Cụ “Ké” về mật khu Tân Trào
Ai cũng ngỡ ngàng. Từ ngày khai thông con đường Namtiến: châu Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn… chỉ nghe và đón “Cứu quốc quân”, “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”… Nay lại có “bộ đội cụ Ké” là bộ đội nào? Các trạm đều lo chuẩn bị chu đáo, bảo vệ kỹ càng lắm. Chỉ háo hức chờ thôi.
Khi “bộ đội cụ Ké” tới mọi người mới hay là đón cụ già “thượng cấp” của cách mạng. Ông cụ cao gầy, mặc quần áo Nùng, cũng nói cái tiếng như các già Tày-Nùng, nhưng dễ nghe, dễ hiểu hơn nhiều lắm. Cái miệng cụ cười tươi rất hiền, đôi mắt sáng lạ thường, nhìn ai cũng như thăm hỏi trìu mến, khiến ai có điều gì cũng muốn thổ lộ hết.
Một ngày giữa tháng 5, “bộ đội cụ Ké” về đến làng Hồng Thái thuộc châu Sơn Dương cũ mới đổi tên là châu Tự Do từ khi cách mạng giải phóng (3-1945). Cụ Ké dừng lại sân ngắm phong cảnh, tỏ ý rất vừa lòng. Ông cụ lững thững bước vào gian đình rộng thênh thang, ngẩng xem hai vế câu đối khắc lên cột.
- Thưa cụ! Câu đối nói gì ạ? - Anh giao thông người Tày lễ phép hỏi.
Cụ Ké đọc to mọi người cùng nghe:
- Để giang tả bão linh nguyên hội/ Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung. (Đại ý là: Dòng sông bên trái như hợp nguồn thiêng lại, giếng ngọc bên phải tựa khí đẹp đúc về).
Đoàn người đi theo nghe thế ai cũng trầm trồ câu diễn không chỉ tả cảnh mà còn tả ý tình sâu sắc. Có anh thốt lên:
- Có lẽ các cụ xưa kia ở đây đã tiên đoán thế đất này sẽ là chỗ hội tụ những sự kiện đổi đời cho dân tộc ta…
Cụ Ké mỉm cười nhìn người vừa nói, khẽ nhắc:
- Thôi nhỉ! Ta về chỗ ở cho bà con khỏi đợi chứ.
Cán bộ địa phương dẫn đường cụ Ké qua sông Đáy, ngòi Thia đến làng Kim Long, làng người Tày. Ở đây bốn mùa xanh, hoa nở trắng rừng. Dân ở đây truyền tụng câu ca mượt mà:
“Kim Long cảnh tựa non tiên/ Ai đà tới đó ắt quên đường về…”.
Nhưng từ năm 1944, đây đã thành an toàn khu của cách mạng. Kim Long được đổi tên thành xã Tân Trào. Kẻ địch nhiều lần sục vào đều không thoát khỏi thảm hại. Bà con lại có câu ca: “Tân Trào rừng hiểm núi cao/ Giặc kia muốn chết hãy vào nơi đây!”.
Cụ Ké đến Kim Long, tạm ở nhà một cán bộ hội cứu quốc. Mấy hôm sau, bà con dựng xong chiếc lán trên sườn đồi Nà Lừa. Chiếc lán được ngăn đôi, một nửa cụ Ké làm việc và tiếp khách, một nửa để cụ nghỉ.
Ở nơi khuất nẻo vậy mà ngày nào cũng có người lui tới bàn việc với cụ Ké. Hết họp, ông cụ lại xem sách viết tài liệu đến khuya, sáng dậy thật sớm luyện võ rồi cuốc đất tưới cây… Thỉnh thoảng ông cụ lại vào xóm nói chuyện với bà con. Có ai đau ốm, thế nào ông cụ cũng tìm đến thăm hỏi. Ông cụ nói đến hay và rất dễ nhận ra cái lẽ nên làm.
Tiếng đồn bay xa: “Có cụ Ké mới về! Gương mặt hiền hậu, mắt sáng như sao, giọng ấm như bếp than hồng, quý già, yêu trẻ…”.
“Cụ Ké là ai?”. Không ai trả lời được. Nhưng ai cũng biết cụ Ké hết lòng hết sức vì dân, vì nước lắm.
Tình hình khắp nơi đã sôi sục. Trong mật khu Tân Trào, cụ Ké cũng bận việc tối ngày, đêm chong đèn tới sáng.
Bỗng dưng nhiều cuộc họp liên tiếp. Rồi có cuộc họp to lắm, đông lắm, gọi là Đại hội Tân Trào do cụ Ké chủ trì. Đại hội biểu quyết cả nước nổi lên Tổng khởi nghĩa và định ra mười chính sách ích nước, lợi dân... Đại hội bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam , bầu Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ôi! Cụ Ké là Hồ Chủ tịch! Người tài trí thế, nhân hậu là thế… Đúng chiều ngày 16-8, Quốc dân đại hội dự lễ hạ quân lệnh của Ủy ban khởi nghĩa cho bộ đội giải phóng. Người nói: Thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta.
Nguồn: cpv.org.vn 3/9/2004