Đặng Vũ Hỷ, y đức và tài năng
Thời trẻ, chàng trai họ Đặng được học hành chu đáo, đến nơi chốn: học tiểu học ở Nam Định, trung học ở Trường An-be Xa-rô, rồi đại học ở Trường Thuốc. Nhưng, lúc bấy giờ, Trường Thuốc Hà Nội chỉ mới được phép đào tạo y sĩ Đông Dương. Những ai muốn có bằng bác sĩ y khoa thì, sau khi học xong năm thứ tư ở Hà Nội, phải sang Pháp học tiếp. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện Pa-ri, với bản luận văn La syphilis de l'ovaire (Bệnh giang mai buồng trứng) được Nhà xuất bản Amédée le Grand in bằng tiếng Pháp phát hành ở Pa-ri, tất nhiên với số lượng không nhiều.
Cách mạng Tháng Tám thành công như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc. Luồng gió mới của thời đại thổi tới, khiến cho không gian giữa mấy bức tường phòng khám bệnh tư bỗng trở nên sao mà chật chội, tù túng quá! Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ bèn tìm gặp Giáo sư Hồ Đắc Di, người vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho làm Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy. Ngay trong phút đầu gặp mặt, Giáo sư Di đã vui vẻ mời bác sĩ Hỷ tham gia giảng dạy ở Trường Y và làm chủ nhiệm phòng khám ở bệnh viện Đồn Thủy. Bác sĩ trở về nhà, đóng ngay cửa phòng khám bệnh tư để dành hết thời gian và tâm trí cho công việc chung.
Tháng 12-1946, không khí Hà Nội nặng nề, căng thẳng. Bác sĩ Hỷ cùng vợ và người con trai mới sinh được ba tháng là Đặng Vũ Minh vừa tạm lánh về quê Nam Định, thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không chút đắn đo, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, được giao phụ trách trạm quân y tiền phương ở Cổ Lễ.
Về mấy năm bác sĩ Đặng Vũ Hỷ phụ trách Quân y viện khu Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, bác sĩ Phạm Khuê kể lại: "Tôi làm việc bên cạnh anh Hỷ. Một điều làm tôi rất cảm phục là, tuy anh ở Pháp lâu, làm chuyên môn chủ yếu, nhưng khi cần, vẫn tổ chức, chỉ huy rất tốt. Năm 1947, giặc Pháp tiến công lên Việt Bắc, đồng thời đánh luôn căn cứ Ninh Bình, tạo thành một gọng kìm rất hiểm. Quân y viện chúng tôi bị đánh. Anh đã chỉ huy đâu ra đấy đơn vị sơ tán vào chân núi Dưỡng Khê, bảo đảm an toàn cho tất cả thương binh, phương tiện, dụng cụ. Bình tĩnh đứng trên một gò cao, anh chỉ tay, nói to và gọn, ra những mệnh lệnh chính xác và cụ thể. Tôi thoáng nghĩ, trí thức nước ta như thế đấy..."
Những năm sau đó, bác sĩ Hỷ công tác tại Trường Y sĩ liên khu III - IV ở Nông Cống (Thanh Hóa). Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, ông đành phải tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp (sách mượn, phải trả). Là con gái một cụ thượng thư, thế mà bà trồng chuối, tưới rau, nuôi gà, gánh nước y như một bà mẹ trẻ lam làm ở chốn làng quê.
Năm 1953, Trường Y sĩ liên khu III - IV chuyển lên Việt Bắc, sáp nhập với Trường đại học Y. Bác sĩ Hỷ cùng gia đình lại một phen khăn gói cuốc bộ lên rừng Tuyên Quang gặp "cụ Di, anh Tùng".
Năm 1954, trở về Hà Nội, ông mới được làm công việc đúng với chuyên môn sở trường: chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Trường đại học Y - Dược kiêm chủ nhiệm khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.
Ông tâm sự với bác sĩ Phạm Khuê: "Khi bước chân trở lại Hà Nội, chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như thế. Mình đã làm nhiệm vụ với đất nước. Kháng chiến có gian khổ, mất mát, nhưng nếu cần làm lại cuộc đời, mình vẫn sẽ làm lại như vậy".
Là người ham thích nghiên cứu, ông đọc ngấu nghiến các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành mới tìm thấy ở Hà Nội về các bệnh ngoài da và hoa liễu (gọi tắt là da liễu) để cập nhật hóa kiến thức.
Ông liên tiếp biên soạn, xuất bản năm cuốn sách về bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnh ngoài da khác. Từ năm 1954 đến năm 1972, ông công bố 48 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam, Pháp, Anh, Đức, Ru-ma-ni...
Ông đặc biệt thương xót những người bị bệnh phong, tìm mọi cách chữa bệnh cho họ, gần gũi an ủi họ.
Bác sĩ Trần Văn Ngoạn, nguyên Giám đốc Trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn (nơi trước kia nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng điều trị) thường nói: "Sở dĩ tôi chọn ngành này là do thầy Hỷ đã khuyên tôi. Thầy nói: Trong xã hội ta, còn rất nhiều thành kiến sai lầm, phi khoa học đối với người mắc bệnh phong. Anh còn trẻ, anh hãy giúp tôi xóa bỏ những thành kiến đó và cứu chữa người bệnh. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1961, đã 36 năm rồi, tôi luôn luôn tâm niệm lời thầy".
Giáo sư Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4-10-1972. Ở Trại phong Quy Hòa, các thầy thuốc và bệnh nhân đã dựng tượng để tượng niệm giáo sư. Dưới chân tượng có khắc dòng chữ:
"... Cuộc đời tận tụy vì người bệnh, y đức trong sáng của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa".
Ông thật xứng đáng được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về hai cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu và 32 công trình nghiên cứu khác.