Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 14/10/2022 15:08 (GMT+7)

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại”.

Ông Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

tm-img-alt

Ông Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiếm Trưởng ban KH,CN&MT, LHHVN phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, bùng nổ thông tin vừa tạo cơ hội nhưng cũng gây ra không ít khó khăn, thách thức cho báo chí.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất đến các công nghệ số. Chuyển đổi số không phải việc của riêng ai. Chuyển đổi số là xây dựng một quy định mới, xây dựng một cách làm mới. Xã hội cũng đang thực hiện là xã hội số, mỗi con người đều gắn với y tế số, hộ khẩu số, thuế số… như vậy báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển.

Trong tham luận của mình, ông Phạm Bích San (Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Thăng Long) chia sẻ, viết gì và viết như thế nào để có thể cung cấp kiến thức mới mẻ cho bạn đọc, để đóng góp ý kiến, phản biện xã hội mới là quan trọng.

Chuyển đổi là một quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố cần tác động tới, thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.

tm-img-alt

Ông Phạm Bích San, Khoa Truyền thông đa phương tiện Đại học Thăng Long

Theo ông Phạm Bích San, để phát triển được mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện, báo chí cần tới một số điều kiện đủ nữa.

Thứ nhất, đầu tư cho chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện là cao. Do vậy, cần có sự ổn định về thương hiệu và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí.

Thứ hai, tốc độ của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện rất nhanh, do đó những luận điểm đưa ra trong nhiều trường hợp chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, sự tương tác, sức mạnh của truyền thông số, có thể có những kết quả bất định. Do vậy, cần phải có khung pháp lý rõ ràng để truyền thông số và đa phương tiện có thể hoạt động được trong những điều kiện biến động như vậy. Đặc biệt, cần có một hệ thống tư pháp hiệu quả theo tiêu chuẩn hiện đại.

Nhà báo Đặng Đình Chấn, Tạp chí Việt Nam Hội nhập, nêu quan điểm, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí rất khó, do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu.

Thực tế hiện nay, trong môi trường thông tin cạnh tranh, có nội dung hay chưa đủ, các cơ quan báo chí rất cần phải đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số nếu thực hiện thành công, sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả.

Trong công cuộc chuyển đổi số nói chung, báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, chuyển đổi số báo chí là một yêu cầu không thể không làm, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng thông tin truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Mà độc giả đã như vậy thì các cơ quan báo chí phải đuổi theo và thậm chí đón đầu họ ở các nền tảng mới. Nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại, có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo nhà báo Đặng Đình Chấn, mỗi cơ quan báo chí cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Cụ thể, trong thời đại 4.0, báo chí không còn là một tờ báo đơn thuần mà phải hướng tới là một tổ hợp, một công ty tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, cho dù về quy mô có sự khác nhau đối với mỗi đơn vị báo chí. Bên cạnh đó, báo chí thực hiện chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất để không còn có sự giằng co giữa cũ và mới. Đó cũng chính là vấn đề tư duy.

Khi đã có tư duy đúng và thực sự muốn thực hiện chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ tìm tòi và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, gắn với đội ngũ làm chuyển đổi số được đào tạo, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Đây là nội lực quan trọng của cơ quan báo chí.

Cũng từ tư duy và nội lực này và từ góc nhìn chuyển đổi số, việc triển khai xây dựng cơ quan báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông số là việc làm cần thiết. Qua đó, để độc giả, người dân được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý... Tất nhiên để làm được việc này, cơ quan báo chí phải nỗ lực và đầu tư rất nhiều, cũng không dễ gì hoàn thành được trong một sớm một chiều.

tm-img-alt

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông & PBKT, LHHVN

Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Hồng, người làm báo cũng đừng quên cái làm nên giá trị báo chí ở bất kỳ thời nào chính là đạo đức nghề. “Nếu chúng ta không lấy lợi ích công chúng làm đầu, không trung thành với sự thật, không minh bạch, không trung thực trong nghiệp vụ và nội dung, thì đa năng hay cách tân đến mức nào cũng khó thành công”, ông Lê Hồng nhấn mạnh.

Đồng thời, nhà báo Lê Hồng khẳng định, báo chí là thị trường nhưng cũng là một thiết chế xã hội mà tầm ảnh hưởng chỉ có thể phát huy tích cực khi dựa trên các chuẩn mực đạo đức. Chỉ có như vậy báo chí mới tạo dấu ấn riêng trong thế giới thông tin ngày nay.

Xem Thêm

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Lạm bàn về Tạp chí khoa học hiện nay!
Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí (trong đó có hơn 300 tạp chí khoa học); 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Xuất bản và Vụ Báo chí - XB (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm việc với NXB Tri thức
Ngày 26/2/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN đã chủ trì buổi làm việc với Nhà xuất bản Tri thức. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và toàn thể cán bộ, người lao động của Nhà xuất bản Tri thức.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.