Di tích đàn Nam Giao thời nhà Hồ ở Thanh Hóa
Mồng Một tết Kỷ Mão 1989, anh Trịnh Tiến Huynh, trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc, người xóm, phải vào khu vực chân núi Đún để tìm con chó sợ pháo, bỏ chạy từ đêm 30. Tình cờ, anh nhặt được một số mảnh đất nung có hoa văn và đặc biệt là một viên gạch có in 3 chữ “Vĩnh Ninh trường”. Với cảm quan nghề nghiệp, anh đã cố gắng thu lượm thật nhiều hiện vật, quên cả mục đích ban đầu. Nhưng mãi sau này anh mới biết mình là người đầu tiên phát hiện lại di tích đàn Nam Giao của Tây Đô thời nhà Hồ trên đất quê hương.
Đàn Nam Giao - đàn tế trời đất
Chữ “Giao” có một nghĩa là lễ tế Trời ở vùng phía Nam kinh thành. Vì vậy, lễ tế này thường gọi là lễ Nam Giao. Theo các cụ Hoa Bằng, Phan Trọng Điểm, Trần Văn Giáp (chú giải khi dịch Khâm định Việt sử Thông giám cương mục): “Giao là một nơi xa kinh thành phỏng trăm dặm. Đời cổ, gặp tiết Đông chí, vua tế Trời ở Nam Giao, gặp tiết Hạ chí, tế Đất ở Bắc Giao, nên lễ tế trời đất gọi là lễ tế Giao”. Nghĩa là cùng ở một kiến trúc đàn Nam Giao diễn ra hai cuộc quốc lễ: lễ tế trời vào tiết Đông chí, tế Đất vào tiết Hạ chí.
Thời Trời - Cha, thời Đất - Mẹ là tập tục lâu đời của cư dân nông nghiệp Đông và Đông Nam châu Á. Vũ trụ quan Trời tròn. Dưới thời các triều đại quân chủ Trung đại, khi mà các đấng quân vương luôn khẳng định mình là con Trời-Thiên tử, lễ tế Trời - Đất luôn được coi là một Quốc lễ. Chính vì vậy, ở mỗi một kinh đô xưa đàn tế Giao thường là một thiết chế kiến trúc quan trọng cùng với đàn Xã tắc.
Ngay từ thời Lý (thế kỷ 11-12), các vua Đại Việt đã chú trọng đến loại hình kiến trúc và nghi lễ này. Đại Việt Sử ký Toàn thưchép: “ Giáp Tuất (1154) vua (Lý Anh tông) ngự ra cửa Nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khưu. Nhà vua ra xem làm việc” (bản dịch nxb.Giáo dục, 1998, tập 1, trang 407-408). Nhà Trần không làm lễ tế này. Thời Lê, nhà bác học Lê Quý đôn cho biết: Lễ nghi tế Giao, tế Miếu về hai triều đại nhà Lý, nhà Trần không thể tra khảo được; lễ nghi Giao - Miếu dùng ở bản triều (nhà Lê) ngày nay đại lược phỏng theo hội điển nhà Đại Minh…” (Kiến văn tiểu lục, bản dịch nxb KHXH, 1977, tr58)
Lược sử đàn Nam Giao Đốn Sơn
Vào cuối thế kỷ 14, vương triều Trần lâm vào tình trạng suy vong. Năm 1373, vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho Duệ Tông và tự mình làm Thượng Hoàng. Năm 1377, Duệ tông đánh Champa, bị chết trận. Con trai Duệ Tông tên húy là Hiện lên ngôi, tức Trần Phế Đế. Bấy giờ, Quý Ly được Thượng hoàng Nghệ Tông giao cho nắm toàn bộ quyền lực.
Hồ Quý Ly có hai người cô đều làm vợ vua Minh Tông (1314-1329). Một bà đẻ ra vua Nghệ Tông và một bà đẻ ra vua Duệ Tông. Khi Nghệ Tông lên ngôi đã gả em gái là công chúa Huy Ninh cho Hồ Quý Ly và giao cho ông những chức vụ cao. Phế Đế muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng đã bị phế truất, rồi bị thắt cổ chết vào năm 1388. Con út của Nghệ Tông (tên húy là Ngung) lên ngôi vua, tức Thuận Tông. Thuận Tông lại lấy con gái Hồ Quý Ly làm Hoàng hậu. Năm 1394, thượng hoàng Nghệ Tông chết, quyền lực tối cao từ đây thực sự ở trong tay Hồ Quý Ly.
Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở An Tôn huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, gọi là Tây Đô, rồi buộc vua Trần phải dời triều đình về đó. Năm 1399, Quý Ly lại buộc vua Trần phải đi tu Đạo giáo, nhường ngôi cho con là Thái tử An (tức cháu ngoại Hồ Quý Ly). Quý Ly cho người giết vua Thuận Tông trong đền Đạo giáo, Thái tử An lên ngôi tức vua Trần Thiếu Đế. Trong lễ Minh thệ tháng 4 năm ấy, các quý tộc Trần muốn ám sát Hồ Quý Ly nhưng âm mưu bị lộ, hơn 370 người bị giết. Năm 1400, Quý Ly bức Thiếu Đế nhường ngôi vua cho mình, lập nên triều đại Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu.
Để hoàn thiện kinh đô mới, ngoài việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành… triều Hồ đã cho đắp đàn tế Giao. Chính sử còn ghi chép rất rõ và thống nhất về việc này:
Đại Việt sử ký Toàn thư chép: …” Nhâm Ngọ (1402), tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Giao ở Đốn sơn để làm lễ tế Giao… Lệ cũ của đời trước có đặt ra ba bậc lễ nghi, cứ 3 năm một lần làm đại lễ… 2 năm thì làm Trung lễ… hàng năm làm Tiểu lễ… chưa từng làm lễ tế Giao, nay Hán Thương bắt đầu làm” (bản dịch nhà xuất bản KHXH, 1971, tập 2, tr 233).
Đại Việt Sử ký Tiền biên chép: … ”Nhâm Ngọ, Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 2 (1402), tháng 8, Hán Thương xây dựng đàn tế Giao ở Đốn sơn, làm lễ tế Giao, đại xá. Ngày ấy, Hán Thương ngồi kiệu chạm mây rồng, đi từ Cửa Nam ra, các cung tần bách quan mệnh phụ, thứ tự theo hầu. Thời Trần chưa từng làm lễ tế Giao, Hán Thương bắt đầu làm” (Bản dịch nhà xuất bản KHXH 1977, tr 513).
Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chép: “… Nhâm Ngọ (1402). Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2. Tháng 8, mùa Thu, Hán Thương cử hành lễ tế Giao… Theo phép cũ, nghi vệ lễ tế Giao rất long trọng, chia ra ba hạng lễ là: lễ Lớn, lễ Trung bình và lễ Nhỏ… Lễ tế Giao này suốt đời nhà Trần chưa cử hành lần nào, đến nay Hán Thương mới đắp đàn Giao ở Đốn sơn, chọn ngày lành, đi xe vân long, ra cửa Nam thành, trăm quan và cung tần, mạng phụ theo thứ tự đi sau…”(bản dịch nxb.Giáo dục, 1998, tập 1, tr 712-714)
Chính sử sau đó chỉ ghi nhận về trận giao tranh lớn cuối cùng của Hồ Hán Thương với quân nhà Minh ở Lỗi Giang (nhánh sông Mã đoạn chảy qua Vĩnh Lộc) trước khi ông vua này bị bắt cùng Thượng hoàng Hồ Quý Ly ở Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay). Chắc chắn sau cuộc chiến này Tây Đô đã bị triệt hạ. Di vật kiến trúc gần như duy nhất hiện còn của thành Tây Đô là đôi rồng thành bậc cũng đã bị chém mất đầu. chính quyền đô hộ nhà Minh tịch thu mọi sách vở, đưa về Trung Hoa, rất nhiều bia đá bị đập nát, phá hủy… theo một chính sách hủy diệt văn hóa Việt.
Hình thành, tồn vong cùng với nhà Hồ (1400-1407), đàn Nam Giao ở Đốn Sơn chỉ được sử dụng một lần duy nhất, rồi bị tàn phá và chìm vào quên lãng.
Khu di tích đàn Nam Giao thời nhà Hồ ở Đốn Sơn
Khu di tích đàn Nam Giao nằm trong lòng tay ngai núi Đốn Sơn (dân địa phương quen gọi là núi Đún). Đốn Sơn là một quả núi dài có hai đỉnh. Đàn Nam Giao đã được chọn đặt ở khu vực giữa của hai đỉnh này.
Địa điểm di tích cách đường quốc lộ 1A khoảng 20km đường chim bay về phía Tây, cách cổng Nam thành Tây Đô khoảng 2,5 km về phía Tây Nam. Đứng trên đỉnh cao của núi Đún nhìn thấy rõ một con đường chạy thẳng từ cổng Nam đến chân núi. Cho đến gần đây, khi nâng cấp đoạn đường này thành Quốc lộ 45 người ta vẫn còn thấy khá nhiều tảng đá lớn của con đường cổ từ cuối thế kỷ 14.
Trong hai tháng 6 và 7 năm 2004, Ban Quản lý di tích và danh thắng thuộc Sở VHTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học và viện Bảo tổn di tích (KQ) di tích đàn Nam Giao. Mục đích của cuộc (KQ) là tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc khảo cổ học của khu di tích này. Tổng diện tích (KQ) và (TS) là 318,5m 2gồm 4 hố (KQ) và 5 hố (TS).
+ Di tích:
Cho đến đầu thế kỷ 20, khu vực di tích bỏ hoang, cây mọc rậm như rừng. Khoảng những năm 1970-1980, dân quanh vùng đã phát hoang cây cối để lấy đất canh tác nông nghiệp và lấy đá kè các cấp nền cùng các loại vật liệu khác của khu di tích về sử dụng lại. Hiện trong khu vực khoảng 2ha chỉ trồng bạch đàn, nhưng cả một xóm đã được định cư ở khu vực nền Hạ tới sát khu ruộng có tên là ruộng Nam Giao. Bệnh viện cũ của huyện cũng từng ở ngay sát bên phải (phía Tây) khu vực di tích. Trải thời gian, dấu tích đàn tế Giao ở Đốn Sơn vẫn còn khá rõ trên mặt đất với 03 cấp nền đàn, tạm gọi theo cao độ là nền Thượng, nền Trung và nền Hạ. Nền Thượng có độ cao trung bình +20m so với mực nước biển, dài 120m, rộng 60m. Nền Trung có cao độ trung bình +17m, dài 130m, rộng 40m. Nền Hạ có cao độ trung bình +15m, dài 140m, rộng 35m.
Với các kết quả bổ sung lẫn nhau của các hố (TS) và (KQ), một số vấn đề kiến trúc-khảo cổ học của khu di tích đã được làm rõ. Đó là:
+ Gò Trung tâm và Linh đạo:
Nhận thức về vấn đề này dựa trên thông tin có được từ các hố (KQ) số 1, số 3, số 4 và hố (TS) số 4.
Hố (KQ) số 1 được mở ngay sát bờ phía nam của gò đất cao (tạm gọi là gò Trung tâm) có hình gần vuông 24x25m) ở sát chân núi. Diện tích hố số 1 là 96m 2(đông-tây 24m, bắc-nam 04m). Mục đích mở hố là tìm hiểu về chính gò đất cao nhất cả khu vực di tích. Gò đất này hiện có cao độ trung bình +22m so với mực nước biển. Cách đây chỉ vài năm, gò đất này vẫn còn cao hơn nền Thượng hơn 1m.
Ngay dưới lớp đất mặt 0,1m phát hiện một hàng các tảng đá dài chạy theo hướng đông-tây. Đôi chỗ còn thấy xuất lộ những tảng đá gốc được chặt vuông. Căn cứ theo điều tra hồi cố cư dân địa phương và dấu vết ngay trên mặt đất thì đây chính là hàng đá kè chắn trượt đất khi tôn-đắp gò cao này. Hiện tượng tương tự cũng gặp trong hố (KQ) số 4, được mở sát bời phía tây gò Trung tâm. Người xưa đã lợi dụng địa hình đá núi tự nhiên chôn kè thêm bằng đá lấy từ nơi khác về. Phải chăng trên mặt gò vuông này (tượng trưng cho Đất) đã từng tồn tại một kiến trúc có hình tròn (tượng trưng cho Trời?)
Dọc suốt mép ngoài của bờ đá kè này (cũng là phía ngoài gò), ở độ sâu –0,2m xuất lộ một lớp gạch –ngói vỡ khá vụn, rộng 3m, dày không đều (từ 20-35cm) trải suốt chiều dài các hố KQ số 1 và hố KQ số 4. Các trang trí trên nhiều mảnh gạch-ngói vỡ cho phép khẳng định niên đại thế kỷ 14 của các vật liệu xây dựng này. Sau khi bóc dỡ 1/3 mảnh gạch ngói vụn, ở phần chính giữa hố (KQ) xuất lộ một nền lát gạch vuông cỡ lớn (50x50cm). Chiều rộng nền gạch này tới hơn 3m. Không thể bóc hết lớp gạch ngói vỡ che phủ toàn bộ hố (KQ) nên chưa thể khẳng định đây là dấu tích của một thềm gạch lát hay là dấu tích của Linh đạo.
Để có thêm thông tin, một hố (TS) số 4 đã được mở gần chính giữa nền Thượng. Hố này có diện tích 18m 2(đông-tây 9m và bắc-nam 2m). Tới độ sâu –20cm xuất lộ dấu tích của con đường kè đá rộng 4,2m, dày 0,2-0,3m, chạy thẳng về phía gò Trung tâm. Các số liệu đo đạc cho thấy con đường này có trục trùng với trục của nền lát gạch ngay sát gò Trung tâm. Nghĩa là nếu có điều kiện (KQ) diện rộng, có thể sẽ thấy rõ hơn Linh đạo, con đường trục trung tâm của cả khu vực đàn tế.
Nhận thức này càng được khẳng định nhờ kết quả ở hố (KQ) số 3 được mở ở triền dốc phía nam từ nền Thượng xuống nền Trung. Diện tích hố 4mx14m=56m 2. Mặc dù nằm trong khu vực đã bị đào phá khá nặng nề phần trên mặt, nhưng 9 bậc thang lên xuống được kè bằng đá lớn đã xuất lộ. Chiều rộng của các bậc cấp này có lẽ phải tới 5m dấu vết đá kè lam rộng, ẩn sâu vào hai vách hố phía đông và phía tây của hố (KQ). Trục của các bậc cấp đã xuất lộ cùng gần như trùng khớp với trục của đoạn đường kè đá ở hố (TS) số 4 và mảnh gạch lát sát chân gò Trung tâm. Các bậc cấp có bề mặt khá rộng và đều nhau, khoảng 1,2m.
+ Lối lên phía đông (bên tả) nền Thượng:
Hố (KQ) số 2 đã tìm lại được chính xác vị trí và cấu trúc của lối lên bên Tả. Hố này nằm ở phía Đông khu vực đàn tế, trải dài từ nền Thượng xuống một nền thấp hơn bên dưới. Hố (KQ) 2 được đào theo hình chữ T, diện tích 68m 2. Ngoài lớp gạch ngói vụn, phần lớn diện tích hố là những tảng đá lớn của các bức tường bao sập đổ xuống. Sau khi bóc đi 1 khối lượng lớn đã đổ lộn xộn, đã xuất lộ một đường với đầy đủ các đặc tính và thành phần của một lối đi, Từ hàng đá ngăn cách giữa nền 2 và bên ngoài, thấp dần về phía đông, ra đến khoảng 3m có một nền lát gạch hình chữ nhật. Đáng chí ý hơn là 2 cối cửa bằng đá vôi màu xám xanh còn nằm nguyên vị trí (in situ). Khoảng cách giữa hai cối cửa này (cũng chính là bề rộng của cổng) là 1,4m. Cũng tại đây còn phát hiện một số viên ngói mũi lá và ngói mũi hài loại nhỏ cho phép nghĩ rằng đây là một chiếc cổng có mái. Rộng ra hai bên còn dấu tích của 2 bức tường đá sát hai bên cổng, bề dày tường tới 2,6m. Phía ngoài, nằm sâu hơn mảnh gạch lát hình chữ nhật là một số tảng đá phiến bằng phẳng. Có thể lối đi này được lát đá phiến làm nền rồi mới lát gạch lên trên (hoặc đường đá được lát phẳng). Hai bên lối đi được xây đá nghiêng kiểu bó vỉa khá công phu cho biết lối đi này dài 1,8m và rộng 1,6m. Từ hàng đá chống trượt trôi đất đắp nền Thượng đến hết lối đi nói trên đo được 6,4m. Hiện trạng đổ vỡ và phá hủy trầm trọng nên ở phía đông chưa khẳng định được có bao nhiêu bậc lên xuống.
+ Kỹ thuật xây dựng:
Như đã nói, khu vực di tích đàn Nam Giao có cốt cao độ vượt hẳn so với địa hình khá bằng phẳng của khu vực xung quanh. Các hố (TS) đã cung cấp thông tin về kỹ thuật tôn đắp nền đàn.
Hố TS số 4 cho thấy rõ về các lớp đất đắp tôn cao các cấp nền đàn tế. Tới tận độ sâu –1,8m so với mặt nền Thượng hiện nay mới gặp loại sàn đá phiến màu hồng của địa chất tự nhiên khu vực này. Đất đắp được trộn lẫn rất nhiều mảnh đá phiến màu xám, đầm lèn khá chặt.
Hơn thế, giữa các cấp nền còn được kè đá làm thành các bực tường chắn trượt đất. Các tảng đá phiến lớn được xây xếp lẫn với các khối đá vôi tạo thành các bức tường đã xuất lộ trong các hố KQ1,2, hố TS 2 cũng như nhiều đoạn triền dốc đã bị đào phá từ trước. Đá phiến mềm hơn, bị đá vôi nén xuống tạo thành một lớp kết dính khá tốt giữa các tảng đá với nhau. Hiện tượng này còn để lại dấu vết trên mặt các tảng đá vôi mà mới nhìn rất dễ lầm tưởng là có chất keo liên kết giữa các lớp đá. Kỹ thuật xếp đá lớn thành các bờ tường kè chắn trượt cho phần đất đắp thêm đã gặp ở hầu hết các di tích chùa thời Lý: Chương Sơn, Long Đội (Hà Nam ), Phật Tích (Bắc Ninh), Dạm (Bắc Giang)…
+ Dấu tích “Giếng vua”:
Hố TS số 3 được mở với mục đích tìm lại một kiếm trúc phụ trợ của đàn tế mà dân gian gọi là giếng Vua. “Giếng Vua” chỉ mới bị lấp cách đây vài năm nên việc tìm lại không khó khăn lắm. Kết quả (TS) cho thấy đây không hẳn là giếng theo cách hiểu thông thường là nơi lấy nước ngầm mà chỉ là dạng ao chứa nước. Tuy nhiên, sự có mặt của công trình này cho thây ngay ở nền Trung xưa kia đã có các kiến trúc phụ trợ.
+ Di vật:
Đàn Nam Giao Tây Đô chỉ tồn tại 05 năm, không hề có hưng công-tu bổ gì sau đó. Niên đại thời Hồ, cuối thế kỷ 14-đầu thế kỷ 15 của các di vật ở đây là chắc chắn. Vì vậy, các di vật của di tích này có một ý nghĩa quan trọng, có thể dùng làm chuẩn để đối sánh về vật liệu kiến trúc nói riêng, nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền Việt Nam nói chung (tuy nhiên, chúng tôi không muốn đi quá sâu về các vấn đề cụ thể của các di vật).
Trong hầu hết các hố (KQ) và (TS) đều có một lớp gạch ngõi vỡ. Điều đáng tiếc và cũng đáng ngạc nhiên là không có một viên nào nguyên lành. Chúng tôi đã từng cho rằng đây là phế liệu sau khi tháo dỡ và vận chuyển các điện Thụy Chương và Thiên An từ Thăng Long vào, được dùng làm vật liệu tôn nền. Nhưng lớp gạch-ngói vỡ này lại đè lên trên một số mảnh nền lát gạch vuông cho thấy giả thiết này là sai lầm. Theo con số thống kê sơ bộ, số lượng mảnh ngói bản đã lên tới hàng vạn mảnh (chỉ tính các mảnh vỡ lớn hơn bàn tay). Với khối lượng ngói vỡ nhiều đến như vậy, chắc chắn xưa kia ở khu vực này đã từng tồn tại rất nhiều công trình kiến trúc. Tuy nhiên, trên mặt đất và cả trong các hố (KQ), (TS) không hề gặp một tảng đá kê chân cột nào. Dân quanh vùng cũng khẳng định không thấy có di vật này.
Di vật bằng chất liệu đá vôi chỉ là hai chiếc cối cửa phát hiện được trong hố (KQ) số 2. Hai cối cửa này hiện vẫn nằm nguyên vị trí ban đầu. Cùng với mảnh gạch lát ở đó, hai cối cửa cho biết về quy mô của phần cổng và lối lên bên Tả nền Trung. Điều hơi khác lạ là hai cối cửa này không hoàn toàn tròn hay vuông mà chỉ có 3/4. Có lẽ người xưa đã lát gạch áp sát vào phần thiếu khuyết đó. Trong hố KQ số 1 có thu được một mảnh đá có trang trí hình cánh sen nhưng do bị vỡ quá nhỏ nên chưa rõ chức năng, vị trí của mảnh này.
Hầu hết các hiện vật bằng đất nung đều có đặc điểm “thôi” ra như bột phấn khi chạm tay vào mặc dù độ nung khá cao. Theo công năng, có thể phân ra hai loại hình chủ yếu là gạch và ngói.
Hiện vật gạch hoàn toàn dùng để lát nền và ốp trang trí bề mặt, không thấy gạch xây. Ngói chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số hiện vật đất nung. Có nhiều loại ngói bản: ngói mũi hài đơn, kép, ngói mũi lá với rất nhiều kích thước khác nhau. Chỉ tìm được duy nhất một viên ngói ống có trang trí. Hầu hết các mảnh ngói thu được đều thuộc loại ngói mũi hài với hai loại ngói mũi hài kép và ngói mũi hài đơn.
Với thời gian và kinh phí hạn chế, cuộc (KQ) lần thứ nhất di tích đàn Nam Giao Tây Đô mới chỉ đạt được những nhận thức ban đầu về di tích quý hiếm này. Tựa vào địa hình tự nhiên sẵn có, đàn Tế Giao này chỉ có 3 thay vì 4 mặt. Các cấp nền đàn được đắp cao, trải rộng và thấp dần về phía Nam . Đàn tế (tròn?) được dựng trên một nền vuông ở cuối cấp nền cao nhất, sát chân núi Đún. Thẳng trục đàn tế này là một Linh đạo (kè đá dưới, lát gạch trên) chạy về phía Nam , dẫn qua lối lên chính ở giữa nền Thượng và nền Trung. Lối lên này lớn rộng, có 9 bậc. Hai bên Tả (đã thấy) và Hữu (sẽ thấy) là hai cổng có mái lợp ngói mở ra giữa tường đã xếp bao quanh vuông vắn.
Như vậy, có thể thấy đàm Nam Giao Tây Đô thuộc về một tư duy mang nhiều đặc tính Việt, khác hẳn Thiên đàn Trung Hoa thời Minh và đàn Nam Giao thời Nguyễn ở cố đô Huế.
Chiếm diện tích khoảng 2 ha, đàn Nam Giao Tây Đô khá hoành tráng, đạt được những quy chuẩn về kỹ thuật xây dựng cũng như văn hóa tâm linh. So sánh về quy mô, đàn tế này không thua kém đàn Nam Giao Thăng Long. Theo GS. Trần Quốc Vượng thì đàn Nam Giao Thăng Long chính là địa điểm khu Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở góc đường Bà Triệu - Đại Cồ Việt (Hà Nội). Kích thước của đàn Nam Giao Tây Đô cũng tương đương với toàn bộ ô phố này. Về địa lý học cảnh quan, không chỉ được chọn đặt trong vành “tay ngai” của Đốn Sơn, khu vực đàn còn có vị trí rất đắc địa. Về phía Đông, cách chưa đầy 1km là một nhánh sông Mã (dòng Thạch Lỗi?) uốn lượn như Tả Thanh Long. Về phía Tây, một dải núi nối dài núi Đún làm thành Hữu Bạch Hổ. Đáng tiếc là tiền án của đàn Nam Giao này đã và đang bị phá xây dựng gần hết.
Như đã biết, mỗi một quốc gia chỉ có duy nhất một đàn tế Giao.
Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lý đã bị xóa sổ.
Đàn Nam Giao Huế cũng đã từng bị tàn phá, chỉ mới được phục hồi lại cuối thế kỷ trước.
Di tích đàn Nam Giao Tây Đô rõ ràng là một di tích có vị trí đặc biệt trong di sản kiến trúc dân tộc, rất cần được nghiên cứu, bảo vệ.
Nguồn: Xưa&Nay, số 293, tháng 7/2005