Chữ Vạn
Hồi còn bé, tôi đã chú ý và có nhiều thắc mắc về ý nghĩa của dấu hiệu này. Tôi hỏi sư, sư bảo: “Đó là chữ Vạn, biểu tượng của Đức Phật. Nó tượng trưng cho đức Đại Hùng, Đại Lực, Đại từ bi của Phật. Nó là hình tượng của “Bánh xe Pháp luân” đang vận động. Bốn cánh của chữ Vạn còn mang ý nghĩa của Tứ Diệu Đế, tức là Khổ-Tập-Diệt-Đạo. Có người còn gọi đó là Tứ khổ hải: Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Nó nói lên vòng luân hồi bất tận của kiếp người trầm luân”. Tôi nghe vậy thì biết vậy, thầm nghĩ đạo Phật thật cao siêu, chỉ có một dấu hiệu nhỏ mà mang bao nhiêu ý nghĩa thâm thuý. Sau này đọc lại trong tạp chí Indochine số 126 ngày 28 tháng Giêng năm 1943, tôi thấy có một bài viết về chữ Vạn ở trang 15, có đoạn khá ngộ nghĩnh. Tôi tạm dịch ra để hiến cho các độc giả trẻ hiếu học. Bài có tựa: Chữ Vạn với người An Nam : “Đây là dạng cổ nhất của chữ thập (+) [La croix], có tên gọi là Swastika.
Swastika là biểu tượngcủa Đạo Phật, nói lên sự toàn thiện, toàn mỹ của Đức Phật. Đó là dấu hiệu của sự giải thoát.
Người Ấn Độ đã khắc chữ vạn (Swastika) lên ngực tượng Phật, coi như dấu hiệu tối thượng của sự toàn thiện, toàn mỹ.
Những nhà sư Việt Nam tiếp tục tôn thờ dấu hiệu này mà chẳng hiểu nó có ý nghĩa như thế nào(?!). Họ gọi đó là “Chữ Vạn Thiên Trúc” có nghĩa là “chữ vạn của nước Ấn Độ”. Và có người đã giải thích sự hiện diện của chữ vạn trên ngực Đức Phật như thế này:
“Một tên bạc ác ngày nọ đã đâm một nhát giáo lên ngực của Đức Phật nên Ngài đã giữ mãi vết tích đó suốt đời để nhắc nhở mọi người lánh xa điều ác”.
(Viết theo Dumoutier)
Bài báo còn có một đoạn nói về dấu chữ Vạn đã được dùng rất nhiều trong nghệ thuật trang trí của người Việt Nam ở Bắc bộ, trên các bức trạm trổ và điêu khắc bằng gỗ hay kim loại, để trang trí bàn, ghế, tủ và các đồ dùng nội thất: Tứ bình, diềm cửa, phủ thờ, viền câu đối v.v..
Ở một đoạn khác quan trọng hơn, Dumoutier viết thế này: “Những người phụ nữ của bộ tộc Mán hiện đang sống trên các đỉnh núi Ba Vì ở hai bên bờ sông Đáy, thường sống tập trung thành các cụm dân cư rải rác trên khắp vùng Thượng du đầy núi non xứ Bắc kỳ. Họ thường mặc những bộ quần áo bằng vải thô màu xanh dương có mang hàng dải dài những chữ vạn thêu màu đỏ hay trắng”.
Đây mới là điều lạ. Người Mán cũng tôn thờ Đạo Phật hay đạo Bà La Môn? Hay họ tôn thờ một đấng thiêng liêng nào khác có nguồn gốc thật xa xưa? Điều này xin đặt câu hỏi cho các nhà dân tộc học và phong tục học nước ta.
Nhưng sau khi đọc một quyển sách xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1969 do nhà sưu tầm cổ vật James Churchward viết, có tựa đề: The lost continent of MU(MU, Đại lục bị tiêu trầm) (1) tôi dần dần nghiệm ra, tuy chưa hẳn hoàn toàn tin tưởng vào những điều giải mã và lý giải trong sách.
Theo James Churchward thì chữ Vạn là biểu tượng không phải chỉ riêng của Phật giáo hay Ấn giáo mà là biểu tượng chung của toàn thể nhân loại, trên khắp thế giới. Nó xuất phát từ những ký hiệu tượng hình được ghi trên các linh bài bằng đất thô có độ tuổi hàng vạn năm, tìm được ở Ấn Độ, được cất giấu trong các ngôi đền thật xưa.
J.Churchward đã phân tích và giải mã chữ Vạn thật là chi li. Ông khẳng định chữ Vạn chỉ là biến thể của chữ Thập (+) tượng trưng cho “Tứ Đại Nguyên Động Lực” (Nước, gió, lửa, sấm sét) = Four Great Primary Forces. Chữ Thập và chữ Vạn, cũng như thạch trụ, (pylône, pilier) là những vật biểu tượng có tính tôn giáo, được tôn thờ từ lục địa MU, được truyền sang bờ Tây Thái Bình Dương qua ngõ Miến Điện, Népal, Ấn Độ, sang Ba Tư, tới Lưỡng Hà, Ai Cập, Hi Lạp v.v… và MU được xem như Miền đất Mẹ (Mother-land) của nhân loại, nơi xuất phát mọi nền văn minh cổ nhất thế giới. MU thờ Mặt trời nên tất cả các Dân tộc nào trên thế giới thờ Mặt trời đều chịu ảnh hưởng của nền tôn giáo nguyên thuỷ của MU và J. Churchward phân tích sự tiến triển của chữ Vạn như sau (hình 2):
![]() |
Số 2: Chữ Thập nằm trong vòng tròn. Vòng tròn tượng trưng cho Mặt trời và Vũ trụ, trong đó bao hàm Tứ Đại Nguyên Động lực. Các động lực vận hành trong vũ trụ tạo ra sinh vật, nên hình số 2 này nói lên sự Sáng tạo (biểu tượng của của Đấng Sáng Tạo = Tạo hoá = Hoá công).
Số 3: Bốn cánh của chữ Vạn xoay quanh vòng tròn có chấm. Vòng tròn tượng trưng cho Đấng Sáng Tạo. Mặt trời nằm ở Trung tâm: Vũ trụ xoay quanh mặt trời. Tứ Đại Nguyên Động lực làm cho vũ trụ vận hành. Các cánh của chữ vạn đều xoay về hướng Tây, diễn tả vũ trụ vận hành từ Tây sang Đông (Theo chiều kim đồng hồ).
Số 4: (chữ Vạn không có vòng tròn ở giữa, chiều xoay từ Tây sang Đông). Trong hình này, biểu tượng về đấng sáng tạo bị mất hẳn, chỉ còn lại bộ liên hợp 4 cánh gamma (L) là chữ tượng hình của người Kiu xưa, sau được người Hi Lạp dùng làm chữ gamma, và người La Mã biến thành chữ L (en-lờ). L là cái ê-ke vuông góc (Thước thợ nề) nói về “Người xây dựng” (Builder). Bốn vị “Builders” này kết hợp lại thành “Bộ tứ Builders” gọi là “Tứ Đại Hùng Nhân” (The Four Great Strong Ones) chữ Vạn từ đó lưu truyền cho đến ngày nay.
![]() |
![]() |
Hiện nay ở Châu Âu đang có một bọn người quá khích toan đề xướng thuyết “Tân Phát xít” (Néo-Fascisme) và khôi phục lại chữ “Vạn” của Hitler. Nhưng như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa Phát xít Đức đã gây ra cuộc Đệ nhị Thế chiến tàn hại bao nhiêu triệu nhân mạng trên toàn thế giới, nhất là nó tàn sát người Do Thái rất dã man. Và chữ Vạn, khi còn là biểu tượng tôn giáo có ý nghĩa tuyệt vời, trái lại khi là huy hiệu của Phát xít, nó gây ra bao nhiêu điều tàn ác.
Nguồn: Xưa và Nay số 132+133, tháng 1,2 năm 2003