“Dân chủ và Giáo dục”: một cách tiếp cận triết lý giáo dục
Tác giả cuốn sách là John Dewey (1859 – 1952) - một triết gia nổi tiếng, một nhà giáo dục xuất sắc mà gia tài tư tưởng đồ sộ của ông đã bao trùm triết lý giáo dục của nước Mỹ suốt thế kỷ XX và trở thành thần tượng của những trí thức Hoa Kỳ lỗi lạc nhất, như Richard Rorty, Noam Chomsky, v.v…
Tư tưởng “Tân giáo dục” của John Dewey phủ định nền giáo dục truyền thống đã từng tồn tại từ thời Plato cho đến thời ông. Nền giáo dục truyền thống đã tách biệt một cách phản dân chủ giữa nhà trường và xã hội, giữa thầy và trò, giữa giáo dục và cuộc sống. Nếu như trước đây người ta quan niệm giáo dục như là quá trình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, hoặc là quá trình thanh lọc tâm hồn, hoặc nữa, một quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí, song với John Dewey, “Giáo dục chính là bản thân cuộc sống”. Giáo dục là quá trình hoạt động của nhà trường gắn liền với thực tiễn xã hội, kiến thức không thể được áp đặt từ bên ngoài. Không thể có một thứ giáo dục chung cho tất cả mọi người. Lấy người học làm trung tâm, giáo dục phải là một quá trình dân chủ sâu sắc. Triết lý giáo dục của John Dewey đưa đến một lý luận mới về sự hình thành nhận thức (epistemology) và lý luận về logic của sự truy tìm nhận thức (theory of Inquiry).
Triết lý đó phát triển từ kinh nghiệm thông thường và có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm hằng ngày, vì thế “ không phải ai cũng có thể hiểu được triết học của ông, nhưng hầu như ai cũng ắt phải thực hành triết học của ông trong chừng mực nào đó” (theo đánh giá của tờ The New York Times).
Cuốn sách được dịch giả Phạm Anh Tuấn chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách sáng sủa, chính xác và hấp dẫn. Sách gồm 448 trang ruột, khổ 16 x 24 cm, với 24 chương và phần chú giải thuật ngữ.