Chế tạo thành công thiết bị sấy cơm dừa nạo
Theo anh Lê Nhứt Thống, cơm dừa sau khi rửa sạch, được cho máy xay thành hạt nhỏ và diệt khuẩn từng hạt bằng hơi nước của lò hơi (đã được tách nước ngưng tụ) ở nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 1000C. Sau đó, từng hạt cơm dừa được sấy khô bằng công nghệ sấy tầng sôi, đạt độ ẩm khoảng 3%. Cấu tạo của thiết bị sấy tầng sôi là một buồng sấy được chia thành 3 khu vực riêng biệt, bên dưới buồng sấy có lắp lưới lỗ tròn để cho gió nóng từ quạt thổi vào buồng sấy. Cơm dừa được cung cấp trong buồng sấy bằng sàng lắc tự động (bộ phận sàng lắc đảo cơm dừa được anh Thống mày mò nghiên cứu thành công). Trong quá trình sấy, cơm dừa di chuyển từ đầu đến cuối buồng sấy và ra khỏi buồng sấy một cách liên tục. Tùy theo tính chất vật lý của từng vật liệu sấy, các thông số liên quan đến quá trình sấy, người sử dụng có thể xác định thời gian sấy đạt yêu cầu. Các khâu cuối cùng là làm nguội, phân hạt cơm dừa bằng công nghệ sàng lắc và đóng gói thành phẩm.
Sở khoa học và công nghệ Bến Tre đánh giá cao sáng tạo của anh Lê Nhứt Thống, người đầu tiên ở Bến Tre chế tạo thành công thiết bị sấy tầng sôi thay thế thiết bị ngoại nhập nhằm đảm bảo sự đồng đều và liên tục trong lúc sấy. Sáng tạo này đã giúp anh Thống rút ngắn thời gian sấy, đảm bảo chất lượng về màu, mùi của sản phẩm, độ ẩm tương đối đồng đều, sản phẩm không bị kết thành mảng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất sấy được nâng cao, chi phí tiêu hao năng lượng thấp. Máy có kết cấu thiết bị đơn giản, kinh phí thấp.