Dịch vụ chữa bệnh thời cổ đại
Bệnh đau răng có thể hành hạ người ta hàng tuần lễ liền. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng từ thời thượng cổ cư dân sống ở vùng đất Pakistan ngày nay đã biết cách khoan lỗ vào răng để loại bỏ nguyên nhân làm đau răng. Tạp chí “Nature” vừa qua đã đăng tải bài viết về những phương pháp chữa răng cổ xưa nhất. Cùng với nó là một số bài báo khác cho thấy chúng ta hiện vẫn biết rất ít về những thành tựu y học của tổ tiên. Với những dụng cụ, phương tiện khiêm tốn, họ đã làm được rất nhiều điều.
Những dấu vết của phương pháp chữa răng cổ xưa nhất đã được các nhà khảo cổ học Italia tìm thấy tại Mehrgarh - Belujista ( Pakistan ). Công tác khai quật cho thấy, khoảng 7500 đến 9000 năm về trước, tại Mehrgarh có một nghĩa địa nơi người ta chôn cất gần 300 người. Trong số họ có 9 người có răng hàm bị xuyên lỗ. Có tổng cộng 11 cái lỗ, trông giống như sản phẩm của các bác sĩ răng – hàm – mặt hiện đại. Những lỗ khoan có đường kính 1,3 – 3,2 mm, sâu đến 3,5 mm. Lớp men phủ xung quanh lỗ khoan đã chứng tỏ rằng người bệnh sau khi được chữa trị đã ăn được cả những loại thức ăn cứng.
Tại Mehrgarh, người ta còn tìm thấy cả những đầu mũi khoan đá dùng để khoan răng. Đầu tiên, chúng được gắn chặt lên những cái que gỗ. Theo những ghi chép về truyền thống dân tộc học địa phương, các “bác sĩ chữa răng” cổ đại đã dùng những chiếc cung nhỏ để làm chuyển động mũi khoan. Nhờ vậy, mũi khoan đạt tới tốc độ khoảng 20 vòng quay/giây. “Toàn bộ quá trình chữa răng diễn ra trong sự đau đớn tột độ – GS. Alfredo Coppola thuộc trường ĐH Roma, một trong những người tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết – Vùng đất thuộc châu Á này từ lâu nổi tiếng với việc sản xuất thuốc phiện, do vậy không loại trừ khả năng bệnh nhân được cho sử dụng thuốc phiện để giảm đau”.
Cũng cần nhớ lại rằng quá trình chữa răng diễn ra không lâu. Thí nghiệm của các nhà nghiên cứu cho thấy việc khoan một lỗ thủng vào răng của các vị thầy thuốc cổ xưa kéo dài chừng một phút. Có khả năng các thầy thuốc xưa dùng cả chất liệu trám răng. Theo Coppola, chất liệu trám răng có thể là nhựa bitum, mủ cao su hoặc sợi bông.
Những người dân Pakistan xưa đã học cách khoan răng như thế nào? Theo các nhà nghiên cứu Italia, nhu cầu về đá quí đã góp phần thúc đẩy nghề này. Tại Mehrgarh người ta đã tìm thấy rất nhiều chuỗi hạt bằng đá quí cùng với những mũi khoan để khoan đá. Người bác sĩ chữa răng đầu tiên có lẽ chính là người thợ thủ công chuyên sản xuất chuỗi hạt đeo cổ. Có thể, bí quyết hàn răng được truyền từ đời này qua đời khác trong phạm vi gia đình của anh ta. Sau đó nghệ thuật hàm răng biến mất, có lẽ cùng với cái chết của thành viên cuối cùng trong gia đình.
Phát hiện ở Mehrgarh có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử y học hiện đại. Nó đã chứng tỏ rằng khi cần giúp đỡ đồng loại, ý tưởng của con người là không có giới hạn.
Cũng không thể phủ nhận rằng trong công việc của bác sĩ, bên cạnh thiện ý còn phải tính đến cả kinh nghiệm nữa. Càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Người có nhiều kinh nghiệm thời đó phải kể đến một nhà phẫu thuật nào đó, đã từng chữa khỏi vết thương ở đầu cho một phụ nữ vùng Abdera (nay là phía bắc Hi Lạp) vào nửa cuối thế kỷ VII trước Công nguyên. Người ta đã tìm thấy hộp sọ của người phụ nữ 50 tuổi. Bà này vào khoảng năm 20 tuổi đã bị một vết thương nặng ở đầu và bà sống thêm được khoảng 30 năm nữa nhờ được phẫu thuật.
Theo GS. Anagnostic Agelarakis – nhà nhân chủng học thuộc trường ĐH Adelphi (Mỹ), người phụ nữ nói trên có thể đã bị đạn đá hoặc đạn chì bắn vào đầu trong thời gian vùng Abdera bị thổ dân tấn công. Trong những ghi chép cổ có nhắc đến chuyện thành phố bị những “kẻ mọi rợ địa phương” xâm chiếm. GS. Agelarakis cho rằng nhà phẫu thuật cổ đại đã cắt da đầu bệnh nhân và làm lộ rõ vết thương. Sau đó nhà phẫu thuật thấy rằng viên đạn đã cắm vào xương. Do vậy, ông ta đã dùng một dụng cụ bằng kim loại để cưa phần xương sọ này ra. Lỗ hổng trong xương sọ của nữ bệnh nhân với kích thước 1x1,5cm được cắt khoét khéo léo đến nỗi cho đến ngày nay vẫn khiến các bác sĩ hiện đại khâm phục. Nó cũng đồng thời chứng tỏ nhà phẫu thuật đã chữa vết thương cho người phụ nữ thời đó phải là chuyên gia thuộc đẳng cấp cao, không loại trừ khả năng ông ta đã từng theo học trường dạy phẫu thuật ở Jonia. (Vùng Jonia ngày nay là phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Nó bao trùm cả hòn đảo Kos, quê hương của Hipocrates).
Kết quả công việc của nhà phẫu thuật học cổ đại là rõ ràng đối với các nhà khảo cổ. Hài cốt từ hàng trăm hoặc hàng ngàn năm về trước có thể là kho kiến thức vô giá về phương pháp chữa bệnh thời cổ đại. Ngoài ra, nhờ phân tích rác thải bệnh viện do các nhà tu hành thuộc tu viện Angustian (Scotland) thế kỷ XIV thải ra, các nhà khoa học ngày nay biết thêm nhiều thông tin bất ngờ. Cụ thể, trong khi đào bới đống phế tích của tu viện, TS. Brian Moffat tìm thấy những mảnh gốm còn dính thuốc chữa bệnh, bông băng cùng những mảnh mô bị cắt bỏ.
Thứ rác thải bất thường này còn bảo tồn được đến ngày nay là nhờ tính chất đặc biệt của đất địa phương. Việc khảo sát cho thấy các nhà tu hành đã sử dụng những loại thuốc giảm đau làm từ thực vật. Họ đã chữa khỏi nhiều loại bệnh trong đó có bệnh chảy máu chân răng, bệnh trầm cảm bằng những loại cây thích hợp.
Nguồn: Science,gdtd.com.vn, số 80, 07/07/2006