Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 24/04/2014 19:25 (GMT+7)

Đại đoàn 308, những chiến công chói lọi

Đại đoàn quân Tiên phong ấy chính là danh hiệu của đại đoàn bộ binh 308 - một trong bốn đại đoàn bộ binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thành lập ngày 28/8/1949, tại thị trấn Đồn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; đại đoàn 308 là đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ta (đại đoàn là tên gọi đơn vị cấp chiến dịch, đến năm 1955 đổi tên gọi thành sư đoàn). Trong chiến dịch, ở trận tấn công thứ hai vào cứ điểm Độc Lập (địch gọi là Gabrielle), theo sự phân công của Bộ Tư lệnh tiền phương, trung đoàn trưởng Nam Hà chỉ huy trung đoàn 88 (đại đoàn 308), tấn công vào Độc Lập từ hướng Đông Nam; trung đoàn trưởng Lê Thuỳ chỉ huy trung đoàn 165 (đại đoàn 312), tấn công vào Độc Lập từ hướng Đông Bắc. Chỉ huy trưởng trận đánh là đồng chí Vương Thừa Vũ, đại đoàn trưởng đại đoàn 308. Chỉ huy phó là đồng chí Cao Văn Khánh, đại đoàn phó đại đoàn 308 và đồng chí Đàm Quang Trung, đại đoàn phó đại đoàn 312. Trước khi bước vào trận đánh tiêu diệt cứ điểm Độc Lập, trung đoàn 88 vừa từ Lào hành quân về tới Điện Biên Phủ được có 3 ngày. Trong 3 ngày ngắn ngủi, trung đoàn vừa phải tổ chức trinh sát địa hình, bố trí hoả lực và đào gần 10km giao thông hào vào ban đêm; đó là những nỗ lực tuyệt vời của cán bộ, chiến sỹ trung đoàn.

Đêm 14/3/1954, trời Điện Biên mưa tầm tã, giông gió ầm ầm, ánh chớp và ánh đạn rạch ngang rạch dọc cả trên trời lẫn dưới đất. Những cơn mưa đầu mùa miền Tây như trút nước xuống trận địa, giao thông hào và các đường xuất kích của ta cũng tràn ngập bùn đất. Sau những khoảng im lặng chiến thuật nặng nề và bí hiểm, bằng chiến thuật “Nhất điểm lưỡng diện”, trung đoàn 165 và trung đoàn 88 cùng dũng mãnh xông lên, tấn công theo thế gọng kìm, dưới sự yểm trợ của đại đoàn công pháo 351. Trên hướng Đông Bắc, trận đánh mới diễn ra chừng 40 phút hoả lực địch đã hầu như bị tê liệt, bởi cối 82 của ta từ Nà Ten dồn dập bắn sang. Hầm vũ khí hạng nặng của tiểu đoàn 4 do trung uý Môrơ quản lý, bị pháo ta quật nát tan tành. Các chiến sỹ xung kích nối nhau lên, đánh liên tiếp 20 quả bộc phá, tạo xong cửa mở để bộ binh tràn vào. Đại đội chủ công của trung đoàn 165 đột nhập tung thâm bằng đường hào Bắc - Nam, đánh táp lưng đại đội 1 và đánh vỗ mặt đại đội 4 bắc Phi. Toàn bộ đại đội 1 lê dương bị xoá sổ nhanh chóng, cùng với cái chết của đại uý Nácbê. Đại đội 4 bắc Phi vừa kháng cự vừa rút dần vào lô cốt, chen chúc và kêu la hoảng loạn. Mác cơnem buộc phải tung nốt lực lượng dự trữ cuối cùng ra, để cứu nguy cho đại đội 4.

Với tinh thần mưu trí, tự tạo ra thời cơ cho mình, tiểu đội đã hạ một lô cốt và phá tan một trận địa cối 120 của địch. Thừa thắng, tiểu đội đánh thẳng vào trung tâm thông tin, rồi đánh tới hầm chỉ huy cứ điểm. Tại hầm chỉ huy, trong khi toàn bộ các sỹ quan cao cấp của địch đang tập trung ở đây để bàn phương án phản công, thì một quả đại bác với ngòi nổ chậm đã xuyên qua nắp hầm rồi nổ tung ở bên trong. Tiểu đoàn trưởng Mác cơnem sắp hết hạn về nước, bị trọng thương; thiếu tá, tiểu đoàn trưởng Các (người vừa tới để nhận bàn giao từ Mác cơnem) bị đứt rời chân trái, ngang đùi; viên phụ tá của Mác cơnem cũng bị thương nặng, ngất xỉu. Tất cả các máy vô tuyến điện liên lạc giữa ban chỉ huy tiểu đoàn với các đại đội chiến đấu và với trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đều bị mảnh pháo của ta phá hỏng.

Tại mũi tấn công Đông Nam, những phút đầu trung đoàn 88 do chưa nắm chắc địa hình, lại phần vì đêm tối nên đã mở chệch hướng. Tiểu đội trưởng bộc phá Nguyễn Văn Ty (ngày 31/8/1955, Nguyễn Văn Ty được trao tặng danh hiệu Anh hùng quân đội, tức danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay) chạy băng băng dưới làn hoả lực của địch, lên tận nơi quan sát. Anh đề nghị cho tiểu đội mình được đánh thay và tự tay anh đánh quả bộc phá đầu tiên, để chỉnh lại cho đúng hướng đột phá khẩu. Sau đó, anh chỉ huy tiểu đội đánh liên tiếp 28 quả, phá tan 7 lớp rào kẽm gai kiên cố. Đến hàng rào bùng nhùng cuối cùng, địch chống trả quyết liệt bằng súng máy 4 nòng và lựu đạn. Đã thế, theo đề nghị của đại uý Giăngđơ (người vừa tạm nắm quyền chỉ huy Độc Lập, sau khi cả hai viên thiếu tá cũ và mới đều đã bị bắt), pháo binh địch thay đổi cách bắn chuyển làn, gây khá nhiều thương vong cho các mũi xung kích của ta. Không quản hy sinh, bộ đội ta vẫn ngoan cường xông lên, diệt tiếp một đơn vị cối 82 và 120 của địch; đó là đơn vị hoả lực cuối cùng của cứ điểm Độc Lập.

Đến 6 giờ 30 ngày 15/3/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Độc Lập. Cả hai viên thiếu tá, đồng tiểu đoàn trưởng, đều bị thương và đều bị bắt làm tù binh. Riêng Mác cơnem, thật mỉa mai là vĩnh viễn y không còn cơ hội được cùng đồng đội nâng cốc sâm banh uống mừng chiến thắng, như đã trót cao hứng tuyên bố với binh sỹ ở bữa cơm định mệnh ban chiều... Một tiếng sau - lúc 7 giờ 30 - Đờcát cay cú hạ lệnh cho thiếu tá Xêganh Padít dẫn đầu hai tiểu đoàn dù với 8 xe tăng hộ tống, từ trung tâm Mường Thanh đánh thốc ra hòng giành lại Độc Lập. Được sự chi viện của đại đội lựu pháo 83, sơn pháo 752 và 753, đại đội 213 (trung đoàn 88, đại đoàn 308) đã anh dũng đánh bại trận phản kích này của địch. Trong cuộc rút chạy lộn xộn, Xêganh Padít đã bị cháy thêm một xe tăng 18 tấn, một đại đội dù bỏ xác dọc đường và viên trung uý Máctanh với vết thương rất nặng, bị đồng bọn vất lại một cách thảm hại ngay bên bờ chiến luỹ.

Sau khi Gabrielle thất bại, trung tá Tư lệnh pháo binh Pirốt xấu hổ tự vẫn bằng một quả lựu đạn ngay tại hầm chỉ huy ở bên này cầu Mường Thanh. Thi thể tên quan tư cụt tay được chôn tạm ngay dưới gầm giường ngủ của y, với lời an ủi: “Hy sinh trên chiến trường danh dự” mà Đờcát đã hào phóng ban cho, nhằm đánh lừa dư luận thế giới nói chung nhân dân Pháp nói riêng. Tiếp theo, trung tá Kenlơ (Tham mưu trưởng của Đờcát) bị loạn thần kinh vì quá sợ hãi, suốt ngày đêm trên đầu đội một chiếc mũ sắt, đến ngủ cũng ngủ ngồi trong hầm, lúc nào cũng lầm rầm cầu Chúa. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Đờcát vẫn phải điều một chuyến bay chở Kenlơ về Hà Nội chữa trị và chỉ định Xêganh Padít lên thay. Quá sợ hãi, ngày 17/3/1954 tiểu đoàn lính Thái số 3 đóng ở vị trí Bản Kéo (Anmari), tự động theo nhau đem vũ khí ra hàng.

Sau 5 ngày quân ta mở cuộc tấn công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị tiêu hao khoảng 1/5 lực lượng bộ binh, khoảng 1/3 lực lượng pháo binh. Nhưng thiệt hại nghiêm trọng hơn cả vẫn là lực lượng không quân, lực lượng mà Bộ Quốc phòng Pháp và các cố vấn quân sự Mỹ, đều nhất trí coi đó là con “át chủ bài” của chúng. Thực tế, chỉ sau 24 giờ kể từ lúc trận Him Lam khai hoả, toàn bộ số máy bay hiện có của địch ở Điện Biên Phủ đều bị bắn cháy, hoặc ít ra cũng bị bắn hỏng. Trừ 3 chiếc loại “In-va-dơ” do trung uý Parítsô, trung uý Pruăng và trung sỹ Chusê lái, là bay thoát được về sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Để góp phần làm nên chiến thắng ban đầu này, có đại đoàn 308 với những chiến công chói lọi, tạo thế tiến công vững chắc và thuận lợi cho toàn bộ chiến dịch...


Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.