Để hiểu “Cháu ông Rameau”
Câu chuyện trong tác phẩm diễn ra dưới hình thức đối thoại giữa hai nhân vật chính: một người là triết gia muốn dung hoà lý tính với các giá trị đạo đức của thời đại mình, kẻ kia là cháu ông Rameau (gọi tắt là Rameau), một tay “chân tiểu nhân” có cái nhìn khinh bỉ với mọi hạng nguỵ quân tử chung quanh mình, và biết cách bóc mẽ chúng.
Quả thật, hình tượng Rameau tập hợp tất cả những gì đã được trào lưu lý tính đang vươn lên vị trí thống trị của thời Khai sáng tìm cách đẩy lùi, đó là: kinh nghiệm cảm tính, những đam mê và dục vọng, những kinh nghiệm thẩm mỹ bấy lâu... tất cả như bóng tối bị ánh sáng ngập tràn. Rameau là hình mẫu kinh điển của các khuynh hướng hư vô chủ nghĩa, tiếp thu hầu hết mọi luận cứ phản căn, chống lại các hình thức truyền thống của quyền uy luân lý đương thời: “Không phải ngẫu nhiên khi các tính chất tự tha hóa và bị lệch lạc trong tính cách của Rameau đã mở đường cho nghị luận tâm lý học và nhân loại học ở thế kỷ XIX và còn âm vang trong văn học và triết học thế kỷ XX.” (Lionel Trilling trong Sự trung thực và cái đích thực)
Về nhân vật Rameau, Hegel nhận xét: “sự phát triển biện chứng của cá nhân chứa đựng cả hai mômen: một mặt là sự trưởng thành của tâm thức, của sự mất ảo tưởng, và mặt kia là sự tha hóa trầm trọng. Việc khắc phục tha hóa không phải là quay trở về trạng thái nguyên thủy mà là đẩy sự tha hóa đến cùng cực để có thể chuyển hóa nó”. Đấy phải chăng cũng là tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại?
Trong khuôn khổ một bài giới thiệu sách, không thể viết dài. Điều cuối cùng tôi nghĩ nếu như bạn đọc nào đã đọc Don Quichottecủa Cervantes, đọc Faustercủa đại thi hào Goethe, đọc Logiccủa Hegel và đọc Mặt trời đencủa Nietzche... thì không nên bỏ lỡ cơ hội đọc Cháu ông Rameaucủa D. Diderot, nhất là khi nó đã được dịch ra Việt ngữ một cách rất thành công.