Đặng Thai Mai: Một phương pháp tư duy sắc bén, một ngòi bút giàu cá tính
Lúc nhỏ, Đặng Thai Mai học chữ nho và sớm tiếp xúc với tân thư của các học giả tiến bộ Trung Quốc. Học hết trung học ở Vinh (1924) ông vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương; vừa học vừa tham gia cách mạng. Năm 1928, tốt nghiệp, được bổ vào Huế dạy trường Quốc học. Năm 1929 tham gia Tân Việt cách mạng đảng, bị bắt và bị kết án 3 năm tù treo. Năm 1930 lại bị bắt và bị kết án tù. Sau khi ra tù, dạy học ở trường Gia Long (1932) rồi thành lập trường Thăng Long (1935) Hà Nội.
Thời kỳ Mặt trận dân chủ, ông là một trong những người sáng lập phong trào truyền bá Quốc ngữ, được Đảng Cộng sản giới thiệu tranh cử vào Viện dân biểu Trung kỳ. Thời gian này, ông có điều kiện nghiên cứu một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin, những tác phẩm văn học cách mạng và lý luận văn nghệ mác-xít. Do đó ông nhanh chóng đến với chủ nghĩa cộng sản. Dưới ánh sáng của tư tưởng cách mạng Đặng Thai Mai bắt đầu sử dụng ngòi bút như một vũ khí chiến đấu. Ông viết trên các tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt như Tin tức, bằng tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, Notre voix.Trong một số truyện ngắn, ông xây dựng thành công hình ảnh những người cách mạng kiên cường mà bình dị của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, (Cô câm đã lên tiếng, Chú bé, Vận mệnh chống đối, Người dàn bà điên…).
Đặng Thai Mai nổi tiếng với cuốn Văn học khái luận(1944, in lần đầu trong tủ sách “Tân văn hóa”, Hàn Thuyên xuất bản cục, Hà Nội.
Sách gồm 8 chương. Chương 1: “Định nghĩa hai chữ văn học”, cũng có thể xem là chương “khái luận” của tập sách, vừa giới thiệu phạm vi, vừa trình bày đặc trưng bản chất của khái niệm. Tác giả nhìn nhận văn học dưới hai nghĩa: 1. Một khoa học nghiên cứu tác phẩm của nhà thơ, nhà văn nhiều đời; 2. Đối tượng của khoa học đó, tức là bản thân sáng tác. Trong nghĩa thứ nhất, Đặng Thai Mai yêu cầu nghiên cứu văn học phải đạt được tính khoa học cao, ở chỗ phải nhận thức các hiện tượng văn học một cách khách quan, từ đó tìm ra “quy luật tính” của văn học không chỉ ở hình thức nghệ thuật mà còn ở “những đường lối tiến triển biến hóa sâu xa và linh động của nội dung”. Trong nghĩa thứ hai, phải hiểu văn học là “một hình thái ý thức”, “dùng ngôn ngữ văn tự làm phương tiện” để biểu hiện đời sống của con người trong những hoàn cảnh lịch sử và “thiên nhiên” cụ thể nói lên tư tưởng tình cảm và ý chí con người.
Chương II: “Vấn đề nguyên tắc” hay chính là “mục đích của sáng tác văn học”. Bằng việc phân tích thực chất quan điểm của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà nhà văn Pháp Theosphile Gautier là người khởi xướng và giới thiệu ý kiến phản bác lại của Plekhanov, Đặng Thai Mai rút ra những ý kiến tổng quát; văn học không bao giờ có “giá trị tự tại” mà bao giờ cũng có tính mục đích; vì nhu cầu của đời sống con người nên mới có nhu cầu sáng tác và chiều hướng tất yếu của sáng tác văn học là ngày càng phục vụ được đại chúng rộng rãi. Văn học gắn liền với sinh hoạt xã hội và cũng vì vậy phải phát triển và thay đổi, khi các điều kiện sinh hoạt đã thay đổi.
Chương III, IV: “Vấn đề sáng tác”. Dành hai chương cho cùng một tiêu đề trên thực tế, tác giả muốn trình bày hai vấn đề khác nhau, nhưng có mối liên quan trong nhận thức cũng như trong thực tiễn: “Tính giai cấp và tính kế thừa của văn học” (chương III) và “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” (chương IV).
Chương V: “Nội dung và hình thức” và chương VI: “Điển hình và cá tính”. Trong mối quan hệ nội dung và hình thức, tác giả đã vạch cho thấy sự thâm nhập khó chia tách giữa hai yếu tố, tính quyết định của nội dung đối với hình thức, ảnh hưởng tích cực trở lại của hình thức, đồng thời ông cũng nhìn mối quan hệ này trong tiến trình vận động lâu dài của lịch sử văn học, trong đó nội dung và hình thức tác động qua lại và đổi mới từng bước, như một sợi dây chuyền. Trong mối quan hệ điển hình cá tính. Đặng Thai Mai cho rằng điển hình là “đại diện cho một thế hệ, một đoàn thể một giai tầng xã hội”. Nhưng điển hình không loại bỏ cá tính mà trái lại vừa phải đặt trong một “bối cảnh lịch sử” (hoàn cảnh điển hình), thì mới được gọi là một điển hình hoàn toàn.
Chương VII: “Vấn đề tự do trong văn nghệ”. Đặng Thai Mai đã diễn đạt một cách nghệ thuật một mệnh đề triết học: Tự do là tất yếu được nhận thức. Mặt khác, tác giả cũng chỉ ra một con đường thứ hai, giúp nhà văn giành lấy tự do thật sự về tư tưởng, dũng cảm “bước ra ngoài pháp luật đem nghệ thuật của mình mà phụng sự một lý tưởng mới”, và về nghệ thuật “đánh đổ những hình thức cổ hủ mà tìm được những quy luật thích hợp với tư tưởng” của mình. Một nền văn nghệ mới sẽ xuất hiện trong đó, nhà văn sẽ “viết cho một giai tầng nhân loại rộng rãi”; “tự do cá nhân không thể rời khỏi mầm sống cộng đồng và ý nghĩa nghệ thuật chỉ có thể thực hiện trong đoàn thể, trong giống nòi”.
Chương VIII: “Tinh thần quốc gia và dân tộc”. Đặng Thai Mai cho rằng “không có một tác phẩm nào có thể đại biểu một cách xứng đáng cho tinh thần dân tộc mà lại đồng thời không bao hàm những tính cách phổ biến của nhân loại”. Đồng thời “muốn xây dựng một nền văn học xã hội thì trước hết là phải biểu hiện xã hội nước ta bằng ngôn ngữ văn tự nước ta đã”.
Dù còn chưa đầy đủ, Văn học khái luậnvẫn xứng đáng là cuốn sách mở đầu cho những công trình hệ thống nguyên lý văn học viết dưới sánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, được viết với một phương pháp tư duy sắc bén, một ngòi bút giàu cá tính.
Ông còn viết: Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ(1944) Tạp văntrong văn học Trung Quốc hiện đại(1945) và dịch các tập kịch Lôi Vũ, Nhật xuấtcủa Tào Ngu. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhớ lại: “Giữa bầu không khí mù tối, ngột ngạt của chủ nghĩa phát xít, khi đọc trên tạp chí Thanh nghịnhững bài Đặng Thai Mai viết về Lỗ Tấn, tôi đã thầm nhận ra những tia lữa giữa những hàng chữ bình tĩnh điềm đạm không thể ngăn được”.
Việc dịch Lôi Vũ, Nhật xuấtcủa Tào Ngu nhất là việc Lôi Vũđược đưa lên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội năm 1945, đã đem lại bước chuyển biến mạnh mẽ cho sân khấu Việt Nam theo phương hướng của chủ nghĩa hiện thực và mang tính chất dân tộc.
Sau khi Hội Văn hóa cứu quốc thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đặng Thai Mai đã viết nhiều bài trên báo Tiền phong,cơ quan của Hội cổ vũ và định hướng cho nền văn học cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ giáo dục (1945), Chủ tịch Ủy ban hành chính và kháng chiến Thanh Hóa (1948), Giám đốc trường Dự bị đại học văn khoa liên khu IV (1952). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1954 Đặng Thai Mai trở về Hà Nội làm Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (1954-1958) rồi Hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và liên tục là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên hai cương vị lãnh đạo lâu năm hơn cả: Viện trưởng Viện văn học (1961-1978) và chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam(từ năm 1957 đến trước khi mất), ông đã có nhiều cống hiến tích cực vào việc xây dựng một nền văn nghệ Việt Nam cách mạng, xã hội chủ nghĩa.
Những tác phẩm sau Cách mạng tháng Tám:
Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng (1949)
Triết học phổ thông (1949)
Giảng văn Chinh phụ ngâm (1950)
Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, tập 1 (1958)
Văn thơ Phan Bội Châu (1958)
Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thể kỷ XX (1960)
Trên đường học tập và nghiên cứu,tập I (1959), tập II (1965), tập III (1973)
Tiếng Việt và dạy đại học bằng tiếng Việt (1975)
Đặng Thai Mai tác phẩm,tập I (1978), tập II (1984)
Đặc biệt xuất sắc là hai cuốn: Văn thơ Phan Bội Châu,ông đã dựng được bức chân dung tươi đẹp, cảm động về nhà thơ lớn, nhà chí sĩ Phan Bội Châu.
Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX,ông đã trình bày sinh động, sâu sắc một giai đoạn sôi nổi của cách mạng và của văn hoạc cách mạng trước ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập.
Năm 1984, Đặng Thai Mai đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngày 25-9-1984, Đặng Thai Mai qua đời khi ông chưa viết xong Hồi kýcủa mình.
Trong điếu văn vĩnh biệt nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai, nhà thơ Cù Huy Cận viết: “Anh là một cuốn bách khoa từ điển về văn học nghệ thuật, về văn hóa, văn minh đông tây kim cổ. Anh là người của nhiều nền văn hóa, văn minh ấy, trước hết là nền văn hóa văn minh Việt Nam . Tôi xin phép thêm rằng, bác Mai là người có đạo đức do truyền thống của gia đình, của dân tộc cộng lại hun tạo nên. Xa thì thấy cái danh của bác cao lồng lộng khó bắt gặp, còn gần thì cái đức của tác giả gắn bó thân thương”.
Đặng Thai Mai đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.