Có thể "biến" hệ thống lò quay xi măng thành lò xử lý rác thải: Hiện thực đáng khích lệ
Xi măng Hoàng Thạch vào cuộc
Cuối năm 2006, đoàn Giám sát chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương và Đoàn kiểm tra môi trường của Cục Bảo vệ Môi trường đều khuyến cáo Công ty xi măng Hoàng Thạch nên tận dụng lợi thế lò nung Clinker để xử lý rác thải nguy hại.
Công ty đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Đề tài “Đưa chất thải nguy hại vào đốt trong lò nung”. Cùng với việc nghiên cứu lựa chọn phương án sao cho phù hợp với thực tế, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài đã “dẫn quân” vào tận Công ty xi măng Holcim (Kiên Lương - Hà Tiên) để “tai nghe, mắt thấy” lò nung clinker của Holcim đang trở thành trung tâm xử lý rác thải.
Từ thực tế và sau nhiều cuộc trao đổi, Công ty quyết định chọn phương án xử lý 30 tấn rác thải nguy hại mỗi năm gồm giẻ dính dầu mỡ, túi lọc bụi tay cáo, bông băng, gạc, bơm tiêm, vỏ chai đựng hóa chất do Công ty thải ra. Việc “thiết kế” thiết bị rót rác thải vào lò nung rất đơn giản, chỉ bao gồm hợp chứa cố định, xe chứa giẻ di động do chính nhân viên của xưởng lò nung, xưởng cơ khí tự “chế tạo”. Kể từ tháng 3/2007 đến nay, mỗi tuần một lần, khoảng 400kg rác thải nguy hại trước vốn đốt chung với rác, đã được rót vào lò nung theo hệ thống này.
Ngay trong lần đốt thử nghiệm hệ thống phân tích khí thải tại dây chuyền Hoàng Thạch 2 cho thấy các thông số ôxy và ôxít cacbon trước và sau khi đốt giẻ dính dầu mỡ vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép, không xuất hiện làn gió giả làm thay đổi áp suất bên trong. Trong các ngày 23 - 25/5, Trung tâm Công nghệ vật liệu môi trường và Phát triển cộng đồng (TEC) đã tiến hành kiểm tra định kỳ lần 1/2007 cho biết các thông số khí thải của công ty đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Lần đầu tiên tiêu chuẩn đốt chất thải nguy hại trở thành thông số kiểm soát ô nhiễm tại Công ty. Từ thành công này, xi măng Hoàng Thạch sẽ tính tới khả năng “nâng” công suất xử lý rác thải nguy hại lên cao hơn khi mà dây chuyền Hoàng Thạch 3 đi vào vận hành và nhu cầu xử lý rác thải nguy hại trên địa bàn đang gây “sức ép”...
Holcim Việt Nam- trung tâm xử lý rác khu vực phía Nam
Holcim Việt Nam là tên gọi hiện nay của Nhà máy xi măng Sao Mai - liên doanh giữa Tập đoàn Holcim Thụy Sĩ và Công ty Xi măng Hà Tiên 1. Với công suất 2.000 tấn clinker/năm, Nhà máy xi măng Hòn Chông (một trong các cơ sở sản xuất của Holcim VN) là nhà máy sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới. Tuân thủ “Chương trình hành động phát triển bền vững ngành xi măng” của Hội đồng các doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững, Holcim VN đã trở thành trung tâm xử lý rác thải khu vực.
Từ năm 2003, Nhà máy Hòn Chông bắt đầu thử nghiệm việc dùng rác thay thế một phần nhiên liệu lò nung. Đến nay, xưởng “kinh doanh” rác của nhà máy có 50 người từ nhân viên tiếp thị, công nhân xử lý, phân loại rác, vận tải để tiếp nhận nguồn “nhiên liệu” đặc biệt này từ TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Rác công nghiệp đang là nguồn hàng chính của nhà máy Hòn Chông. Riêng trạm nghiền clinker Cát Lái từ năm 2005 đã sử dụng 100% trấu thay cho dầu FO. Theo tính toán cứ 3 kg trấu tương đương 1kg dầu FO. Mỗi năm trạm nghiền Cát Lái đốt 7.000 tấn trấu, thay thế trên 2.000 tấn dầu FO vừa giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí cho Holcim VN.
Chính sách thu gom rác thải của Holcim rất mềm dẻo. Trong danh mục chất thải xử lý được tại lò nung, có loại như cao su thì Holcim “đốt giùm”; trấu từ nhà máy xay xát gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long thì Holcim VN trả tiền công thu gom, chuyên chở; rác thải nguy hại phải xử lý thì chủ nguồn thải phải trả tiền... Bộ phận maketing vì thế được tuyển chọn rất kỹ lưỡng , có kiến thức hóa học, kiến thức công nghệ, kiến thức môi trường tiếp cận các chủ xả thải để tuyên truyền, thuyết phục, tạo sự hợp tác lâu dài đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sau khi đưa rác thải vào thay thế một phần nhiên liệu lò nung, khí thải phải không vượt chuẩn. Ông Trần Thanh Lập, cán bộ phụ trách môi trường của Holcim VN cho biết Công ty đã đầu tư máy đo khí thải liên tục để giám sát các tiêu chí môi trường. Cho đến nay, mặc dù rất nhiều loại rác thải từ các nhà máy Niki, may mặc, giầy da, đệm mút Kimdan, P&H, xà phòng, thuốc trừ sâu, sơn... đã trở thành nguồn nhiên liệu, nhưng khí thải ra từ các ống khói Nhà máy Xi măng Hòn Chông, trạm nghiền Cát Lái đều không bị xấu đi. Mục tiêu lớn nhất của Holcim Việt Nam là giảm khí thải C02, cho dù có nâng mức sử dụng nhiên liệu rác thải thay thế ở mức độ nào.
Nguồn: Báo Tàinguyên và Môi trường, 12/7/2007, tr 1