Cuộc đời lớn từ những câu chuyện nhỏ
“Ngày 19-5-1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, ngày sinh nhật diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu, chỉ là một bó hoa rừng của những người thân cận đang bảo vệ người đứng đầu cuộc kháng chiến, Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét”.
“Ngày 19-5-1949, đáp lại lời đề nghị tổ chức sinh nhật, Bác làm thơ Không đề: Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà - năm mươi chín tuổi vẫn chưa già - chờ cho kháng chiến thành công đã - bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta... ”.
Một “ngày này” của những “năm xưa” trong 79 mùa xuân của cuộc đời của Bác Hồ được những người làm sách ghi lại như vậy. Những mẩu chuyện thú vị về Bác Hồ đã được nghe nhiều người kể, những văn kiện quan trọng đã được nhiều người trích dẫn, những khoảnh khắc lịch sử đã được ghi lại qua sách báo, phim ảnh...
Nhưng không phải lúc nào cũng có thể nhớ, và đặc biệt không phải ai, lúc nào cũng có thể xâu chuỗi các sự kiện, hình ảnh, lời nói với nhau. Mà xâu chuỗi, gắn kết một cách tự nhiên, nhuần nhị. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa của nhóm tác giả tạp chí Xưa và Nay (nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ biên) đã làm được điều đó.
Trung thành với nguyên tắc làm sử của mình: làm sử sao cho người đọc dễ đọc, dễ tiếp cận, dễ kiểm chứng, dễ tin cậy, Dương Trung Quốc cùng các cộng sự với cách tỉếp cận mới - định vị theo thời gian, mỗi ngày trong năm, xuyên suốt 79 năm - đã mang lại một cảm xúc mới từ sách lịch sử cho người đọc.
Đọc để biết, để tìm hiểu Bác Hồ như một nhân vật lịch sử, một người đọc trẻ có thể nhận được những chi tiết thú vị: “Ngày 4-1-1920, Nguyễn Ái Quốc đi xem một cuộc triển lãm hàng không ở Paris, Pháp với một người tên Jean, nhưng đó lại là một tên mật thám và trong báo cáo gửi cấp trên, Jean viết: “Ông Quốc đã ở sáu năm tại Pháp, bốn năm tại Anh, ông đã làm bất cứ nghề gì để sống và học hỏi. Ông nói và viết được tiếng Anh, đọc được tiếng Tây Ban Nha và Ý...”.
Hay “Ngày 23-6-1969: Bác gửi thư tới Đại sứ quán Liên Xô nhờ chuyển lời cảm ơn đến nữ anh hùng Liên Xô Irina Levtchenco đã tặng sách; qua tổng lãnh sự Ấn Độ gửi lời cảm ơn bà Indira Gandhi đã gửi biếu Bác một quả xoài Ấn độ. Chiều hôm đó, dù sức khỏe đã yếu, Bác đến tận nơi thăm phái đoàn Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam VN đang ra thăm miền Bắc.
Bác trò chuyện thân tình với hòa thượng Thích Đôn Hậu: “Tôi đã bỏ được thuốc lá rồi cụ ạ!... Tôi cũng phải đấu tranh với bản thân ghê gớm lắm mới bỏ được thuốc lá đó, cụ ạ”...
Đọc để nghiên cứu, để so sánh, đối chiếu cũng có thể tìm thấy xuất xứ văn bản hay nguồn gốc sự kiện mà người biên soạn chỉ trích một câu, nhưng đã liệt kê dẫn nguồn rất đầy đủ và cập nhật. Rất hạn chế lời bình, các tác giả để cho sự kiện và tư liệu tự lên tiếng, ngôn ngữ dẫn dắt vấn đề cũng cố gắng khách quan, khoa học.
Sách mới ra tập 1, tập 2 sẽ hoàn thành và ra mắt trong thời gian gần nhất. Hi vọng với cách làm sách lịch sử chú trọng đến người đọc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng.