minh thể hiện hình tượng về một Bác Hồ khiêm tốn, hòa nhã. Nhưng ông là một nhà cách mạng dày dạn, nhà dân tộc nhiệt thành luôn theo đuổi một mục đích duy nhất: độc lập cho Tổ quốc mình… Đối với người Mỹ, đây là cuộc chiến tranh dài nhất và là lần thất bại đầu tiên trong lịch sử của họ. Nó còn làm thay đổi nghiêm trọng cách nhận thức về vai trò của họ trên thế giới".
Có thể kể ra trong cuốn sách những bài viết thú vị của tác giả nước ngoài như: "Những cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Franz Faber, "Hồ Chí Minh - Từ Cách mạng đến thần tượng của Pierre Brocheux, Hồ Chí Minh - Nhà cách mạng Đông Dương" của báo Nhân đạo Alain Ruscio, "Hồ Chí Minh và các giá trị phương Đông" của Georges Boudarel, "Những quan hệ đầu tiên giữa Hồ Chí Minh với Đảng Trung Hoa" của Qiang Zhai, "Kremli và Hồ Chí Minh" của I.B.Bukharkin, "Một nhà văn Nhật viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp" của Kiyosi Komatsu, "Kỷ niệm về Hồ Chí Minh" của Lise London…
Mỗi người viết, từ nhận thức đánh giá và kỷ niệm riêng đã cho bạn đọc thấy rõ hơn tầm vóc quốc tế của Người và lòng kính trọng, khâm phục của bạn bè quốc tế, trong đó có cả những người không cùng chính kiến dành cho Người.
Nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt Pierre Brocheux nhận định: "Ông (Bác Hồ) đã bộc lộ những đức tính và thiên tài gắn bó với con người ông và được mọi người thừa nhận. Một đặc điểm tư tưởng của ông là không hề có óc giáo điều, từ chối xóa bỏ hết mọi cái của quá khứ văn hóa, sự lo toan xây dựng cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại và bằng cách chọn lọc trong quá khứ những cái mà ông có thể kích thích hiện tại...
Tính hài hước, tính nhạy cảm và sự gần gũi của ông đã khiến cho nhiều người đã biết ông trong những năm 1920 ghi nhớ trong kỷ niệm khi họ nhắc lại. Đấy là những nét đã hấp dẫn những ai đã gần ông hay có tiếp xúc với ông trong cuộc sống hàng ngày”.
Nhà báo Đức F.Faber may mắn có nhiều dịp được đi với Bác Hồ về cơ sở đã kể lại: "Tôi đã có thể ngồi bên Người hàng giờ liền và được thấy rõ những đức tính tuyệt vời của Người, trên tư cách một vị lãnh đạo nhà nước và cũng trên tư cách một con người, mà ngay những kẻ chống đối tệ hại nhất cũng không thể hạ thấp Người được”.
Tác giả người Pháp Georges Boudarel nhắc lại một câu nói của Bác Hồ: "Trong đoàn thể của chúng ta có những người chỉ biết nói, nói hàng 2-3h đồng hồ, nói mênh mông trời đất. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là, những việc thiết thực cho địa phương. Những người như vậy thì không thể dùng vào công việc cụ thể".
Và Boudarel kết luận: "Chân dung đẹp nhất của Hồ Chí Minh là gì? Xét cho cùng đã có trong Đạo đức kinh: Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng. Người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng. Người khéo thắng địch không giao phong với địch. Người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người".
Riêng trong quan hệ của Người với các bậc cách mạng tiền bối của Việt Nam theo nhiều khuynh hướng khác nhau, dẫu có lúc bất đồng, nảy ra các cuộc tranh luận, nhưng trước sau Người đều thể hiện niềm kính trọng yêu nước, yêu dân của các vị. Và điều đặc biệt là, các bậc cao niên ấy về sau đều chung lời khen ngợi và gửi gắm niềm tin vào một bậc hậu sinh có thể gánh vác vận nước là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có tư liệu về lời các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền nhắn nhủ mọi người: "Độc lập của nước Việt Nam sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc".
Trong bức thư bằng chữ Hán gửi quốc dân, cụ Huỳnh đã viết: "Người thân yêu kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mát trông xa vạn dặm, nhận rõ thời cuộc, lặng dò thời cơ... Là người nổi tiếng kiên cường, bất khuất và ngang ngạnh trước bạo lực và cường quyền". Cụ còn nói: "Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì ông không tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta, không ai bì kịp. Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng".
Kể lại những câu chuyện về Người trong một cuốn sách quý, mỗi người Việt Nam sẽ có thêm niềm tự hào và động lực để tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước. "Hồ Chí Minh - người mang lại ánh sáng" sẽ tiếp tục mang ánh sáng của Người soi rọi con đường của dân tộc hôm nay.