Còn sống thì còn phải học
Bác Hồ của chúng ta đã suốt đời miệt mài học tập, ngay cả thời còn trai trẻ cho đến khi sắp về cõi vĩnh hằng, Người vẫn không quên việc học. Trên chặng đường vượt biển bôn ba tìm đường cứu nước, lúc đó Bác còn rất trẻ, làm phụ bếp trên tàu, đốt lò, lau chảo, thái rau… Tuy công việc rất nhiều, bụi bặm, nặng nhọc, ngày nào cũng làm việc từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng Bác vẫn cố học thêm 2 giờ, trong khi những người bạn khác lăn ra ngủ hoặc đánh bài. Trên tàu Bác đi có những người lính trẻ được giải ngũ, trở về Pháp. Bác làm quen với những người lính ấy và những từ nào không hiểu, Bác nhờ họ giảng giải. Mỗi ngày Bác viết 10 từ tiếng Pháp vào cánh tay, vừa làm việc vừa nhẩm học, từ sáng đến tối bao giờ thuộc và dùng được những từ ấy mới thôi. Có một thời kỳ Bác ở Luân Đôn-thủ đô nước Anh, phải làm những nghề nặng nhọc như quét tuyết, đốt lò. Dù gian khổ, nhưng hằng ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều, Bác mang sách bút ra vườn hoa Hay-đơ để học tiếng Anh. Mỗi tuần được một ngày nghỉ thì Bác đi học tiếng Anh với một giáo sư người I-ta-li-a. Vì vị giáo sư này giỏi cả tiếng Anh và tiếng Đức nên Bác học cả 3 thứ tiếng với chỉ một ông thầy. Với sự miệt mài, say mê và phương pháp học mọi lúc, mọi nơi có thể, trong trường học và đời sống hằng ngày, Bác thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng I-ta-li-a, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thái, v.v..
Năm 1961, nói chuyện với các đồng chí đã tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 và các đảng viên hoạt động lâu năm nhân dịp về thăm quê hương, Bác nói: "Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào tôi cũng học. Công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau". Tháng 5 năm 1966, trong buổi nói chuyện với lớp đảng viên mới kết nạp tại Hà Nội, Bác lại nói: "Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng".
Trong thời hội nhập hiện nay, khoa học kỹ thuật tiến nhanh đến chóng mặt, thì việc học chính là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tiếp cận với tri thức thế giới. Cán bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp, chiến sĩ trong quân đội cũng cần phải phấn đấu học tập trên nhiều lĩnh vực: học sử dụng vi tính thông thạo để phục vụ trong công tác quản lý; học làm chủ vũ khí, trang bị khí tài; học điều lệnh, điều lệ; đặc biệt phải học ngoại ngữ thật giỏi để tiếp cận với các tài liệu khoa học kỹ thuật tiên tiến nước ngoài. Bác đã viết:
"Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công".
Nguồn: qdnd.vn (09/10/07