Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/02/2007 17:57 (GMT+7)

Cùng tình yêu ở lại

- Dạo này ngoài đó Quỳnh nó sống thế nào? Vui hay buồn?

Người kia trả lời:

- Em gái chị là một người đặc biệt, nên vui cũng vui hơn người khác mà buồn cũng buồn hơn người khác. Làm sao mà trả lời cho rành được...

Bài thơ Thơ tình cuối mùa thulà một bài thơ ghi lại một khoảnh khắc vui buồn như thế trong cuộc đời của nhà thơ. Bài thơ được sáng tác vào khoảng năm 1969 -1970. Đây là một trong những bài mang đúng giọng điệu của Xuân Quỳnh, của một người phụ nữ có trái tim nồng nhiệt chân thành và đằm thắm, luôn khao khát yêu thương nhưng dường như lúc nào cũng băn khoăn... Giọng điệu đó được cảm thấy trong sự kết hợp giữa hình tượng và lời thơ trong tác phẩm, như phải thế chứ không thể khác:

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Là của mùa thu cũ

Chợt làn gió heo may

Thổi về xao động cả:

Lối đi quen bỗng lạ

Cỏ lật theo chiều mây

Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió

Mùa đi theo tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

- Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may

Mở đầu bài thơ là những phác hoạ trong bức tranh cảnh vật thường gặp vào cuối thu: Mây trắng đang bay về đâu đó xa xăm và mờ ảo, những chiếc lá vàng cuối cùng tần ngần chưa muốn rời cây... Nhưng điều đáng chú ý là chắc không phải vô tình mà trong những câu thơ tả cảnh này lại song hành các từ có nét nghĩa gần gũi nhau, là cuốiquá:

Cuối trời mây trắng bay

Là vàng thưa thớt quá

Trong tiếng Việt, cuốichỉ phần ở gần điểm giới hạn, chỗ hoặc lúc sắp kết thúc; còn quádùng với ý cảm thán như trong câu trên, để đánh giá rằng tính chất hay trạng thái nói đến đã ở bên ngoài điểm giới hạn (mức được lấy làm mốc). Thế là trong cái nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ “mây trắng bay” và “lá vàng thưa thớt” kia không còn là bình thường nữa, mà đã hoặc đang đi đến điểm tận cùng. “Mùa thu” trong cuối mùa thu(ở nhan đề bài thơ) cũng sắp tận cùng...

Thế nhưng thực tế điều ấy chẳng có gì bất thường cả. Hay là bất thường chỉ là do ta tưởng thế? Trong câu tiếp theo đó, bằng cụm từ phải chăng( Phải chăng lá về rừng), nhà thơ dè dặt phân vân khi nhận xét đầy vẻ suy tư rằng các sự nhân hoá ấy đang chuyển đến một nơi khác, rời khỏi nơi nhân vật vừa tự sự vừa trữ tình và cũng là chính nhà thơ đang quan sát. Đó là những cuộc ra đi ồn ào, được biểu thị qua hàng loạt từ chỉ sự chuyển động: về, đi, ra, theo, vào. Mùa thu phân thân, rồi kết thành đôi với các sự vật khác, để đến nơi khác như đến những điểm hẹn, hoặc cũng như trở lại nơi khởi nguồn:

Lá về rừng, và mùa thu đi cùng lá(về rừng)

Mùa thu theo dòng nước mênh mang ra biển cả

Mùa thu vào(với) hoa cúc...

Sự ra đi (để rồi đến) như thế đã tạo nên một sự tương phản, chuẩn bị tâm thế cho một sự bất thường đích thực: Chỉ còn anh và em là không đi cùng ai và không theo ai, anh và em ở lại...

Nhân đây cần phải nói thêm rằng trong nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh, có những từ ngữ thường được dùng với nghĩa ẩn dụ. Một số trong đó là biển, mây, hoa cúcmùa thu... Chẳng hạn biển(hay biển cả)dùng để biểu tượng cho khát vọng hiến dâng và tình yêu vĩnh hằng:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

                 (Sóng)

Mây được dùng với nghĩa tượng trưng cho sự phóng túng hết mình của một thời ngày xưa:

Hoa tường vi của những ngày xưa

Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng

                   (Hoa tường vi)

mùa thu, hoa cúc(hay màu vàng hoa cúc) gợi nhớ về những kỷ niệm, sự chia tay và nuối tiếc:

Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế

Chỉ em là đã khác với em xưa

                    (Hoa cúc)

Cũng có thể mùa thu chưa hết

Vẫn đang còn lưu luyến khách đi qua

Cũng có thể là tôi đến chậm

Thấy màu mây rừng lá tưởng còn thu....

                     (Không đề)

Tóm lại, trong thơ Xuân Quỳnh, biển, mây, hoa cúcmùa thu... thường được dùng để diễn tả mộng mơ và liên tưởng đến những gì đang hoặc đã đi qua, với kì vọng chúng còn lại mãi.

Một trong những vẻ độc đáo của thơ Xuân Quỳnh là trong những vần thơ của chị ta gặp niềm vui bất tận và sự cả tin dại khờ, lại có cả sự từng trải ngờ vực, cả nỗi đau xót trước cái mong manh và không hoàn thiện, cả cô đơn và tuyệt vọng u buồn. ở khổ thơ thứ hai của Thơ tình cuối mùa thu, có một nỗi thảng thốt buồn như thế.

Đó là lúc làn gió heo may chợt thổi về. Bình thường thì những cơn gió như thế, cũng như sự ra đi và ở lại, chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng với sự nhạy cảm trong cái tôi cô đơn của nhân vật – nhà thơ, làn gió heo may khô và lạnh báo hiệu mùa thu đang qua và mùa đông tới như thế đã đánh thức (hoặc như cách nói của nhà thơ là xao động) một điều gì đó trong tâm sự sâu xa, để rồi có những cảm nhận khác về cảnh vật và về chính mình:

Lối đi quen bỗng lạ

Cỏ lật theo chiều mây

Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay

Nhân đây, xin nói thêm rằng trong một số bài thơ của Xuân Quỳnh, gió heo maythường được dùng với một dự cảm bất trắc:

Gió heo may hôm nay về chăng

Mà chuồn chuồn bay về dăng dăng

Báo cơn bão phương nào thổi tới

   (Chuồn chuồn báo bão)

ở cuối khổ thơ thứ hai trong Thơ tình cuối mùa thucó một cách nói đáng chú ý: Người đọc có thể hiểu là nhà thơ lấy sự kiện này để ngầm ẩn đến một sự kiện khác (không được nhắc đến) dựa vào sự liên tưởng logic nảy sinh trên quan hệ giữa chúng:

Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay

Làn gió heo may làm lạnh bàn tay, và là lúc đêm về, những giọt sương chạm vào mặt người, làm ướt má - Tất cả những điều đó là thực tế, nhưng có thể đó chỉ là một điểm tựa của cách nói vòng. Sự liên tưởng đã đặt trước người đọc những câu hỏi phân vân: Sương đêm làm ướt má hay đó là những giọt nước mắt bất chợt như từ trong vô thức, trong một nỗi niềm cảm hoài. Bàn tay lạnh vì gió heo may, hay lạnh vì sự trống vắng trong nỗi nhớ những khi bàn tay hai người tìm đến nhau...

Cụm từ chỉ còn anh và emđược lặp lại ở tất cả cá khổ thơ, nhưng ở những vị trí không hoàn toàn đồng nhất: Trong khổ thứ nhất và thứ ba, nó ở cuối; Còn trong khổ thứ hai và thứ tư, nó ở đầu. Cách tổ chức văn bản như vậy đã tách bài thơ ra thành hai phần (hai khổ thơ là một phần) , và điều đó phải được hiểu là dụng ý của nhà thơ: Chỉ còn anh và emở khổ đầu của mỗi phần nhằm diễn tả một hiện thực, còn ở khổ sau của mỗi phần thì nó chỉ là một khía cạnh của hiện thực. Còn một khía cạnh khác sẽ được nói đến sau đó. So sánh:

       - Chỉ còn anh và em

với : - Chỉ còn anh và em

    Là của mùa thu cũ

-                                 Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

Khía cạnh còn lại của hiện thực Chỉ còn anh và em, Là của mùa thu cũở khổ thơ đang xét cho thấy có hai mùa thu cùng hiện hữu: một mùa thu của đất trời (đang ra đi, sắp tận cùng), và một mùa thu trong tâm tưởng ( mùa thu cũ) như nỗi nhớ về những kỉ niệm, là kí ức về mùa thu. Mùa thu này gợi nhớ đến mùa thu khác. Không biết làn gió heo may của mùa thu nào đã khiến lối đi quen bỗng lạ, hơi lạnh qua bàn tay và đêm về sương ướt má, hay đem lại cảm giác trơ trọi và se lạnh trước cuộc đời như thế?

Những người “vui cũng vui hơn người khác mà buồn cũng buồn hơn người khác” như Xuân Quỳnh, thường có một cá tính là nhiều dự cảm và thiếu nhẫn nại. Trong thơ chị, nhân vật – nhà thơ dường như đơn độc trong những khát vọng, đồng thời luôn cảm thấy phía trước là bất hạnh, nhưng lại có vẻ rất liều lĩnh dấn thân... Điều đó khiến người đọc hồi hộp, đôi khi lo lắng cho nhân vật và nhà thơ.

ở khổ thơ thứ ba, có một cách nói rất thường gặp trong thơ ca với mục đích tu từ, là so sánh. Với sự thạm gia của từ như, cách so sánh như vậy có căn cứ là nét tương đồng nào đó giữa hai đối tượng khác loại (đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh), với mục đích là diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm nào đó của đối tượng được so sánh. Trong những câu thơ này, nét tương đồng như thế không hiển ngôn, mà ngầm ẩn dựa vào sự liên tưởng:

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ

Theo cách như vậy, tình tađã được so sánh với hàng cây (đã qua mùa gió bão)dòng sông (đã yên ngày thác lũ). Hàng cây và dòng sôngnhư thế có những đặc tính gì, và trong số các đặc tính đó thì nét nào được xem là tương đồng với tình ta? Trong sử dụng ngôn từ tiếng Việt, mùa bão gióchỉ khoảng thời gian thường xuyên có gió xoáy kèm theo mưa lớn, còn ngày thác lũchỉ khoảng thời gian nước dâng cao dồn vào một khu vực nào đó rồi đổ mạnh xuống khu vực thấp. Điểm chung cho hai cụm từ trên là đều ngầm chỉ khoảng thời gian không bình yên, bất lợi đối với các sự vật có liên quan (hàng cây và dòng sông).Qua mùa bão gióyên ngày thác lũ, hàng cây không còn nghiêng ngả nữa và dòng sông trở lại bình lặng mênh mang. Tình yêu của các nhân vật (anh và em) trong bài thơ cũng thế. Tuy nhiên, có vẻ như khác với lẽ thường, đối với một số tạng người, đặc biệt với những ai hay liều lĩnh dấn thân, nhiều dự cảm và thiếu nhẫn nại, thì đôi khi sự bình lặng lại không phải là điều mong đợi. Điều này khiến ta nhớ đến cánh buồm trăng trắng cô đơn trong bài thơ Cánh buồmnổi tiếng của nhà thơ Nga M.I. Lermontop, một cánh buồm dường như chỉ cảm thấy bình yên trong dông bão.

Nhưng sự bình lặng đang nói đến chỉ là một thực tế trong câu chuyện tình yêu. Còn có một thực tế khác ngay bên cạnh, lạnh lùng và tàn nhẫn: Thời gian vẫn không ngừng trôi qua, từng tháng, từng năm, từng mùa thu, cuốn tất cả về tận cùng. Đến cuối mùa thu (của đất trời và của đời người), chợt ngoảnh lại thấy thời gian như là gió...

Thế là có một thông điệp khác, ngoài ý nghĩa bề mặt của ngôn từ, và đó cũng là đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca: Sự diến tả cái bình yên hiện tại cốt để ngầm ẩn nỗi luyến nhớ về một quá khứ khổ đau và hạnh phúc, về bão tố và sóng gió, ngầm ẩn cả nỗi thất vọng trước sự ngắn ngủi của một thời sôi nổi, trẻ trung đã qua...

Và rồi, cũng như thường thấy trong nhiều bài thơ khác của Xuân Quỳnh, ở khổ thơ cuối cùng của Thơ tình cuối mùa thuta lại gặp kì vọng rằng có một cái gì đó vĩnh hằng, bất chấp thời gian và mùa thu đi qua, mây trắng bay cuối trời, lá vàng thưa thớt và gió heo may...

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

So với câu thơ ở đầu khổ thứ hai Chỉ còn anh và em, Là của mùa thu cũ, câu thơ ở đầu khổ thứ tư này bộc bạch rõ ràng hơn, như một quá trình từ đại khái đến cụ thể, từ một ẩn dụ chung chung (mùa thu cũ)đến một tình cảm xác định của nam và nữ (tình yêu).Tuy nhiên, điểm chung giữa những cái được biểu hiện trong mùa thu cũtình yêulại là cùng thuộc phạm trù ý thức chủ quan và chủ yếu là ở trong quá khứ...

Thế cho nên trong khi tự an ủi rằng anh và em không đơn độc mà ở lại cùng với tình yêu, thì nhân vật - nhà thơ vẫn chăm chú nhìn xa và nói (với ai đó hoặc chỉ với chính mình) như đang băn khoăn, rằng kìa những người yêu nhau đang đi qua cùng với gió heo may, đến với rừng với biển, với gió bão và thác lũ..., như tình yêu phải thế và như chuyện tình yêu muôn đời là thế.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.