Đọc lại Keynes giữa buổi “đầy ắp âm thanh và cuồng nộ”*
Cuốn sách “Tư tưởng kinh tế kể từ thời Keynes” của hai ông đã được dịch giả Nguyễn Đôn Phước chuyển ngữ, NXB Tri thức và Công ty sách Phương Nam phối hợp phát hành.
Trong Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, Beaud và Dostaler dành nguyên một chương cho sự hình thành xu hướng tiên đề hóa, hình thức hoá và toán học hoá, được xem như một “đột biến triệt để” mà tầm quan trọng, trong một thời gian dài, bị cuộc “cách mạng keynesian”che khuất.
Trước những biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế của các chính quyền phương Tây, một sinh viên chỉ còn nhớ tư tưởng kinh tế qua danh tiếng của những nhà lí thuyết nối tiếp nhau trong thời gian có thể cho rằng giờ Keynes phục thù Hayek đã điểm!
Hay một nhà báo theo dõi thời sự kinh tế có thể cho là cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn khép lại mấy thập niên thống trị của học thuyết “tân tự do” và từ nay sẽ là sự hồi sinh của các chính sách tùy nghi theo kiểu keynesian và của những biện pháp quy định hoá.
Nhưng ai có đọc Tư tưởng kinh tế kể từ Keynesthì sẽ không vội vàng tiếp nhận kiểu kết luận như thế. Vì bao giờ cũng có một khoảng cách giữa tư tưởng của lí thuyết gia và những chính sách được thực thi nhân danh (hay núp bóng hoặc đội lốt) tư tưởng này. Phải chăng vì thế mà tương truyền rằng Keynes từng thốt lên: “Tôi không phải là một nhà keynesian”, cũng như Marx trước đây có nói ông không phải là nhà marxist?
Đối với nhà nghiên cứu muốn theo dõi các cuộc tranh luận lí thuyết đang khởi động chung quanh cuộc khủng hoảng hiện nay, quyển Tư tưởng kinh tế kể từ Keynescung cấp những thông tin ban đầu về các vấn đề không thuộc chuyên ngành hẹp của mình. Để viết tác phẩm này, Beaud và Dostaler tuân thủ các nguyên tắc sau: “Từ chối đánh giá nội dung có trước mắt theo thước đo của bất kì học thuyết chính thống nào”, “kết hợp lịch sử tư duy và lịch sử tư tưởng”và vận dụng “phương pháp tái tạo lịch sử”, tức là “trình bày tư tưởng của các tác giả bằng chính những khái niệm do chính các tác giả này sử dụng và theo những cách trình bày mà họ có thể chấp nhận”.
Tác phẩm còn có phần từ điển điểm qua tiểu sử, sự nghiệp, những đóng góp và luận điểm của 150 nhà kinh tế đương đại chính tiêu biểu cho các trào lưu khác nhau trong số hơn 1.000 nhà kinh tế được nêu tên và/hoặc trích dẫn trong phần phác thảo lịch sử. Thư mục chung cùng với những thư mục chi tiết về các tác giả có mặt trong từ điển, và một bảng tra cứu theo chủ đề biến quyển sách thành một công cụ làm việc đắc lực, tập hợp nhiều nguồn tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.
Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn rằng kinh tế học không hẳn đã là một “khoa học buồn thảm” (dismal science). Nhưng tôi sẽ sai lầm nếu gieo cho các bạn cảm giác rằng đây là một quyển sách hàn lâm do hai giáo sư đại học ngồi viết trong tháp ngà. Với tư cách nhà khoa học, các tác giả đã viết tác phẩm một cách khách quan, trung thực dựa trên một quan điểm rõ ràng như vừa được nêu, thoả mãn đầy đủ những chuẩn mực học thuật nên được các đồng nghiệp đánh giá cao, dù có đồng ý với họ hay không.
Nếu phải gói gọn trong một câu tôi sẽ nói rằng quyển Tư tưởng kinh tế kể từ Keyneslà một sản phẩm trí thức ra đời trong những đất nước có xã hội dân sự phát triển.
* Trích lược bài viết được dịch giả Nguyễn Đôn Phước trình bày trong buổi hội thảo “Những tư tưởng kinh tế đương đại và chính sách kinh tế của Việt Nam ” - tổ chức ngày 12/12/2008 nhân dịp cuốn sáchTư tưởng kinh tế kể từ Keynesđược xuất bản).