Cuộc bạo động tại Hải Đăng Bảy Cạnh năm 1883
Có một chút khác biệt, đó là suốt một thời, kể từ khi xây dựng, Hải Đăng Bảy Cạnh gần với lịch sử đau thương và kiên cường của Côn Đảo. Một trong những dấu ấn lớn là cuộc nổi dậy của tù nhân trong thời điểm xây dựng Hải Đăng Bảy Cạnh, ngày 27 - 8 - 1883.
Hải Đăng Bảy Cạnh là một trong những ngọn hải đăng được định hình từ rất sớm. Ngay từ khi hoạch định việc đánh chiếm Côn Đảo, Đô đốc Bonard đã nhận được chỉ thị từ Bộ trưởng Hải quân Pháp về tầm quan trọng của quần đảo Côn Lôn, như một pháo đài quan sát cần phải chiếm ngay lập tức, và xây dựng ngay tại đây một ngọn hải đăng. Bởi vậy, ngay sau khi đánh chiếm Côn Đảo (28 - 11 - 1861), Đô đốc Bôna đã cử người khảo sát và dựng tạm ngọn hải đăng trên một ngọn đồi phía bắc thung lũng Cỏ Ống, vào tháng 1 - 1862.
Ít lâu sau, ngọn Hải Đăng Côn Đảo được chuyển đến một mỏm núi phía Đông hòn Bảy Cạnh, với độ cao và tầm chiếu sáng ưu thế hơn. Kể từ ấy, ngọn Hải Đăng ở Côn Đảo được gọi là Hải Đăng Bảy Cạnh.
Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ 2 trong quần đảo này, cách đảo lớn 7 km về phía Đông Nam, diện tích 5.500 km2. Vào thời điểm ấy, ngoài đảo chính (hòn Côn Lôn lớn) là nơi giam giữ tù nhân thì đây là hòn đảo thứ 2 tập trung tù nhân, được sử dụng lao động khổ sai vào việc xây dựng Hải Đăng. Đây cũng là tiền đề cho cuộc bạo động, vượt ngục chấn động thời bấy giờ.
Để hình dung về cuộc vượt ngục này, có thể điểm qua tình hình Côn Đảo khi đó.
- Dưới thời các chúa Nguyễn, Côn Đảo do đội Hoàng Sa kiêm quản.
- Tháng 11 - 1686, Công ty Đông - Ấn của Pháp phái Véret tới điều tra tình hình Côn Đảo.
- Năm 1687, Công ty Đông - Ấn của Anh cử Williams Dampier tới vẽ bản đồ Côn Đảo.
- Năm 1702, Công ty Đông - Ấn của Anh chiếm Côn Đảo xây dựng pháo đài. Đêm 3 - 2 - 1705, những người lính Macatxa đã nổi dậy tiêu diệt bọn chủ người Anh.
- Tháng 6 - 1783, bị quân Tây sơn đánh bại ở Cần Giờ, Nguyễn Ánh trốn chạy sang đảo Côn Lôn, đem theo hơn 100 gia đình thuộc hạ, lập nên ba làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống, tính kế phục thù.
- Ngày 28 - 11 - 1861 thực dân Pháp đánh chiếm Côn Đảo.
- Ngày 1 - 2 - 1862, Đô đốc Bonard ký quyết định thành lập nhà tù ở Côn Đảo. Trung úy hải quân Felix Rousel, Phó Hạm trưởng được cử làm Quản đốc đầu tiên của nhà tù. Cho đến thời điểm nổ ra cuộc bạo động Bảy Canh, có 14 đời Quản đốc kế vị. Bocquet là đời chúa đảo thứ 15, cầm quyền tại Côn Đảo từ năm 1882 đến 1884.
Số tù nhân trong thời kỳ này dao động ở mức 800 - 1000 người, dưới sự kiểm soát của 1 Giám thị trưởng, 2 Giám thị hạng nhất, 3 Giám thị hạng nhì, 2 Giám thị hạng 3 và 4 lính tagan. Lực lượng phòng thủ Côn Đảo gồm một phân đội lính thủy đánh bộ (tương đương trung đội) và một chi đội lính tập bản xứ (1 viên đội hạng nhất, 2 viên đội hạng nhì và 63 lính) được huy động chi viện khi cần thiết, nhất là khi đưa tù nhân lao động khổ sai bên ngoài trại với số lượng lớn.
Việc xây dựng kiên cố hải đăng đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Tại một thung lũng phía Bắc, dưới chân hòn Bảy Cạnh, Quản đốc nhà tù đã cho xây dựng một nhà kho đựng vật liệu và thuốc nổ, một nhà ở cho giám thị, binh lính và một trại tạm giam dành cho tù nhân.
Tháng 7 - 1883, Quản đốc Bocquet đưa 150 tù nhân qua dọn mặt bằng xây dựng Hải Đăng Bảy Cạnh. Phụ trách việc xây dựng hải đăng là Jules Pierre Dulong - Kiểm định viên công chính. Phụ tá cho Dulong là đốc công Bidault. Việc kiểm soát tù nhân do giám thị Gaston Cabillic phụ trách với sự trợ giúp của 22 lính tập.
Công việc của tù nhân ở đây là phá đá, san mặt bằng, xẻ gỗ, chuyển vật liệu lên ngọn núi cao hơn trăm thước để xây hải đăng. Đây là công việc hết sức nặng nhọc. Bản tường trình ngày 6 - 9 - 1883 của Quản đốc Bocquet mô tả tình hình lao dịch của tù nhân ở Bảy Cạnh như sau: “Các tù nhân phơi mình suốt ngày ngoài mưa nắng để xây mặt bằng hải đăng. Từ sáu tuần nay, họ không hề được nghỉ ngơi. Chủ nhật cũng như ngày thường, họ làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ và 1 giờ rưỡi đến 6 giờ. Tên nào ca cẩm, mệt lả hoặc bị bệnh xin được nghỉ đi nhà thương đều bị ông Dulong đánh bằng doi mây… Việc san mặt bằng hải đăng tiến triển rất chậm. Đến nay chỉ mới dọn được 5000 m3 đá trong số 17.000 m3 dự tính. Còn những 12.000 m3 phải đánh mìn để bắt tay vào việc dựng hải đăng. Lại còn phải mở một con đường leo lên đỉnh, vì cho đến nay vẫn chỉ có một lối mòn, tù nhân vừa trèo vừa bám rất cực nhọc”.
Theo nhận định của Bocquet, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy, thì nguyên nhân trực tiếp chính là nạn lao dịch khủng khiếp của tù nhân tại công trường xây dựng hải đăng Bảy Cạnh. Bản tường trình của Quản đốc Bocquet cho biết chi tiết cuộc nổi dậy như sau:
Sáng thứ hai, ngày 27 - 8 - 1883, vào lúc 4 giờ 45 phút, Dulong đến báo cho giám thị Cabillic mở cửa trại giam đưa tù nhân lên hải đăng làm việc. Tù nhân ra khỏi trại giam, sắp thành hai hàng, đối diện với hàng lính đứng dọc theo trại. Điểm danh xong, viên xếp báo cáo với Cabillic rằng tù nhân đã đủ mặt cả.
Ngay lúc đó, một người tù tên Duong hô lên “Các cha!”. Thế là tất cả tù nhân nhất loạt hô to đáp lại và xông tới hàng lính đứng cách chúng khoảng 2 mét. Cuộc xung đột diễn trong nháy mắt, 15 trong số 17 lính bị tước xúng. Bọn lính bỏ chạy lên núi theo nhiều ngả, mặc cho tù nhân tung hoành.
Chiếm được những khẩu súng đầu tiên, một tốp tù nhân xông đến tiến công giám thị Cabillic. Cabillic chống trả quyết liệt cho đến khi té xuống đống đá và tắt thở. Tù nhân kéo đến nhà kho cướp buồm và mái chèo của chiếc xuồng và chiếc canô cứu nạn.
Kiểm định viên công chính Dulong và đốc công Bidault cũng chống cự quyết liệt tại căn nhà dành cho giám thị. Tường vách ngôi nhà xây khá kiên cố, tù nhân dùng rìu phá cửa. Dulong và Bidaut dùng súng ngắn bắn vào tốp tù nhân đang xông tới. Tù nhân liền kéo đến kho thuốc súng, phá cửa, lôi ra một két lớn đựng thuốc nổ mìn, rải quanh nhà, và trong chốc lát ngọn lửa đã bao trùm.
Bidaut và Dulong cùng Vo Van Luong chạy ra khỏi nhà, mỗi người lăm lăm khẩu súng lục trong tay và một súng săn, vừa đi vừa bắn mở đường, tiến về phía bến tàu với hy vọng đoạt lại chiếc ca nô từ tay tù nhân để giải thoát. Dulong bị đập chết tại chỗ, còn Bidau thì bị lưỡi lê đâm trúng ngực, bất tỉnh. Vo Van Luong khôn ngoan hơn, đã đào thoát trong khi tù nhân đối phó với Bidaul và Dulong.
Lực lượng tù nhân nổi dậy sắp xếp người xuống thuyền trong trật tự. Chiếc xuồng và ca nô cứu hộ chỉ đủ chỗ cho 60 người. Họ mang theo 15 khẩu súng “mousqueton” cướp được của lính, 3 khẩu súng lục của Bidaut, Dulong và Cabillic, 2 khẩu súng săn của Bidaul và Dulong cùng một két thuốc nổ mìn của Sở Lục lộ. Bản tường trình của Quản đốc Bocquet xác nhận không có sự tranh giành giữa những người được chỉ định xuống thuyền và những người ở lại. Những người ở lại tản vào núi…
Khoảng 6 giờ sáng, khi 60 tù nhân nổi dậy đã vượt biển ra khơi thì tại Đảo Lớn mới nhận được tín hiệu đầu tiên, có một ánh lửa xuất hiện ở mũi phía nam hòn Bảy Cạnh, tín hiệu về một sự bất trắc trên hòn đảo này.
Khoảng 8 giờ sáng, ánh lửa thứ hai xuất hiện ở eo biển Bảy Cạnh. Biết là có chuyện chẳng lành, Bocquet điều lính, cùng bác sĩ Jouenne và quan hai chỉ huy đồn binh xuống ca nô qua Hòn Bảy Cạnh, tận mắt chứng kiến quy mô của thảm họa.
Dulong và Cabillic đều đã chết, Bidaut còn hấp hối được băng bó và chở ngay về Đảo Lớn. Hiện trạng nhà ở và các cơ sở phụ, nhà kho của Sở Lục lộ chỉ còn là một đống tro tàn. Tài sản duy nhất còn vớt vát được là những bao xi măng trị giá hơn 15.000 frs…
Chiếc xà lúp được huy động truy đuổi tốp tù nhân vượt ngục. Những tù nhân còn lại được đưa về nhà giam trên đảo lớn. Đến 17 giờ chiều, chiếc xà lúp trở về Bảy Cạnh sau khi đã chạy hơn 15 dặm lên phía bắc, nhưng không phát hiện được dấu hiệu nào ở chân trời.
Phân tích những nhân tố khác nhau gây nên “thảm họa Bảy Cạnh”, Bocquet đổ lỗi cho thái độ tồi tệ của bọn lính tập (người bản xứ); đổ lỗi cho Dulong không biết tranh thủ bọn này nên chúng không hăng hái đối phó với tù nhân nổi dậy. Sự cứng rắn gần như tàn nhẫn của Dulong làm cho lính chán nản. Còn cai ngục Cabillic vốn là một thủy thủy dày dạn kinh nghiệm nhưng lại quá khinh suất, không cảnh giác với mọi bất trắc…
![]() |
Những nguyên nhân mà Quản đốc Bocquet đưa ra đều là một phần sự thật. Nhưng có một sự thật lớn hơn Bocquet không biết hoặc không muốn nhắc tới, đó là những tù nhân mà chúng coi là “phiến loạn” hầu hết là những người yêu nước, tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, những người không cam chịu thân phận nô lệ và không cam chịu cảnh tù đày. Bất cứ khi nào có cơ hội là họ liên kết, nổi dậy phá ngục, trở về tiếp tục cuộc kháng chiến. Việc điều động tù nhân từ nhà ngục qua làm Hải Đăng Bảy Cạnh là một cơ hội. Khổ sai nặng nhọc quá sức và sự tàn bạo của bọn gác ngục, đốc công càng củng cố có thêm quyết tâm chiến đấu, tự giải phóng của những người tù. Ngày 22 - 8, đốc công Bidaut đưa từ Đảo Lớn đến Bảy Cạnh một chiếc ca nô cứu nạn loại lớn có sức chở được 40 người đã tạo thêm phương tiện và cơ hội cho họ trở về đất liền, thôi thúc cuộc bạo động sớm nổ ra và giành thắng lợi.
Thắng lợi của cuộc nổi dậy trên Hòn Bảy Cạnh đã làm cho thực dân Pháp rất hoang mang. Báo chí Pháp gọi cuộc khởi nghĩa ở Hòn Bảy Cạnh là “Cuộc cách mạng ở Côn Đảo”. Pháp phải tăng cường thêm một trung đội thủy quân lục chiến ra bảo vệ việc xây dựng Hải Đăng Bảy Cạnh, Quản đốc Bocquet bị khiển trách. Tháng 5 - 1884, Hải Đăng Côn Đảo mới xây xong.
Tường trình của Quản đốc Bocquet cho biết nhà tù đã áp dụng những biện pháp trừng phạt. Ngoài 60 người tù trốn thoát bị kết tội vắng mặt, còn 63 người tù khác bị cáo buộc có tham dự đã đặt trong chế độ giam giữ nghiêm ngặt, chịu hình phạt, tùy theo mức độ nặng nhẹ…
Sau cuộc nổi dậy 1883, chế độ nhà tù được siết chặt hơn. Theo quy chế mới được ban hành năm 1889, giám ngục Pháp được quyền bắn vào tù nhân khi cần thiết; việc quản lý tàu thuyền trên đảo càng thêm chặt chẽ; hình phạt đối với tù nhân nặng thêm; khu kỷ luật Trại giam số I hình thành… nhưng vẫn không dập tắt được ý chí đấu tranh của những người yêu nước. Các cuộc đấu tranh, bạo động, vượt ngục vẫn liên tiếp xảy ra.
Và ngay tại Hải Đăng Bảy Cạnh, hơn nửa thế kỷ sau, một cuộc bạo động chiếm phà, vượt ngục thành công đã xảy ra, khi sửa chữa và nâng cấp ngọn hải đăng này vào năm 1949. Một lần nữa, những người tù kháng chiến lại giành toàn thắng.
Nhưng đó là cả một câu chuyện dài, sẽ được giới thiệu trong dịp sau.