Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 06/05/2014 20:59 (GMT+7)

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ

Bài đăng trên tạp chí Liberty số 120, ra 10 -3-1888 [1] . Đây là thời kỳ, ngoài chủ nghĩa vô chính phủ, thuật ngữ CNXH bắt đầu “mốt”, còn khái niệm chủ nghĩa cộng sản sẽ nổi trội khoảng ba chục năm sau, vào kỷ nguyên của Lenin.

Chắc là không có một sách động (agitation) nào đạt mức hoành tráng, kể cả về quân số tân binh vừa tuyển được, lẫn cấp độ gây ảnh hưởng, như chủ nghĩa xã hội hiện đại (Modern Socialism). Đồng thời, sự hiểu biết ít, hoặc hiểu sai về nó (Modern Socialism) cũng là vô cùng ghê gớm, không chỉ bởi cả những vị thù ghét lẫn những vị cảm tình với nó, mà thậm chí bởi cả những vị đã nhập vào đội ngũ của nó (Modern Socialism) rồi.

Tình cảnh rủi ro và vô cùng nguy hiểm này hẳn do quan hệ người – người, cái mà trào lưu này, nếu bất cứ thứ gì hỗn loạn đến như thế mà vẫn gọi được là trào lưu, đang  nhắm vào để thay đổi, lại không chỉ dính đến một giai cấp, hay một số giai cấp nhất định, mà dính dáng thực sự đến toàn nhân loại. Về nguyên cớ, một mặt vì các mối quan hệ của thế nhân, về bản chất, đang biến đổi không ngừng và phức tạp vô cùng, hơn  bất kỳ cuộc cải lương nào các nhà cải cách xã hội từng được tiến hành trước đó, mặt khác do các lực lượng tạo tác (great moulding forces) của xã hội, các kênh thông tin và khai sáng, đều hoàn toàn bị kiểm soát bởi các thế lực mà lợi ích của chúng là đối lập với đòi hỏi có tính nền tảng của CNXH: lao động phải thuộc về sở hữu của chính nó (labor should be put in possession of its own)…

Các nguyên tắc của CNXH hiện đại ((Modern Socialism - ở cuối thế kỷ 19) là kết luận logic từ các nguyên lý mà Adam Smith đã trình bày trong các chương đầu của cuốn “Của cải của các dân tộc” (Wealth of Nations) – nói rõ ra: lao động là thước đo chân chính của giá cả. Nhưng Adam Smith, sau khi diễn đạt nguyên lý trên một cách rõ ràng và súc tích nhất, lại đột ngột từ bỏ các nghiên cứu tiếp theo của mình về vấn đề này, và cống hiến hoàn toàn cho các đề tài khác như: giá cả được đo lường thế nào, và của cải hiện đang được phân phối ra sao. Kể từ đó, các nhà kinh tế chính trị học đều noi gương ông, hạn chế chức trách của họ trong việc diễn tả xã hội như nó có trong các thời kỳ công nghiệp và thương mại của nó. Chủ nghĩa xã hội, ngược lại, dành cho mình chức trách diễn tả xã hội nên trở thành gì, và còn cố phát hiện các phương tiện để làm cho xã hội trở thành dạng mà nó (theo các nhà theo chủ nghĩa xã hội) phải trở thành. Khoảng hơn nửa thế kỷ sau khi Adam Smith phát biểu nguyên lý nói trên, (các nhà theo) Chủ nghĩa xã hội đã chộp lấy nó (nguyên tắc của CNXH hiện đại) ở nơi mà Adam Smith đã bỏ rơi nó, và trên con đường theo đuổi nguyên lý này đến những kết luận logic, đã lấy nó làm nền tảng cho một triết học kinh tế mới.

Việc này (phát triển nguyên lý CNXH hiện đại của Adam Smith) dường như đã được tiến hành bởi ba người, thuộc ba dân tộc, ba ngôn ngữ khác nhau: Josiah Warren, một người Mỹ; Pierre J. Proudhon, một người Pháp; Karl Marx, một người Đức gốc Do Thái. Việc từng người trong Warren và Proudhon đến với kết luận của họ một cách độc lập, không có sự trợ giúp từ bên ngoài là rõ ràng, thì việc Marx không vay mượn, ở quy mô lớn, các ý tưởng về kinh tế của Proudhon, lại đáng ngờ (questionable). Tuy nhiên, cách Marx trình diễn các ý tưởng của ông trong nhiều khía cạnh thể hiện được dấu ấn riêng của ông, đến mức ông giành quyền được ghi danh mình như chính chủ của công trình. Các công trình mà bộ ba thú vị này, làm hầu như đồng thời với nhau, dường như biểu thị rằng: Chủ nghĩa xã hội đã lơ lửng trong không khí rồi đấy, rằng thời gian đã chín muồi, và các điều kiện đang đầy hứa hẹn cho việc xuất trình một trường phái tư duy mới…

Không nhất thiết cứ phải dẫn giải đến nơi rằng Warren, Proudhon, hay Marx đã dùng đúng cách diễn đạt như thế, hoặc (nhăm nhăm) theo đuổi đường hướng tư duy như thế (phải đánh đổ độc quyền), nhưng đã rõ ra rằng cả ba ngài này đã đứng trên những lập trường rất căn bản, và luồng tư tưởng chính của họ đều đã vươn được tới những ranh giới nơi họ đồng hành (về tư tưởng)... (Điều quan trọng là) chính tại luận điểm này – cần thiết phải đánh đổ độc quyền, đường đi của các tác gia này đều đụng vào ngã ba. Và họ nhận thấy họ sẽ phải chọn rẽ vào ngả nào: hoặc vô con đường mòn (path) của Quyền lực, hoặc vào con đường mòn của Tự do. Marx dấn vào con đường thứ nhất, trong khi Warren và Proudhon chọn con đường thứ hai. Thế là Chủ nghĩa xã hội Nhà nước (State Socialism), và Chủ nghĩa Vô chính phủ chào đời.

Trước hết, ta xem xét Chủ nghĩa xã hội Nhà nước. Nó có thể được mô tả bằng một học thuyết: tất cả mọi việc của con người đều phải được điều hành bởi chính quyền, bất chấp ý muốn của từng người dân.

Marx, nhà sáng lập Chủ nghĩa xã hội Nhà nước, kết luận rằng con đường duy nhất để xóa bỏ độc quyền giai cấp là: tập trung hóa và hợp nhất mọi lợi ích của công nghiệp và của thương mại, mọi các lực lượng sản xuất và phân phối, thành một thế lực độc quyền khổng lồ trong tay Nhà nước.

Những vị có thể trở thành Chính phủ (government – nhà cầm quyền) là: chủ ngân hàng, chủ xưởng, chủ nông trại, doanh nhân (làm dịch vụ) vận tải, nhà buôn, và trong các ngành (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) này, nó (chính phủ) không phải chịu cạnh tranh. Đất đai, dụng cụ, các công cụ sản xuất phải bị tước đoạt khỏi tay các cá nhân, và biến thành tài sản tập thể. Chỉ các sản phẩm làm ra (để) tiêu thụ là thuộc về các cá nhân, các phương tiện sản xuất thì không.

Một cá nhân có thể sở hữu quần áo và thức ăn của mình, nhưng không được sở hữu chiếc máy may làm ra chiếc sơ mi cho anh ta, hoặc chiếc xẻng anh ta vẫn dùng đào khoai tây.  Sản phẩm và tư bản là hai thứ khác nhau về bàn chất; sản phẩm thuộc về cá nhân, còn tư bản thuộc về xã hội. Xã hội cần đoạt lấy tư bản, là cái thuộc về nó, bằng cách: hoặc bỏ phiếu, hoặc làm cách mạng, nếu cần.

Một khi xã hội đã sở hữu được tư bản, nó phải được cai quản tư bản theo nguyên tắc đa số, thông qua bộ máy nhà nước, và phải dùng tư bản trong sản xuất và phân phối, phải ấn định giá cả theo tổng lượng lao động đã tiêu hao (để tạo ra sản phẩm), và phải tạo điều kiện cho toàn dân làm việc trong các công xưởng, nông trại, quầy hàng… của xã hội.

Toàn dân phải được chuyển hóa thành một cỗ máy chấp hành khổng lồ (vast bureaucracy), và mỗi cá nhân trở thành một viên chức Nhà nước (như khái niệm “biên chế” tiếng Việt). Mọi thứ đều phải được làm ra thể theo nguyên tắc giá trị, con người ta sẽ không còn động cơ (theo đuổi) lợi nhuận. Mỗi cá nhân không thể được phép có tư bản riêng, và không ai được phép thuê người làm, kể cả thuê chính mình. Mỗi người dân là một vị thuộc diện làm công ăn lương (wage-receiver/lĩnh lương), và Nhà nước là người phát lương duy nhất. Ai không chịu làm việc cho Nhà nước sẽ phải chết đói, hoặc phải đi tù. Tất cả các dạng tự do buôn bán phải triệt tiêu. Cạnh tranh phải bị xóa sạch sành sanh. Tất cả các hoạt động sản xuất và thương mại phải được tập trung vào một (cơ chế) độc quyền, rộng khắp, to lớn, ôm tất tần tật (all-inclusive). Thuốc để trị (bệnh) nhiều độc quyền là cơ chế độc quyền duy nhất (The remedy for monopolies is monopoly).

Đó là chương trình kinh tế của CNXH Nhà nước, theo kiểu Karl Marx.

Những áp dụng tiếp theo của nguyên tắc Quyền lực, khi nguyên tắc này được đưa vào (lãnh đạo) nền kinh tế, dẫn đến những điều gì, là quá ư hiển nhiên. Nó có nghĩa là sự kiểm soát tuyệt đối của đa số đối với hành vi của cá nhân. Quyền được kiểm soát như thế (của đa số) đã được xác nhận bởi các những người theo CNXH Nhà nước, mặc dù họ vẫn khăng khăng, rằng cá nhân rồi sẽ được hưởng tự do rộng rãi hơn là hiện tại họ đang có. Nhưng cá nhân chỉ được phép có tự do thôi, không được tuyên bố tự do là quyền không tách rời (he could not claim it as his own). Đâu có cơ sở nào để kiến thiết xã hội (theo chủ nghĩa xã hội Nhà nước) dựa trên đảm bảo là bất kỳ ai cũng được hưởng quyền tự do thả cửa (a guaranteed equality of the largest possible liberty). Tự do (trong một xã hội XHCN Nhà nước như thế) chỉ được tồn tại ở mức được chấp nhận (bởi nhà cầm quyền), và có thể bị tước đi bất kỳ lúc nào. Các bảo đảm của hiến pháp sẽ chẳng có hiệu lực. Sẽ chỉ có một điều khoản thôi cho hiến pháp của một nước theo CNXH Nhà nước (State Socialistic country): “quyền lợi của đa số là bất khả xâm phạm”.

Khẳng định của những người theo chủ nghĩa xã hội Nhà nước, là quyền này (của đa số) sẽ không áp dụng trong các trường hợp liên quan đến đời sống tình cảm riêng (intimate), đến quan hệ riêng của từng cá nhân, không được xác nhận bởi lịch sử của các chính quyền. Có một xu hướng của quyền lực là luôn tự vơ vào, luôn tự mở mang lãnh địa của mình, luôn lấn chiếm ra ngoài giới hạn từng được xác định cho quyền lực ấy; và khi nào thói quen chống lại những cơi nới (của quyền lực) không được khuyến khích, còn các cá nhân thì không được dạy dỗ để ganh đua vì các quyền lợi của mình, nhân cách (individuality) dần dần biến mất, và chính quyền, hay nhà nước trở thành nhân tố bao trùm mọi mặt đời sống (the all – in – all).

Kiểm soát dĩ nhiên đi kèm trách nhiệm. Vì thế, dưới chế độ XHCN Nhà nước, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe, thịnh vượng, trình độ học vấn của cá nhân, thì hiển nhiên là cộng đồng, dưới sức ép số đông, sẽ cố vơ vào mình các điều kiện về y tế, của cải, và học vấn, dẫn tới làm hư hoại, và cuối cùng, sẽ hủy diệt độc lập tính của cá thể, cùng với mọi cảm giác trách nhiệm cá nhân gắn với nó [2] .

Dù các vị theo XHCN Nhà nước có cố khẳng định điều này hay phủ định điều kia, thì chế độ của họ kiểu gì rồi cũng thành: một tín ngưỡng Nhà nước (State religion – tín ngưỡng toàn tòng cho cả nước) chi phí nhờ vào việc tất cả mọi người đều phải cúng hiến (cho thứ tôn giáo này), và phải quỳ lạy trước bàn thờ chung; thành một trường đào tạo thày thuốc cấp toàn quốc, nơi những (ai bị xem là) bệnh nhân đều buộc phải đưa vào diện điều trị; thành một hệ thống vệ sinh cấp nhà nước, nơi mọi người buộc phái làm theo hướng dẫn: ăn gì, uống gì, mặc gì, làm gì; một bộ luật về phẩm hạnh (ban hành bởi) Nhà nước (a State code of morals), có thể sẽ không gồm các nội dung  trừng phạt tội phạm, nhưng sẽ cấm những gì bị đa số coi là suy đồi; thành một hệ thống chuyên ban hành các chỉ thị chung cho cả nước (a State system of instruction), nơi mọi trường học, học viện, trường cao đẳng tư thục bị tiêu biến; thành một trại nhi đồng cỡ toàn quốc, nơi tất cả trẻ em lớn lên trong chung đụng (in common) nhờ vào chi tiêu công; và cuối cùng, thành một đại gia đình quy mô toàn quốc, nơi thử nghiệm nuôi nấng, dạy dỗ tất cả trẻ con (bằng tiền của công), nơi mà không một đàn ông hay đàn bà nào được đẻ con, nếu đã bị nhà nước cấm, và không một ai được từ chối sinh con đẻ cái, nếu nhà nước ra lệnh.

Bằng cách ấy, mà Quyền lực sẽ đạt được địa vị tột đỉnh, và Độc quyền sẽ trở thành quyền lực tối thượng.

Trên đây là hình mẫu mà người theo CNXH Nhà nước sẽ đi tới, cũng là đích đến trên nẻo đường mà Karl Marx chọn (sau khi tới “ngã ba”). Còn bây giờ ta đi theo Warren and Proudhon – những người rẽ sang lối khác – lối đi của Tự do.

Con đường này dẫn tới Chủ nghĩa Vô chính phủ, có thể diễn giải bằng Học thuyết sau: mọi việc của con người đều phải được tiến hành bởi các cá nhân, hay các tổ chức tình nguyện, rằng Nhà nước phải bị bãi bỏ [3]

Marx, như ta đã thấy, giải quyết vấn đề bằng cách tuyên bố  tư bản và sản phẩm là hai thứ khác nhau. Ông ta khẳng định rằng tư bản thuộc về xã hội, phải được xã hội đoạt lấy, và khai thác vì lợi ích mọi người một cách bình quân (for the benefit of all alike).

Prudon thì đưa việc phân biệt tư bản và sản phẩm ra để nhạo báng. (Đối lập với Marx) ông ta cho rằng  tư bản và sản phẩm không hề là những hình thái khác nhau của của nả (wealth – giàu có), rằng mọi dạng tư bản hay sản phẩm chỉ, hoặc đóng vai trò những điều kiện, hoặc đóng vai những chức năng (functions) cho của nả mà thôi; rằng mọi thể loại của cải đều biến chuyển không ngừng: từ tư bản thành sản phẩm vả ngược lại, từ sản phẩm thành tư bản; rằng tư bản và sản phẩm chỉ là những thuật ngữ xã hội; rằng cái đang còn là sản phẩm của người này, lập tức trở thành tư bản của người khác, và ngược lại/vice versa; rằng nếu trên thế giới nếu chỉ còn một nhân mạng thôi, thì toàn bộ của cải đối với anh này sẽ vừa là tư bản, vừa là sản phẩm; rằng hoa trái của lao động quần quật của anh Kèo, khi được bán cho anh Cột, sẽ trở thành tư bản của Cột (trừ khi Cột là một kẻ tiêu thụ không sản xuất gì, trong trường hợp này sản phẩm sẽ trở thành của cải bị thải đi, bị đặt ra ngoài tầm quan sát của nền kinh tế của xã hội); rằng cái máy khâu cũng là một thứ sản phẩm, giống như cái áo, và cái áo cũng là một thứ tư bản, như một cái máy khâu; rằng khâu sở hữu bị chi phối bởi cùng một bộ luật bình đẳng: những luật lệ chi phối sự sở hữu của Kèo, nhưng Kèo này đến lượt mình lại chi phối sự sở hữu của Cột…

Sự phát triển của chương trình kinh tế (của Warren và Proudhon) bao gồm sự tiêu hủy các dạng đặt quyền (đặc quyền phát hành các loại hối phiếu, đặc quyền về đất đai, đặc quyền về thuế, đặc quyền về cấp phép sáng chế/ môn bài…) và thay chúng bằng dạng cao nhất của tự do cạnh tranh, đã đưa các tác giả này đến kết luận, là tư tưởng của họ xây dựng trên cùng một nguyên tắc cơ bản, đó là tự do cá nhân, là chủ quyền của một cá thể đối với chính anh ta, đối với sản phẩm lao động, đối với công việc của anh ta, và đối với sở nguyện không khuất phục sự sai khiến của các thế lực bên ngoài. Ý đồ tước đoạt tư bản khỏi tay tư nhân và giao nó cho chính phủ đã dẫn dắt Marx vào con đường hẻm (path) dẫn tới điểm cuối đường là,  làm cho nhà nước trở thành mọi thứ, còn cá nhân thì chẳng là gì. (Ở chiều song đối) ý đồ tước tư bản khỏi các dạng độc quyền được chính phủ bảo hộ và đặt nó vào tầm dễ với của cá nhân đã xui khiến Warren và Proudhon vào con hẻm, với điểm cùng đường là làm cho cá nhân trở thành tất cả, còn chính phủ biến thành cái chẳng là gì [4]

Lập trường của họ đối với vấn đề này (như “Chính quyền tốt nhất là chính quyền chỉ đạo ít nhất” [5] ) là chủ chốt trong thái độ của họ đối với mọi vấn đề khác mang bản chất chính trị hay xã hội. Về mặt tôn giáo họ là vô thần chỉ khi bày tỏ các quan điểm riêng của từng người, bởi vì họ nhìn nhận thần quyền và những hình phạt tôn giáo về mặt đạo đức như sự viện cớ của các giai cấp có đặc quyền nhằm áp đặt quyền uy của chính các giai cấp ấy. “Nếu ông Trời có thực”, Proudhon nói, “ông ta là kẻ thù của con người”. Tương phản với phát biểu trào lộng của Voltaire, “Nếu ông Trời không tồn tại, cần phải tạo tác ra ông ta”, nhà vô chính phủ (nihilist) [6]vĩ đại người Nga Mikhail Bakunin [7]đưa ra phản đề sau: “Nếu ông Trời tồn tại, cần phải thủ tiêu ông ta”. Tuy nhiên, dù vẫn xem thứ bậc tôn ti về tôn giáo là thù địch với vô chính phủ và không công nhận chúa Trời, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ đứng vững trên lập trường tin vào tự do. Họ hăng hái chống lại những  phủ định quyền tự do tôn giáo…                                     


[1]Nguồn tiếng Anh:

http://praxeology.net/BT-SSA.htm ;

tiếng Nga:http://www.inlib.org/tucker/liberty-equal-for-all/state-socialism-and-anarhism

[2]Đoạn này có thể kiến giải bằng ngôn ngữ hiện đại: bao cấp (cấp dịch vụ, hàng hóa công gần như không mất tiền, theo “bình xét”…) dẫn đến xu hướng “chùa” các hàng hóa, dịch vụ này theo kiểu: “cuốc xẻng phân từ dưới lên, đường sữa phân từ trên xuống”). Cũng còn có thể suy luận: ai cũng cố “khai tăng” để dành thuận lợi trong sử dụng dịch vụ công vốn miễn phí, trong bổ nhiệm cán bộ (kiểu như hiện tượng “bằng tại chức”)… Báo AiF (Luận chứng và sự kiện) của Nga, số 17, 19, 2010 cho rằng một trong những khuyết thiếu và bi kịch lớn nhất của Nga – Liên Xô là “không coi người là người”, dẫn đến một tử huyệt là triệt tiêu khái niệm trách nhiệm cá nhân, ai cũng muốn ỷ vào tập thể, cả lúc cầu lợi, lẫn lúc “có sự cố”…

[3]Những năm 1880, các nhà vô chính phủ được xem là những người chống đối hệ thống xã hội dựa trên cơ chế tư bản chủ nghĩa. Nhiều nhà hoạt động công đoàn (cyndicalist) theo chủ nghĩa vô chính phủ. Nhiều hoạt động đấu tranh ôn hòa của công nhân nổ ra. Nhưng trong cuộc tuần hành 4-5-1886 đòi ngày làm 8h tại Quảng trường Haymarket, Chiacgo, Mỹ đã xảy ra vụ thảm sát dẫn đến một số cảnh sát và công dân thương vong. Dẫn đến 8 người theo chủ nghĩa vô chính phủ bị bắt, 4 người trong đó bị kết án treo cổ, một người tự sát trong tù, hai người bị án chung thân (Vụ Tám người vô chính phủ/The eight arnachists). Về sau, một số nguồn cho rằng toàn thế giới được hưởng chế độ làm việc 8h và ngày Lao động 1-5 là do công của các nhà vô chính phủ đầu tiên…  

[4] Trong phần nói về chủ nghĩa vô chính phủ kiểu Warren và Proudhon, có bóng dáng của xã hội mẫu hệ hiện đại kiểu của người Mo Suo (Xưa và Nay số 425, tháng 4-2013), với câu: when the children born of these relations shall belong exclusively to the mothers until old enough to belong to themselves - khi bọn trẻ sinh ra từ các quan hệ như thế này (trong nhà có các buồng dành riêng cho những người tình khác nhau của chủ nhà), chúng sẽ hoàn toàn thuộc về người mẹ cho tới khi trưởng thành đến mức chỉ thuộc về chính chúng…

[5] The best government is that which governs least – phương châm của  Tạp chí Hoa Kỳ và quan sát Dân chủ /The United States Magazine and Democratic Review, một ấn phẩm xuất bản định kỳ ở Mỹ, thời 1837–1859

[6] Riêng trường hợp những nhà vô chính phủ kiểu Nga (theo đuổi một trường phải vô chính phủ cực đoan, quá khích hơn), thường dùng chữ nihilist (còn nghĩa là người theo thuyết hư vô nihilism), các trường hợp khác, về chủ nghĩa vô chính phủ, chữ anarchist thường được dùng.

[7] Theo Bakunin: “Họ [các nhà Marxists] luôn xác nhận rằng chỉ là một chế độ độc tài – dĩ nhiên là chế độ độc tài của họ - có thể tạo ra ý chí nguyện vọng (will) cho người dân, nhưng câu trả lời của chúng tôi về điều này là: không có chế độ độc tài nào nhắm được vào mục đích nào khác hơn, ngoài tự làm cho mình bất tử (self-perpetuation), và nó chỉ có thể là cha đẻ của nô dịch, nhờ vào việc người dân phải chịu đựng nó (chế độ)...”

M.Bakunnin, sách Chủ nghĩa Nhà nước và Vô chính phủ (Statism and Anarchy),1873, tr. 288. Dẫn theo http://www.nybooks.com/articles/archives/1976/apr/01/freedom-and-anarchy/?pagination=false

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.