Chữa viêm xoang bằng y học cổ truyền
Việc điều trị viêm xoang mạn tính phải nhằm vào hai yêu cầu: bổ thận âm và nạp khí về thận. Đối với trường hợp viêm xoang cấp hoặc khi có những triệu chứng sưng nhức khó chịu, bội nhiễm do phong nhiệt cần giải tỏa gấp, có thể dùng thêm các biện pháp tiêu viêm, tiêu độc. Tuy nhiên, các phương dược điều trị triệu chứng này chỉ là phụ và tạm thời. Bệnh càng kéo dài thì âm hư càng nặng, phải chú trọng đến gốc ở thận. Khi sự cân bằng âm dương đã được thiết lập, hỏa sẽ tự yên vị. Mặt khác, khi chính khí đã vững, sức đề kháng vươn lên, tà khí sẽ tự lui.
Các bài thuốc:
Lục vị địa hoàng
Lục vị là một cổ phương căn bản và thông dụng trong y học cổ truyền để bổ thận âm. Gọi là lục vị vì bài thuốc gồm sáu vị. Để nạp khí về thận, Hải Thượng Lãn Ông thường dùng thêm ba vị: mạch môn, ngũ vị, ngưu tất. Ngoài ra, vì là bệnh lâu ngày nên dùng thêm cao ban long (chế từ sừng hươu nai) để tăng hiệu quả.
Như vậy, một bài thuốc lục vị gia giảm để trị viêm xoang có thể bao gồm: Thục địa 1 6g, cao ban long 8 g, hoài sơn 8 g, mạch môn 8 g, sơn thù 8 g, ngũ vị 6 g, đơn bì 6 g, ngưu tất, 8 g, trạch tả 4 g, bạch phục linh 4 g.
Lần thứ nhất, đổ ba chén nước, sắc còn một chén. Lần thứ hai, đổ hai chén nước, sắc còn nửa chén. Hòa chung hai lần nước thuốc lại, chia uống hai hoặc ba lần trong ngày. Hâm nóng trước khi uống. Có thể dùng liên tục từ 10-15 thang.
Một số người không tiện “sắc thuốc” thì có thể dùng lục vị hoàn mua sẵn ở thị trường Đông dược. Trường hợp này dùng thêm cao Ban long bằng cách cắt nhỏ nấu cháo hoặc hấp cơm để ăn.
Bổ âm tiếp dương
Ở người lớn tuổi, viêm xoang thường phối hợp với nhiều chứng bệnh mạn tính khác khiến cơ thể suy nhược, ăn kém, thở yếu, hay mệt, chứng tỏ khí huyết âm dương đều kém. Những trường hợp này nếu bổ khí không khéo có thể làm tăng khí nghịch, nếu bổ âm đơn thuần có thể làm ngưng trệ tỳ vị. Mà khi tỳ vị đã trệ thì thuốc gì cũng khó chuyển hóa.
Do đó, cần sử dụng thêm các vị thuốc cam, ôn như nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, can khương để tiếp dương xen kẽ với bổ âm. Với cách điều trị này, khi âm đã vượng lên một phần thì dương cũng tiến được nửa phần; từng bước nâng lên mà vẫn bảo đảm không làm chênh lệch thái quá sự cân bằng giữa âm và dương.
Bàn về cách tiếp dương trong bổ âm, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi lại một phương thuốc rất có giá trị: Thục địa 120 g, can khương 12 g (sao đen tẩm đồng tiện), bố chính sâm 60 g, bạch thược 20 g (sao đen tẩm đồng tiện), bạch truật 40 g. Đây là một thang đại dược, phân lượng lớn, sắc đặc chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Điều trị không dùng thuốc
Có không ít trường hợp viêm xoang dai dẳng nhiều năm, tái đi tái lại sau nhiều lần điều trị khiến người bệnh nghĩ mình sẽ phải sống chung với bệnh suốt đời. Sau đó, vì những lý do khác nhau (chẳng hạn để điều trị một bệnh khác hoặc để tăng cường sức khỏe), người bệnh gia nhập một nhóm tập dưỡng sinh. Điều không ngờ là sau vài tháng, người bệnh chợt nhận ra những triệu chứng khó chịu của viêm xoang đã tự biến mất.
Kết quả này không có gì lạ nếu ta hiểu rằng, tất cả những phương pháp dưỡng sinh, ngoài tác dụng nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng - thì hiệu ứng sớm nhất, trực tiếp nhất mà người tập đạt được là sự thư giãn, an tĩnh. Y học hiện đại cho rằng sự an tĩnh có thể điều hòa được thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh vốn có của hệ thần kinh trung ương, qua đó điều hòa nội tiết và cải thiện hoạt động của cơ quan. Điều hòa thần kinh giao cảm cũng có vai trò cân bằng hai yếu tố âm và dương trong cơ thể. Hơn nữa, theo quy luật “Thần tĩnh tất âm sinh”, sự thư giãn và nhập tĩnh có tác dụng sinh âm và bổ âm.
Ngoài ra, hầu hết các bài tập dưỡng sinh từ tư thế, động tác đến ý thức đều làm cho khí trầm Đan điền, chính là yêu cầu dẫn hỏa quy nguyên hoặc nạp khí về Thận để trừ hư Hỏa, giúp điều trị viêm xoang. Do đó, việc kiên trì tập luyện đúng phương pháp các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền, khí công, ngồi thiền… cũng là những cách điều trị hiệu quả đối với bệnh viêm xoang mạn tính.
Nguồn vnexpress.net 18/06/2005