Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/08/2010 18:43 (GMT+7)

Đặc trưng văn hoá biển của người Việt

Trong văn hoá biển của người Việt, yếu tố biển xen lẫn yếu tố nông nghiệp - đồng bằng và luôn tồn tại những cặp đôi đối lập, song hành với biển.

Cũng như nhiều hiện tượng kinh tế - chính trị, xã hội, văn hoá khác, văn hoá biển của người Việt mang tính hai mặt, đối lập nhau, đan xen vào nhau như trong một cặp phạm trù triết học âm dương. Trong đó, sự đan xen giữa yếu tố văn hoá biển với yếu tố văn hoá nông nghiệp - đồng bằng là tập trung có thể coi là lớn nhất, chi phối đến tâm lý lưỡng phân của người Việt trước biển.

Điều dễ thấy ở môi trường sống vật chất của người Việt là sự đa dạng về sinh thái tự nhiên, trong đó yếu tố đồng bằng cùng với việc phát triển của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước là yếu tố nền tảng; yếu tố biển với sức cuốn hút mạnh mẽ đã làm nên một bình diện thứ hai – khai thác biển, vốn đã là nguồn sống của họ từ rất lâu đời. Như vậy, chính sự phong phú của điều kiện tự nhiên là nguyên nhân gốc đưa đến sự phát triển đa dạng của các hình thái kinh tế phát huy sức mạnh từ tự nhiên, nuôi sống còn người và phát triển cộng đồng.

Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức đặc trưng và độc đáo luôn tồn tại trong văn hoá Việt là những cặp song hành, đối lập: Biển - đất liền, biển – núi, biển – rừng, biển - trời, biển – sông. Sự góp mặt của các yếu tố cặp đôi với biển này làm cho văn hoá biển của người Việt có một vẻ riêng, được thể hiện ở khắp các lĩnh vực, kể cả văn hoá vật chất lẫn văn hoá tinh thần. Sự gắn bó, hoà kết của những yếu tố đối lập, trong đó biển giữa vai trò trung tâm cho thấy sự gắn bó thiết thân của người Việt với biển. Và cũng một lần nữa khẳng định tính chất của một nền văn hoá biển không thuần nhất, một sự tồn tại, đan xen của những yếu tố tương phản trong phức thể tự nhiên – văn hoá.

Truyền thống biển trong văn hoá của người Việt là truyền thống “biển cận duyên”.

Khát vọng chinh phục biển cả của nhiều dân tộc có biển khác trên thế giới bộc lộ một cách mạnh mẽ thông qua những hành động mạo hiểm, vượt đại dương như những thuỷ thuỷ Bắc Âu (Vikings thế kỷ VIII – XI) ngang dọc trên sóng nước Bắc Đại Tây Dương, phát hiện ra đảo Island (thế kỷ IX).

Christophoro Colombo sau bốn lần ra đi đã tìm ra châu Mỹ (cuối thế kỷ XV); Magellan với cuộc hải du vòng quanh thế giới (thế kỷ XVI) lưu danh suốt đời với eo biển mang tên người anh hùng của biển… thì người Việt, từ nhiều cứ liệu khác nhau cho thấy, từ xưa, họ đã có những mối quan hệ với biển, nhưng chỉ dừng lại ở biển cận duyên. Đây là một đặc trưng quan trọng trong văn hoá biển của người Việt. “Biển cận duyên” là khái niệm được dùng để phân biệt với “biển đại dương”. Tương ứng với “biển cận duyên” là cách gọi quen thuộc “ra khơi, vào lộng” trong dân gian Việt để chỉ tầm hoạt động khai thác trên biển truyền thống.

Trong những năm gần đây, đã có những bước chuyển mới trong việc khai thác hải sản. Người dân Việt đang chuyển từ quai đê lấn biển, “ngọt hoá” đất bồi để trồng cói, trồng lúa sang “lợ hoá” đất ven biển để nuôi trồng thuỷ sản. Dự án đánh bắt xa bờ đang được xây dựng và thực hiện nhằm vượt ra khỏi phạm vi “khơi” và “lộng”. Bước đầu tiếp cận với biển đại dwong, rất nhiều khó khăn, bất cập đang tồn tại. Khái niệm “vươn ra biển lớn” trở thành phương châm phát triển không chỉ trong phạm vi kinh tế biển, mà còn được sử dụng rộng rãi trong văn hoá, xã hội, kinh tế chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Xét theo trục không gian, chất biển từ “nhạt” ở miền Bắc, trở nên “đậm” hơn ở miền Trung và lại ít đi khi vào Nam Bộ. Theo trục thời gian, chất biển ngày càng ‘đậm đặc’ hơn theo tiến trình lịch sử.

Biển đã in dấu trong văn hoá Việt từ thời dựng nước. Vị mặn của biển đã thấm đẫm trong các huyền thoại cũng như sự thật khảo cổ. Tuy nhiên, “chất biển” trong văn hoá Việt ở ba miền lại có sự đậm nhạt khác nhau. Người Việt miền Bắc ít mặn mà với biển nhất khi bên cạnh họ là cánh đồng ruộng nước màu mỡ. Người Việt miền Trung đứng giữa một bên là núi, một bên là biển vì vậy họ đã gắn bó với biển và có cái nhìn hướng biển tích cực hơn. Ở vùng đất Nambộ chằng chịt kênh rạch và mênh mông biển, yếu tố sông nước (sông - biển) làm nên một diện mạo văn hoá đặc thù của cư dân Việt Nam bộ.

Theo dòng lịch sử, mức độ mặn mà của con người với biển từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực. Khi người Việt tiến hành công cuộc “ Nam tiến” lần đầu tiên rầm rộ và qui mô nhất dưới thời xung đột Trịnh - Nguyễn, vùng đất mới làm thay đổi diện mạo văn hoá biển của người Việt. Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, lịch sử cái nhìn về biển của người Việt bước sang trang mới. Thời gian chưa đủ dài để làm nên những chuyển biến đặc biệt, nhưng những đột phá mới của khoa học kỹ thuật nói chung và quan điểm, chính sách của Chính phủ ta đã và đang làm thay đổi căn bản diện mạo văn hoá biển.

Trong thời đại ngày nay, biển ngày càng có vai trò quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc, quốc gia.

Văn hoá biển của người Việt đã tiếp thu truyền thống biển của các dân tộc khác trong quá trình tiếp xúc và giao lưu.

Văn hoá biển của người Việt không nằm ngoài qui luật chung của sự giao lưu - tiếp biến văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc. Do vậy, cái nhìn hướng biển, độ đậm đặc của hương vị biển trong văn hoá Việt ngày càng cao không chỉ xuất phát từ nguyên nhân nội lực, từ nền tảng truyền thống, mà một phần quan trọng không thể phủ nhận đó là sự tác động của các yếu tố ngoại sinh từ phía các dân cư biển khác trong tiến trình lịch sử. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá, văn hoá biển của người Việt đã gặt hái được những giá trị mới, tô đậm thêm truyền thống biển của mình.

Từ thời tiền sử và sơ sử, người Việt chắc chắn đã tiếp thu ý thức về biển của cư dân Nam đảo. Nhưng mối quan hệ giao lưu rõ nhất là với người Chăm khi người Việt tiến vào miền Trung ở thế kỷ XVI và XVII. Người Chăm xưa kia nổi tiêng có cái nhìn hướng biển tích cực, và người Việt đã tiếp thu gần như toàn bộ kỹ thuật đi biển điêu liệu của họ. Ghe bàu là một trong những chứng cứ tiêu biểu cho quá trình tiếp thu đó.

Hoạt động thương mại nhộn nhịp trên biển từ Âu sang Á ở những thế kỷ này cũng đã có những ảnh hưởng khá sâu sắc đến mối quan hệ của người Việt với biển. Việc qua lại buôn bán với tàu nước ngoài: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và đặc biệt, sự có mặt của các thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng thị Hội An đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi về tư duy, phương thức và mục đích tiếp cận biển của người Việt.

Ảnh hưởng của phương Tây trong các khía cạnh quân sự và thương mại ở những thế kỷ sau cũng rất đáng kể. Từ cái gốc văn hoá trọng tĩnh, trọng âm, tiếp thu những nét mới trong văn hoá trọng động và đậm chất dương tính của người phương Tây, người Việt ít nhiều đã làm nóng không khí tiếp cận biển của mình.

Trong vài thập kỷ gần đây, biển trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhân loại. Người Việt trong vai trò chủ thể đã và đang gánh vác trọng trách của mình với đất nước, hoà chung với xu thế thế giới: Tiến ra biển.

Biểu tượng biển thể hiện tâm hồn Việt

Một yếu tố văn hoá khi trở thành biểu tượng là nó đã chứa đựng nhân cách hay tinh thần của dân tộc chủ thể. Biểu tượng biển trong văn hoá Việt phản ánh sâu sắc tâm hồn Việt, trong đó tinh thần nhân văn trong ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên biển cả là một biểu hiện bao trùm, tiêu biểu nhất. Trong quan hệ với biển, thể hiện rõ tinh thần tôn trọng, đề cao và bảo vệ. Đây là nét đẹp tâm hồn, văn hoá truyền thống cao quí, làm nên giá trị lớn trong bản sắc văn hoá Việt.

Biển là môi trường để con người sống và lao động, biển cũng là nơi con người gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng. Những biểu tượng giản dị, gần gũi và nhân văn chỉ có ở tâm hồn Việt. Biển trở thành triết lý sống, là nơi con người trải nghiệm và hun đúc bản lĩnh Việt, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận khi con người và biển có chung những rung động thẩm mỹ sâu kín và tinh tế. Biển và văn hoá biển bộc lộ rõ sức mạnh phi thường của dân tộc, một sức tiếp biến văn hoá linh hoạt khi dân tộc hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Người Việt có biển và cũng sở hữu một nền văn hoá biển, nhưng tại sao biển vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống con người, làm cho con người – dân tộc trở nên giàu có như một số quốc gia khác có biển? Dĩ nhiên, không phải quốc gia nào có biển cũng đều giàu có, nhưng “biết mình, biết ta” là một thế ứng xử xã hội khôn ngoan, cũng là thế ứng xử khoa học, tiến bộ đối với thiên nhiên. Thực chất của nghiên cứu khoa học chính là tìm thấy cái mạnh, cái thiếu sót trong bản chất của vấn đề để thay đổi thực tế vì quyền lợi của đất nước. Biết phát huy những nét ưu việt của văn hoá truyền thống, làm thay đổi khoảng cách giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại là việc làm cần thiết khi chúng ta là chủ nhân của biển và đại dương trong công cuộc “vươn ra biển lớn” hôm nay.

Xem Thêm

Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.
Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.

Tin mới

Hội nghị Hội đồng Trung ương LHHVN lần thứ 9 (Khóa VIII): Kiện toàn nhân sự Đoàn Chủ tịch, Hội đồng trung ương
Sáng ngày 20/12, Phiên buổi sáng Hội nghị Hội đồng Trung ương lần thứ 9, khóa VIII của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Hội đồng Trung ương và bầu bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch LHHVN khóa VIII.
Bình Định: Liên hiệp Hội hoàn thành tốt hoạt động năm 2024
Sáng 18/12, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 16 (mở rộng), khóa V, nhiệm kỳ 2018-2025 dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, cùng với sự tham dự của các ủy viên Ban Chấp hành LHH khóa V, nhiệm kỳ 2018-2025.
Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý với công tác truyền thông, phổ biến kiến thức
Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý (Tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp hội Việt Nam) được thành lập năm 2013 hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ như: Nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài liên quan đến chính sách, pháp luật và quản lý, trong đó có công tác truyền thông, phổ biến kiến thức.
Vinh danh 77 Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN năm 2024
Việc vinh danh và trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN cho các kỹ sư của Việt Nam năm 2024 đã thể hiện được uy tín của chương trình và nhu cầu ngày càng cao của các kỹ sư trong lĩnh vực điện lực nói riêng, kỹ sư tại Việt Nam nói chung.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.
Phú Thọ: Tìm giải pháp nâng cao trình độ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 17/12, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Đánh giá trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2023; đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.
Phú Yên: Kết quả sau một năm nhìn lại
Qua một năm hoạt động, Liên hiệp Hội Phú Yên đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ phản ánh sự cố gắng của Liên hiệp Hội Phú Yên trong việc phát triển khoa học và kỹ thuật, mà còn cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.