Cố giáo sư Lê Bá Thảo, người tình chung thủy của thiên nhiên
Theo đánh giá của Hội đồng Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, cụm công trình có những thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc: đã tổng kết và đánh giá một cách toàn diện và đúng đắn tiềm năng của đất nước Việt Nam (về tự nhiên, dân cư, các hoạt động kinh tế), đặt cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới; có giá trị khoa học rất cao về lý luận, phương pháp luận địa lý hiện đại; có những đóng góp lớn về lý luận tổ chức lãnh thổ, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam (lần đầu tiên ở nước ta vấn đề tổ chức lãnh thổ được nhìn nhận theo cách tiếp cận chiến lược). Cụm công trình đã có những đóng góp to lớn trong thực tế: đã xác định được các cực phát triển và các tuyến trọng điểm cho cả nước và mỗi vùng lãnh thổ, làm bộ khung cho việc tổ chức lãnh thổ; đã đánh giá lại và phát hiện những đặc tính, thế mạnh, những hạn chế và những điểm chưa hợp lý trong phát triển các vùng lãnh thổ, đồng thời đã đề xuất những định hướng chiến lược và những giải pháp cụ thể về tổ chức lãnh thổ để phát triển kinh tế-xã hội trên quy mô cả nước và các vùng địa lý đã thực sự phát huy tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa lý, kinh tế, văn hóa-xã hội cũng như trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước. |
Cố giáo sư Lê Bá Thảo sinh năm 1923, vào tuổi Quý Hợi, trong một gia đình công chức, được theo học trường Providence dành cho con Tây ở Huế. Ở đây từ bé ông được trau dồi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp cổ một cách thuần thục. Đậu tú tài triết học rồi theo học Y khoa Đại học Đông Dương ở Hà Nội được gần hai năm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ở ngã ba đường lúc đó trong bạn bè trí thức có hai khuynh hướng đi theo kháng chiến hay ở lại nội thành tiếp tục theo đuổi học hành, khoa cử. Không phải số phận mà lòng yêu nước đã đưa Lê Bá Thảo - một chàng trai 27 tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Đông Dương - đến quyết định “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” coi “công danh như phù vân”, đưa tấm thân mảnh dẻ của cậu sinh viên dài lưng tốn vải vào quân đội để được chiến đấu cho tự do của đất nước.
Vốn có học vấn lại năng nổ và tháo vát, ông được cử vào khu Bốn làm Trưởng ban địa đồ tham gia khảo sát và thiết kế con đường chiến lược nối liền khu Bốn và khu Ba. Lê Bá Thảo và ba người nữa lặn lội từ Yên Lại (Nho Quan) đến Phố Cát (Thanh Hóa), không ai có kiến thức về cầu đường, không một chiếc máy đo đạc cầm tay, tất cả công việc đều dựa vào những hiểu biết và tinh thần tháo vát của một cựu hướng đạo sinh hăng hái.
Cuối năm 1947, Lê Bá Thảo được lệnh ra Việt Bắc. Tại Bộ Quốc phòng của Chính phủ kháng chiến, ông được đích danh Thứ trưởng Tạ Quang Bửu giao trách nhiệm là “tham chính văn phòng”, theo dõi hoạt động của ngành hậu cần, làm phái viên xuống các mặt trận được nóng bỏng. Chính những chuyến đi ấy cho ông điều kiện đặt chân lên nhiều vùng khác nhau của đất nước, nghiên cứu kỹ càng địa thế hiểm trở cho quân sự, củng cố cho ông tình yêu thiên nhiên. Sau này ông nói: nếu không đi kháng chiến thì chưa chắc tôi đã trở thành nhà địa lý.
Bước ngoặt quan trọng của cuộc đời Lê Bá Thảo là sau chiến dịch Biên giới, lúc ông được điều sang dạy học ở Khu Học xá Trung ương năm 1952. Từ một sinh viên dự bị y khoa, Lê Bá Thảo thành thầy dạy địa lý. Ông không phàn nàn gì về nhiệm vụ mới này. Ở đây ông được gặp và được làm việc với những nhà khoa học đàn anh nổi tiếng như Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm… và các bạn cùng lứa như Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai… Tình yêu thiên nhiên ban đầu đã biến thành niềm say mê khám phá một ngành khoa học hầu như còn rất mới mẻ của xứ sở.
Kháng chiến thành công, Lê Bá Thảo trở về Hà Nội, dạy học tại Đại học Việt Nam. Hồi đó giảng đường đặt ngay tại ngôi trường ông đã từng học mười năm trước khi lên đường kháng chiến trên đường Lê Thánh Tông, dưới bóng những cây me, cây sấu đầy vẻ u hoài của Thủ đô cổ kính. Cùng với những giáo sư đồng sự như Hoàng Thiếu Sơn, Trần Đình Gián, Nguyễn Đức Chính, ông đặt những viên gạch đầu tiên cho khoa học địa lý Việt Nam. Trước đây, người Việt phải nghe giảng, phải đọc sách của người Pháp viết để hiểu non sông đất nước mình. Giờ đây hoài bão của ông và các đồng sự là chúng ta sẽ làm nên địa lý học của chính chúng ta.
Sau nhiều năm giảng dạy và xây dựng khoa Địa lý từ 1959 được đặt ở Đại học Sư Phạm, Lê Bá Thảo lên đường sang đại học Lô-mô-nô-xốp để thực tập và nghiên cứu địa lý. Trong những ngày này, ông đã có dịp tham gia những đoàn nghiên cứu quan trọng của Viện Hàn lâm Liên Xô, làm quen và trao đổi khoa học với những bác học nổi tiếng của Liên Xô và nhiều nước khác. Sau ngày trở về nước, ông bắt đầu viết những công trình nghiền ngẫm lâu nay và tham gia nhiều chương trình, đề tài khoa học trong khi vẫn giữ cương vị chủ nhiệm khoa Địa tại trường Đại học Sư phạm I, ngôi trường ông đã gắn bó hầu như suốt đời. Nhưng ông vẫn nôn nao được đi, được nghiên cứu thiên nhiên và địa lý đất nước.
Thời cơ đã đến, đất nước đã thống nhất một dải. Trong cái vui chung, cái vui của nhà địa lý còn gấp bội. Cuộc tổng điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ của Nhà nước đã chắp cánh cho Lê Bá Thảo. Ông được giao làm cố vấn khoa học, rồi chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và miền Tây Nguyên. Như cá gặp nước, đây là cơ hội tuyệt vời để một lần nữa Lê Bá Thảo được đắm mình trong thiên nhiên đất nước, Rồi đến thời kỳ đổi mới. Đó là thời gian nhà địa lý Lê Bá Thảo làm việc có hiệu quả nhất, hào hứng nhất. Ông bỏ ra ngoài mọi toan tính xa lạ với nhân cách một nhà khoa học để toàn tâm toàn ý phục vụ khoa học địa lý, tình yêu của đời ông.
Những hoạt động của ông trong các Ủy ban và Hội đồng của Chính phủ liên quan đến địa lý với tư cách Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam và Chủ tịch bộ môn Địa lý Bộ Giáo dục đào tạo đã được đánh giá cao. Nhưng các công trình khoa học, những tác phẩm của ông về khoa học địa lý mới được mọi người và chính ông coi trọng hàng đầu. Miền núi và con người(1970), Cơ sở địa ký tự nhiên(1983-1984), Địa lý đồng bằng sông Cửu Long(1986), Thiên nhiên Việt Nam(1977), Tổ chức đồng bằng sông Hồng và tuyến trọng điểm(1994), Tổ chức lãnh thổ Việt Nam(1996) và V iệt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý(NXB Thế Giới 1998-607 trang, được in bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Việt). Những tác phẩm đó tuy chỉ là một phần công trình khoa học đồ sộ nhất của Lê Bá Thảo cũng đã đủ để đưa ông lên một trong những vị trí cao nhất của khoa học địa lý nước nhà. Đặc biệt cuốn Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý đã gây được tiếng vang lớn ở Paris ngay sau khi bản tiếng Pháp ra đời. Trên tờ AFRASE (Hiệp hội nghiên cứu về Đông Nam Á của Pháp), nữ giáo sư Manuelle Franck tại INALCO (Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh phương Đông quốc gia Pháp) viết ngay sau khi bà mới được đọc bản tiếng Anh: “AFRASE không có lệ điểm sách xuất bản bằng tiếng Anh, nhưng đối với cuốn sách này của Lê Bá Thảo là một ngoại lệ”. Và bà khẳng định: “Đây là cuốn sách vượt hẳn lên mọi cuốn sách địa lý Việt Nam đã được xuất bản đến hôm nay” (Afrase số 47/1998).
***
Giáo sư Lê Bá Thảo, con người thẳng thắn, giản dị, có cái nhìn nhân hậu và có tình người ấy rất dễ gần tuy ta vẫn nhận ra cái “cốt cách kiêu ngạo” bên trong. Người trí thức Tây học xuất thân từ một gia đình công chức ấy cuối cùng đã trở thành đảng viên cộng sản. “Tôi đã thích nghi được, vất vả, đau đớn nữa là khác. Nhưng tôi thích nghi và không đánh mất chính mình”- đó là điều ông nói với tôi khi ông đã ở tuổi 76. Trả lời câu hỏi, những gì ông tâm đắc nhất trong một đời làm người tình chung thủy của địa lý Việt Nam, ông đáp: “Có chứ! Đó là vấn đề tổ chức lãnh thổ hay tổ chức không gian” (L’organisation de l’espace) của đất nước. Trước đây, những nhà địa lý lớn người Pháp về Việt Nam như P.Gourou tuy có nghiên cứu sâu sắc về địa lý Đông Dương, nhưng họ chưa có thể bàn về vấn đề tổ chức không gian, đơn giản vì phương hướng này chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Mỹ và phương Tây từ năm 1950. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây tôi đã trình bày được cặn kẽ vấn đề đó nhằm mục đích sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước tốt hơn. Tôi cũng đã đi tới những kết luận trong việc nghiên cứu phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng lãnh thổ và cuối cùng là những dự báo cần thiết cho tương lai. Quả thực trước đây những vấn đề đó vẫn còn là những trang trắng trong khoa học địa lý nước nhà”. Như tôi hiểu, Lê Bá Thảo đã đột phá một bước lớn trong việc nâng cao và biến đổi căn bản phương hướng nghiên cứu địa lý học nước nhà. Trước đây, địa lý chỉ là một khoa học mô tả thiên nhiên. Với phương hướng “tổ chức không gian” địa lý đã biến thành một khoa học hướng dẫn hành động và được ứng dụng trong thực tiễn.
Tôi cũng biết sự đánh giá cao của bạn bè, đồng nghiệp và nhiều nhà địa lý đương đại trên thế giới về những công trình nghiên cứu của ông. Tiến sĩ Patroce Cosaert, Giáo sư Đại học La Rochelle đã cho rằng nội dung Chương trình Quy hoạch lãnh thổ đồng bằng sông Hồngdo Giáo sư Lê Bá Thảo đưa ra đã thu hút được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, những người phụ trách quy hoạch về kết cấu không đồng đều của lãnh thổ, về tầm quan trọng của việc điều tra và nghiên cứu trên thực địa trước khi đi đến quyết định qui hoạch phát triển. Cụ thể giáo sư đã phân biệt lãnh thổ đồng bằng sông Hồng thành hai vùng: vùng 1 là bản thân tam giác phát triển với các cực Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long đã được công nghiệp hóa và có khả năng thu hút các nhà đầu tư; vùng 2 chủ yếu là nông nghiệp đang còn ở trong nền kinh tế khép kín vì thiếu đường giao thông. Đặc biệt Giáo sư đã nhấn mạnh vai trò của thành phố (gọi là các cực phát triển) và các trục giao thông (các tuyến lực) trong kiến trúc của không gian. Hai khái niệm nay lần đầu tiên được GS Lê Bá Thảo đưa ra chắc chắn sẽ được sử dụng lâu dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo và các nhà qui hoạch.