Chiến thắng 30/4/1975: Đòn thăm dò chiến lược
Kế hoạch lệnh cho tất cả các lực lượng cộng sản hành động ngay lập tức và quyết liệt, bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, để khai thác thời cơ ấy bằng cách tổ chức tấn công toàn diện, nhằm giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi các nước “có xu hướng can thiệp”, chủ yếu ám chỉ Mỹ và Trung Quốc, kịp phản ứng.
Kế hoạch tấn công năm 1975 được chia thành ba giai đoạn và sẽ được tiếp nối vào năm 1976 bởi một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” để “giải phóng” hoàn toàn miền Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch 1975 là một cuộc tấn công có giới hạn trong địa bàn tác chiến của Trung ương Cục miền Nam, kéo dài từ tháng 12/1974 tới tháng 2/1975. Giai đoạn hai, trung tâm của Tổng tiến công 1975, sẽ bắt đầu từ tháng 3/1975 với cuộc tấn công tầm cỡ quân đoàn vào tiền đồn gần biên giới Đức Lập trên Đường 14 tại phần cực phía nam của Tây Nguyên.
Trận Đức Lập sẽ được hỗ trợ bởi các hoạt động phụ có tính chất nghi binh ở miền Đông Nam Bộ (toàn khu vực từ Sài Gòn tới rìa Tây Nguyên), vùng hạ du ở miền Trung Việt Nam, và khu vực Trị Thiên (phía bắc vùng hoạt động của Quân đoàn I VNCH). Giai đoạn ba, từ tháng 8 đến tháng 10/1975, kết hợp các cuộc tấn công truy đuổi ở phần phía bắc của miền Trung, củng cố lực lượng QĐNDVN trên phần còn lại của miền Nam, và chuẩn bị “kế hoạch bất ngờ” khi cần.
Sơ đồ chiến dịch Đường 14 - Phước Long (Wikipedia).
Các mục tiêu kế hoạch cho năm 1975 là tiêu hao một phần đáng kể tổng lực của VNCH; làm thất bại chương trình “bình định”; mở rộng mạng lưới hậu cần tiếp tế của QĐNDVN xuống Đường 14 tới tận đồng bằng sông Cửu Long; chặt đứt đường liên lạc của đối phương; phá hoại nền kinh tế miền Nam Việt Nam; và kích động chống đối chính trị nhằm vào chính quyền miền Nam. Tất cả các mục tiêu khác nhau này đều hướng tới mục đích tối hậu: làm hao mòn sức kháng cự của miền Nam Việt Nam và tạo điều kiện cho sự xuất hiện “thời cơ chiến lược”.
Mặc dù Bộ Chính trị phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu trong phiên họp tháng 10, nhưng họ không hoàn toàn thỏa mãn và quyết định gặp lần nữa vào tháng 12 để xem lại các bước tiến triển và duyệt lại kế hoạch nếu thấy cần thiết. Mọi sự cố xảy ra lúc này đều có thể làm thay đổi đáng kể kế hoạch của QĐNDVN. Tại phiên họp toàn thể hồi tháng 10, Bộ Chính trị đã nhận định rằng căn cứ tình hình nội bộ nước Mỹ (hậu quả chính trị của vụ Nixon từ chức), Mỹ sẽ không can thiệp trở lại vào cuộc chiến tranh một cách đáng kể. Điều này dẹp bỏ mối lo ngại chính yếu của các nhà hoạch định chiến lược miền Bắc, cho phép họ tự do cân nhắc khả năng tấn công mạnh hơn.
Thêm vào đó, trong một cuộc giao tranh kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12/1974, Sư đoàn 304 của QĐNDVN đã phá được căn cứ Thượng Đức ở khu vực miền núi phía tây Đà Nẵng, và đánh bại một loạt cuộc phản công quyết liệt của hai sư đoàn VNCH - Sư đoàn số 3 và Sư đoàn Kỵ binh bay. Chiến thắng Thượng Đức thuyết phục các nhà lãnh đạo QĐNDVN rằng quân đội của họ giờ đây đã có thể đánh bại ngay cả những đạo quân tinh nhuệ nhất mà VNCH có thể xây dựng được.
Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào nảy sinh. Khi tướng Trà (Trần Văn Trà) nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Trung ương Cục miền Nam phải dự kiến các tình huống cho một cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn trong trường hợp xảy ra một “sự biến chính trị - quân sự” (đảo chính), ông biến cái “dự kiến” này thành nền tảng kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam cho năm 1975.
Tướng Trà đặt việc chiếm Sài Gòn trong năm 1975, không kéo dài sang năm 1976, là mục tiêu cao nhất trong kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam. Ông yêu cầu Hà Nội ngay lập tức gửi cho mình 3 - 4 sư đoàn để triển khai kế hoạch này, và ông thay đổi giai đoạn một - giai đoạn tấn công của Trung ương Cục miền Nam theo lời kêu gọi của Bộ Tổng Tham mưu - thành một chiến dịch lớn nhằm vào việc tạo cơ sở cho cuộc tấn công vào Sài Gòn, bằng cách chiếm quyền kiểm soát toàn tỉnh Phước Long. Bộ Tổng Tham mưu không đáp lại yêu cầu này.
Trở về Hà Nội vào cuối tháng 11/1974, Trần Văn Trà được biết rằng Bộ Tổng Tham mưu đã bác phần lớn kế hoạch tấn công Phước Long của ông. Sau nhiều nỗ lực, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Tướng Trà. Suốt những cuộc tấn công đầu tiên, quân của Tướng Trà cả phá các đồn nhỏ của VNCH ở Bù Đăng và Bù Na trên Đường 14. Tư lệnh Trần Văn Trà báo cáo về Hà Nội vào ngày 20/12/1974 rằng trong đợt phá hai đồn này, các lực lượng QĐNDVN đã thu được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo.
Kho báu ngoài dự tính này làm các nhà lãnh đạo ở Hà Nội rất đỗi vui mừng. 7.000 viên đạn pháo là hơn nửa số đạn Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trên toàn quốc trong suốt chiến dịch 1975. Ông Trà bây giờ đã có thể lập luận rằng ông có thể sử dụng kho báu này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long theo kế hoạch của ông mà thậm chí không cần động tới số dự trữ đạn dược hiện tại. Trên thực tế, QĐNDVN có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn dược hơn ở các căn cứ lớn hơn. Đó là một lập luận mà các nhà lãnh đạo không thể bác được. Trần Văn Trà được phép triển khai kế hoạch ban đầu của ông.
Vào ngày 6/1/1975, Sư đoàn số 3 và số 7 của QĐNDVN hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long bằng cách chiếm thủ phủ của tỉnh và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Miền Nam thậm chí không có nổi một nỗ lực động tác giả để lấy lại Phước Long. Tuy Mỹ đe dọa hành động bằng cách cho máy bay từ tàu sân bay Enterprise cất cánh hướng về phía miền Nam Việt Nam, nhưng Enterprise đã sớm quay lưng và mối đe dọa từ Mỹ cũng tan thành mây khói.