Chiếc áo “Mùa đông binh sĩ”
Với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với vị cha già dân tộc và xúc động trước tình yêu của Bác đối với chiến sĩ ngoài mặt trận, nhiều người dân Hà Nội trong đó có nhiều nhân sĩ yêu nước và tư sản dân tộc tham dự đều muốn mua chiếc áo để ủng hộ cách mạng và có được một kỷ vật vô giá cho gia đình. Cuộc đấu giá diễn ra khá sôi nổi, giá chiếc áo len của Bác Hồ liên tục được tăng lên. Cuối cùng cụ Trương Văn Thìn đã thắng và mua được chiếc áo với giá: 3.500 đồng tiền Đông Dương. Phấn khởi được mua áo khi về nhà số tiền gia đình chỉ còn 1.000 đồng, ông đã vận động vợ là bà Dung (vợ ông là giáo viên dạy học tại trường nữ sinh Trưng Vương), bán đồ nữ trang của mình mới có đủ tiền trả mua chiếc áo mà ông đã mua được trong cuộc đấu giá ở Nhà hát Lớn Hà Nội (số tiền 3.500 đồng quy ra vàng thời đó là hơn một trăm cây). Trong kháng chiến chống Pháp ông Thìn cùng gia đình luôn mang chiếc áo len của Bác Hồ bên người theo kháng chiến. Trong những lúc gặp gian nguy đồ đạc, tiền nong, giấy tờ bị mất nhưng ông không để mất chiếc áo, ông coi như bảo vật quý của gia đình.
Chiếc áo len được gia đình ông gìn giữ bảo quản cẩn thận bằng hạt tiêu chống ẩm mốc suốt 23 năm không bị phai màu hoặc gián nhấm.
Năm 1969 trước nỗi buồn đau Bác Hồ đi xa, cụ Trương Văn Thìn đã tình nguyện cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chiếc áo để Bảo tàng bảo quản trưng bày.
36 năm qua Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã gìn giữ cẩn trọng chiếc áo len của Bác Hồ do gia đình ông Trương Văn Thìn tặng cho Bảo tàng. Nhân các ngày lễ lớn có các trưng bày chuyên đề Bảo tàng đã đưa chiếc áo ra để trưng bày, giới thiệu cho khách thăm quan, nhiều người xem đã xúc động khi được nghe thuyết minh và giới thiệu về nguồn gốc chiếc áo này.
Nguồn: T/C Xưa và Nay, số 246, 10/2005