Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 20/09/2011 20:36 (GMT+7)

Để rừng Cà Mau không còn bị "chảy máu"

Ai bảo vệ kiểm lâm?

Ông Phan Hùng Dũng, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết: Thời gian gần đây, trên lâm phần rừng ngập mặn Cà Mau, nhất là khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau liên tiếp xảy ra những vụ lâm tặc phá rừng và chống người thi hành công vụ đáng báo động. Mới đây là vụ lâm tặc tấn công cán bộ Trạm Kiểm lâm Trại Xẻo đóng trên lâm phần xã Viên An (huyện Ngọc Hiển).

Anh Trần Vĩnh Lia, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trại Xẻo, nói: Trạm chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát và quản lý bảo vệ rừng trên 2 cồn bãi tại cửa ông Trang thuộc địa bàn xã Lâm Hải (huyện Năm Căn). Đêm 18-6-2009, anh Lia cùng với 3 cán bộ của trạm tổ chức tuần tra khu vực này thì phát hiện có khá đông lâm tặc đang chặt cây phá rừng trên cồn. Nhận định đây là vụ chặt lấy cây, phá rừng với quy mô lớn, anh Lia thông tin cho đơn vị Phân khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tăng cường thêm lực lượng đến hỗ trợ. Phát hiện lực lượng kiểm lâm đang vây bắt, bọn lâm tặc phi tang tang vật (cưa, búa, dao...) xuống biển và nhảy lên phương tiện tẩu thoát, nhưng không kịp và bị bắt giữ. Trong lúc giằng co, chưa kịp đưa phương tiện về trạm xử lý, bất ngờ bọn chúng quay sang dùng cây tấn công lại lực lượng làm nhiệm vụ, đánh trọng thương một cán bộ Phân khu bảo tồn biển. Bọn chúng tiếp tục thông tin về gia đình, gọi thêm khoảng 50 người với hung khí trên tay “tốc hành” đến nơi xảy ra vụ việc tiếp ứng, khống chế, bao vây, hăm dọa đủ điều và cưỡng đoạt lại phương tiện trong sự bất lực của lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra.

Anh Huỳnh Thanh Liêm, cán bộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có thâm niên công tác trong ngành kiểm lâm hơn 20 năm cho biết, bọn lâm tặc giờ đây phá rừng không còn quy mô như trước mà theo kiểu “gặm nhấm” nhằm tránh truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị bắt. Nhưng điều đáng lo ngại là khi thấy lực lượng tuần tra “ít quân” thì bọn chúng gọi điện cho nhau, tập trung đến với hung khí trên tay bao vây, khống chế và đánh gây thương tích anh em đang làm nhiệm vụ rồi tẩu thoát. Bản thân anh Liêm đã bị lâm tặc hành hung, thương tật 12% nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được đối tượng. Anh Liêm trăn trở: Nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm rất nặng nề, tính mạng luôn bị đe dọa, người thân trong gia đình bị hăm dọa bởi bọn lâm tặc, nhưng anh em chúng tôi chẳng biết được ai bảo vệ, chế độ chính sách ưu đãi hầu như chưa có gì ngoài thu nhập từ đồng lương.

Ông Huỳnh Thanh Sinh, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết: Thực tế, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn nhiều khó khăn, bất cập. Lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm soát liên tục, nhưng khi kiểm tra tuyến trên thì cây rừng ở tuyến dưới bị mất và ngược lại. Tổng diện tích Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau 41.862 ha, gồm: 15.262 ha đất rừng và 26.600 ha vùng bảo tồn biển thuộc địa bàn hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Chiều dài quản lý rừng phòng hộ ở đây bắt đầu từ rẫy Trương Phi (Đất Mũi) đến cửa Bảy Háp (Viên An) hơn 80km, chiều ngang có nơi rộng từ 500m đến hơn 3.000m. Bất lợi trong quản lý, tuần tra và bảo vệ rừng là địa bàn rộng, kéo dài ven biển, kênh rạch chằng chịt, tạo nên hệ thống đường lưu thông phức tạp, rất khó kiểm soát. Các đối tượng tiếp cận với rừng phòng hộ nhanh, nhất là dọc mé biển khi thủy triều lên có vô số kênh rạch, con lạch nhỏ ăn thông ra biển nên dễ dàng xâm nhập vào rừng bằng xuồng ghe, vỏ máy đuôi tôm qua những cửa lạch này.

Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của nơi đây vỏn vẹn 32 người, chia làm 6 trạm, bình quân 1 trạm quản lý hơn 10 km, nhưng phương tiện, kinh phí không đảm bảo nhu cầu hoạt động tuần tra, kiểm soát. Lợi dụng khó khăn này, bọn lâm tặc “vô tư” phá rừng, nhất là vào ban đêm, chúng hầu như không gặp trở ngại nào, mặc sức hoành hành, tàn phá tài nguyên rừng.

“Gặm nhấm” - Bức tử tài nguyên rừng

Ông Huỳnh Thanh Sinh trăn trở: Với lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện thiếu, kinh phí hạn chế như hiện nay, việc tuần tra ban đêm là một trở ngại lớn, chúng tôi khó giữ được cây đứng mà chỉ giữ cây đã bị đốn hạ, nhưng lúc được, lúc mất. Được là khi phát hiện thu giữ cây, xử phạt đối tượng. Biện pháp phạt tiền đối tượng phá rừng xem ra không còn hữu hiệu, không còn tính răn đe. Vì hầu hết đối tượng phá rừng đều nghèo khó nên khi bị bắt, xử phạt tiền, họ phải chạy vay lãi suất cao đóng phạt và sau đó, không còn con đường nào khác hơn là tiếp tục chặt cây hầm than bán vừa để trả nợ vay đóng phạt, vừa xoay xở chi tiêu cho cuộc sống gia đình.

Hiện nay, ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn Năm Căn, Ngọc Hiển, khu vực cồn Ông Trang... là những điểm nóng tập trung phá rừng. Trong gần 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương có rừng phát hiện, xử lý 343 vụ vi phạm lâm luật, phá hủy hàng trăm lò hầm than trái phép trên lâm phần. Tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 70 vụ vi phạm lâm luật, nhưng trên thực tế lâm phần, con số này còn lớn hơn nhiều và lâm tặc cướp phá tài nguyên rừng bằng những hình thức hết sức tinh vi, chưa có dấu hiệu dừng lại. Điểm nóng phá rừng hiện nay là khu vực cồn cát Trảng Sáo, cồn Ông Trang xã Viên An.

Anh Tô Hoàng Mân, Trạm phó Trạm kiểm lâm Cồn Cát, cho biết: Nghiêm trọng hơn, khi chặt cây xong, chúng đưa xuống sông bó lại, dùng thùng mốp xốp cho vào bao rồi cột ở 2 đầu để bè cây, chờ thủy triều xuống thả trôi ra cửa sông, đưa bè ngầm đến nơi an toàn, chuyển lên vỏ máy vọt đi. Hoặc bọn chúng vận chuyển bằng cách cột chặt cặp hai bên thân vỏ máy và một người ngồi trước, một người ngồi sau thủ sẵn dao để khi gặp lực lượng tuần tra thì nhanh tay chặt dây cho bè gỗ chìm xuống sông, dễ bề tẩu thoát.

An sinh xã hội kết hợp tuyên truyền, giáo dục

Không những người lớn mà trẻ em 14 - 15 tuổi cũng tham gia phá rừng. Đối tượng này chặt cây cao khoảng 4 - 5m cắt ra từng khúc đưa vào lò hầm than hoặc bán cho người có nhu cầu tiêu dùng với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/cây tùy kích cỡ cây lớn hay nhỏ. Cứ thế, khi trong nhà hết gạo ăn, không còn tiền tiêu xài là bọn chúng lén lút vào rừng chặt cây bán, hầm than và rừng “chảy máu” hết chỗ này đến chỗ khác, liên tục từ ngày này sang ngày khác, rất khó kiểm soát. Đối tượng vi phạm tài nguyên rừng ở đây không chặt cây với số lượng nhiều, quy mô lớn như trước đây đến mức có thể truy tố khi bị bắt, mà phá rừng theo hình thức “kiến tha lâu đầy tổ”, nếu bị phát hiện thì cũng chỉ dừng lại đóng phạt, xử lý hành chính. Hệ lụy là rừng bị phá liên tiếp với số lượng lớn nhưng chưa được ngăn chặn.

Trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hiện có khoảng 2.000 hộ dân sinh sống, nhưng phần lớn đời sống của những hộ dân này thiếu công ăn việc làm ổn định, không phương tiện sản xuất, gần như sống dựa vào tài nguyên rừng, xâm hại khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên vùng cấm bãi bồi. Họ vào rừng bắt ốc, bắt cua, ba khía và đến khi những nguồn lợi thủy sản đó cạn kiệt thì chặt cây hầm than bán đổi lấy gạo ăn, chi tiêu cho cuộc sống. Một đối tượng chuyên nghề hầm than cho biết: than đước có giá trên dưới 5.000 đồng/kg, với lò than nhỏ sau 2 ngày đốt lò thu được hơn 40 kg, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Họ biết chặt cây rừng hầm than trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm, vì thực tế cuộc sống hiện tại không còn cách nào khác hơn.

Tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho ngành chức năng phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, động vật hoang dã bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và ra quân truy quét trên toàn lâm phần, nhất là khu vực rừng phòng hộ ven biển, ngăn chặn tình trạng dân di cư tự do sống ven rừng, cửa biển để khai thác, chặt cây rừng; xử lý nghiêm các vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, thách thức lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thì để rừng không còn bị “chảy máu” phải giải quyết đồng bộ các nhu cầu an sinh xã hội cho cư dân làng rừng kết hợp với tuyên truyền, giáo dục và quản lý, bảo vệ.

Xem Thêm

Bình Thuận: Chọn danh mục đề án phản biện năm 2025
Chiều ngày 02/01/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức họp cho ý kiến danh mục các đề án, dự án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch (gọi chung đề án) thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội năm 2025 của Liên hiệp hội tỉnh.
Phú Thọ: Tìm giải pháp nâng cao trình độ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 17/12, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Đánh giá trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2023; đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.