Đại biểu trí thức - khoa học đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội X của Đảng
Tại Hội nghị, ông Đỗ Nguyên Phương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nêu lên những nội dung trọng tâm để xin ý kiến của các đại biểu khoa học trí thức: Một là, về chủ đề Đại hội thì nên chọn chủ đề như thế nào để thể hiện rõ tính cốt yếu những việc phải làm trong nhiệm kỳ tới để đưa đất nước tiếp tục tiến lên; Hai là, đánh giá thành tựu 20 năm đổi mới như thế nào là đúng mức (bài học, nguyên nhân và những điểm cần khắc phục); Ba là, về đánh giá thực trạng tình hình Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên, những bài học trong quá trình xây dựng; Bốn là, về chỉ tiêu tăng trưởng GDP thời kỳ 2006 - 2010, những giải pháp đột phá ở đây là gì? Năm là, cơ cấu và các thành phần kinh tế phải như thế nào là hợp lý, cần phân định đến mức độ nào (nhất là trong thành phần kinh tế tư nhân) để có thể có chính sách vừa quản lý, vừa phát huy được hết tiềm năng của họ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế; Sáu là về phát triển nông nghiệp, nông thôn cần chọn giải pháp nào là trọng tâm, phải chăng đó là ngành khoa học và công nghệ sản xuất nông nghiệp; Bảy là, vấn đề Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân và kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Đây là vấn đề rất mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải có chủ trương rõ về nội dung này; Tám là về cách diễn đạt về Đảng, về bản chất của Đảng và vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế tri thức; Chín là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo đất nước. Những giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng; Mười là, làm thế nào để khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo thật sự phát huy được vai trò động lực trong phát triển kinh tế xã hội, là một trong 3 khâu đột phá của chiến lược 10 năm 2001-2010...
Với tư duy và cách trình bày sâu sắc, mang tính khoa học cao, thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm của cá nhân và đội ngũ của mình với vận mệnh của dân tộc, các nhà khoa học hướng vào các trọng tâm thảo luận nêu trên và được ban tổ chức Hội nghị tiếp thu đầy đủ.
GS.TS Hoàng Xuân Sính, nhà khoa học nữ tiêu biểu, đã có sự so sánh với kinh tế thế giới để chỉ ra chỗ đứng và hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo bà thì nền kinh tế Việt Nam có tính thị trường nhưng cần chú ý đến tính mục tiêu xã hội của nó. Đây có lẽ là sự đồng thuận mà nhiều tầng lớp xã hội đã biểu thị và Đảng ta đã tiếp thu từ quá trình đổi mới và tiếp tục kiên trì với mục tiêu này.
GS Hoàng Tụy mạnh dạn chỉ ra khẩu hiệu của Đại hội Đảng X là “Đoàn kết - Đổi mới - Chống tham nhũng”. Ý kiến này xuất phát từ những nhận định của ông trước thực trạng và diễn biến xã hội, trong đó có việc toàn dân đang sôi động bàn về chống tham nhũng, và theo ông thì nếu đưa việc này vào khẩu hiệu hành động của Đại hội X của Đảng thì mới thể hiện “Có quyết tâm chống tham nhũng không?”. TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng đề cập tới các vấn đề chung nhất mà Đại hội X của Đảng cần đưa ra để giải quyết, đó là chống tham nhũng đi liền với tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhiều đóng góp rất cụ thể cho văn kiện, không phải chỉ để giúp các tiểu ban chuẩn bị Đại hội hoàn thiện hình thức trình bày, mà còn góp phần hoàn thiện đường lối chính trị, mục tiêu kinh tế - xã hội, các giải pháp chính trị, kinh tế và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Các đóng góp đều có biện giải khoa học, chẳng hạn về tình hình khách quan (làm xuất phát điểm cho đường lối và chủ trương của Đảng) đã tính đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay chưa? (GS.TS Phạm Duy Hiển). Tại sao chúng ta không đề ra chỉ tiêu tăng trưởng (GDP) và mức thu nhập bình quân cao hơn mức cao nhất của kế hoạch 5 năm vừa qua (năm 2005 này) để đưa Việt Nam có sự phát triển theo sát với các nước trong khu vực (thậm chí ngay với Trung Quốc) vào thời gian tới? (GS.TS Nguyễn Đăng Vang).
Tập trung trong các góp ý, đó là mong muốn Đại hội X chỉ ra thật cụ thể trong đường lối, biện pháp và chỉ tiêu các nội dung liên quan đến cuộc sống của đông đảo nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn, vùng núi, vùng dân tộc và diện nghèo đói. Nhiều nhà khoa học bộc lộ: Nếu chỉ vì cuộc sống vật chất cho riêng mình thì họ thừa sức tự vượt qua, “tự cứu” mình. Vấn đề là phải làm sao chung sức đưa xã hội vượt qua mọi khó khăn để toàn dân được hưởng thành quả phát triển.
Hội nghị là nơi tập trung đại biểu các nhà trí thức khoa học - công nghệ nên đã nhận được các ý kiến sâu sắc về giáo dục, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khoẻ... GS.TS Hoàng Xuân Sính nhận định: Đại hội X cần nêu lên quyết tâm đổi mới giáo dục, bắt đầu từ trong tư duy, và nhất là cần tập trung ở đổi mới giáo dục đại học.
Từ các minh chứng cụ thể và nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là hoạt động khoa giáo đang bị hành chính hoá nên năng lực nhà khoa học – giáo dục bị kìm hãm, nhân tài không phát triển được, các nhà khoa học đề nghị văn kiện Đại hội X phải có nội dung tập trung và cụ thể cho hoạt động này và chọn khoa học - công nghệ, giáo dục – đào tạo làm khâu đột phá. GS Hoàng Tuỵ thẳng thắn phát biểu: “Vì sao khoa học – công nghệ - giáo dục bị tụt hậu? Trong nhiều nguyên nhân thì lớn nhất là do cách quản lý và lãnh đạo còn quan liêu, dân chủ hình thức nên đã khiến cho phát triển tràn lan sự tham nhũng, gian dối, hình thức và thành tích chủ nghĩa. Vì vậy Đại hội X cần thể hiện rõ quyết tâm đổi mới tư duy quản lý và lãnh đạo khoa học”. TS. Từ Quang Hiển (ĐH Thái Nguyên) nhận định việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học rất kém hiệu quả (do thiếu thiết bị, cơ chế, nguồn vốn và cả đầu ra cho sản phẩm). Vì vậy, văn kiện Đại hội X cần thể hiện sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chỉ rõ nhiệm vụ qua lại giữa trường đại học với các viện nghiên cứu. Đảng, với vai trò lãnh đạo, cần kiên quyết hơn trong việc tổ chức lại hệ thống trường - viện để nâng cao hiệu quả giảng dạy – nghiên cứu (ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng). Từ nghị quyết của Đại hội lần này sẽ khiến các cấp, các ngành tập trung giải quyết các yêu cầu cho phát triển khoa học - kỹ thuật, mà theo nhiều đại biểu thì không có gì là ghê gớm lắm, chẳng hạn chính sách đãi ngộ và thu hút các nhà khoa học và cán bộ giảng dạy trẻ, hay là nâng ngân sách cho nghiên cứu khoa học lên bằng mức trung bình của thế giới (2% tổng chi ngân sách).
Theo kế hoạch, Ban Khoa giáo Trung ương sẽ phối hợp với Liên hiệp hội tiếp tổ chức 2 hội nghị tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với thành phần tham gia dự là những nhà trí thức tiêu biểu của miền Trung và miền Nam.
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại 17/11/2005.