Đền Ngọc Sơn
Cầu Thê Húc có nghĩa là cầu đậu trong ánh sáng mặt trời. Người ta tin rằng ánh dương quang nơi đền và cầu này xua tan vận xấu và đem sức khỏe, hạnh phúc cho người đến viếng.
Đêm giao thừa năm Quý Tỵ 1953 cầu Thê Húc bị gãy vì lượng người vào lễ đền và hái lộc quá đông. Bấy giờ cầu làm bằng gỗ. Người ta đã xây lại bằng xi măng chắc chắn. Hồi triều Nguyễn, cầu được tu bổ lần đầu vào năm 1865 (đời Tự Đức) và lần sau năm 1897 (đời Thành Thái).
Bước đến cầu Thê Húc, tự nhiên ta muốn biết nhiều về Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Đầu đời nhà Lý (1010) chưa có hồ Hoàn Kiếm. Vùng nước hồ bấy giờ sâu rộng và ăn thông với sông Cái (Hồng Hà). Bằng cớ là Đại Việt Sử ký toàn thư (quyển 2 tập 2) cho biết: “Khi Thái tổ nhà Lý dời kinh đô Hoa Lư ra Đại La Thành, Ngài đi thuyền trên sông Cái đến tận chân thành, rồi lúc ngài đi lên chợt thấy con rồng vàng bay lên...”
Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, sông Hồng cũng xê dịch, chừa lại vùng nước nhỏ thành cái hồ vào đầu đời Hậu Lê (1428-1432). Do sự tích rùa thần nhận lại gươm nên ban đầu có tên là hồ Hoàn Kiếm (theo Đại việt Thông sử và Lam Sơn Thực lục).
Bia đá số 61 dựng năm 1843 đời Thiệu Trị cũng cho biết: “Hồ Tả Vọng xưa gọi là hồ Hoàn Kiếm, là nơi danh thắng ở kinh kỳ. Về phía Bắc hồ này có nổi lên một cái gò đất diện tích độ 3 hay 4 sào (1080m 2hay 1440m 2). Gần cuối đời Lê (1789) nhà vua dùng làm Điếu đài (chỗ câu cá). Như vậy Hồ Hoàn Kiếm có một thời kỳ mang tên hồ Tả Vọng.
Tên gọi đền Ngọc Sơn thì không thay đổi.
Theo Viện Viễn Đông Bác cổ, việc đặt tên đền có thể đã dựa theo một trong hai điển tích của Trung Quốc như sau:
- Ngọc Sơn là tên một ngọn núi phía Tây Trung Quốc, nơi có động của bà Tây Vương Mẫu là vị Chúa Tiên.
- Ngọc Sơn là biệt hiệu do người đời tặng ông Bùi Khải, một vị quan đời Tấn (265-419) sau công nguyên, có phẩm hạnh thanh cao, sáng rỡ như núi ngọc (Chúng tôi nghĩ điển tích 1 có phần nào hợp hơn, vì đền Chúa Tiên nằm ở ngay thành Thăng Long, đủ cả Rồng Tiên).
Về thời điểm xây dựng đền Ngọc Sơn có 3 nguồn nói đến:
- Sách Hà Thành linh tích cổ lục(A497 bibl.EFEO) chép rằng chỗ xây đền là một gò đất nhỏ giữa hồ. Đến đời Lê (1428-1789) người ta mới xây một cái đền để thờ Quan Thánh (tức Quan Vũ hay Quan Vân Trường đời Tam Quốc). Rồi một tu sĩ hiệu Tín Trai gốc làng Nhị Khê (Hà Đông) mở rộng đền, xây một gác chuông phía trước và đặt tên là Ngọc Sơn Tự.
- Theo bia số 61 tại đền Ngọc Sơn thì đền này đã có hồi thời Hậu Lê.
- Theo văn bia số 119 EFEO cũng của Viện Viễn Đông Bác Cổ thì “Lúc đầu thời Gia Long (1802-1819) người ta dựng một cái đền ở trên gò này để thờ đức Quan Vũ đế (cũng là Quan Thánh)”.
(Sự khác nhau giữa bia 61 và bia 119 chúng tôi chưa tìm được tư liệu giải thích)
Việc thờ cúng trong đền cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Sách Hà Thành linh tích cổ lụcdẫn trên đã nói: “Đến đời Lê (1428-1789) người ta mới dựng đền lên ở đấy để thờ đức Quan Thánh”.
Viện Viễn Đông Bác Cổ có phần nhận xét chung: “...Rồi vì lúc Hậu Lê hồ Tả Vọng này dùng làm hồ tập thủy quân, thì có thể rằng đền này cũng coi như một cái Võ Miếu. Sau có đặt thêm đức Trần Quốc Tuấn tức Hưng Đạo Đại Vương ngồi bên Ngài”...
“Nhưng xem chỗ khác, vào năm Cảnh Hưng thứ hai mươi hai (1761) thì chỉ có ông Lê Lai chứ không có ông Trần Quốc Tuấn được phối hưởng trong đền thờ đức Quan Vũ ( Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Còn nói rõ thêm: “Hội Hướng Thiện thỏa thuận với các môn đệ tu sĩ Tín Trai bỏ gác chuông đi để dựng đền thờ Văn Xương Đế quân (một vụ thần văn học) vào đấy. Đền có ba gian: giữa thờ vị thần mới. Công việc tu lý bắt đầu từ năm Tân Sử (1841) đến năm sau thì xong”.
Về hiện trạng đền Ngọc Sơn đến trước năm 1948, ta có thể hình dung qua sự mô tả của kiến trúc sư Nguyễn Bá Chí (có kèm họa đồ tỷ lệ bằng mét, dự kiến trùng tu) trong đoạn văn sau:
“Đền chính gồm có hai ngôi, nối liền nhau, lại có những phòng phụ thuộc và nơi ở của ông từ.
Ngôi đền thứ nhất về phía Bắc là nơi thờ đức Quan Đế, tượng ngài thờ ở trong hậu cung trên một cái bệ cao hơn mặt đất trong nhà độ một thước tây, ở hai bên có hai cầu thang bằng đá để đi lại.
Ngôi thứ nhì rộng hơn và không có vẻ âm u như ngôi trước, thờ đức Văn Xương - vị thần văn học. Tượng thờ này chạm theo hình ngài đứng, tay cầm một cây bút. (...)
Về phía Nam , đền trông ra một cái ụ lát gạch, trên có một nền vuông. Đó là vị trí đền Trấn Ba (...)
Từ phố Hàng Dầu phía bên kia trông sang thì thấy một tam quan gạch. Trên hai mảnh tường hai bên có hai chữ Phúc và Lộc bằng đại tự tô son; trên tấm biển chạm long ở giữa có đề đền Ngọc Sơn”
Qua những thông tin trên, chúng ta thấy:
1- Ban đầu đền Ngọc Sơn được xem như một Võ Miếu. Trong đền thờ Quan Vũ (Quan Vân Trường). Hiện nay nhiều chùa theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng có thờ Quan Vũ, như một vị thánh.Về sau có thờ thêm Trần Hưng Đạo Vương và Lê Lợi?
2- Sau lại thờ thêm Văn Xương Đế quân, vị thần văn học. Bên ngoài đền có nghiên đài và bút tháp cao to khiến ta nghĩ đến Văn Miếu.
3- Đền cũng từng có gác chuông và mang tên Ngọc Sơn Tự, nên cũng không khác gì một ngôi chùa thờ ngôi Tam Bảo
4- Một di tích lịch sử lâu đời, là Võ Miếu rồi là Văn Miếu, vừa là Đền lẫn Chùa như Ngọc Sơn ở giữa lòng Hà Nội quả là của báu hiếm thấy. Nhưng hơn thế nữa, đền Ngọc Sơn còn tạo thế cân bằng âm dương cho Thủ đô của chúng ta.
Theo Xưa và Nay số240 tháng 7/2005