Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/04/2014 19:07 (GMT+7)

Cuộc tấn công chiến lũy thép

Là người từng trực tiếp tham gia lãnh đạo quân đội ta chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ, những trang viết cho các em nhỏ của ông Lê Liêm hết sức sống động, dễ hình dung, giúp cho rất nhiều thế hệ học sinh dễ hiểu và dễ ghi nhớ về một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Đây cũng là một cách dạy sử và học sử rất cần được kế thừa

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Tin Tức trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số đoạn trích lược cuốn sách, tập trung vào những trận đánh lớn trong giai đoạn giao tranh cao điểm.

Bài 1: Tiến sát địch để tiêu diệt (*)

Làm thế nào cho quân đội ta di chuyển dưới làn đạn pháo của địch và tiến sát đến quân địch mà vẫn an toàn để tiêu diệt chúng.

...Nếu muốn đánh địch bằng tay không, phải tiến sát đến chúng, ít nhất là để đấm chúng, hoặc vật chúng ngã xuống. Nếu ta có súng trường, tiểu liên, cũng phải tiến gần chúng đến một chừng mực nào đó, súng bắn mới có kết quả, hoặc phải tiến gần mấy chục thước mới ném lựu đạn được.

An toàn trước pháo địch.

Điện Biên Phủ được Bộ Tư lệnh Pháp chọn nơi đóng quân là mong có thể làm hại quân ta ở đấy. Họ nghĩ rằng Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng rãi, nếu quân ta tiến trên cánh đồng, nơi gần phải vài cây số, nơi xa phải đi tới 5 hay 6 đến 10 cây số mới tới được quân địch, lúc quân ta đang di chuyển, quân địch cho máy bay và pháo binh của chúng ồ ạt bắn và ném bom, họ sẽ làm cho quân ta bị thiệt hại nặng nề và do đó có thể thất bại.

Ý định của họ là như vậy. Nếu ta tính toán không kỹ, ta sẽ phạm sai lầm to lớn.

Các em cũng biết, ở đồng bằng, quân ta vẫn tiến sát đến các đồn địch, phần nhiều là vào ban đêm để tiêu diệt chúng. Nhưng ở đồng bằng quân ta thường đánh trong một đêm để tiêu diệt một hoặc nhiều đồn địch. Tiêu diệt xong trước khi trời sáng, quân ta đã di chuyển đi các nơi khác.

Ở Điện Biên Phủ ta đánh xong không rút đi, phải chiếm lĩnh hết vị trí này đến vị trí khác; phải tùy tình hình mà di chuyển bộ đội; phải làm sao đi lại an toàn dưới làn đạn pháo và máy bay địch. Do đó, phải nghĩ cách làm sao di chuyển một cách tự do nhất và tiến đến sát các vị trí địch mà vẫn luôn luôn an toàn, kể cả việc tiếp tế đạn dược thường xuyên và chuyển thương binh, cũng phải được như vậy.

Các em còn phải thấy một điều nữa: Ở dưới đồng bằng, nếu muốn tiêu diệt một đại đội đóng ở một đồn, thường thường ta phải mang độ một tiểu đoàn hay hơn nữa, nghĩa là ta phải mạnh gấp mấy lần địch. Ấy là chưa kể phải có một số bộ đội khác nữa để kiềm chế pháo binh ở các đồn bốt gần đấy, hoặc để đánh quân đến tiếp viện. Nhưng ở Điện Biên Phủ, quân ta hàng mấy vạn người tác chiến, cho nên việc bảo đảm cho quân ta được an toàn trước sức mạnh của pháo địch và việc di chuyển được tự do là một vấn đề lớn mà Bộ Tổng Tư lệnh ta phải giải quyết cho tốt.

Để làm tốt việc đó, quân ta bắt tay vào việc đào những hào giao thông để quân ta di chuyển ở dưới, có thể vận chuyển vũ khí lương thực, chuyển vận các chú thương binh. Trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã phải đào mấy trăm cây số những hào giao thông và làm các hầm hố tác chiến ở dưới đất.

Hào nhánh, hào trục

Các em xem bản đồ vẽ các đường hào giao thông ở cạnh đây, các em sẽ thấy nó chi chít từ các chân núi tiến ra cánh đồng bằng, vây tròn lấy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong các chiến hào và đường hầm đó, quân ta có thể đi lại, liên lạc với nhau. Muốn đi tới phía nào để đánh địch cũng có thể đi được. Lại còn có thể nghỉ ngơi giữa các đợt đánh giặc.

Các em hãy quan sát kỹ các giao thông hào, từ những dãy núi phía Đông, phía Tây Điện Biên Phủ. Các em thấy nó tiến dài ra đến sát các vị trí của địch. Lấy một thí dụ như vị trí Him Lam hay vị trí đồi A1, các em sẽ thấy nhờ các đường giao thông ấy, mà quân ta có thể tiến đánh một cách an toàn từ trên núi qua đồng bằng, bám sát lấy các vị trí địch. Các em đặc biệt chú ý đến có một đường gần như hình tròn mà quân ta gọi là giao thông hào trục, vây lấy khu trung tâm Mường Thanh. Nhờ đường giao thông hào trục này, quân ta muốn đi từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam đều được thuận lợi và an toàn. Ở phía Nam, các em thấy vị trí Hồng Cúm, xung quanh cũng có nhiều đường giao thông hào bao bọc lấy.

Riêng sân bay ở chính khu trung tâm Mường Thanh, các em cũng thấy các đường giao thông cắt xuyên sân bay. Từ khi quân ta chiếm sân bay và cắt sân bay ra làm nhiều đoạn, quân địch hoàn toàn không thể dùng được sân bay đó nữa. Những giao thông hào cắt ngang sân bay như thế, quân ta đã làm trong tháng 4/1954, là tháng thứ hai kể từ khi quân ta chính thức đánh Điện Biên Phủ.

Muốn đào các giao thông hào từ núi ra, lại đi vòng tròn xung quanh Điện Biên phủ, các chú bộ đội không phải đào một lúc là xong, mà là làm dần dần. Lúc đầu đánh vị trí nào thì đào từ núi ra đến các vị trí ấy. Đến khi đào gần sát vị trí địch, phải làm các công sự chiến đấu, nghĩa là làm các ụ súng để bắn quân thù. Các chú bộ đội phải làm rất là công phu, trước khi nổ súng tiêu diệt vị trí đó.

Tất nhiên máy bay của địch cũng hết sức ném bom, bắn phá, cũng như pháo binh và súng cối của địch vẫn tìm mọi cách phá hoại các công sự của ta. Họ còn tìm cách lấp kín các đoạn giao thông hào ở gần vị trí của chúng, nhưng nhờ tinh thần bền bỉ, nên quân ta vẫn tiếp tục củng cố và giữ vững được các giao thông hào ấy cho đến khi quân ta tiêu diệt chúng hoàn toàn.

Thế là quân ta đã tìm ra một cách đánh thích hợp với Điện Biên Phủ, thực hiện được ý định lớn là làm thế nào giữ được cho quân ta tương đối an toàn, luôn luôn tiến sát đến quân địch và đã tiêu diệt được chúng.

Lê Liêm(T.H lược trích)

(*) Các tiêu đề chính, phụ của các đoạn trích lược do tòa soạn đặt.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.