Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 16/12/2010 22:55 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại

Nhà thơ Cu – Ba Phêlích Pita Rôđơrighêts đã viết: “ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại” (1).

Năm 1970, một năm sau ngày Bác mất, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Vì sao thế giới nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người Hồ Chí minh

Như một niềm tin, như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”.

Nhưng hôm nay, 40 năm Bác Hồ đã đi xa, nhân loại vẫn đang nói về Người, viết về Người với lòng kính yêu trân trọng.

Nhà báo Nico Sơvác, người Urugoay kể lại: Năm 1961, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Matxcova. Được biết tôi từ Urugoay tới, Chủ tịch hơi nheo mắt lại, vuốt chòm lâu một cách khoan thai và Người bắt đầu tả về Cảng Môntêviđêô, về ngọn đồi ở trong Cảng và phong cảnh thủ đô ở gần Cảng. Tôi liền hỏi, làm sao mà Người biết được những chi tiết đó? Người trả lời:

- Bởi vì tôi đã tới đó, tới Môntêviđêô.

- Đồng chí đã đến đó?

- Vâng… Trên một chuyến tàu hàng của Pháp.

- Đồng chí làm gì trên tàu?

- Làm phụ bếp. Tôi gọt khoai tây cho cả tàu!

Lúc ấy, tôi thật không ngờ, vị lãnh tụ thần thoại của nhân dân Việt Nam trong khi còn bôn ba trên thế giới, Người đã đặt chân tới tận vùng miền Nam của Châu Mỹ La Tinh (2).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần viết: “Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật lạ lùng, là một người Việt Nam trẻ tuổi, vừa đến thủ đô Pari không bao lâu, đã thâm nhập ngay được vào đời sống chính trị tại đó, làm những việc cực kỳ quan trọng đối với dân tộc mình, đối với các dân tộc thuộc địa, và góp phần hình thành chính Đảng cách mạng của giai cấp công nhân Pháp” (3).

Ông Giăng Xanhtơni người Pháp, viết: “Ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên với ông Hồ Chí Minh, tôi đã có cảm tưởng rằng con người khắc khổ đó, với bộ mặt thể hiện đồng thời sự thanh minh, mưu trí và tinh tế, là một nhân vật thượng đẳng.

Sự hiểu biết văn hoá rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng vô tư tuyệt đối, đã làm cho uy tín của Người, và lòng tin của nhân dân đối với Người, không có gì so ánh nổi” (4).

Trong cuộc sống của chúng ta, thời đại nào cũng có những con người vĩ đại. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại nổi bật, vì cuộc đời trong sáng của Người gắn liền với sự giản dị và khiêm tốn, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.

Tiến sĩ triết học Sacơrabôrôty, Viện Nghiên cứu Tagore ở Ấn Độ đã viết: “Cụ Hồ mặc quần áo giản dị, nói những lời giản dị, cách xử sự và tính nết giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị, với vẻ mặt tươi cười làm toả ra một sự trong sáng của một tâm hồn giản dị…”.

Ông còn viết tiếp: “Bác Hồ nói bằng tiếng nói giản dị, bằng những câu ngắn gọn và rõ ràng, tránh lối nói văn hoa hay trùng lặp, mang thẳng ý nghĩa của lời nói tới tâm can người nghe. Cách nói giản dị, cởi mở là đặc tính riêng của ông Hồ. ông ưa dùng cách nói ấy ở bất cứ đâu, với những người có học hay không có học (5).

Một nhân vật nổi tiếng khác lại nói: “Nếu ai muốn tìm một vài từ có thể tóm gọn được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì đó là sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của ông” (6).

Giản dị và khiêm tốn là bản chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một khía cạnh trong đạo đức Hồ Chí Minh. Bất cứ ở đâu, và bất cứ lúc nào, lúc ở rừng Việt Bắc hay lúc sống giữa thủ đô tráng lệ, Bác Hồ vẫn luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một cộng sự gần gũi và được sống nhiều năm bên cạnh Bác, khi kể lại lần gặp Bác đầu tiên ở Quảng Châu năm 1926, khi ông cùng mấy chục thanh niên học sinh được sang dự một lớp học do đồng chí Vương giảng dạy đã nói: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là Hồ Chí Minh lúc bấy giờ và Hồ Chí Minh lúc cuối đời, cũng vẫn chỉ là một con người ấy, cũng dáng dấp ấy, một con người mà lúc gặp ngay buổi đầu ai nấy đều thấy rõ đây là một con người giản dị, rất hiền từ, có sức hấp dẫn lạ thường với người xung quanh, và để lại cho người ta những ấn tượng sâu sắc” (7).

Bác Hồ của chúng ta là một con người rất mực khiêm tốn.

Nhiều lần, Bác không nhận mình là nhà thơ, chỉ nhận mình là một nhà báo có kinh nghiệm.

Thời đánh Mỹ, có một nhà báo nước ngoài đến thăm và viết về cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Bài viết ca ngợi nhân dân ta với những đầu đề: “Tấm gương Việt Nam, bài học Việt Nam”. Bác biết và đã thành thực góp ý với nhà báo trẻ: “Thay đầu đề đi bạn ạ. Bạn đừng gọi chúng tôi là những tấm gương, những bài học, mà nên gọi là những kinh nghiệm Việt Nam. Thế là đủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người phi thường và xuất chúng. Mặc dù giữ những địa vị cao, nhưng được gặp Người, ta cảm thấy ngay sự gần gũi, cởi mở và thân thiết. Đúng như nhà thơ Việt Phương đã viết: “Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”. Nghĩ đến Bác, không ai nghĩ đến chức vụ cao nhất của Bác là Chủ tịch nước, hay chủ tịch Đảng, mà chúng ta chỉ nghĩ đến một người Bác mà ta kính trọng nhất, yêu thương nhất, ngưỡng mộ nhất.

Hồ Chí Minh là một con người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất (Phạm Văn Đồng).

Người đã từng lấy áo của mình khoác lên vai một tù binh Pháp.

Với những người lầm đường theo địch, Bác bảo cần có chính sách khoan hồng. “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn”. Năm 1948, viết thư chúc thọ cụ Phùng Lục, một cụ phụ lão hăng hái đóng góp vào quỹ kháng chiến, nhân dịp cụ thượng thọ 90 tuổi, Hồ Chủ tịch xưng cháu: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ, và trân trọng chúc cụ sống lâu, mạnh khoẻ, để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc”. Trong một lần chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tôn giáo, người đã đưa ra một chiếc ghế dựa, đặt ở phía trước để Bác ngồi, Bác đã mời cụ Hà Văn Quận một giáo dân cao tuổi nhất ngồi, còn Hồ Chủ tịch đứng bên cạnh cụ để chụp ảnh”.

Anh em được gần Bác kể lại: “Bất kỳ nhận được thứ quà gì gửi biếu, Bác cũng đều đem chia hết. Cái thì để biếu các bạn quốc tế, cái thì gửi cho thương binh, hay tặng các cháu mẫu giáo.

Một lần, anh em trong phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ở Pari gửi về biếu Bác một hộp kẹo ngon, trong có hạnh nhân. Đây là thứ kẹo hồi hoạt động ở Pháp Bác rất thích. Bác ăn liền hai chiếc. Anh em bàn nhau quyết giữ hộp kẹo này để Bác ăn. Nhưng buổi chiều, Bác đã gọi đồng chí phụ trách lên, bảo:

- Có món quà miền Nam quý lắm, chú ạ. Chú Trần Bửu Kiếm gửi về biếu cho hộp kẹo, có hạnh nhân ngon. Anh em ta ở đây chưa được ăn hạnh nhân bao giờ. Chú đem chia cho anh em ăn.

- Báo cáo Bác, chúng cháu đã xem rồi. Hộp kẹo không có nhiều. Anh em ở đây lại khá đông. Thôi lần này Bác giữ để dùng, rồi lần sau anh em sẽ có.

Nhưng Bác Hồ bảo:

- Lần sau lại có chuyện lần sau. Quà miền Nam quý lắm, Bác muốn chia cho các chú. Nhiều thì mỗi chú một cái. Ít thì anh em chia nhau hai người một cái. Chia đều cho anh em nếm” (8).

Bác Hồ của chúng ta là người như thế đấy. Của ngọn không giữ một mình. Ta lại nhớ có lần Bác nói: “Chúng ta không sợ thiếu. Chỉ sợ không công bằng”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Trong nhiều năm ở gần Bác, không một trường hợp nào tôi thấy Bác bực tức ra mặt, làm tổn thương, dù chỉ thoáng qua, người đồng chí của mình. Đây là điều đến bây giờ hồi tưởng lại tất cả, tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Về cá nhân tôi, tôi thấy cần phải nói ra một câu chuyện khiến cho đến bây giờ, sau nhiều thập kỷ tôi vẫn còn xúc động. Đây là một lầm lỗi của tôi, có ảnh hưởng không hay lắm đến một việc Bác dự định làm. Mặc dầu vậy, Bác chỉ nói với tôi vẻn vẹn có một câu: “Chú làm hỏng việc”.

Và bác Phạm Văn Đồng viết thêm: “Phải là một con người giàu lòng khoan dung, độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy. Chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi” (9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn lớn, một nhà nhân văn lớn. Một con người yêu thiên nhiên và luôn gắn đời sống hàng ngày của mình với thiên nhiên. Khi ở trong rừng Việt Bắc cũng như khi trở về Thủ đô Hà Nội, Người luôn ưa thích mái nhà sàn giản dị, phóng khoáng, với những hàng cây, ao cá, những bồn hoa do chính tay mình trồng và chăm sóc.

Và một điều ít người nói đến, là trong suốt cuộc đời hoạt động của Bác, ở trong nước cũng như nước ngoài, thật sự không có ngày nghỉ, và ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc cụ thể. Có lẽ, Bác chỉ có những giờ phút nghỉ ngơi, ấy là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào và chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc những lúc xem phim vui tối thứ bảy cùng với con, cháu của các đồng chí làm việc ở chỗ Bác.

Cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch là dành cho nhân dân. Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, cùng với Đảng đem lại Độc lập, Tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Người yêu quý con người, chia sẻ đau buồn với những người mất mát, bao dung độ lượng với những người lầm lỗi và hối cải, suốt đời chăm lo cho việc giáo dục người tốt, việc tốt:

Nhà thơ Yến Lan đã viết:

Nghĩ về Bác, nghĩ biển trời

Muốn hoà sự sống, nắng soi tâm hồn…

Nghĩ về Bác, nghĩ Hiếu Trung

Nhân dân vẹn nghĩa, non sông vẹn tình

Nghĩ về Bác, nghĩ hy sinh

Kiệm Cần rất mực, Chính Liêm tuyệt vời

Nghĩ hoài về Bác, Bác ơi!

Mỗi lần nghĩ, một chân trời mở ra!

Nói và làm đúng những điều mình đã nói– Đó là phong cách Hồ Chí Minh, là đạo đức Hồ Chí Minh. Và chính vì thế, Người luôn đem lại niềm tin cho quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo luôn coi trọng phẩm chất của con người. 40 năm Bác đã đi xa, nhưng trong lòng chúng ta không lúc nào vắng Bác. Người vẫn sống mãi cùng chúng ta trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

(1, 2, 3, 5, 6, 7, 9) Hồ Chí Minh, tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, NXB Giáo dục, H. 1997.

(4) Hồ Chí Minh – Con người giản dị và ý chí sắt thép. Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ Chí Minh.

(8) Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.