Diện mạo sử thi các dân tộc Việt Nam
Nhiều dân tộc ở Việt Nam có sử thi
Người Mường có sử thi – mo “Đẻ đất đẻ nước”. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng “Đẻ đất đẻ nước” vốn là sản phẩm của thời kỳ lịch sử Việt Mường chung (Phan Ngọc, Phan Đăng Nhật, Trương Sĩ Hùng). “Đẻ đất đẻ nước” lại được hình thành từ một hệ thần thoại chung của người Mường và người Việt. Cho nên có thể nói “Đẻ đất đẻ nước” là sử thi Mường - Việt.
Người Êđê có sử thi Khan, một kho tàng phong phú, tiêu biểu là “Đăm Săn”. Các tác phẩm sử thi khan tiêu biểu khác hiện được biết đến là “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Đăm Dơ roăn”, “Y Pơrao”, “Mơ Hiêng”, “Chi Grí”, Mđrông đăm”, “Hdung Y Thu”, “Đăm Thí”, “Hbia Bao Mơtao”, “Grăn Kđiêng”,… Sử thi hơmon của người Bana là “Đăm Noi”, “Giông nghèo tám vợ”, “Tre vắt ghen ghét Giông”, “Dyông Wiwin”, “Xing Chi Ôn”. Sử thi hơri của người Jarai là “Chilơkôk”. Sử thi akha juka của người Raglai và “Uđai Ujà”.
Một hiện tượng đặc biệt của sử thi các dân tộc nước ta là sử thi ôtnrong của người Mơnông. Con số sử thi ôtnrong qua điều tra bước đầu là 101 tác phẩm. Mỗi tác phẩm nếu tính 250 trang thì khối lượng sử thi ôtnong dày đến 25.250 trang. Các sử thi ôtnrong đã công bố là sử thi cổ sơ Mơnông: “Cây nêu thần”, “Mùa rẫy bon Tiăng”, sử thi thần thoại Mơnông: “Đi cướp lại bộ cồng từ Sơm, Sơ”. Hàng trăm tác phẩm trên làm nên một bộ sử thi kể về cuộc đời nhiều thế hệ anh hùng mà anh hùng số một là Tiăng Kon Rung với địa bàn trung tâm là bon Tiăng. Thuật ngữ nước ngoài gọi đó là sử thi phổ hệ (Genealogical epic) giống như sử thi “Manas” của người Kirghiz .
Người Thái có sử thi “Chương Han” (dị bản là “Khủng Chưởng”), “Ằm ệt luông”, “Toi ăn ok nậm đin”…
Ngoài các sử thi kể trên, nhiều dân tộc khác của nước ta còn có thể có sử thi chưa được phát hiện, sưu tầm và công bố. Ngay số sử thi của các dân tộc đã được giới thiệu trên đây cũng chưa đủ. Tuy nhiên, với những tư liệu hiện có, chúng ta có thể kết luận: nhiều dân tộc nước ta có di sản sử thi, số lượng sử thi khá lớn (khoảng trên 600 tác phẩm) cũng như dung lượng của các sử thi rất lớn. Nói cách khác, các dân tộc nước ta có một kho tàng sử thi đồ sộ.
Một đặc điểm của sử thi các dân tộc nước ta là sử thi sống, khác biệt với sử thi cố định trên sách vở, sử thi thành văn
Sử thi các dân tộc Việt Nam có may mắn cung cấp thêm cho thế giới một khối lượng lớn các hiện tượng về sử thi sống (đang được diễn kể trong đời sống cộng đồng). Cho đến thời kỳ cận hiện đại chúng ta vẫn còn được chứng kiến những buổi trình diễn sử thi và những cuộc thưởng thức sử thi say sưa của công chúng. Cách đây 77 năm, L. Sabatiê đã quan sát thấy hiện tượng trình diễn khan, lúc mặt trời lặn, chúng ta thấy người trong nhà chăm chú bất động như thế nào thì chúng ta thấy họ bất động y nguyên như thế cho đến sáng hôm sau khi mặt trời mọc”. Gần đây (năm 1993), Ka Sô Liễng cũng nhận thấy tương tự : “Tôi đã từng chứng kiến những đêm bà con dân tộc Chăm ở làng Hội, xã Phú Mỡ ngồi nghe ông Ma Phửi hát - kể sử thi Xing Chi ôn suốt đêm. Họ ngồi, nằm chật nhà ông, chăm chú lắng nghe và nuốt từng câu”.
Các vấn đề quan trọng khác như tác giả, công chúng, sự vận động chuyển hoá của sử thi, môi trường mà trên đó sử thi ra đời tồn tại và phát triển… được hiển hiện trong đời sống thực của nó để chúng ta tiếp xúc tìm hiểu và nghiên cứu.
Người quan sát thấy ở Việt Nam những vùng thể loại sử thi, tiêu biểu là vùng sử thi Tây Nguyên
Ở vùng Tây Nguyên và phụ cận, sử thi có khối lượng lớn và một mật độ dày đặc, với 622 sử thi được phát hiện và sưu tầm. Trong lúc đó toàn bộ địa bàn khác chỉ có khoảng 5 tác phẩm và ở nước ngoài có quốc gia chỉ có 1 hoặc 2 sử thi.
Vấn đề không chỉ ở số lượng, mà hơn nữa sử thi vùng Tây Nguyên có những đặc điểm chung mang tính Tây Nguyên. Trước hết là nội dung đề tài. Có 3 chủ đề lớn: lấy vợ, làm lụng và đánh giặc. Đây là sự phản ánh một hiện tượng lịch sử có thật không xa lắm thường được nói là “trước khi Tây sang” tức thế kỷ XIX về trước, đồng thời phản ánh nguyện vọng của lịch sử thúc đẩy từ tình trạng chiến tranh liên miên đến sự ổn định, đến hoà bình, giàu có. Việc làm lụng và lấy vợ của các anh hùng sử thi cũng mang đặc điểm của kinh tế - xã hội Tây Nguyên, như việc hái lượm, săn bắn (còn gọi là khai thác) làm nương rẫy và của thời đại sử thi lúc mà việc cướp vợ là một hiện tượng phổ biến. Nội dung này khác với nội dung của sử thi phía Bắc, tiêu biểu là sử thi – mo “Đẻ đất đẻ nước”. “Đẻ đất đẻ nước” về cơ bản không có chiến tranh, hay nói đúng hơn không có chiến tranh vì mục đích tập trung quyền lực, tập trung kinh tế, lao động, tạo nên một thế lực bao trùm, có vị trí thống lĩnh nhờ đó mà thống nhất cả một vùng. Đề tài của “Đẻ đất đẻ nước” được các nhà khoa học Trung Quốc gọi là đề tài sáng tạo thế giới và sử thi kiểu như “Đẻ đất đẻ nước”, của ta có thể gọi là sử thi sáng thế.
Xã hội - lịch sử Tây Nguyên còn tạo nên những giá trị đặc sắc của nghệ thuật sử thi. Đó là nghệ thuật kỳ vĩ hào hùng bắt nguồn từ niềm tin về yang. Đây là niềm tin về sự huyền ảo có thực. Hê-ghen đã gọi đây là “niềm tin tươi mát về thần linh” và ông chỉ ra chính do không có nó mà nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng của châu Âu chỉ sáng tạo nên những sử thi giả tạo.
Và cuối cùng, điều dễ hiểu dễ thấy là cảnh vật Tây Nguyên với núi rừng bao la hùng vĩ (khác với núi chắn trước mắt người, gây tức tối ở một số nơi khác), với bước voi đi, với thác dựng ngang trời, với hồ nước mênh mông trên đỉnh núi cao, rồi các sinh hoạt đặc sắc như cồng chiêng, đâm trâu, bỏ mả… cái hiện thực sống trên đây có thể gọi là các đặc trưng văn hoá – văn hoá sinh thái và văn hoá nhân văn, cũng góp phần làm nên nội dung thống nhất, đặc thù của sử thi Tây Nguyên so với các sử thi khác.
Chủ đề của sử thi các dân tộc Việt Nam khá đa dạng
Bộ phận sử thi – mo gồm bộ ba “Đẻ đất đẻ nước”, (Mường - Việt), “Ẳm ệt luông” (Thái), “Toi ăn ok nậm đin” (Thái) kể về sự hình thành vũ trụ, con người, các phát kiến văn hoá đầu tiên của loài người như tìm lửa, tìm nước, các giống cây trồng, vật nuôi…, có thể gọi đây là sử thi chủ đề sáng tạo thế giới, nói gọn là sử thi sáng chế (khu biệt với sử thi thiết chế xã hội, nói gọn là sử thi thiết chế). Sử thi – mo, sử thi sáng thế đã tổng hợp một cách giản đơn sự vận hành của muôn vật và con người, để lại những bài học lịch sử đáng quý.
Bên cạnh sử thi sáng thế, các dân tộc nước ta có một khối lượng sử thi có chủ đề về thiết chế xã hội khá phong phú. Các tác phẩm tiêu biểu của kiểu loại sử thi này là sử thi – khan (Êđê), sử thi - khắp (Thái) và một bộ phận sử thi – ôtnrong (Mơnông). Bằng hình thức tự sự, các sử thi này đã đem đến cho chúng ta những cảm nhận thẩm mỹ đầy ý nghĩa và giá trị.
Con người, cuộc đời của những nhân vật anh hùng trong sử thi là hình ảnh con người lý tưởng của một thời đại, có một hình thức đẹp, tài ba trong mọi lĩnh vực. Hình tượng người anh hùng được khắc hoạ đậm đà, chứng tỏ, khác với thời kỳ thần thoại, con người cá nhân đã xuất hiện rất rõ rệt. Đây là sự phản ánh thực tế và cũng là yêu cầu của thời kỳ cuối xã hội tiền giai cấp. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng quan tâm và đặc biệt thú vị là cá nhân anh hùng thời nô lệ và phong kiến. Người anh hùng mặc dầu kiệt xuất nhưng không đứng lên trên, không đè nặng lên và đối lập với quần chúng. Tất cả các anh hùng đều là người lao động, họ cùng làm việc với cộng đồng buôn plây và là người lao động xuất sắc. Tài năng mà họ có, sự nghiệp mà họ đạt được thực sự vì toàn thể cộng đồng, không chỉ vì cá nhân người anh hùng.
Sử thi Việt Nam có mối quan hệ với sử thi nhiều nước trong và ngoài khu vực Đông – Nam Á
Cách đây khoảng 5 thế kỷ, sử thi Ấn Độ Ramayana được các nhà nho ghi tóm tắt vào cuốn sách sưu tập truyện thần kỳ ở Việt Nam : “Lĩnh nam chích quái”. Trong sách có truyện “Dạ thoa vương” hoặc “Truyện Chiêm Thành” chính là “Ramayana” được thu gọn. Đây là một hiện tượng đẹp chứng tỏ sự giao lưu văn hoá lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
Sử thi “Dêwa Mưnô” đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, luôn luôn được đánh giá cáo và được người Chăm liên tục chép lại. Tác phẩm này ban đầu vốn sinh ra từ Malaixia và chuyển đến vùng Chăm vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII (theo G. Moussay).
Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam có sử thi nổi tiếng “Chương han”. Ở Lào và Thái Lan có bản sử thi Thạo Hùng, Thạo Hùng – Thạo Chương. Hai sử thi trên gần gũi nhau về nhiều mặt; nội dung đề tài, cốt truyện, nhân vật và địa điểm. Có thể nói “Chương Han” và “Thạo Hùng - Thạo Chương” là hai sử thi cùng một nguồn gốc và cùng ra đời từ nền văn hoá Thái.
Các sử thi lưu truyền ở các dân tộc thiểu số miền Nam Trung Quốc như “Lang Chính”, “Đặc Lộc”, “Đính Lạc”, “Mật lạc đà”, “Khai thiên lập địa ca” có liên quan đến một số sử thi ở Việt Nam. Các sử thi này được lưu truyền ở địa bàn xưa kia thuộc vùng văn hoá Bách Việt.
Trong lòng các dân tộc Việt Nam đang tồn tại và lưu truyền một kho tàng sử thi phong phú đa dạng và đặc sắc. Kho tàng sử thi đó lưu giữ được những nét bản sắc tốt đẹp về con người, xã hội, văn hoá các dân tộc Việt Nam . Đặc biệt ở đây chứa đựng hình ảnh của một xã hội và những nhân vật lý tưởng của thời kỳ “bình minh của lịch sử”, thời kỳ đã “một đi không trở lại”. Sử thi các dân tộc Việt Namlại là một minh chứng cho mối quan hệ văn hoá lâu đời giữa Việt Nam và một số dân tộc trên thế giới.