Điện Biên Phủ qua thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngay sau chiến thắng được năm ngày, ngày 12/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, theo thể tự do, gồm 4 đoạn, 45 câu. Mở đầu bài thơ, Người vạch trần sự chủ quan, kiêu căng của tướng 4 sao Na - va, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cùng bè lũ tay sai khi tung quân nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên:
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất
Chúng khoe rằng: “kế hoạch Na va
Thật là mạnh dạn và tài hoa
Phen này Việt Minh phải biết tay.
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”
Bác kể lại, khi quân ta bắt đầu tiến hành đợt tiến công thứ nhất (11/3/1954), lần lượt đập tan ba trung tâm đề kháng của địch ở đồi Him Lam, đồi Độc Lập và Bản Kéo, chúng vẫn đang còn say trong giấc mơ nồng coi thường Việt Minh, cậy thế:
“Mình có thầy Mỹ lo cung cấp,
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Na va cùng Cô nhi
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy
Chúng mình chuyến này nhất định thắng
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.
Kẻ thù không thể lường được sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quyết chiến quyết thắng quân xâm lược của quân, dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Trong bài thơ trên, Bác đã biểu dương công lao to lớn và sự hy sinh dũng cảm, ngoan cường của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ đắc lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ:
Bộ đội, dân công quyết một lòng
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông
Khắc phục khó khăn và hiểm trở
Đánh cho giặc tan mới hả dạ
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày
Không quản gian khổ và đắng cay…
Rốt cục, toàn thắng đã về ta.
Cuối tháng 5 đầu tháng 6/1954, liên tiếp trong 6 số báo Cứu quốc, với bút danh Đ.X, Bác đã viết một số mẩu chuyện để phân tích sâu sắc về ý nghĩa của chiến thắng “chấn động địa cầu” này. Bằng những câu chuyện rất ngắn, cô đọng, dễ hiểu, đậm chất hài hước, châm biếm chua cay, Bác đã phê phán chính phủ phản động Pháp “rất thạo nghề nói láo”, nội bộ Pháp luôn lủng củng, mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa bọn quân sự và bọn chính trị. Chính báo chí Pháp – Mỹ đã phải nhận rằng: “Điện Biên Phủ là cuộc thất bại to nhất từ ngày Pháp đầu hàng Đức (1940). Quân viễn chinh Pháp đã bị chặt mất đầu”. Bác chỉ rõ: “Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, càng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ”. Người tiên đoán: “Thế là Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta” để nhắc nhở mọi người nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với tên đế quốc đầu sỏ đó.
Tầm vóc, ý nghĩa hết sức to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ đã in sâu vào tâm trí và suy nghĩ của Bác. Trong nhiều văn kiện chính trị quan trọng, Người nhắc tới ba chữ “Điện Biên Phủ”, với tất cả sự hào sảng và hùng tráng. Ngoài ra, Bác còn dùng những vần thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ để đề cập chiến dịch đó. Kết thúc bài viết “Điện Biên Phủ”, đăng trên báo Nhân Dân số 1923, ngày 21/6/1959, Bác có 4 câu tập Kiều:
Cũng trong một cuộc Điện Biên
Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa
Trăm năm trong cõi người ta
Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua.
Tiếp đó, trên báo Nhân Dân ngày 12/11/1964, Bác có bài thơ tứ tuyệt cảnh báo đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam đón chờ trận Điện Biên mới sẽ đến với chúng:
Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
Thành Đồng trống thắng lay lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.
Ngày 7/5/2014 sắp tới, cả nước ta sẽ tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong ngày vui lớn, đọc lại những áng văn thơ của Bác viết về Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về đất nước ta, nhân dân ta, về Đảng ta và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác trong Bộ Chính trị - những người đã góp phần quan trọng làm nên vinh quang chói lọi đó.