Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 30/08/2009 22:27 (GMT+7)

Điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ

Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào sáng 10.5.1965. Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vàolúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây…để viết về ngày ra đi của mình, sao mà Bác thanh thản, ung dung đến thế…Mở đầu bản viết, Bác ghi rõ: “Nhân dịp mừng 75 tuổi”.(1)

Như vậy là Di chúc được viết và chỉnh sửa trong trong bốn năm để rồi ngày 19.5.1969, “Đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng. Hôm nay, Bác xem kỹ toàn bộ các bản viết của Người trong bốn năm qua, nhưng chỉ chữa thêm ba chữ ở phần mở đầu”.(2)

Ở đây không là chuyện kiệm chữ, kiệm lời. Ở đây là sự dồn nén cô đọng của ý tưởng và tình cảm. Tư tưởng tình cảm như đã được “chưng cất” để chỉ giữ lấy cái tinh tuý nhất, sáng tỏ nhất, rồi thể hiện trong những lời dặn lại trước lúc ra đi. Suy nghĩ về Bác Hồ, Phạm Văn Đồng đã có một nhận xét thật sâu sắc: “Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại”.(3)

Sự “nhạy cảm đặc biệt”, sự “thấu hiểu”, sự “nhận thức” đó đã tạo nên tầm nhìn lãnh tụ, tạo nên bản lĩnh và cốt cách Hồ Chí Minh, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, để thể hiện thật tập trung và cô đọng trong Di chúc, kết thúc bằng“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Di chúc được trưng cất từ cuộc sống nhân dân

Liệu chúng ta đã thật sự quán triệt tư tưởng và mong muốn của Bác để thành tâm và trung thực thực hiện mong muốn của Bác Hồ?

Tư tưởng thuộc phạm trù lý luận. “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đương nhiên cần được tiếp cận từ góc độ lý luận. Song những mệnh đề lý luận trong “Tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn được Bác Hồ diễn đạt một cách dung dị, dễ hiểu vì Người hiểu rõ đối tượng mà những tư tưởng lý luận cần hướng đến là ai. Đây là nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 1.7.1924 Người đặt câu hỏi: “Phải hành động thực tiễn như thế nào? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể”.(4)

Trong Hồi ký của Vũ Kỳ, người thư ký thân yêu của Bác, có một đoạn rất đáng suy ngẫm: “sáng thứ sáu, 14.5.1969 [tức là bốn ngày kể từ bắt đầu viết Di chúc.TL] Bác về thăm xã Xuân Phương, ngoại thành Hà Nội… Đang gặt thì nghe tiếng reo hò; Bác Hồ đến! Bà con ơi Thế rồi Bác hiện ra trước mặt tôi, râu tóc bạc trắng…”.

Đó chính là bà cụ được Bác Hồ thăm hỏi đầu tiên trong buổi đi thăm sáng nay. Biết bà cụ có hai con đang chiến đấu ở chiến trường, Bác an ủi, động viên: “Ở hậu phương ta cố gắng sản xuất cho thật nhiều thóc gạo để bộ đội ăn no đánh thắng. Giặc Mỹ nhất định thua. Các con cụ sẽ trở về với cụ. Nhân dân ta hãy chịu khó chịu khổ, hy sinh thêm vài năm nữa…”.

Không ai biết rằng những lời Bác nói với đồng bào trong buổi gặt lúa hôm nay, chính là điều mà vừa mới hôm qua Bác đã dặn lại trong Di chúc của Người “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”(5).

Rõ ràng những lời trong Di chúc được chưng cất từ cuộc sống của nhân dân mình!

Hơn ai hết, Bác “thấu hiểu cuộc sống của con người”, con người nói chung và đặc biệt là con người Việt Nam. Người hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình đang cần cái gì nhất.

Chính vì thế, trong Di chúc, cùng với “muôn vàn tình thân yêu” gửi lại cho cuộc đời này Người thiết tha nói đến “điều mong muốn cuối cùng”.

Điều mong muốn cuối cùng

Suy ngẫm thật kỹ nội dung “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh, mới ngộ ra được rằng: Với thời gian, chân lý bỗng vụt sáng lên từ trong những câu chữ vốn rất dung dị, thô mộc hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày, khiến người ta đôi khi cứ ngỡ như không còn gì để mà suy ngẫm nữa.

Cũng giống như có những vì sao đã tắt từ rất lâu, song ánh sáng của chúng giờ đây mới đến được với trái đất. Ở đây chưa phải là thời gian để ánh sáng của những ngôi sao đã tắt trên bầu trời đến được với chúng ta, mà là thời gian đủ để kiểm nghiệm độ chính xác và sự tường minh của một tư tưởng - trải qua những biến động dồn dập cả trong nước và trên thế giới không ai có thể hình dung nổi - vẫn chứng minh được sức bền, độ “chín” của tư tưởng ấy.

Vì đó là chân lý. Mà chân lý thì luôn luôn đơn giản, song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Phạm Văn Đồng có gợi lên một ý trong Di chúc thật đáng suy tư: “trong những lời căn dặn lại, Bác Hồ có nói sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và cácbậc đàn anh khác. Trí tưởng tượng của tôi hình dung cuộc gặp giữa Bác Hồ với những người thầy sáng lập học thuyết Mác-Lênin biết bao ý nghĩa và hào hứng. Có thể CácMác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình : “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt những con bọ…”. Thật có đúng như vậy, song cũngcó nhiều con rồng…”. (6)

Đúng là đã có không ít những con rồng. Chỉ có điều lại có quá nhiều những con bọ. Nhưng cái đáng ngại hơn là sự nhầm lẫn “bọ” thành “rồng”. Sự lẫn lộn vàng thau ấy, kiểu nhìn “bọ”mà thấy “na ná” như rồng, khiến cho cái giá phải trả để đến được với sự thật của chân lý là quá lớn. Mặc dầu, xét đến cùng, chân lý nằm chính ngay trong quá trình nhận thức.

Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Bác Hồ tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời “dặn lại công việc” khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: “lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả giải Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(7), cho đến khi đọc Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, v.v.. cuối cùng là Di chúc với “điều mong muốn cuối cùng” của Người. Tất thảy đều nổi rõ lên một khẳng định hết sức sáng tỏ: độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh.

Người nói , “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(8). Cho đến “lúc cuối”, trong toàn bộ Di chúc của Người cũng thể hiện nhất quán “chủ nghĩa yêu nước” đó, thể hiện thật tập trung trong “điều mong muốn cuối cùng” và cũng là câu cuối cùng, đọng lại tình cảm, ý tưởng quan trọng nhất trong “Di chúc”.

Hồ Chí Minh đã hiểu rõ rằng dân tộc mình, nhân dân mình đang cần cái gì nhất. Nói đến điều đó, thì tất cả mọi người Việt Nam, dù bất cứ đang ở đâu, đang làm gì cũng đều có thể hiểu được, đều có thể chấp nhận, đều có thể nhất trí, đều có thể nhận ra đó là mong muốn của mình.

Với mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã đấu tranh cho sự hợp nhất và ra đời của Đảng năm 1930, có lúc vì mục tiêu đó mà dám có quyết định táo bạo - cho dù đau đớn - là tuyên bố Đảng tự giải tán, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật chính vào lúc giành được chính quyền vào năm 1945.

Vì sao? Vì để triệt tiêu lý do và mưu đồ tiêu diệt Đảng của kẻ thù. Rồi cũng vì mục tiêu đó mà Người sáng suốt và kiên quyết đổi tên Đảng Cộng sản Đông dương thành Đảng Lao động Việt Nam vào năm 1951, khi Việt Nam đã có vai trò và vị thế của một nước có chủ quyền, đang tiến hành một cuộc kháng chiến thần thánh chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và tiếp đó sẽ là chủ nghĩa thực dân mới xâm lược.

Vào lúc ấy, Đảng cần huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo ra động lực của sự đồng thuận xã hội cho mục tiêu “không có gì quý hơn độc lập và tự do”.

Cũng là lúc, Việt Nam cần huy động sự đồng tình, ủng hộ của dư luận rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hoà bình và nhiều quốc gia trên thế giới vốn chưa hiểu rõ về mình.

Cần phải thấy rằng, sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Trong đó, giải phóng con người là trung tâm. Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh đã trình bày trong những chương trước, càng thấy rõ : mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng cộng sản. Lý tưởng đó thể hiện tập trung ở tư tưởng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.(9)

Phải chăng đây là sự đúc kết những khát vọng ngàn đời của con người, của loài người mà xét cho cùng, các bộ óc vĩ đại nhất của loài người cũng đã từng suy tư, nghiền ngẫm để tìm cách thực hiện. Một sự đúc kết tuyệt vời về khát vọng ngàn đời ấy và gợi lên những tìm tòi để biến khát vọng ấy thành hiện thực.

Mà đã tìm tòi thì có đúng, có sai, bởi lẽ, nói như Ph Angghen nhận thức là quá trình bớt dần những sai sót để đến gần với chân lý hơn. Cho nên, với thời gian và những biến động dồn dập của cuộc sống, có những dữ kiện hoàn toàn mới đã xuất hiện, những dữ kiện mà thời của C.Mác không sao hình dung được, vì thế, có không ít những luận điểm của thời ấy ngày nay đã bị cuộc sống bác bỏ.

Nhưng cũng với sự khảo nghiệm nghiêm minh và khắc nghiệt của thời gian, tư tưởng đã trở thành chân lý chói sáng nói trên càng tỏ rõ tính bền vững, hấp dẫn và có sức vẫy gọi con người đi tới. Vì đó là sự hội tụ của những khát vọng của con người, của loài người trong suốt chiều dài của lịch sử, từ khi con người có tư tưởng, biết tư duy, biết đau khổ và hy vọng. Đây chính là sự thể hiện tập trung nhất lý tưởng của chúng ta.

Có thể nói, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”là tư tưởng đẹp nhất trong vô vàn những tinh hoa tư tưởng của loài người được C.Mác đúc kết và ghi rõ trên là cờ chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng con người. Và nếu, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giải phóng con người là trung tâm như đã trình bày ở những phần trước thì có thể hiểu ra được động lực thúc đẩy Nguyễn Ai Quốc đến với lý tưởng cộng sản theo cách của mình.

Dân tộc là trên hết

Với một trái tim lớn chứa đựng “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(10).

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Người trở thành nhà cách mạng từng trải, được thử thách và tôi luyện trên trường quốc tế bằng cái tầm trí tuệ và sự minh triết của một nhà vănhoá lớn . Vì thế, Hồ Chí Minh hiểu rõ những thành tựu cũng như những sai lầm mà phong trào cách mạng đã trải qua.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Người hiểu cần thanh lọc và tiếp nhận những gì có lợi nhất cho mục tiêu đã xác định. Người đòi hỏi phải biết sáng tạo trong tiếp thu và vận dụngnhững nguyên lý khoa học và cách mạng vào thực tế nước mình, phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình để có thế biến thành “rồng” chứ không hoá thành “bọ” như điều C.Mácđã từng cảnh báo.

Hồ Chí Minh hiểu rõ mục tiêu của từng chặng đường trên con đường dẫn đến lý tưởng đúc kết khát vọng đó của cả loài người. Người không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng với cái đích lý tưởng ở phía chân trời để tránh đi những ảo tưởng duy ý chí, dẫn đến hành động nôn nóng “đốt cháy giai đoạn”, gây hậu quả ngược lại với mục tiêu. Vì thế mà Hồ Chí Minh “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn”(11).

Người đòi hỏi “không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể”(12) nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng nhờ vào những phẩm chất ấy. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn ngành những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải qua, để khi về đến Tổ quốc, hôn nắm đất quê hương đang đói nghèo, đau khổ, Người hiểu rõ cần phải làm gì cho nhân dân.

Bốn mươi năm, nhìn lại chặng đường đã đi nhằm thực hiện mong ước của Bác Hồ “xây dựng lai đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”với những điều đã làm được và nhiều điều chưa làm được, càng thấm thía và không thể không day dứt khi nghĩ đến điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ. Thấm thía và day dứt để có những giải pháp và hành động thiết thực.

-----------------------------

Chú thích:

1, 2, 5: Vũ Kỳ. “Thư ký Bác Hồ kể chuyện”NXBCTQGHà Nội 2005, tr.488, tr. 581;
3, 6, 11, 12: Phạm Văn Đồng “Hồ Chí minh, Quá khứ Hiện tại và Tương lai” Tập I. NXB ST. Hà Nội 1991,tr.29, tr.98;
4, 8, 10: Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 10. NXBCTQG Hà Nôi
1996, tr.128, Tập 4, tr. 161;
7: Võ Nguyên Giáp. “Những chặng đường lịch sử”.NXB Văn HọcHà nội 1977. tr. 203;
9: C.Mác & Ph.Angghen Toàn tập.Tập 4. NXBCTQG.1995, tr. 628;

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.