Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/08/2010 22:52 (GMT+7)

Có một gia đình như thế

Người cha của 4 GS, PGS.

PGS Lê Bá Hán sinh ngày 15/2/1933 ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Văn khoa Quốc gia, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai năm sau, khi Phân hiệu Đại học Vinh được thành lập, ông nhận nhiệm vụ vào “khai sơn phá thạch” nơi vùng đất gian khổ này. Và ông đã bám trụ, đã “chung thuỷ” với khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh từ đó cho tới khi nghỉ hưu vào năm cuối của thế kỷ XX.

Hơn bốn mươi năm gắn bó với Đại học Sư phạm Vinh, thầy Lê Bá Hán đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của khoa và Trường Đại học Sư phạm Vinh. Đó cũng là những năm tháng vượt qua vô vàn gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mĩ, nỗ lực vượt lên bao hạn chế của một trường đại học địa phương. Trong hoàn cảnh ấy, thầy Lê Bá Hán vẫn hòa nhập với không khí học thuật của cả nước, vẫn được bạn bè, đồng nghiệp trong giới khoa học xã hội nể trọng. Thầy đã được phong chức danh PGS năm 1984, được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992, thầy từng là Ủy viên Hội đồng Học hàm chuyên ngành Văn học.

Với tinh thần làm việc bền bỉ, năm 2000, sau khi nghỉ hưu, PGS Lê Bá Hán vào miền Nam và tiếp tục giảng dạy. Thầy làm việc tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Dân lập Văn Hiến, TP Hồ Chí Minh với chức vụ Trưởng khoa. Sự say nghề, tấm lòng yêu thương, tận tụy đối với các thế hệ học trò trong suốt gần 50 năm làm nghề giáo của thầy Lê Bá Hán đang được nhiều lớp cán bộ, sinh viên truyền tụng.

Ngoài giảng dạy, Phó giáo sư Lê Bá Hán đã để lại những công trình nghiên cứu giá trị với vai trò chủ biên, viết chung như Cơ sở lý luận văn học(đây là bộ giáo trình lý luận văn học ở bậc đại học từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX gồm nhiều tập), Những bức thư văn học; Thuật ngữ nghiên cứu văn học; Lý luận văn học (2 tập); Góp phần ôn tập văn học; Phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng, Từ điển thuật ngữ văn học; Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm; Nửa thế kỉ nghiên cứu và học tập thơ văn Hồ Chí Minh ... PGS Lê Bá Hán cũng đã chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng như “ Về một số vấn đề lý luận văn nghệ đang được tranh luận qua công cuộc đổi mới” hay “ Con người Nghệ An trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Suốt cuộc đời say sưa, miệt mài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, PGS Lê Bá Hán đã được Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Con người giỏi giang, nhân hậu là vậy nhưng không may mắc căn bệnh hiểm nghèo. Thầy đã ra đi ngay trước ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2006 giữa sự tiếc thương của người thân, học trò, bạn bè và đồng nghiệp.

Những người con thành đạt:

PGS Lê Bá Hán có 4 người con thì tất cả đều là những người thành đạt trên con đường học vấn. Hai người nối nghiệp cha theo ngành khoa học xã hội là PGS.TS Lê Quang Hưng - bảo vệ tiến sỹ Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là Trưởng khoa Việt Nam học của trường đại học lớn này, và cô con gái thứ ba, PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, bảo vệ tiến sỹ chuyên ngành Phê bình – Lý luận sân khấu tại Trường Đại học Quốc gia Sân khấu, Âm nhạc và Điện ảnh Lêningrat, Liên bang Nga (trước đây). Hai chị em gái, chị đầu và em út lại đam mê lĩnh vực khoa học tự nhiên, đều lấy bằng tiến sỹ tại các trường đại học danh tiếng của Pháp. Con gái đầu PGS.TS Lê Thị Hoài Châu, một chuyên gia về didactic toán, bảo vệ luận án tiến sỹ ngành Lý luận dạy họctại Đại học Joseph Fourier – Grenoble và cô con út Lê Thị Hoài An hiện là GS. TSKH của Đại học Paul Verlaine Metz, Cộng hòa Pháp.

Con gái đầu của PGS Lê Bá Hán – Lê Thị Hoài Châu, ngay từ nhỏ là một tấm gương ham học. Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1975, chị làm giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh, sau đó là cán bộ giảng dạy khoa Toán, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài công việc này, hiện nay, chị còn đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.

Là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận dạy họctại Pháp, chị là một trong vài người có công hàng đầu trong việc truyền bá và giảng dạy các lý thuyết của trường phái Pháp (didactic) ở Việt Nam. Kể từ năm 2000, đã có nhiều khóa thạc sỹ được đào tạo theo chương trình hợp tác với Pháp do chị chủ trì. Với niềm đam mê khoa học, chị đã có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc được báo cáo tại các Hội nghị quốc tế về giảng dạy toán (như Hội nghị lần thứ 49 do Ủy ban quốc tế nghiên cứu và cải tiến việc dạy học toántổ chức ở Bồ Đào Nha) hay công bố trên các tạp chí uy tín ở nước ngoài (như Recherche en Didactique des Mathématiques- Cộng hòa Pháp)..., là tác giả của nhiều sách chuyên khảo, giáo trình đại học, là đồng tác giả của cuốn sách song ngữ Những yếu tố cơ sở của didactic toán. Chị đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được đánh giá cao. Đã có hai tiến sỹ do chị đồng hướng dẫn trong chương trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier và Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Người con thứ hai của PGS Lê Bá Hán là PGS.TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh là con trai duy nhất trong bốn anh chị em, đam mê văn chương rồi nối nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của cha. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh được giữ lại công tác tại khoa, thành đồng nghiệp của cha mình. Thi đỗ đi học Nghiên cứu sinh ở Nga, nhưng đúng vào thời điểm chế độ Xô viết tan rã, anh chuyển sang làm Nghiên cứu sinh trong nước. Với niềm đam mê Thơ mới, đặc biệt là Xuân Diệu, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945.Từ năm 1998, anh chuyển về làm cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được phong chức danh Phó Giáo sư năm 2003 và được bổ nhiệm Trưởng khoa Việt Nam học, Ủy viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 2008 đến nay.

PGS.TS Lê Quang Hưng đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao như Phân tích thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh(2 tập – viết chung), Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm(đồng tác giả) Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám,- Từ điển Tác giả, Tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường(tham gia), Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại,(2 tập - viết chung), Đến với tác phẩm văn chương… Năm 1996, với chùm tiểu luận về Xuân Diệu, anh đã được UBND Tỉnh Nghệ An tặng Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương

Ngoài viết sách, PGS.TS Lê Quang Hưng còn chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm, từng tham gia biên soạn nhiều giáo trình Đại học và sách giáo khoa phổ thông các cấp.

Người con thứ ba trong gia đình là PGS.TS Nghệ thuật học Lê Thị Hoài Phương. Ngay từ lúc học phổ thông, Hoài Phương đã có duyên nợ với nghệ thuật. Năm 1976, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, chị đã được đạo diễn điện ảnh Trần Vũ mời đóng vai cô sinh viên Hà trong bộ phim truyện Chuyến xe bão táp, ngay sau đó chị làm Phát thanh viên đầu tiên của Đài Vô tuyến Truyền hình Vinh, Nghệ Tĩnh. Năm 1981, với tư cách sinh viên xuất sắc của trường Đại học Văn hoá Hà Nội, chị được cử đi học nước ngoài ở Trường Đại học Quốc gia Sân khấu, Âm nhạc và Điện ảnh tại thành phố Lêningrat (sau này là Học viện Nghệ thuật Sân khấu Sant-Petersburg - Nga) rồi tốt nghiệp chuyên ngành Phê bình – Lý luận Sân khấu, vào năm 1987. Cũng tại Học viện này, năm 1998 chị bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Nghệ thuật học với đề tài về kịch Lưu Quang Vũ.

Được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2009, hiện nay chị là Trưởng Ban Nghiên cứu Nghệ thuật, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, thuộc Bộ VHTT&DL. Chị là thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử nghệ thuật Sân khấucủa Viện. Chị còn là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Trong nhiều năm công tác, chị Lê Thị Hoài Phương từng được cử đi nghiên cứu ở nước ngoài về Chính sách Văn hóa và Quản lý Nghệ thuật (Trường đại học Goldsmiths, thuộc Trường Tổng hợp London, nước Anh). Năm 2004, chị là một trong số bảy nhà khoa học của Việt Nam trúng tuyển nhận học bổng của Chương trình Trao đổi học giả Fulbright (Hoa Kỳ), sang nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Bang Ohio. PGS.TS Lê Thị Hoài Phương đã được mời tham luận tại nhiều hội nghị quốc tế, đã có bài báo công bố trên tạp chí nước ngoài và hiện đang hợp tác với một số học giả Hàn Quốc để viết sách.

Ngoài công việc nghiên cứu, PGS. TS Lê Thị Hoài Phương còn là giáo viên thỉnh giảng cho 2 trường đại học là Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. PGS.TS Lê Thị Hoài Phương đã chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Viện, xuất bản 8 đầu sách in chung và riêng, trong đó có những tác phẩm được giới nghệ thuật đánh giá cao như Sân khấu – Nghề và Nghiệp, Hợp tác quốc tế về văn hóa trong thời kỳ Đổi mới ở Việt Nam...

Khác với các anh chị, GS.TSKH Lê Thị Hoài An - cô con gái út hiện định cư tại Mont Saint Aignan, Cộng hòa Pháp. Hiện nay chị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng tin học, Đại học Paul Verlaine Metz, chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyên ngành tin học, Đại học Metz, Cộng hòa Pháp.

Tốt nghiệp thủ khoa khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1980, chị An được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Toán của trường. Năm 1991 chị được cử sang học thạc sĩ tại Đại học Joseph-Fourrier Grenoble, Cộng hòa Pháp. Tiếp đó, chị làm luận án tiến sĩ tại Đại học Rouen, Cộng hòa Pháp. Chỉ sau hai năm (năm 1994), chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (bằng xuất sắc) chuyên ngành Tối ưu hóa và vận trù học.

Chưa dừng lại ở đó, chị Lê Thị Hoài An tiếp tục làm luận án tiến sỹ khoa học. Năm 1997, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Toán tin ứng dụng, cũng tại Đại học Rouen. Với thành tích này, năm 1998, chị được bổ nhiệm Phó giáo sư tại Viện khoa học ứng dụng quốc gia Rouen, và 5 năm sau được bổ nhiệm Giáo sư tại Đại học Paul Verlaine Metz.

Với niềm đam mê toán và tin học ứng dụng, GS.TSKH Lê Thị Hoài An đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống như phương pháp tối ưu hóa, vận trù học và các ứng dụng vào nhiều lĩnh vực công nghệ - quản lý sản xuất, giao thông vận tải, tài chính, viễn thông, tin sinh học, khai thác dữ liệu, xử lý ảnh, mã hóa và an toàn tin học.

Cùng với công việc giảng dạy, trong hoạt động nghiên cứu GS.TSKH Lê Thị Hoài An đã công bố trên 100 bài báo khoa học trên các tạp chí và các nhà xuất bản hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Toán-Tin ứng dụng. Là một nhà khoa học quốc tế năng động, chị đã chủ trì nhiều hội thảo quốc tế, tham gia nhiều chương trình đào tạo thạc sỹ và nghiên cứu sinh ở một số nước ngoài Pháp như Nga, Luxembourg, Maroc, Algérie, Iran và Việt Nam. Là một người con đất Việt, GS.TSKH Lê Thị Hoài An luôn hướng về quê hương bằng nhiều đóng góp trong các chương trình trao đổi và nghiên cứu khoa học. Chị đã chủ trì nhiều chương trình hợp tác giữa Viện, các Trường đại học của Pháp, Canada với các trường đại học ở Việt Nam, giúp đỡ và tài trợ học bổng cho nhiều cán bộ trẻ và sinh viên mới tốt nghiệp sang Pháp học tập và nghiên cứu, tạo điều kiện đón tiếp một số cán bộ nghiên cứu trình độ cao ở Viện Toán học Hà Nội và một số trường đại học sang cộng tác khoa học tại Pháp hàng năm.

Đóng góp lớn nhất của chị Lê Thị Hoài An là đã cùng với chồng mình - anh Phạm Đình Tảo - Giáo sư, Tiến sỹ tại Viện khoa học ứng dụng Quốc gia Rouen phát triển thuật toán DCA - một hướng đi mới rất hiệu quả của các phương pháp tối ưu không lồi được nhiều người biết đến và nhiều nơi trên thế giới sử dụng. Những công trình nghiên cứu của anh chị về vấn đề này được thế giới đánh giá rất cao và được sử dụng vào việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Thay lời kết

Làm nên sự thành đạt của năm nhân vật kể trên, thật là có lỗi nếu không nói tới vai trò của các thành viên khác trong đại gia đình. Người vợ của cố Phó giáo sư Lê Bá Hán, cô Nguyễn Thị Lộc, cũng từng là một cô giáo. Cô đã có nhiều năm giảng dạy ở các bậc phổ thông, nhiều năm tham gia Ban phụ trách Khối phổ thông Chuyên Toán của trường Đại học Sư phạm Vinh. Chính người vợ, người mẹ vừa nỗ lực trong nghề nghiệp vừa tần tảo, đầy hi sinh trong cuộc sống gia đình ấy đã đóng góp một phần không nhỏ cho những thành đạt của chồng con.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích đăng bài thơ cuối cùng của cố Phó giáo sư Lê Bá Hán khi ông về thăm quê sau nhiều năm xa cách như một nén nhang thành tâm gửi tới người thầy, người cha đáng kính. Ông và gia đình đã và đang " sống đẹp trọn cuộc đời" như lời ước nguyện với quê hương.      

NGÀY VỀ

Ra đi mớ tóc còn xanh

Ngày về mái đầu đã bạc

Một buổi chiều u ám rời quê

gạt thầm nước mắt

Sáng xuân nay trở về

ấm áp quá Vũ Quang ơi!

Xin gửi quê hương trọn niềm yêu dấu

Nguyện cùng quê hương

sống đẹp trọn cuộc đời.

10/2/2006

(Kỷ niệm ngày về quê hương - huyện mới)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.