Con người của văn hóa đạo đức
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.
Đối với người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Trong năm cuối đời, năm 1969, Bác còn viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đúng dịp kỷ niệm thành lập Đảng để giáo dục cán bộ, đảng viên. Và trong bản Di chúc, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...’’.
Hồ Chí Minh xem xét vấn đề đạo đức tới mọi đối tượng, mà chung nhất là đạo đức công dân và đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức của cán bộ, đảng viên. Có lẽ ở Việt Nam , Bác là người đầu tiên đề cập đạo đức công dân trong chế độ mới khi gắn với nghĩa vụ đóng thuế “đúng số và đúng kỳ”. Đề cập tới cán bộ, đảng viên tức là Người đã tác động đúng vào khâu “trọng điểm”, khâu “trung tâm” của xã hội vì trong điều kiện Đảng cầm quyền, chính họ là những người tiên phong trong các phong trào cách mạng. Điều đó cắt nghĩa tại sao, khi nói, viết về đạo đức thì Người dành nhiều nhất cho cán bộ, đảng viên.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện đặc trưng bằng sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nghĩa là Người kết hợp giữa nói và làm, và nhiều khi làm nhiều hơn nói. Trong tư duy của Bác, học luôn luôn phải gắn với hành, lý luận phải đi liền với thực tiễn, nói phải đi đôi với làm như những cặp chỉnh thể mà thiếu một vế thì điều đó sẽ trở thành vô nghĩa. Ngay như ở những bài học đầu tiên đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, cách mạng, phần nhập môn, Người nêu lên “Tư cách của một người cách mệnh” gồm 23 điều, trong đó có điều: “Nói thì phải làm” . Do vậy, Hồ Chí Minh được coi là nhà triết lý trong hành động và là sự thể hiện sự thuần khiết trong văn hóa. Điều này thấm vào trong giao tiếp, ứng xử văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ứng xử văn hóa tuyệt diệu khi cả cuộc đời của Người là một tấm gương tốt, một cách tự nhiên, mà mọi người có thể tự soi vào đấy. Đã có người cho rằng, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khó quá. Ngày nay, khi hoàn cảnh đã đổi thay nhiều so với trước, liệu tấm gương Hồ Chí Minh có còn tác dụng không? Chẳng hạn, những người trẻ tuổi, những thế hệ 8X, 9X và các thế hệ tiếp theo nữa đang đặt câu hỏi: liệu họ cứ phải đi dép lốp cao su như Bác Hồ; liệu họ phải tằn tiện “ăn chắc, mặc bền” chứ không phải “ăn ngon, mặc đẹp”; liệu họ cứ phải tâm niệm “giàu sang không thể quyến rũ”, v,v...? Khó hay dễ là tại bản thân mình. Học không phải là bắt chước. Học tấm gương Hồ Chí Minh là tìm hiểu bản chất của vấn đề để vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống.
Làm gương cho người khác soi, đó làm một phương cách xử thế của Bác Hồ. Nhiều cái phản văn hóa hay là đạo đức giả là ở chỗ nói nhiều làm ít, nói thì hay nhưng không làm gì cả, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: ở phương Đông và ở Việt Nam , một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền, nhất là những cán bộ chủ chốt, nếu nêu một tấm gương sáng thì sẽ tạo ra một đời sống văn hóa lành mạnh cho xã hội, còn ngược lại thì hậu quả sẽ khôn lường.
Xây dựng môi trường đạo đức cách mạng
Môi trường đạo đức hiện đang bị ô nhiễm ở lĩnh vực này, lĩnh vực nọ. Cơ chế mới đã khơi dậy sự năng động của xã hội trong các lĩnh vực nhưng cũng phần nào chưa kiểm soát được một cách chắc chắn những cái ác, cái xấu. Những tệ nạn xã hội vẫn đang phát triển. Đồng tiền có sức mạnh ma quái đang làm hỏng nhiều cán bộ, đảng viên và làm hỏng các chuẩn mực quan hệ ứng xử của con người. Xây dựng văn hóa đạo đức trong môi trường như thế khó khăn hơn rất nhiều. Trách nhiệm làm cho môi trường văn hóa đạo đức trong sạch không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, của cả hệ thống chính trị, của từng gia đình. Trước hết, trong xây dựng môi trường đạo đức cách mạng, cần chú trọng những vấn đề sau đây:
- Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Tôn trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục.
- Tạo ra một cách thường xuyên tinh thần đề cao cái đẹp, cái tốt; lên án cái xấu, cái ác và khuyến khích mọi người làm việc thiện.
- Kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa đạo đức mới.
- Giải quyết đồng bộ tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Dù áp dụng biện pháp nào đi chăng nữa thì ý thức tự giác của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Chính ý thức và hành động của mỗi người là điều kiện để tạo ra môi trường đạo đức tốt đẹp. Chúng ta không chờ có một môi trường tốt rồi mới xây dựng đạo đức cách mạng mà phải thấy đó là cả một quá trình vừa xây, vừa chống, không thụ động. Và chỉ số phát triển của mỗi một dân tộc, phải chăng cũng cần nhìn vào môi trường văn hóa đạo đức, nơi mà ở đó mỗi một con người, mỗi một cộng đồng, dân tộc đều có cơ hội, điều kiện để tự do phát triển vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ chứ không chỉ nhìn vào chỉ số tăng trưởng kinh tế.